Tại Hậu Giang xưa ruộng đồng “cò bay thẳng cánh”, nay có những gia đình không đất canh tác, không có cơm để ăn, không đủ áo để mặc, không đất sống. Cả một tầng lớp nông dân Việt Nam nay tha phương cầu thực. Họ có mặt từ Á sang Âu. Họ rời ruộng đồng lên thành thị kiếm sống. Đã nghèo nay lại nghèo hơn. Khoảng cách thu nhập giữa người nghèo và người giàu cứ thế không ngừng gia tăng. Phân hóa xã hội đã trở nên trầm trọng và là mối bất an cho tòan xã hội. Tại sao một đảng và nhà nước luôn tuyên truyền xây dựng “xã hội chủ nghĩa” lại tạo ra một xã hội bất an như trên ?
Đức Hùynh Giáo Chủ |
Tài liệu về Dân Xã Đảng trong bài đều được trích dẫn từ trang 439-443 của quyển “Sấm Giảng Thi Văn Tòan Bộ của Đức Hùynh Giáo Chủ”. Bài viết này xin được thảo luận hai câu hỏi nêu trên.
Chủ Nghĩa Xã Hội
Chúng ta thường lầm lẫn giữa chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản, giữa con người xã hội và con người cộng sản.
Cộng sản là một tổ chức quốc tế. Người cộng sản làm cách mạng là cách mạng quốc tế. Các đảng cộng sản địa phương chỉ là những chi bộ của Đệ Tam Quốc Tế. Cán bộ cộng sản địa phương trực tiếp nhận tài trợ và chỉ thị để cướp và nắm giữ chính quyền địa phương. Cộng sản Việt Nam chỉ là một bộ phận địa phương trong guồng máy cộng sản quốc tế.
Khi nắm được chính quyền, đảng Cộng sản thâu tóm, kiểm soát và quản lý mọi đặc quyền đặc lợi. Họ xây dựng một tầng lớp mới lấy sự trung thành với đảng làm căn bản chia chác quyền lực và quyền lợi. Họ bổ nhiệm những người trung thành với đảng với lãnh tụ đảng vào những chức vụ có quyền lực để thâu tóm quyền lợi. Với người cộng sản động lực đeo đuổi cách mạng chỉ vì quyền lực và quyền lợi.
Khi nắm được chính quyền, việc phân phối phúc lợi tập thể, tài sản quốc gia,... chỉ xẩy ra giữa một số các đảng viên với nhau. Và cũng nhằm mục đích bảo vệ lẫn nhau hay bảo vệ đảng. Ở cuối trào cộng sản bộc lộ các hoạt động bao che, bè phái, ràng buộc gia đình, dòng họ, bạn bè, ... Dẫn đến tình trạng tham nhũng và sứ quân xâu xé đất nước như hiện nay.
Không riêng Việt Nam, mọi quốc gia bị cộng sản chiếm đóng Nga, Tàu, Đông Âu, Cu Ba, Bắc hàn, Lào … đều có chung một hòan cảnh. Tầng lớp cầm quyền cộng sản cực kỳ phản động và luôn bằng mọi cách chống lại chủ nghĩa xã hội cùng con đường cách mạng xã hội. Có nhận rõ điều này mới hiểu tại sao đảng Cộng sản đã ám hại Đức Thầy và luôn tìm mọi cách để tiêu diệt các chiến sĩ Dân Xã Đảng, các tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo.
Còn tại các quốc gia tự do như Hoa Kỳ, Âu Châu, Úc, Tân Tây Lan, … các cá nhân, các đảng chính trị theo khuynh hướng xã hội đều có nhiều cơ hội để phục vụ quyền lợi của các tầng lớp dân chúng họ đại diện. Các cá nhân, các đảng chính trị theo khuynh hướng xã hội nhờ thế đã đóng góp rất nhiều cho đất nước và dân tộc của họ.
Tuyên Ngôn Dân Xã Đảng về Độc Lập Dân Tộc.
Theo tư tưởng, nhận tài trợ, áp dụng phương cách tổ chức và hành động của Đệ tam Quốc tế nhờ thế đảng Cộng sản Việt Nam mới cướp và nắm được chính quyền. Trong khi ấy Dân Xã Đảng luôn chủ trương độc lập dân tộc. Chủ trương này được nêu rõ trong Tuyên Ngôn Độc Lập Dân Xã Đảng do Đức Thầy công bố:
“Việt-Nam Dân Xã Đảng, một đảng quốc gia tranh thủ sự tự chủ hoàn toàn của dân tộc, củng cố nền độc lập quốc gia và cấu tạo xã hội Việt Nam mới.
Sở dĩ Đảng đặt vấn đề độc lập quốc gia trước các vấn đề khác là vì:
1.- Trên lập trường quốc tế, nước Việt Nam có được độc lập, dân tộc Việt Nam mới được sống bình đẳng với dân tộc khác; dân tộc bình đẳng nhau mới chủ trương được dân tộc hiệp lực, mới kiến thiết được hoà bình xác thực cho thế giới.
2.- Dân tộc Việt Nam được tự chủ và mạnh mới tránh khỏi sự chi phối của đế quốc chủ nghĩa để thi hành một cách có hiệu quả những biện pháp chánh trị và kinh tế, đem lại hạnh phúc cho các tầng lớp dân chúng.”
Đất, biển, đảo mất vào tay giặc Tầu xâm lược. Kinh tế kỹ nghệ lệ thuộc vào Trung cộng. Chính trị ngọai giao phụ thuộc vào quan thầy Trung Quốc. Văn hóa xã hội càng ngày càng ngọai lai. Những hợp đồng NHỮNG khế ước giữa hai đảng Cộng sản Việt Trung dẫn đến cảnh nước mất nhà tan, dân tình đói khổ. Thực trạng cho thấy chủ trương của Đức Thầy vẫn còn nguyên giá trị ban đầu, đấu tranh giải phóng dân tộc là con đường các chiến sĩ Dân Xã theo lời Đức Thầy dạy bảo đang tiếp tục dấn thân.
Toàn dân chính trị
Tư tửơng chính trị của Đức Thầy đã được nêu rõ trong Tuyên Ngôn: “Việt-Nam Dân Xã Đảng là một đảng dân chủ, chủ trương thiệt thi triệt để nguyên tắc chánh trị của chủ nghĩa dân-chủ: “chủ-quyền ở nơi toàn-thể nhân-dân”. Đã chủ-trương “Toàn dân chánh trị” thế tất đảng chống độc tài bất cứ hình thức nào. “
Nhân ngày Đức Thầy thọ nạn năm nay người viết đã chia sẻ cùng bạn đọc về chủ trương “Toàn Dân Chánh Trị” của Đức Thầy. Chủ trương mang chính trị xuống đến tòan dân, giáo dục chính trị cho tòan dân và Đảng Dân Xã thành lập làm phương tiện để Đức Thầy có thể áp dụng tư tưởng chính trị tòan dân của mình nâng cao tầm hiểu biết về dân chủ xã hội của hằng triệu tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo, mà đa số là những nông dân ít học. Tư Tưởng và hành động của Đức Thầy đã đi trước thời đại và hòan tòan thích hợp cho một nước Việt Nam Tự Do (Xin xem bài “Đức Huỳnh Giáo Chủ Chủ Trương Toàn Dân Chánh Trị”).
Cách Mạng Xã Hội
Bên cạnh Tuyên Ngôn là Chương Trình của Đảng Dân Xã, trong đó có mục tiêu cách mạng xã hội như sau: “Cải thiện và nâng cao đời sống tinh thần và vật chất của dân cày và thầy thợ bằng cách mở thật nhiều cơ quan y tế, giáo dục, cứu tế, nhà bảo sanh, ấu trĩ viện, nhà dưỡng lão, nhà thương, trường học, nhà hát bóng ... làm cho dân cày cũng hưởng được những ích lợi của khoa học như thầy thợ ở đô thị.”
Được sống tại Úc, người viết đã được hưởng giáo dục, y tế miễn phí, hưởng một xã hội bình đẳng bình quyền, một hệ thống an sinh tân tiến, âu cũng là nhờ công lao của những chính trị gia không ngừng đấu tranh cho xã hội Úc ngày càng tốt đẹp. Trong số những người này có không ít những người đeo đuổi lý tưởng xã hội và dấn thân cải tiến xã hội theo khuynh hướng xã hội. Điều này cho thấy Chương Trình Dân Xã Đảng đưa ra là chương trình khả thi và cần được thực hiện khi Việt Nam có tự do dân chủ.
Xây Dựng Thể Chế Dân Chủ
Mỗi quốc gia đều có những hòan cảnh và điều kiện khác nhau, được hình thành từ nhiều tầng lớp xã hội khác nhau, những người cùng một xu hướng chính trị, có cùng chung các quyền lợi thường tập hợp nhau thành những tổ chức chính trị. Mỗi tổ chức chánh trị đề ra những chính sách theo khuynh hướng chính trị của mình. Các tổ chức chánh trị cạnh tranh nhau bằng những chính sách do tổ chức của mình đề ra và khả năng thực hiện chính sách. Tổ chức nào đề ra các quốc sách phù hợp với nguyện vọng của đa số người dân trong từng giai đọan sẽ được tòan dân trao cơ hội thực hiện chính sách. Đó là thể chế dân chủ mà nhiều thế hệ Việt Nam đã và đang quyết tâm đeo đuổi.
Trong thể chế dân chủ có hai khuynh hướng trái nhau là tự do và xã hội. Những người có tư bản, có vốn, có tiền, và những người mang lý tưởng tự do, tin vào động lực của kinh tế tự do thường liên kết để bảo vệ cho lý tưởng và quyền lợi của mình. Trong khi đó những người nhận ra sai sót của kinh tế tự do, gắn liền với đời sống thực tế của người dân lao động thường liên kết để đấu tranh cho một xã hội công bằng và bác ái.
Cách mạng xã hội vì thế chỉ xẩy ra tại các quốc gia dân chủ. Còn ở các quốc gia độc tài cộng sản các nhóm lợi ích sử dụng mọi thủ đọan để đấu đá tranh giành quyền lực, quyền lợi trong khi đa số thì bị áp bức. Có áp bức thì có đấu tranh và có lật đổ được chế độ độc tài cộng sản thì mới có thể thực hiện được cách mạng xã hội.
Tại Việt Nam các nhóm lợi ích Tấn Dũng, Tấn Sang, Phú Trọng đã công khai đấm đá tranh giành quyền lực và quyền lợi. Các đảng, tổ chức, phong trào đấu tranh chính trị đang công khai hay âm thầm liên kết đứng lên giành lại chủ quyền dân tộc. Cuộc đấu tranh càng ngày càng đa dạng và gắn liền với thực tế xã hội như cuộc biểu tình “Xăng ơi! đừng lên giá!” do các anh chị sinh viên tổ chức tại Hà Nội cuối tuần vừa qua.
Đi ngược với thời đại làm, trái với lòng dân chế độ cộng sản sẽ bị đào thải. Một chính thể tự do thành hình sẽ không thể cướp của người giầu chia cho người nghèo kiểu rừng rú, chỉ có người cộng sản mới trấn áp và cướp bóc của dân, Việt Nam sẽ phải trải qua một cuộc cách mạng xã hội thực hiện bằng các chính sách quốc gia. Nói về chính sách thì nói hòai không hết vì chính sách tùy thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau, người viết chỉ xin đưa ra vài chính sách theo khuynh hướng xã hội làm thí dụ.
Vài Chính Sách Xã Hội
Nói đến chính sách thì chính sách hàng đầu vẫn là chính sách thuế vụ: thu của người giầu chia cho người nghèo. Nhưng chính sách thuế như con dao sắc co hai lưỡi nếu không biết sử dụng sẽ gây nhiều hậu quả vô cùng tai hại. Thuế nặng làm mất động năng tạo ra tài sản của người giầu, động năng tạo ra công ăn việc làm, triệt tiêu động cơ làm việc của con người và làm trì trệ sự thăng tiến của nền kinh tế quốc dân. Vừa qua Viện nghiên cứu Brookings phổ biến một công trình nghiên cứu với kết luận Việt Nam có tỷ lệ người nghèo cao nhất vì bị đánh thuế nặng nhất trong vùng Đông Nam Á châu. Trong một bài khác người viết sẽ chia sẻ về đề tài này.
Chính sách thì có hai lọai chính sách: vi mô và vĩ mô. Vi mô là các chính sách đường dài thuộc dạng chiến lược. Các chính sách vi mô cần dựa trên viễn kiến với mục đích và mục tiêu rõ ràng. Nhà cầm quyền cộng sản lệ thuộc vào tư tưởng của ngọai bang lúc theo mô hình Xô Viết, lúc theo mô hình Tầu, hiện nay thì hoang mang chẳng biết làm gì, thế nên chính sách vi mô vẫn rất xa lạ với Việt Nam.
Gần đây cộng sản Việt Nam bắt buộc phải mở cửa vì vậy chúng ta thường nghe nói đến hai từ vĩ mô là các chính sách ngắn hạn. Muốn họach định các chính sách ngắn hạn chính phủ phải dựa trên những tiên đóan chính xác. Mà muốn tiên đóan chính xác thì phải biết rõ hòan cảnh kinh tế và dân tình. Các thông tin thường mang nặng chính trị và quyết định lại chỉ từ một cái đầu độc đóan Nguyễn Tấn Dũng. Vì thế rất dễ dàng chứng kiến chính sách “lật đật” ngã tới ngã lui, thường xuyên “mất định hướng” và phải thay đổi mà Nguyễn Tấn Dũng liên tục đưa ra.
Chúng ta thường nghe đến lạm phát và lãi suất. Lạm phát là mức độ gia tăng giá cả hàng hóa, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của dân lao động và của người hưu trí. Còn lãi suất nếu bị hạ thấp sẽ ảnh hưởng đến đời sống người hưu trí có tiền gởi ngân hàng. Vì vậy lạm pháp và lãi suất là mục tiêu của các chính phủ và những đảng chính trị muốn thực hiện ổn định xã hội. Và cũng là mục tiêu của đảng đối lập hay những nhà tranh đấu xã hội dùng để công kích nhằm thay đổi chính quyền.
Xa hơn một chút là chính sách giảm giá tiền đồng nhằm khuyến khích xuất cảng. Chính sách này mang hình thức bóc lột lao động và bán rẻ tài nguyên quốc gia. Ngay cả những nông dân còn giữ được ruộng cày, giá xuất cảng thì thấp, còn chi phí nhập cảng xăng dầu phân bón máy móc thì cao, nên thu nhập thấp, nghèo vẫn hòan nghèo. Mặt trái của chính sách này là nâng giá hàng nhập cảng tạo ra lạm phát ảnh hưởng đến tòan xã hội.
Còn việc nông dân mất đất canh tác là xuất phát từ tư tưởng “đất thuộc chủ quyền tòan dân” một tư tưởng thóat thai từ mô hình Xô Viết. Sáu mươi sáu năm trước Đức Thầy đã chủ trương “Trọng quyền tư hữu tài sản đến một độ không có hại đến đời sống công cộng.” Một chủ trương không để người chiếm hữu quá nhiều ruộng đất trong khi nông dân lại thiếu ruộng cày. Một chủ trương không để các cá nhân hay tập đòan thâu tóm ngân hàng, thâu tóm kỹ nghệ. Một chủ trương vô cùng tiến bộ. Một chủ trương đã được thực hiện tại miền Nam tự do trước đây, thí dụ chính sách Người cày có ruộng và việc khuyến khích cạnh tranh tự do.
Các cải cách vi mô như việc cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước là con đường Việt Nam sẽ phải trải qua. Nhưng cải cách thế nào mà không ảnh hưởng tai hại đến đời sống công nhân và không để giới tài phiệt độc quyền thâu tóm là những chính sách cho người theo khuynh hướng xã hội. Trong một dịp khác người viết sẽ trở lại đề tài này.
Nhưng cuối cùng mọi mục tiêu của cả chính đảng tự do lẫn chính đảng xã hội phải đeo đuổi vẫn là việc bảo đảm công ăn việc làm, bảo đảm một đời sống cơ bản cho tòan dân. Muốn thế người lao động cần được nâng cao năng xuất. Muốn nâng cao năng xuất lao động lại là cần nâng cao vai trò của giáo dục, của huấn nghệ, của kỹ thuật, của y tế, của các phục vụ về tinh thần … tựu chung là vai trò của các chính sách vi mô.
Tiếc thay các chiến lược và chính sách vi mô đều chưa có tại Việt Nam. Chả thế vừa rồi Tổng bí thư đảng Cộng sản Nguyễn Phú Trọng trước thực trạng khủng hỏang giáo dục đã phải tự thú: “Việt Nam đã có triết lý về giáo dục chưa, …?” (Xin xem bài “2 Tháng 9: Chạy Ngược Đường Độc Lập.”)
Nhưng chính sách vi mô lại chính là viễn kiến và Chương Trình của Dân Xã Đảng: “Cải thiện và nâng cao đời sống tinh thần và vật chất của dân cày và thầy thợ bằng cách mở thật nhiều cơ quan y tế, giáo dục, cứu tế, nhà bảo sanh, ấu trĩ viện, nhà dưỡng lão, nhà thương, trường học, nhà hát bóng ... làm cho dân cày cũng hưởng được những ích lợi của khoa học như thầy thợ ở đô thị.” Điều này cho thấy con đường do Đức Hùynh Phú Sổ đề ra là giúp chúng ta tiếp nối thực hiện.
Sự Cáo Chung Của Chế Độ Cộng Sản
Chủ nghĩa xã hội là chủ nghĩa xã hội. Còn chủ nghĩa cộng sản là chủ nghĩa cộng sản. Đến đây hy vọng bạn đã phân biệt được hai điều nói trên.
Cuộc khủng hỏang tòan diện hiện nay quy chung là do lý thuyết và guồng máy cộng sản quên đi yếu tố con người. Trong mô hình cộng sản quyền lực và quyền lợi được phân chia bằng sự tranh giành tiêu diệt lẫn nhau của lòai thú dữ. Kẻ có quyền chiếm hữu đối xử với người nghèo yếu như tầng lớp nô lệ. Một thể chế như vậy không thể cải cách, nó phải được thay đổi bằng một cuộc cách mạng toàn diện, triệt để và hướng thượng. Cuộc cách mạng giải phóng dân tộc Việt Nam khỏi chế độ cộng sản.
Nếu bạn đọc ngạc nhiên việc Đức Thầy Hùynh Phú Sổ đề ra và tiên đóan con đường Việt Nam nên theo là con đường xã hội chủ nghĩa, thì bạn đọc sẽ tiếp tục ngạc nhiên khi biết được chính ông Tổ Cộng sản Karl Marx lại tiên đóan sự xụp đổ của chế độ cộng sản tại Việt Nam.
Đúng thế chính Karl Marx là người đã tiên đóan các chu kỳ khủng hỏang của chế độ cộng sản tại Việt Nam. Ông Karl Marx tiên đóan các cuộc khủng hỏang sẽ liên tiếp xẩy ra, sẽ xẩy ra càng ngày càng nhanh hơn, càng mạnh mẽ hơn, càng dữ tợn hơn và sẽ dẫn đến sự cáo chung của chế độ. Tiên đóan đã xẩy ra tại Nga và Đông Âu, nay đang xẩy ra tại Trung cộng và Việt Nam.
Kết luận
Chỉ sau vài năm khai sáng Phật Giáo Hòa Hảo, Đức Thầy đã quy tụ được hằng triệu tín đồ. Đức Thầy đã mang đạo vào đời, mang đạo vào chính đảng chính trị, mang đạo vào chính trị, để con người cư xử với nhau trong tình bình đẳng và bác ái. Từ đó đến nay, Phật Giáo Hòa Hảo vẫn tiếp tục phát triển. Tín đồ Hòa Hảo vẫn tiếp tục hành xử tứ ân và vững bước theo con đường Đức Thầy vạch ra, lấy Dân Xã Đảng làm phương tiện để tiến hành cách mạng con người, cách mạng giải phóng dân tộc và cách mạng xã hội theo đúng lời dạy của Đức Thầy.
Nhìn rộng hơn, Dân Xã Đảng không phải một tổ chức riêng cho các tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo. Dân Xã Đảng là đảng của những người quốc gia theo khuynh hướng xã hội sẵn sàng dấn thân đấu tranh cho các tầng lớp lao động. Giáo sư Nguyễn Hoàn Bích, với bí danh Nguyễn Bảo Tòan là một tín đồ Thiên Chúa giáo được cử làm Tổng bí thư thứ nhất của Việt Nam Dân Xã Đảng.
Xây dựng xã hội công bằng và bác ái tựu trung là nỗ lực của các tôn giáo. Vì vậy tại các quốc gia Tây Phương nhiều tín đồ Thiên Chúa Giáo là những thành viên sáng lập và tích cực trong các chính đảng Dân Chủ Xã Hội. Nhờ đó tạo ra một hệ thống dân chủ theo hai khuynh hướng Tự Do và Xã Hội cạnh tranh nhau bằng các chính sách phát triển quốc gia.
Tựu chung khuynh hướng xã hội xuất phát từ tâm nên khuynh hướng xã hội là khuynh hướng của người thiện tâm. Có thiện tâm những người đấu tranh dân chủ mới có thể gắn bó với nhau, có thể hòa đồng cùng tầng lớp nghèo khổ và có thể tha thứ cho những người cộng sản lầm đường lạc lối quay về với dân tộc.
Qua bài thơ của Đức Hùynh Phú Sổ chúng ta sẽ thấy rõ thiện tâm của Đức Thầy là dấn thân cống hiến cho đồng bào cho nhân lọai.
Tình yêu
Ta có tình yêu rất đượm nồng,
Yêu đời yêu lẫn cả non sông.
Tình yêu chan chứa trên hoàn vũ,
Không thể yêu riêng khách má hồng.
Nếu khách má hồng muốn được yêu,
Thì trong tâm trí hãy xoay chiều.
Hướng về phụng sự cho nhơn loại,
Sẽ gặp tình Ta trong khối yêu.
Ta đã đa mang một khối tình,
Dường như thệ hải với sơn minh
Tình yêu mà chẳng riêng ai cả,
Yêu khắp muôn loài lẫn chúng sinh.
Bài thơ trên luôn được tín đồ Hòa Hảo nhắc nhở nhau dấn thân cho dân tộc và nhân lọai. Suy ngẫn về tư tưởng và hành động của Đức Thầy thì viết hòai không hết ý, người viết xin được dừng tại đây hẹn bạn đọc trong một dịp khác.
Vì không phải tín đồ Hòa Hảo hay đảng viên Dân Xã, người viết rất mong thu nhận ý kiến từ bạn đọc xa gần. Bài viết này xin thân tặng chiến hữu Hòang Phương đại diện Dân Xã Đảng Úc châu, một thành viên Khối 8406, thân tặng các chiến sĩ Dân Xã Đảng, và tất cả những người đã đang và sẽ tiếp tục dấn thân xây dựng một Việt Nam tự do, dân chủ, công bằng và bác ái.
Nguyễn Quang Duy
Melbourne, Úc Đại Lợi
20/9/2012
———————–
Bài Viết do tác giả gửi đến VANGANH.INFO
———————–
Tài liệu tham khảo:
- Sấm Giảng Thi Văn Tòan Bộ của Đức Hùynh Giáo Chủ, Văn phòng Phật Giáo Hòa Hảo Victoria – Ấn Hành 1997.
- Nguyễn Long Thành Nam (1991), Phật Giáo Hòa Hảo Trong Dòng Lịch Sử Dân Tộc, Tập San Đuốc Từ Bi xuất bản.
- Nguyễn Quang Duy, (3-2012), “Đức Huỳnh Giáo Chủ Chủ Trương Toàn Dân Chánh Trị”
- Nguyễn Quang Duy (3-2011), “Theo Chân Đức Thầy Kết Liên Cứu Quốc”
- Nguyễn Quang Duy (8-2012), “2 Tháng 9: Chạy Ngược Đường Độc Lập”
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét