Phụ nữ bắt đầu tham gia viết blog để trang trải suy nghĩ, tâm tư, tình cảm của mình.
Một phụ nữ đang đọc báo mạng, ảnh minh họa. AFP photo |
Âm thanh - Download hoặc nghe trực tiếp ở phần cuối bài
Phổ biến toàn cầu
Theo trung tâm nghiên cứu Pew Research Center cho biết, hiện nay có khoảng 18,9 triệu phụ nữ viết blog. Họ trò chuyện trên mạng một cách cởi mở về cuộc sống qua cách trực tuyến. Nhiều người trình bày quan điểm, nhận thức của mình trên nhiều lãnh vực khác nhau mà không cần phải che đậy. Lợi thế của họ là thu hút được cư dân mạng sẽ đem lại cho họ tiếng tăm, và đôi khi tạo cho họ nhiều niềm vui khác do sự nối kết bạn bè trên khắp lục điạ.
Cuối năm 2011, NM Incite, một công ty của Nielsen/Mckinney đã theo dõi sự phát triển của blog trên toàn thế giới cho biết, hiện nay có 181 triệu người viết blog, tăng 36 triệu người kể từ năm 2006.
Phụ nữ chiếm phần lớn của các blogger, và một nửa trong số các blogger có độ tuổi từ 18-34, đa số là những người hiểu biết về tin học, nhiều người được giáo dục tốt, có 7 trong số 10 blogger đã học đại học, một phần lớn trong số họ là sinh viên đã tốt nghiệp. Có khoảng 1 trong 3 blogger làm mẹ, và 52% của các blogger là cha mẹ có trẻ em dưới 18 tuổi.
Phụ nữ viết blog đã trở thành một lợi thế quan trọng, có khoảng 70% các blogger nữ, và khoảng 13,2 triệu người nữ đã có thể kiếm được chút ít tiền do đại diện, giới thiệu quảng cáo các thương hiệu cho các công ty hoặc dịch vụ thương mại, du lịch, giải trí, thời trang, văn hoá, tình yêu, gia đình… Phụ nữ blogger, có thể vẽ một bức chân dung rõ ràng hơn về những tác động tài chính gắn liền với những người viết blog nữ. Họ trở thành một nhà hoạt động trong tất cả các hình thức của các phương tiện truyền thông xã hội, bao gồm Twitter, video, podcasting, SheSpeak của Julie Wohlberg.
Blogger, WordPress và Tumblr – blog, là ba trong số 10 mạng xã hội hàng đầu của Mỹ. Nó chỉ đứng sau Facebook trong hạng mục mạng xã hội. Tumblr là một trong 10 mạng xã hội có tốc độ phát triển nhanh nhất. Nhìn chung, các trang web viết blog kết hợp hơn 80.000.000 lượt người truy cập, đạt hơn 1 trong 4 người đang hoạt động trực tuyến tại Mỹ trong tháng 10 năm 2011.
Viết tại Việt Nam
Công an canh gác bên ngoài phiên xử 3 bloggers Điếu Cày, Tạ Phong Tần và AnhbaSaigon hôm 24/9/2012. AFP photo |
Điển hình nhất là bản án 26 năm mà nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam dành cho 3 blogger của Câu Lạc Bộ Nhà Báo Tự Do vào ngày 24/9 vừa qua. Bản án bất chấp dư luận quốc tế, bất chấp bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền trong điều 19 của Công Ước Quốc Tế về các quyền Dân Sự và Chính Trị mà Việt Nam đã ký kết. Họ bị kết tội “tuyên truyền chống nhà nước” khi đăng tải các bài viết phê phán nhà nước về chính sách bảo vệ hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trước thái độ xâm lấn ngang ngược của Trung Quốc.
Việc xử án chỉ diễn ra sau vài giờ đồng hồ. Blogger Điếu Cày bị tuyên án 12 năm tù, 5 năm quản chế. Blogger Tạ Phong Tần bị 10 năm tù, 5 năm quản chế. Blogger Anhbasg bị kêu án 4 năm tù, 3 năm quản chế. Gia đình của ba blogger không được tham dự phiên toà. Họ đã bị lực lượng công an dùng vũ lực ngăn cản, bắt bớ. Chị Tạ Khởi Phụng, em gái của Tạ Phong Tần cho biết:
"Đi chung với chị Tân vợ anh Điếu Cày dẫn đi, đi được một chút xíu là bị công an trật tự chận lại bắt Phụng với chị Tú về công an Phường 6, quận 3 rồi gia đình chị Tân, rồi bắt đi tùm lum không biết đường sá gì hết. Họ bắt em nhốt từ 8 giớ sáng cho 10 giờ đêm. Trong thời gian bắt nhốt tụi em thì em bị nhốt một phòng, chị Tú một phòng. Họ cứ hỏi tới hỏi lui lên đây làm cái gì? Tôi lên đây đi coi xử án của chị tôi chớ làm cái gì. Ai kêu đi? Tôi nói luật sư báo hôm nay là ngày xử án của chị tôi nên tôi đi chớ không có ai báo. Sao không có giấy mời mà đi? Không có giấy mời là tại mấy ông không mời. Tôi là người nhà mà. Chị tôi hoạn nạn thì tôi phải đi chớ. Không có giấy mời là lỗi của các ông chớ không phải lỗi gia đình tôi. Trong khi chị tôi ở tù, mẹ tôi chết thảm thiết không có một tờ giấy thông báo, không có giấy mời hôm nay xử án chị tôi.
Đã nói là xử công khai mà tại sao không cho lợi. Tại sao vậy? Xử công khai gì kỳ vậy. Tôi từ dưới quê phải lặn lội lên thì chặn lại không cho chị em tới chỗ đó, rồi bắt chị em tôi vô phòng công an nói rằng tại vì chỗ đó đông người cho nên không cho lại. Không lẽ cái toà án bự như thế mà không có chỗ nhỏ xíu cho ngồi hay sao. Trong khi đó, tôi là em của nạn nhân, tôi là em của chị Tần.Tại sao tôi không có quyền mà những người khác có quyền vô ngồi. Có phải là ức hiếp gia đình tôi không? Chị Tú thì bị lôi đầu, nó nắm chân nắm cẳng, bị nắm tóc giựt ngược lại như là khảo ăn cướp.”
Tại Việt Nam đội ngũ viết blog nữ phát triển rất nhanh. Đa số sợ hãi chế độ nên tránh né về thực trạng đau lòng của xã hội, tránh né chuyện quan chức chính quyền tham nhũng, ăn cắp hàng tỉ đô la chia chác nhau để làm giàu một cách nhanh chóng. Tránh né chuyện Trung Quốc đã chiếm Hoàng Sa và Trường Sa. Họ chỉ chú trọng đến cách kiếm tiền mau nhất, quan tâm đến ăn chơi, xa hoa vật chất, làm sao để trở thành hoa hậu, người mẫu thời trang và kiếm chồng nước ngoài….
Những cánh hoa sen
Blogger Tạ Phong Tần trong phiên sơ thẩm tại TAND TPHCM hôm 24/9/2012 |
Chỉ trong chớp mắt, biết bao gia đình tan nát. Những người đau khổ trước tiên là những người mẹ, người vợ, người chị. Ngay trong gia đình blogger Tạ Phong Tần đã có ba người phụ nữ đau khổ. Những người đàn bà tay yếu chân mềm phải đương đầu với bão tố, phong ba. Và những đưá trẻ vô tội phải mất cha, lìa mẹ. Họ đã mất đi những người thân yêu và cuộc sống của họ trở nên vô vọng tối tăm. Họ không biết ngày mai, tương lai của gia đình họ ra sao? Chị Tạ Khởi Phụng vừa khóc vừa tâm sự:
“Bây giờ tôi cũng không biết gia đình tôi phải làm sao? Tự mấy ông xô gia đình tôi từ từ..từ..từ một người không biết gì hết, gia đình tôi rất khổ sở…khổ thật là khổ mà mấy ông đó cứ xô xô hoài. Bây giờ không biết như thế nào. Mà nghe tin anh tôi là Tạ Minh Đức cũng bị họ bắt vì những chuyện lặt vặt.cỏn con họ cũng tìm moi móc, lôi ra. Như tôi cũng không có phạm tội gì họ cũng lôi vô phòng công an, làm cái biên bản quấy rối an ninh trật tự, phạt 1 triệu rưởi.
Trong khi đó, họ là người gây rối tôi. Họ phạt tôi, tôi không ký tên. Họ kêu công an phường 1 Bạc Liêu 8 giờ tối di dời về tới công an Bạc Liêu lúc 2 giờ. Vô ngồi cũng nói y như ở thành phố. Về Bạc Liêu công an cũng hỏi về cái đồng hồ, cái áo, họ hỏi đi đâu? Đến 4, 5 giờ họ nhả ra. Mình xem cái quy luật là đâu có nhốt người ta lâu như vậy. Tôi đâu có phạm pháp. Gia đình tôi bây giờ không biết phải làm sao. Nhà tôi bây giờ khổ lắm! Mẹ thì chết thảm thiết, chị thì bị tù đày, còn anh em thì tối ngày cứ bị cái nầy cái kia hoài khổ dữ lắm không biết phải làm sao bây giờ.
Chính quyền nói giúp đỡ nhưng họ không có giúp đỡ cái gì. Họ chỉ gây rối thôi, chớ họ không giúp đỡ cái gì. Chưa bao giờ họ tới hỏi mình cần cái gì họ không. Họ chỉ coi mình làm cái gì rồi họ ức hiếp, bơi móc ra thôi chớ không giúp gì cả? Gia đình tôi bây giờ khổ lắm! Từ ngày chị Tần bị bắt tới bây giờ, chỉ được đi thăm có một lần là chị Tú đi thăm. Rồi đợt sau mẹ với con mới được thăm nữa là hai lần, chớ mẹ còn không được đi thăm nữa.”
Ông Brad Adams, Giám Đốc Phụ Trách Châu Á của Tổ Chức Theo Dõi Nhân quyền nhận định rằng “…Trong khi đang phải đối mặt với khủng hoảng kinh tế, nhiều vụ bê bối và mâu thuẫn chính trị nội bộ, chính quyền Việt Nam đáng ra phải có nhu cầu tạo dòng chảy thông tin trong nước một cách tự do hơn,” ông Adams nói tiếp “Việt Nam cần tiếp thu thông điệp sau: bịt miệng những người chỉ trích và bỏ tù các blogger không giúp gì cho việc giải quyết các vấn nạn của đất nước.”
Theo lời kể của bà Đỗ Thị Ba, bạn thân của bà Đặng Thị Kim Liêng, trước khi bị bắt vào tù, Tạ Phong Tần đã phải bỏ Bạc Liêu vào Sài Gòn lánh nạn vì bị công an truy nã. Bà Đặng Thị Kim Liêng, thân mẫu của nhà báo Tạ Phong Tần phải chịu đựng sự đàn áp, sách nhiễu, đe doạ của công an. Người mẹ thương nhớ con, đã phải xuống tóc quy y để cầu nguyện cho con được bình an. Vì muốn bảo bệ con nhưng bất lực đành phải tự thiêu để minh oan cho con vào ngày 30/7/2012. Bà Đỗ Thị Ba, trong ngày lễ cầu siêu cho bạn, đã làm bài thơ ai điếu khóc bạn hiền và xót xa cho cảnh tù tội của Tạ Phong Tần:
Bài Ai Điếu Khóc Bạn Hiền
Mỗi buổi sáng tôi thường nghe đọc báo
Tin Việt Nam một bà cụ qua đời
Người bạc Liêu là miền đất quê tôi
Tôi kinh ngạc và bùi ngùi xúc động
Khi biết được em Liêng vì vô vọng
Đã huỷ mình tự sát bởi tự thiêu
Trước uỷ ban trụ sở tỉnh Bạc Liêu
Em đã chết bởi quá nhiều uất ức
Cuộc sống em là những ngày áp lực
Của chính quyền của nhà nước công an
Bao quanh em dù một bước ra đàng
Họ theo dõi từng bước như hình bóng
Em đã kể cho tôi nghe khi còn sống
Cháu Phong Tần làm nhà báo tự do
Bị công an truy nã mãi âu lo
Nay sống chết đợi chờ không thấy được
Ngọn đuốc người phải chăng em tính trước
Dù hy sinh mà đất nước được tự do
Để dân lành có cuộc sống ấm no
Cân công lý trả tự do người làm báo
Mạng sống nào hỏi ai không quý báu
Nhưng chết vinh hơn sống nhục chẳng thường
Mất em rồi tôi mãi mãi tiếc thương
Một cái chết không tầm thường trong cái chết
(Đỗ Thị Ba)
Những nước thiếu tự do ngôn luận, mọi thông tin bị bưng bít, sự thật không được bày tỏ như Việt Nam, thì những uẩn khúc trong tâm tư, những khát vọng tự do của con người bị dồn nén lâu ngày sẽ được thể hiện trong những trang blog trên liên mạng. Đội ngũ này ngày càng phát triển, bất chấp bức tường lửa, bất chấp tù tội, áp bức. Vũ khí của những người phụ nữ tay yếu chân mềm chỉ là ngòi bút. Họ đã biểu hiện ý chí sắc đá, lòng cam đảm, khiến chính quyền Việt Nam phải khiếp sợ. Họ là những người tiên phong khai phá con đường dân chủ trong lòng xã hội Việt Nam khi đất nước vẫn còn chìm sâu trong tăm tối.
© Phong Thu, thông tín viên RFA
------------------
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét