Thêm một người trở về với Nhân Dân: Anh Tô Hoài Nam, Khánh Hòa - Tiến Bộ

Breaking

Home Top Ad

Post Top Ad

Thứ Năm, 20 tháng 9, 2012

Thêm một người trở về với Nhân Dân: Anh Tô Hoài Nam, Khánh Hòa


Kính thưa các bạn thôn Dân Làm Báo!

Nhóm công dân Việt Nam (Khánh Hòa) vừa nhận được thông tin từ một người bạn muốn giấu tên: Sau khi nói chuyện về việc anh Nguyễn Chí Đức muốn trả thẻ đảng viên cộng sản, người bạn của chúng tôi cho biết rằng một người có liên quan đến anh Đức - anh Tô Hoài Nam - cũng đã từ bỏ đảng.

Xin hãy chào mừng các anh trở về với Nhân dân!

* * *
Đảng Cộng sản Việt Nam
ĐƠN TỰ NGUYỆN RA KHỎI ĐẢNG
 
Nha Trang, ngày 22 tháng 09 năm 2011
Kính gửi:

- Chi bộ Trung tâm Tin học (CenIT) - Đảng bộ Viễn thông Khánh Hoà (VNPT Khánh Hoà)

Ảnh minh họa
Tôi là Tô Hoài Nam – sinh ngày 02/3/1971, đảng viên sinh hoạt tại Chi bộ Trung tâm Tin học (CenIT) thuộc Viễn thông Khánh Hoà, thẻ đảng số “48.020074”.

Nay tôi làm đơn gửi Chi bộ và Đảng bộ về việc tự nguyện ra khỏi đảng Cộng sản Việt Nam như sau:

Năm 2005, sau quá trình phấn đấu, học tập lịch sử và Điều lệ đảng Cộng sản Việt Nam, tôi tin tưởng vào lý tưởng và tổ chức đảng, nên đã tự nguyện xin đứng vào hàng ngũ của đảng Cộng sản Việt Nam. Ngày 28/3/2005, tôi được Đảng bộ Khối Doanh nghiệp quyết định kết nạp vào đảng. Quyết định khi đó đối với tôi là một vinh dự, và tôi ý thức rằng trách nhiệm của tôi cũng nhiều hơn, nặng hơn khi trở thành đảng viên – như lời tuyên thệ khi vào đảng.

Sau hơn 6 năm sinh hoạt đảng, tôi thấy mình đã không thể đạt được các mục tiêu khi vào tổ chức này:

1- Tôi từng nghĩ “Vào đảng thì mọi đảng viên có trách nhiệm xây dựng nhà nước pháp quyền” như các nghị quyết của đảng đã nêu:

Nhưng vụ đại uý công an Phạm Hải Minh (Công an quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) đạp vào mặt người biểu tình yêu nước bị đảng và cơ quan nhà nước các cấp bỏ qua, không xét xử kỷ luật công minh, tạo điều kiện cho lực lượng công an có thêm nhiều hành vi bạo lực quá mức với người biểu tình chống xâm lược trong tháng 8/2011 và những người dân khác. Mặc dù tôi và nhiều người đã kiến nghị lên lãnh đạo đảng và Bộ Công an yêu cầu điều tra, xử lý nghiêm vụ này để lập lại kỷ cương phép nước (2 bản kiến nghị đính kèm theo đây).

Tôi không còn tin mình có thể tham gia xây dựng nhà nước thượng tôn pháp luật, dù tôi đứng chân trong đảng cầm quyền.

Vậy, đến hôm nay, việc tiếp tục giữ thẻ đảng viên đảng Cộng sản không còn ý nghĩa với tôi nữa.

2- Tôi từng nghĩ “Vào đảng thì mọi đảng viên có trách nhiệm xây dựng đảng”:

Vì lẽ đó, tôi góp ý để mong đảng Cộng sản Việt Nam chấn chỉnh tư cách đảng viên (ngăn chặn đảng viên đánh người yêu nước), sửa đổi đường lối cho hợp lý hơn, có lợi hơn cho đất nước và cho đồng bào (“Trung Quốc không phải là ‘đồng chí’ của Việt Nam”- như bản kiến nghị đính kèm theo đây, “Không để Trung Quốc xác lập ‘biên giới mềm’ trên lãnh thổ Việt Nam”).

Nhưng từ đó đến nay, đảng và nhà nước lại vẫn có những quyết định mà tôi cho rằng trái ngược: Không xử lý nghiêm đảng viên phạm pháp; cấm đoán người dân biểu tình phản đối Trung Quốc gây hấn (gây hấn mang tính chất xâm lược); tiếp tục tuyên truyền cho nhân dân Việt Nam rằng cần coi Trung Quốc là “đồng chí tốt, bạn bè tốt, láng giềng tốt, đối tác tốt”.

Tại Chi bộ CenIT và Đảng bộ Viễn thông Khánh Hoà, các cấp uỷ cho rằng việc giải quyết các nội dung kiến nghị của tôi không thuộc phạm vi phải quan tâm, phải giải quyết của Chi bộ và Đảng bộ. Bên cạnh đó, có những ý kiến yêu cầu tôi: Nếu có gửi kiến nghị - như đã làm - thì đừng lấy danh nghĩa đảng viên, vì cho rằng quy định “19 điều đảng viên không được làm” không cho phép gửi kiến nghị đồng thời cho tổ chức đảng lẫn người ngoài đảng (dù tôi đã giải thích rằng vấn đề tôi nêu liên quan cả đảng viên lẫn người dân ngoài đảng và nếu giải quyết minh bạch đơn của tôi thì chỉ có lợi cho uy tín của đảng trước nhân dân).

Tôi từng quan niệm: Tổ chức đảng và chủ trương, đường lối của nó không chỉ là ý chí và trí tuệ của các uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương mà của toàn thể các đảng viên. Nếu trách nhiệm xây dựng đảng của đảng viên là “im lặng để cho các cấp lãnh đạo đảng quyết định tất cả rồi đảng viên chỉ làm theo” thì tôi thấy mình chỉ nên giữ trách nhiệm công dân là thích hợp.

3- Tôi từng nghĩ “Vào đảng để có môi trường tốt hơn cho việc phấn đấu và cống hiến”:

Từ ngày vào tổ chức đảng đến nay, tôi chưa từng được hướng dẫn phấn đấu gì khác ngoài việc được nhắc nhở trách nhiệm hoàn thành công tác chuyên môn, đi họp để nghe và thực hiện các nghị quyết (chứ không phải học tập hay thảo luận góp ý các văn kiện đảng, ngoại trừ nghị quyết bên trong Chi bộ).

Mỗi khi tôi tham gia hoạt động xã hội bên ngoài phạm vi đó để cống hiến một vài ý kiến nhỏ bé của mình cho đảng, cho xã hội (ví dụ như: tán thành kiến nghị dừng dự án bauxite Tây Nguyên, bỏ tuyên truyền “Trung Quốc 4 tốt”, kỷ luật công an lạm quyền để giữ sự nghiêm minh của pháp luật) thì lập tức có sự cản trở ngay trong nội bộ tổ chức đảng cơ sở: Các đảng viên thờ ơ, dè bỉu “Rảnh quá! Đã có ‘người khác’ lo chuyện đó!” hay nói xa gần “Nên tập trung vào công việc chuyên môn!” (dù công việc chuyên môn của tôi không bị đánh giá thấp). Tổ chức đảng các cấp im lặng hoặc từ chối trả lời nội dung kiến nghị của tôi mà không nêu lý do hoặc vì lý do “không có chức năng, không có thẩm quyền”, chỉ tập trung xem xét cách gửi kiến nghị có vi phạm thủ tục hay không, tức là cứng nhắc về hình thức mà không cần quan tâm kết luận nội dung ý kiến của tôi đúng hay sai. Trong khi đó, tôi đã từng nghĩ tổ chức đảng và đảng viên phải quan tâm trước hết đến sự đúng – sai, tức là công tác định hướng tư tưởng, còn thủ tục hành chính chỉ là phần phụ trợ cho công tác đảng.

Việc tổ chức đảng quá coi trọng hình thức đã làm cho việc giải quyết các kiến nghị của tôi bị vô hiệu hoá, chậm tới mức bằng không giải quyết.

Tôi thất vọng về môi trường đảng mà tôi trải nghiệm. Với trải nghiệm đó, tôi tin rằng dù mình chỉ là công dân - công nhân đơn thuần, tôi cũng có thể đóng góp cho đất nước, cho nhân dân mà không cần mang danh nghĩa trách nhiệm đảng viên.

Còn có nhiều lý do, nhưng những lý do kể trên là đủ để quyết định: Tôi tự nguyện ra khỏi đảng Cộng sản Việt Nam.

Đề nghị Chi bộ và Đảng bộ giúp tôi hoàn tất thủ tục quy định để tôi ra khỏi đảng theo nguyện vọng. Và cũng để tránh cho tôi và những người trong đảng tranh cãi mất thời giờ “Trách nhiệm đảng viên có cản trở trách nhiệm công dân hay không? Điều lệ và các quy định của đảng có mâu thuẫn với mục tiêu phục vụ dân, phục vụ Tổ quốc nhanh chóng, hiệu quả hay không?”

Kể từ sau khi đơn này được Chi bộ chấp nhận, về mặt danh nghĩa chính thức, tôi sẽ không còn chịu trách nhiệm về quan điểm, đường lối và sự quản lý của tố chức đảng Cộng sản Việt Nam nữa.

Người làm đơn

Tô Hoài Nam
-------------
Theo Dân Làm Báo

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad