“Đây là thất bại của mô hình tập đoàn, nói trắng ra là sự thất bại mô hình Thủ tướng chủ quản, để trở lại mô hình Bộ chủ quản, dù cả 2 cơ chế đều dở cả”- TS Nguyễn Quang A.
TS Nguyễn Quang A: Đây là thất bại của mô hình tập đoàn (TĐKT), nói trắng ra là sự thất bại mô hình Thủ tướng chủ quản, để trở lại mô hình Bộ chủ quản dù cả 2 cơ chế đều dở cả. Từ năm 2006, tôi đã có ý kiến đặt vấn đề sự hợp pháp hay không của mô hình, và dự đoán thế nào mô hình này cũng thất bại. Tất nhiên, sự thất bại của HUD và VNIC có nguyên nhân từ việc quản lý, nguyên nhân này cũng lớn nhưng không phải là nguyên nhân chính.
PV: Thiếu sự cạnh tranh phải chăng là nguyên nhân chính cho sự thất bại của VNIC, của HUD nói riêng và mô hình DNNN nói chung, thưa TS?
TS Nguyễn Quang A: Tập đoàn là việc học tập theo kiểu sao chép các mô hình TĐKT từ những năm 60 thế kỷ trước của Nhật Bản và Hàn Quốc. Tuy nhiên, điều khác biệt cơ bản là TĐKT Nhật, Hàn đều là những công ty tư nhân phải cạnh tranh. Yếu tố tư nhân khiến các TĐKT Nhật, Hàn có động lực về lợi nhuận, động lực phát triển rất lành mạnh. Và điều quan trọng là chúng phải cạnh tranh, cả trong và ngoài nước. TĐKT Việt Nam thì không những không phải cạnh tranh mà còn “được” ràng buộc bởi ngân sách mềm. Thiếu vốn thì được cấp vốn. Nợ nần thì được khoanh, giãn nợ. Thua lỗ thì được “tái cơ cấu”. Sai thì được sửa. Điều này tạo cho TĐKT tư tưởng, suy nghĩ luôn có thể nhờ vả. Nói hình tượng, nó giống với đứa con hư của một nhà trọc phú.
Về lý thuyết, DN sẽ không hiệu quả khi không phải cạnh tranh và có ràng buộc ngân sách mềm. Lý thuyết này người ta đã viết thành sách từ 50 năm nay và cũng được kiểm chứng cả nửa thế kỷ rồi.
Tất nhiên, ngay cả khi có cạnh tranh lành lạnh, bị ràng buộc ngân sách cứng thì cũng chưa đủ cho đảm bảo cho DNNN hoạt động hiệu quả. Chúng vẫn có thể thất bại vì nếu vấn đề quản lý kém. Nếu DN không những ít bị áp lực cạnh tranh, có ràng buộc ngân sách mềm và cùng với quản lý kém thì thất bại là dễ hiểu (có DNNN phải cạnh tranh và có ràng buộc ngân sách cứng có thể hoạt động hiệu quả, thí dụ điện thoại di động).
Về mặt thực tế, từ 10-15 năm trước người ta phản đối mạnh cơ chế bộ chủ quản, Bộ vừa là chủ sở hữu, vừa quản lý ngành dọc. Đây là cơ chế không hay vì tất cả quan chức đi làm kinh tế trong khi động lực của họ là động lực chính trị chứ không phải động lực kinh tế. Bộ chủ quản tức cơ quan hành pháp lại đi làm kinh tế, nên hỏng từ gốc. Nhưng thà để TĐKT chuyển về mô hình bộ chủ quản, vì dẫu sao chúng còn chịu sự quản lý của Bộ, hơn là mô hình TĐKT khi chức năng giám sát kiểm tra quản lý của các Bộ khác bị vô hiệu hóa.
PV: Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Phạm Viết Muôn hôm qua đã đánh giá: Việc thí điểm hình thành 2 tập đoàn này “khi thực tiễn chưa đặt ra yêu cầu, đòi hỏi một mô hình tổ chức như vậy”. Trong bối cảnh “Quan hệ sản xuất đi trước một bước nên việc thí điểm 2 tập đoàn này không thành công? Vấn đề là tính thời điểm, thưa ông?
TS Nguyễn Quang A: Đây là một cách nhìn khó có thể thấy rõ được nguyên nhân thất bại của mô hình nói chung, chứ không phải chỉ 2 TĐKT này. Việc phát triển thành TĐKT là quá trình phát triển tự nhiên của DN, quá trình này phải gắn kèm với phát triển quy mô và đào tạo nhân lực, chứ không thể Nhà nước muốn ép thế nào cũng được. Muốn gọi là gì thì gọi, nhưng đó là việc của DN chứ không phải của CP. Nếu lý giải như vậy thì sẽ rất khó cho việc giảm bớt, chỉ còn 5-7 TĐKT như tính toán của CP tới đây.
PV: Phát biểu trước QH, ĐBQH Lê Thị Nga đánh giá: Ngay từ đầu chúng ta đã thí điểm mô hình TĐKT trên phạm vi rất rộng, tập trung vào những lĩnh vực trọng yếu, xương sống của nền kinh tế. Ngay cả khi Vinashin bắt đầu đổ vỡ, ngay cả khi chưa có tổng kết thí điểm, lại có thêm 4 tập đoàn mới được thành lập. Phải chăng Chính phủ đã quá nóng vội, thưa TS?
TS Nguyễn Quang A: Nếu xét thêm quan điểm kinh tế- chính trị học điều này không khó lý giải. Chính phủ muốn tạo ra các quả đấm, muốn nắm được nhiều quyền lực kinh tế càng tốt. Về phía DN, họ cũng muốn thuộc quyền Thủ tướng để có tiếng nói, có nguồn lực…Vấn đề đáng lẽ phải có sự kiềm chế, giám sát, kiểm soát và cân bằng chứ không thể để quyền lực kinh tế tập chung như vậy. 13 TĐKT hiện nay chiếm bao nhiêu nguồn lực quốc gia, bao nhiêu tín dụng, bao nhiêu đất đai. Chắc ½ của DNNN rồi.
PV: Thưa TS, mô hình Ban KT TƯ đang được xúc tiến tài lập, liệu đây có phải là một kênh kiểm soát hữu hiệu?
TS Nguyễn Quang A: Đây là một mô hình “đặc thù Việt Nam” dù trên thế giới, đảng nào cũng có bộ phận nghiên cứu kinh tế. Theo tôi, nếu lập lại mô hình này và nó hoạt động tốt sẽ tạo ra được một kênh kiểm tra, giám sát, và như thế sẽ tốt hơn là không có nó. Nhưng nếu chỉ dừng ở mức độ là một Ban của Đảng, không có quyền kiểm tra, giám sát, đề xuất thì việc thành lập cũng vô nghĩa.
PV: Thưa TS, vấn đề tái cơ cấu DNNN đang được bàn thảo tại Hội nghị TƯ 6, DNNN cần quản lý thế nào để chúng thực sự mang lại hiệu quả?
TS Nguyễn Quang A: Muốn giải quyết cần có một Công ty quản lý tài sản quốc gia, thực hiện quản lý DNNN như một ông chủ tư nhân, hoạt động theo một luật riêng do QH đưa ra, có trách nhiệm giải trình trước CP, trước QH và quan trọng nhất là trước công chúng. Tại sao nhà nước phải nắm các DN xây dựng, xi măng, dệt may? Theo tôi, những gì Nhà nước không cần phải nắm thì cần tư nhân hóa một cách triệt để. Bởi tư nhân hóa không có nghĩa là giao, mà là bán một cách sòng phẳng cho tư nhân, đưa tiền vào kho bạc để NN trả nợ, đầu tư hạ tầng, phát triển giáo dục, y tế. Những gì Nhà nước nắm thì cũng phải buộc các DNNN thực hiện như DN tư nhân. Ông chủ làm đúng chức năng ông chủ. Cơ bản nhất là cơ chế để DNNN phải cạnh tranh, thậm chí thôn tính nhau, bởi chỉ có cạnh tranh mới có thể tạo ra động lực và phải buộc chúng đối mặt với ràng buộc ngân sách cứng.
PV: Xin trân trọng cảm ơn TS Nguyễn Quang A
Đào Tuấn thực hiện
Theo blog Đào Tuấn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét