Những Ðầu Ðinh Ðóng Xuống Quan Tài Chôn Cộng Sản Việt Nam - Tiến Bộ

Breaking

Home Top Ad

Post Top Ad

Thứ Ba, 2 tháng 10, 2012

Những Ðầu Ðinh Ðóng Xuống Quan Tài Chôn Cộng Sản Việt Nam



Giáo Già
Ngày 29 tháng 9 năm 2012

H,

Sau 3 lần đình hoãn, ngày 24 tháng 9 năm 2012, qua phiên toà không có đối chất giữa luật sư và công tố, vợ con, thân nhân ruột thịt của nạn nhơn đều bị giam giữ hay không cho đến dự... Tin được Tú Anh của đài RFI phổ biến ngày 24.9.2012 cho biết:

“...Theo AFP, người được quốc tế biết tiếng nhất là ông Nguyễn Văn Hải, bút hiệu Ðiếu Cày, đã từng bị lãnh án 30 tháng tù năm 2008 về tội ‘trốn thuế, nay bị kêu án thêm 12 năm tù giam và 5 năm quản chế. Blogger thứ hai là cô Tạ Phong Tần, mà người mẹ đã tự thiêu trong hoàn cảnh mờ ám hồi tháng 7, lãnh án 10 năm. Người thứ ba là (Luật sư) Phan Thanh Hải (có bút danh là Anhbasaigon) bị 4 năm tù và ba năm quản chế. Trước tòa, Ðiếu Cày Nguyễn Văn Hải khẳng định ông không chống Nhà nước, nhưng là một công dân có quyền tự do phát biểu, ông chống độc tài, bất công và tham nhũng... Lập tức ông bị cúp lời... Luật sư Hà Huy Sơn cho biết: ‘Tôi đã tuyên bố với tòa rằng ông Nguyễn Văn Hải vô tội. Xét xử và kết án ông theo điều 88 là không công bằng’

Cũng theo AFP thì “Bản án được dự đoán trước, đã bị công luận quốc tế và các tổ chức nhân quyền lên án”. Ngay lập tức các cơ quan quốc tế đã lên tiếng chống lại việc làm của tòa án Cộng sản Việt Nam. Xin được ghi lại một số tiêu biểu:

• Human Ritghs Watch (HRW) kêu gọi Việt Nam hủy bỏ bản án. Phó giám đốc đặc trách châu Á của HRW Phil Robertson tuyên bố các bản án nặng nề đối với ba bloggers là ‘cực kỳ vô nhân đạo’. Ông nói: “Nếu mà những bloggers này làm những điều tương tự như vậy ở Hoa Kỳ thì sẽ không có chuyện gì xảy ra. Sẽ có người đọc blog của họ hoặc không đọc blog của họ hoặc là phê bình... sẽ chẳng có gì lớn lao cả. Chính phủ Việt Nam cho rằng những gì họ viết trên blog là đe dọa an ninh quốc gia thì cách suy nghĩ đó rất hoang tưởng”. Ông cũng nói thêm: “Những hành động này không phải là những gì mà thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc có thể làm. Và những thành viên của hội đồng này nên nói cho Việt Nam biết là nếu Việt Nam thực sự muốn có chiếc ghế ở cơ quan này thì không thể bỏ tù những người chỉ đơn thuần viết lên suy nghĩ của mình."

Bà Victoria Nuland
• Thông cáo của Ðại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội nhấn mạnh rằng những gì mà Ðiếu Cày làm chỉ đơn giản là thể hiện quan điểm công dân một cách ôn hòa. Thông cáo này không quên “kêu gọi Việt Nam thực hiện những nguyên tắc trong Công ước Quốc tế về Quyền dân sự và chính trị cũng như Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền mà Việt Nam đã thông qua”. Rõ ràng đây là điều kinh khủng, nó đi ngược lại trách nhiệm của chính phủ về quyền con người trong đó có quyền tự do ngôn luận. Thông cáo “yêu cầu Hà Nội trả tự do tức khắc cho ba thành viên Câu lạc bộ Nhà báo Tự do, cùng ban hành biện pháp để cho các nhà báo độc lập có thể làm việc tự do và không bị đe dọa”. Ngoài ra, phát ngôn nhân bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, bà Victoria Nuland [xem hình], cũng lên tiếng trong một thông cáo phổ biến ngày 24 tháng 9 nêu lên quan ngại về bản án của ba bloggers và nhấn mạnh rằng “bảo vệ nhân quyền sẽ là một bước cần thiết cho mối quan hệ hai nước”.

• Tổ chức Phóng viên Không Biên giới [Reporters Sans Frontieres (RSF)] nói họ phẫn nộ trước việc Việt Nam kết án ba bloggers vì điều mà Hà Nội gọi là “tuyên truyền chống nhà nước”. Phiên tòa xử ba bloggers ở Việt Nam là 'trá hình” và các bản án là 'bất công'. “Ðiếu Cày và Tạ Phong Tần bị kết án hết sức nặng so với các bản án tương tự được đưa ra trong những tháng gần đây.”


Ông Shawn Crispin
• Ủy ban Bảo vệ Ký giả [CPJ - New York] nói họ cũng “kinh sợ” trước cách chính quyền hành hạ thân nhân của các nạn nhân. Ông Shawn Crispin [xem hình], đại diện cao cấp Châu Á của CPJ cho rằng: “Họ ra một bản án nặng nề cho thấy sự đàn áp trên diện rộng về vấn đề tự do Internet. Chúng tôi mạnh mẽ lên án bản án và quan ngại về đàn áp tự do báo chí đang diễn ra tại Việt Nam”. Ông nhấn mạnh: “Trường hợp ba bloggers này thu hút sự quan tâm của thế giới quá nhiều. Tổng thống Hoa Kỳ từng lên tiếng về Ðiếu Cày. Việc này cho thấy chế độ đang cầm quyền rất sợ hãi và cho thấy hành động đàn áp này đi ngược lại chính sách của nhiều quốc gia... Bản án hôm nay dĩ nhiên là nhằm gởi ra một thông điệp mạnh mẽ cho các bloggers khác. Nhưng mà chính phủ từ lâu cũng đã gởi ra thông điệp này. Theo ghi nhận của chúng tôi có 14 nhà báo Việt Nam bị cầm tù trong đó có 13 người là dân viết blog”. Cũng được biết thêm là theo thông tin của Ủy ban này Việt Nam là nước đứng thứ hai tại Châu Á có nhiều nhà báo bị cầm tù nhất, trong đó đa số là giới bloggers.

• Bên cạnh đó, ngày 24.9.2012, thông tín viên Ỷ Lan của đài RFA cũng cho biết sau khi Tòa án Nhân dân TPHCM tuyên án 3 bloggers Ðiếu Cày, Tạ Phong Tần và Phan Thanh Hải, bà Catherine Ashton, Ðại diện tối cao Ngoại vụ và An ninh của Liên Âu đã ra lời tuyên bố kêu gọi Việt Nam “Tôn trọng các nghĩa vụ quốc tế và trả tự do tức khắc cho các bị can”. Từ trụ sở Liên Âu ở Brussels, trả lời Ỷ Lan trong cuộc phỏng vấn, bà Maja Kocijancic, phát ngôn viên của Bà Catherine Ashton nói: “Ðại diện tối cao của Liên Âu, bà Catherine Ashton, đã phản ứng và biểu tỏ sự quan tâm nghiêm trọng đối với bản án dành cho ba bloggers. Không những đối với án tù nặng nề tại phiên tòa ở TP HCM, Việt Nam, mà còn bị quản chế nhiều năm dài sau đó. Trong bản tuyên bố, bà Catherine Ashton nhấn mạnh rằng Liên Âu tha thiết với các quyền cơ bản dành cho mọi con người được quyền ôn hòa phát biểu tự do ý kiến của họ, chiếu theo Tuyên ngôn Nhân quyền Quốc tế và Ðiều 19 tại Công ước Quốc tế về các Quyền dân sự và chính trị mà Việt Nam đã tham gia ký kết. Theo quan điểm của Liên Âu, các bản án dành cho ba bloggers đặc biệt quá nghiêm khắc.... Với bản tuyên bố công khai hôm nay, chúng tôi cứng rắn đưa vấn đề vào nghị trình, và chúng tôi sẽ tiếp tục nói lớn cho những quyền và nguyên tắc cơ bản”.

• Ân xá Quốc tế [AI - New York] cũng nhanh chóng đồng loạt chỉ trích bản án cho thấy phiên tòa thu hút sự quan tâm đặc biệt của cộng đồng quốc tế.

• MacDonald, viết cho tờ International Herald Tribune nói rằng: “Việt Nam có vẻ đang chạy đua với Trung quốc xuống đáy của bảng xếp hạng tự do báo chí của Phóng viên không biên giới: Trong bảng xếp hạng 179 nước của họ, Việt Nam đứng thứ 172 và Trung quốc thứ 174”.


Thượng nghị sĩ Ron Boswell
• Cùng ngày 25/9, Thượng nghị sĩ Ron Boswell [xem hình] của Australia ra thông cáo lên án việc cầm tù ba thành viên Câu lạc bộ Nhà báo Tự do là một vết nhơ cho nhân quyền Việt Nam. Ông Boswell nói “Chính phủ Việt Nam đang cố tình dẹp sạch tất cả những ý kiến bất đồng bày tỏ trên mạng Internet như họ từng làm qua việc cấm báo chí tư nhân và kiểm soát chặt chẽ báo chí nhà nước”. Ông nói thêm: “Các bản án tù nặng nề dành cho 3 bloggers này càng cho thấy rằng chính phủ Australia cấp thiết phải có hành động hơn nữa thúc đẩy cải thiện nhân quyền tại Việt Nam”. Sau cùng ông kêu gọi: “Là một đất nước dân chủ hàng đầu, Australia phải có trách nhiệm bảo đảm rằng các bản án kinh khủng như thế này tại Việt Nam phải lùi về quá khứ”.


Dân biểu Loretta Sanchez
• Tại Mỹ, hôm 24/9, Chủ tịch Nhóm nhân quyền Việt Nam tại Quốc hội Mỹ, nữ dân biểu Loretta Sanchez [xem hình] cũng ra thông cáo phản đối mạnh mẽ bản án và phiên toà bất công của ba bloggers Nguyễn Văn Hải, Tạ Phong Tần và Phan Thanh Hải. Bà nói: “Tôi cảm thấy tức giận khi được biết bản án quá khắc nghiệt. Bản án đã làm dư luận quốc tế phẫn nộ, là một biểu tượng rõ ràng cho thấy nhà cầm quyền Việt Nam không chấp nhận sự bất đồng chính kiến của người dân và tiếp tục đàn áp các tiếng nói lương tâm.” Theo dân biểu Sanchez, bản án dành cho ba bloggers Ðiếu Cày, Tạ Phong Tần, và Anhbasaigon cho thấy rõ ràng nhà nước Việt Nam không tôn trọng chính sách và khuyến nghị nghiêm túc của Hoa Kỳ, và vì vậy “Washington cần phải hành động ngay lập tức trước những sự đàn áp nhân quyền tồi tề ngày càng gia tăng ở Việt Nam”.


Bà Navi Pillay
• Ðặc biệt, tại GENEVA, ngày 25 tháng 9 năm 2012, Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, bà Navi Pillay [xem hình] đã bày tỏ mối quan ngại sâu sắc về sự kết tội và tuyên án khắc nghiệt đối với ba nhà báo / bloggers Việt Nam, và bà ghi nhận rằng điều này phản ảnh một xu hướng ngày càng tăng những hạn chế về tự do ngôn luận tại Việt Nam, đặc biệt là đối với những người sử dụng Internet để phê phán. Bà nhấn mạnh “Các án tù khắc nghiệt đối với các bloggers là điển hình của các hạn chế nghiêm trọng về tự do biểu hiện ở Việt Nam”. Bà cũng nói thêm rằng “Quyết định của tòa án xảy ra chỉ sau một vài giờ thảo luận đã tạo thêm những nghi vấn về quyền của các bị cáo cho một quá trình và xét xử công bằng”. Bà Pillay cũng bày tỏ mối quan tâm về các báo cáo về một số người ủng hộ đã bị bắt giữ và bị ngăn cản tham dự phiên tòa. Trong năm 2009, trong quá trình đánh giá định kỳ của Hội đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc (UPR) về quá trình vi phạm nhân quyền tại Việt Nam, Nhà nước (VN) đã chấp nhận một số khuyến nghị về tự do phát biểu, trong đó có 1 thông tin đầy đủ đảm bảo quyền được nhận, tìm kiếm và truyền đạt ý tưởng phù hợp với Ðiều 19 của Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị. Bà nói: “Phán quyết hôm thứ hai là một vấn nạn không may làm suy yếu các cam kết của Việt Nam đối với quốc tế, bao gồm cả UPR, trong mục tiêu bảo vệ và thúc đẩy quyền tự do ngôn luận”.

Ðiểm qua một số Bloggers tiêu biểu ở Việt Nam, người theo dõi vụ án cũng ghi nhận:

Luật sư Nguyễn Văn Ðài
• Qua bài “CLB Nhà Báo Tự Do có tội hay không?”, Luật sư Nguyễn Văn Ðài [xem hình] lưu ý: “Trong nhiều năm qua, đảng Cộng sản và chính phủ đã lãnh đạo và quản trị đất nước hết sức yếu kém. Tham nhũng đã trở thành quốc nạn, thành giặc nội xâm... Suy thoái đạo đức xã hội nghiêm trọng, ô nhiễm môi trường, tài nguyên rừng bị tàn phá... Quản lý kinh tế yếu kém dẫn đến các tập đoàn như Vinashin, Vinalines,... gây thất thoát hàng tỷ Ðô la. Chính quyền bất lực trong việc kiểm soát những hàng hóa tiêu dùng, thực phẩm có chứa các chất độc hại cho sức khỏe của nhân dân được nhập khẩu và sản xuất trong nước. Không bảo vệ được chủ quyền lãnh hải quốc gia... Bất kể một công dân Việt Nam nào khi quan tâm đến vận mệnh của đất nước đều không khỏi bất bình trước sự lãnh đạo và quản trị đất nước yếu kém của đảng Cộng sản. Như vậy, các thành viên của CLB Nhà Báo Tự Do đã dũng cảm khi thực hiện quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí của mình... Họ không phạm tội ‘tuyên truyền chống Nhà nước’.”


Blogger Mẹ Nấm
• Blogger Mẹ Nấm [xem hình] khẳng định rằng lòng ái quốc của 3 bloggers ấy đã “thể hiện bằng hành động ngay từ những ngày đầu dân Việt xuống đường lên tiếng bảo vệ biển đảo và lãnh thổ Việt Nam hồi năm 2007”, “tâm tư khắc khoải lo âu cho vận nước, dân tộc của họ đã được trang trải trên nhiều trang viết”; nhưng, theo blogger Mẹ nấm, thì “lòng yêu nước ấy đã và đang bị giam cầm và rồi đem ra xét xử... Việc bỏ tù các bloggers ấy cũng chính là bỏ tù, bắt giam và kết tội lòng yêu nước của chính chúng ta... Khi quyền tự do thiêng liêng nhất là quyền bày tỏ lòng yêu nước, quyền bảo vệ giang sơn, quyền góp phần quyết định vận mạng chung của đất nước bị tước đoạt, đe doạ, bỏ tù thì độc lập quốc gia sẽ không còn, tự do con người là nô lệ của sự xin cho và hạnh phúc nhân dân chỉ là bánh vẽ mà thôi”. Bà nói thêm: “Trường hợp của 3 bloggers này đã được nhiều cơ quan thông tấn nước ngoài, thậm chí anh chị em bloggers trong nước cũng đã lên tiếng. Mọi nhận xét và các bài viết cùng những gì cần làm thì chúng tôi đã làm hết rồi. Chỉ có một điều là với trường hợp của Ðiếu Cày, nếu các bloggers trong nước không lên tiếng thì số phận của các bloggers khác cũng sẽ như vậy. Ðể làm gì cho blogger Ðiếu Cày thì những bloggers trong nước sẽ cố gắng làm hết phần của mình”.

• Từ Hà Nội, blogger JB Nguyễn hữu Vinh nêu lên câu hỏi rằng: “Các bloggers Anhbasaigon Phan Thanh Hải, Ðiếu Cày với Tạ Phong Tần ra toà cùng một lúc. Họ là những người có điểm chung là viết những bài rất kiên quyết và mạnh mẽ chống lại “đường lưỡi bò” của Trung quốc, chống lại sự xâm lăng, bành trướng của bọn bá quyền Bắc Kinh. Và cũng vào thời điểm này thì Trung quốc đang xua tàu cá ra biển Ðông, đồng thời với những sự kiện dồn dập liên tục. Và sự xâm lược rõ ràng bọn bành trướng Bắc Kinh đã thể hiện đến tận cửa nhà, đến tận từng khu vực của đất nước. Vậy thì việc giới cầm quyền Việt Nam đưa các bloggers chống Trung quốc - những người đã nói lên tiếng nói yêu nước thiết tha để chống Trung quốc - ra xét xử vào thời điểm này là việc làm mà tôi cho là hết sức nhạy cảm. Tức là những người đưa các bloggers này ra xét xử muốn nói lên điều gì? Họ muốn nói điều gì, đưa ra thông điệp gì cho nhân dân VN hiện nay?

• Theo blogger Trai Sông Tiền, từ tiểu bang Arkansas, thì đây là “bằng chứng thêm nữa tố cáo hành động bán nước của giới cầm quyền.... Họ lo sợ trước những người tiên phong nói sự thật. Blogger Ðiếu Cày là một trong những người đầu tiên lên tiếng về hành động Trung quốc xâm hại đến chủ quyền lãnh thổ, lãnh hải Việt Nam. Anh Ðiếu Cày cũng như chị Tạ Phong Tần và anh Phan Thanh Hải đã có những trang blogs đưa thông tin sự thật không thể chối cãi được nên nhà cầm quyền rất sợ. Họ áp đặt những bản án nặng nề với mục đích nhằm răn đe và dập tắt ngọn lửa đấu tranh trong quốc nội. Nhưng đó chỉ là một đòn thất bại vì họ đã lộ ra bản chất bán nước, hèn nhát...”

• Blogger Tưởng Năng Tiến ở California lưu ý thái độ kiên quyết “quay lưng lại với đất nước, dân tộc” của giới cầm quyền vốn thể hiện qua 3 bản án tù áp đặt, phi lý và nặng nề này, ông nói: “Những bản án nặng vừa rồi của nhà cầm quyền Hà Nội đối với các bloggers Nguyễn Văn Hải, Anhbasaigon và Tạ Phong Tần có điều như thế này, đó là thái độ dứt khoát của nhà cầm quyền Hà Nội đối với phong trào Dân chủ - tức là họ tỏ thái độ nhất định quay lưng lại với đất nước, dân tộc này. Về phương diện nào đó thì theo tôi, thái độ của họ cũng tốt cho chúng ta, bởi vì mọi ảo tưởng, mọi hy vọng về sự thay đổi của họ coi như chấm dứt. Và không có lựa chọn nào khác là chúng ta không thể thoả hiệp với họ được. Chúng ta bắt buộc phải tranh đấu với họ đến cùng”.


Bác sĩ Mã Xái
• Tại hải ngoại, Bác sĩ Mã Xái, Chủ tịch đương nhiệm Ðảng Tân Ðại Việt, trong bản lên tiếng ngày 25-9-2012 đã long trọng minh định: “Bản án cáo buộc Ông Nguyễn văn Hải, Bà Tạ Phong Tần, Ông Phan Thanh Hải hoàn toàn phi lý; nhà nước CSVN đã đi ngược lại Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền mà Việt Nam đã long trọng ký vào, nó cũng vi phạm những điều khoản được ghi trong Bản Công Ước Quốc Tế về quyền Dân Sự và Chánh Trị, liên quan đến Tự Do Ngôn Luận và xét xử theo đúng trình tự pháp lý...” Ðồng thời Bác sĩ Xái “kêu gọi toàn dân Việt Nam trong và ngoài nước chuẩn bị sẵn sàng đứng lên đòi Ðảng CSVN trả lại quyền tự quyết cho toàn dân, tiến tới thành lập một chế độ tự do và dân chủ pháp trị”.

• Riêng Người Buôn Gió bức xúc bình luận: “Chuyển nghề đi cho nó lành... Viết blog mà án tù hơn công an giết người. Thế này tao đi giết những thằng tao ghét hơn là viết chửi nó, đằng nào chả thế” [người trích in đậm và gạch dưới].

• Một bức biếm họa đã được đưa lên http://danchimviet.info/ nói lên phần nào thực tế tòa án của Cộng sản Việt Nam [xem hình bên dưới].

Biếm hoạ. Nguồn OntheNet

Theo tin từ mạng ‘Dân làm báo’ được AFP trích dẫn, khoảng 100 người ủng hộ ba blogger đã mặc áo thun đen, màu tranh đấu của đối lập Miến Ðiện và Hồng Kông, kéo đến tòa án, nhưng đã bị công an ngăn chận và câu lưu. Trong số nạn nhân có bà Dương Thị Tân, vợ cũ của anh Ðiếu Cày. Con trai anh bị đánh [xem hình sau khi bị bắt vào đồn công an phường 6 và bị lột áo Mẹ con chị Tân ra về trong cảnh thế này đây. Courtesy danlambao], con gái bị cấm đến trường.

Trả lời phỏng vấn RFI, bà Dương Thị Tân cho biết mới từ đồn công an trở về và nhận định về bản án nặng nề như sau: “Tôi vừa ra khỏi nhà... theo luật sư kể lại thì họ không cho biện hộ, đối chất... mặc dù bản cáo trạng nghiêm trọng như vậy... Họ sợ ông Nguyễn Văn Hải ở ngoài thì ông sẽ vạch trần hành vi bán nước của họ cho Trung Quốc... trung tá công an.... đã nói với tôi như vậy...”. Tường thuật lại cuộc đối thoại với công an Bà Dương Thị Tân nói Trung tá Vũ Văn Hiển, phó công an phường 6, quận 3, dọa “bẻ cổ” bà và nói “tự do cái con c**” [người trích in đậm] khi thấy bà và con trai mặc áo có chữ “tự do cho những người yêu nước” trên ngực... Tính đến 08h25:

Danh sách những người đang bị giam giữ tại trụ sở CA Phường 6, Quận 3, gồm có:
1. Phạm Quốc Tuấn
2. Bùi Thị Minh Hằng
3. Nguyễn Thị Phượng
4. Nguyễn Hoàng Vi (An Ðổ Nguyễn)
5. Nguyễn Tiến Nam (Binh Nhì)
6. Nguyễn Văn Dũng (Aduku Adk)
7. Nhà thơ Bùi Chát

Phần đài RFA, trong bản tin ngày 24-9-2012, biên tập viên Mặc Lâm cũng cho biết: “Hơn bảy giờ sáng ngày 24 tháng 9, thông tin dồn dập xuất hiện trên các trang mạng facebook và blog cá nhân cho biết rất nhiều người bị công an bắt giữ khi bước chân ra khỏi nhà, bất kể họ đi đâu và không cần biết họ có tới phiên tòa xét xử ba blogger Ðiếu Cày, Anh Ba Sài gòn và chị Tạ Phong Tần tại Tòa án Nhân dân thành phố vào sáng hôm nay hay không...”


Từ trái nhà thơ Bùi Chát và Nguyễn Văn Dũng.



Từ trái Cha Thoại và Nguyễn Tiến Nam.

Trong khi đó Linh mục Antôn Lê Ngọc Thanh cùng khoảng 10 người bắt đầu khởi hành từ nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế trên đường Kỳ Ðồng để tới tòa án Nhân dân thành phố nhưng nhóm người này bị lực lượng hùng hậu của an ninh chìm nổi chặn lại và bắt tất cả về trụ sở. Theo lời Linh mục Thanh thì “Lực lượng công an sắc phục, an ninh thường phục, những người mặc áo quần thanh tra xây dựng và đặc biệt có cả nhóm thanh niên xung phong tất cả khoảng trên dưới 150 người chỉ để ngăn cản hơn 10 người thôi và họ dứt khoát không cho mọi người đi” .


Nhóm công dân trên đường đến dự phiên tòa sáng nay thì bị bắt.
Ngoài ra, các công dân khác như Huỳnh Công Thuận, Châu Văn Thi, Trịnh Anh Tuấn cũng bị bắt vô cớ khi vừa ra khỏi nhà. Trước đó nhiều công dân đã nhận giấy mời lên công an làm việc vào sáng thứ hai tức là sáng nay với nhiều lý do, kể cả chị Dương Tân là vợ cũ của anh Ðiếu Cày. Tuy bị ngăn chặn khắp nơi nhưng cũng có vài chục người dân đến được trước cổng tòa án. Nhưng không một ai được phép vào khuôn viên tòa. Nhiều người thân và bạn bè của Ðiếu Cày, Tạ Phong Tần và Phan Thanh Hải phải đi lang thang bên công viên đối diện. Vài công an mật tịch thu máy và điện thoại di động của vài người dân để khám xét, vi phạm nghiêm trọng quyền riêng tư của công dân. Một cô gái trẻ đang đi qua đi lại để hỏi thăm mọi người về phiên tòa, liền bị bốn, năm nhân viên công lực mặc thường phục áp giải vào quán cà phê (bị đóng cửa nghỉ bán ngày hôm nay) ở góc công viên để hạch hỏi và lục soát ba lô.


Blogger Nguyễn Hoàng Vi
Trong bài viết đưa đăng trên Danlambao có tựa đề là “Tòa thì kín nhưng lột áo, đánh đập, đe dọa thì công khai” Blogger Nguyễn Hoàng Vi [xem hình] tường thuật: “...Ðến khoảng 3h chiều (24.09.2012) họ lại lôi tôi lên một căn phòng ở lầu 3 chỉ vỏn vẹn khoảng 6 mét vuông. Họ nói với tôi: - Những người mà em ủng hộ, tòa đã tuyên án họ trên 10 năm rồi. Bây giờ, em thay cái áo này (áo đen FREE Ðiếu Cày, Tạ Phong Tần, Anhbasaigon) ra, để áo này ở lại rồi về nhà. Trong một lúc, tôi bất ngờ vì sao phiên tòa lại diễn ra nhanh đến thế, vì sao các bloggers bị tuyên án nặng đến thế... Rồi tôi lấy lại bình tĩnh nói với họ: - Cho dù tòa có kết án họ, tôi vẫn mặc áo này để ủng hộ họ. Áo này là áo của tôi, các anh chị không được quyền lấy nó và các anh chị cũng không có quyền gì bắt tôi không được mặc nó cả. Một phụ nữ trẻ tuổi nói với tôi: - Nhưng họ đã bị kết án, em mặc áo này trong thời điểm “nhạy cảm” này là không được. - Nếu chị đã nói vậy thì cho em xin cái văn bản nào chỉ đạo cấm không cho mặc áo này trong thời điểm “nhạy cảm”. Nếu có văn bản chỉ đạo, em sẽ không mặc áo này nữa. Còn chị nói miệng không không, em cũng chẳng biết chị là ai, sao em có thể nghe theo được chứ. Nói đến đây, 7-8 phụ nữ (chẳng biết thuộc thành phần gì) nhào vô lột áo tôi đang mặc rồi tròng vào người tôi 1 chiếc áo khác...”

Phần nhà văn Phạm Ðình Trọng cũng cho biết: “Ðường dẫn đến tòa án Nhân dân thành phố Sài Gòn từ ngã tư Nam Kỳ Khởi Nghĩa - Nguyễn Thị Minh Khai đã dày đặc công an. Tôi biết ngoài số công an công khai sắc xanh, sắc vàng giăng trập trùng trên đường kia còn lực lượng công an chìm cũng đông đúc không kém. Ðường Nam Kỳ Khởi Nghĩa đông nghẹt ô tô, xe máy và dày đặc công an. Tôi rẽ vào đường Nguyễn Du thưa thoáng hơn rồi đi vào đường Nguyễn Trung Trực phía sau Tòa án. Gửi chiếc xe máy ở điểm giữ xe vỉa hè đường Nguyễn Trung Trực, tôi đi bộ theo đường Lý Tự Trọng vòng ra phía trước Tòa án. Bình thản qua mặt tốp công an ở cổng Tòa án, tôi vào đến mảnh sân Tòa thì người đàn ông mặc áo trắng vẻ mặt gây sự đến đuổi tôi ra ngoài... Tôi ước lượng chỉ từ cổng vào sân tòa án đã có khoảng hơn năm mươi cảnh sát áo xanh. Họ đứng thành hàng bên hàng rào sắt ngăn giữa sân tòa. Họ đứng từng tốp rải rác trong sân tòa. Người đeo còng sắt số tám ở thắt lưng. Người cầm điện thoại di động nghiệp vụ trên tay...”

Nhìn về vấn đề phiên tòa được nhà nước nói là công khai cô Trịnh Kim Tiến nói “...Tôi tò mò, không biết rằng phiên tòa công khai trong thành phố HCM có khác hơn so với phiên tòa công khai tại tòa án nhân dân thành phố Hà Nội không? Tại vì chính bản thân tôi đã từng nhiều lần tham gia phiên tòa về sự việc bố tôi bị công an đánh chết tại Hà Nội, những phiên tòa được gọi là công khai, nhưng hành xử thì không khác gì xử kín, thậm chí đến thân nhân của người bị hại còn bị cản trở, không cho tham dự phiên tòa. Nhưng thật ái ngại vì ‘phiên tòa công khai’ ở TP HCM còn “KHAI” hơn nhiều’. Thậm chí không cần biết người ta có đi hay không, những ai họ không muốn cho đến Tòa thì họ ngang nhiên để an ninh, công an ngăn chặn và bắt giữ người trái pháp luật giữa đường phố đông người” [người trích in đậm và gạch dưới].

Phần Giáo sư Nguyễn Hưng Quốc, trong bài viết được đưa lên Blog của đài VOA có đoạn “...Vào Google, đánh mấy chữ “tuyên truyền chống nhà nước” bằng tiếng Anh (anti-state / anti-government propaganda), tôi thấy mỗi cụm từ có hàng mấy chục triệu kết quả. Ðiều “thú vị” là trong số mấy trăm kết quả đầu tiên hầu hết đều liên quan đến Việt Nam. Nhiều nhất là các bản tin và bình luận về vụ án ba blogger nhắc ở trên. Việt Nam chiếm đa số tuyệt đối. Xen kẽ giữa trùng trùng lớp lớp các bản tin về Việt Nam, họa hoằn mới thấy xuất hiện tên của các nước khác, chủ yếu là Iran, Pakistan và Afghanistan. Ðiều đó nói lên điều gì? Nó nói một điều: Việt Nam nếu không phải là quốc gia đàn áp dân chúng với lý do ‘tuyên truyền chống phá nhà nước’ nhiều nhất thì ít nhất, cũng là nước có nhiều vụ án liên quan đến ‘tội trạng’ ấy được thiên hạ chú ý đến nhiều nhất. Với lý do gì thì Việt Nam cũng đứng nhất cả... Trên thế giới, chỉ ở các nước độc tài, người ta mới sợ quyền tự do ngôn luận, do đó, mới có cái gọi là ‘tội tuyên truyền chống nhà nước’. Trong ý nghĩa như thế, có thể nói thế này: ở đâu có những phiên tòa xét xử công dân về “tội tuyên truyền chống nhà nước”, ở đó đều cần có một bản án dành cho bọn độc tài.[người trích in đậm và gạch dưới].


Chủ tịch Ceausescu
Ðiều đáng quan tâm là phiên toà được dự kiến xử trong 2 ngày [coi như khác với các phiên toà tương tự trước đây thuờng được xử chớp nhoáng] nhưng nó lại bị kết thúc ngay trong ngày. Nó bất ngờ kết thúc chỉ trong một buổi, chỉ đủ cho ông tòa đọc bản án đã có sẵn, mà không có đối chất giữa luật sư và công tố, trắng trợn cắt lời phát biểu của nạn nhơn... chỉ vì tòa án sợ kéo dài phiên xử sẽ khiến phản ứng bất mãn của quần chúng bên ngoài tòa án có thể gây thành “biến loạn”, công an không thể kềm chế nổi, cho dầu đã huy động cả 150 công an, cán bộ... chỉ để khống chế 10 người kéo đến tham dự phiên tòa được gọi là “công khai”. Ðó là chưa kể nếu kéo dài qua ngày thứ 2 thì ai biết được cái gì có thể xảy ra khi sự bất mãn có thể khiến các lực lượng quân đội, ngoài vòng kiểm soát của Nguyễn Tấn Dũng và đồng bọn, sẽ gây thành biến động, như trường hợp ở Romania 13 năm trước, theo bản tin được thông tín viên Hoàng Nguyễn phổ biến trên đài RFI ngày 24-12-2009 nói rằng “thành phố Timisoara, được coi là nơi khởi đầu cuộc cách mạng 1989 với sự kiện hàng trăm ngàn người đã xuống đường để phản đối việc chính quayền định dùng vũ lực cưỡng bức một mục sư Tin lành đối lập gốc Hungary - ông TQkés László - phải rời thành phố”; đó là cuộc cách mạng trong khoảng thời gian kéo dài chừng 1 tuần từ ngày 22-12-1989, đi kèm những đụng độ đẫm máu, khiến hơn 1.000 người thiệt mạng và hơn 3.000 người bị thương, sau khi Chủ tịch Ceausescu [xem hình] bị bị lật đổ bởi một cuộc đảo chính quân sự và bị bắn bỏ sau một phiên xử hai giờ.

Nỗi sợ hãi của Cộng sản Việt Nam cũng bộc lộ qua việc chúng mời Blogger Mẹ Nắm lên làm việc với công an thành phố Nha Trang sáng 25-09-2012. Theo lời tường thuật của Mẹ Nắm cô đã bị cán bộ công an tên Nguyên (nói giọng Bắc), mà cô đoán là đến từ Bộ Công an, lên tiếng đe dọa bằng cách nhắc đi nhắc lại rằng: “Chị tưởng mình là ai, đừng nghĩ rằng các anh ở đây nhẹ nhàng với chị thì chị muốn gì cũng được. Chưa đến lúc thôi, chúng tôi chưa muốn thôi... Chị chưa là gì so với Hải Ðiếu Cày, Tạ Phong Tần đâu, chị muốn nổi tiếng như họ không?”

Còn nhớ phiên tòa xét xử ba blogger Ðiếu Cày (Nguyễn Văn Hải), Tạ Phong Tần và Anhbasaigon (Phan Thanh Hải) dự định tổ chức tại thành phố Hồ Chí Minh vào ngày 7 tháng 8 năm 2012 đã bị hoãn đến lần thứ ba. Lần hoãn thứ nhất là vào ngày 17/4; lần thứ hai là vào ngày 15/5. Tại sao vậy? Câu trả lời dứt khoát là vì Cộng sản Việt Nam sợ vụ xử sẽ biến quan tòa thành tội phạm ngồi xử những anh hùng như chúng đã từng làm trong vụ án cho công an dàn dựng 2 bao cao su đã qua sử dụng để xử tù Tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ, bị y án qua phiên xử phúc thẩm ngày 2-8-2011.

Ðúng vậy, thái độ vụng về của tòa và sự hiên ngang của Ðiếu Cày và Tạ Phong Tần giữa tòa đã nói lên điều đó. Nó đã khiến 3 Bloggers bị cáo hiển nhiên trở thành 3 anh hùng trước quần chúng, nhứt là cái chết vô cùng thảm khốc vì tự thiêu của Mẹ cô Tạ Phong Tần là Bà Ðặng Thị Kim Liêng tuy không được đề cặp tới, nhưng vì sự tàn bạo của công an đối với các con của Bà cho thấy cái dã man của nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam. Khi được Khánh An của đài RFA hỏi chuyện anh Tạ Hòa Phú, anh của blogger Tạ Phong Tần, và được anh cho biết sau phiên tòa hôm qua (24-9-2012), anh đã mất liên lạc với các anh chị em khác là những người đi tham dự phiên tòa, anh nói: “Công an giữ hết mấy người trên Sài Gòn rồi, bây giờ không biết bị nhốt ở đâu. Tạ Minh Tuấn, Tạ Khởi Phụng, Tạ Minh Tú và chị Tân (vợ anh Ðiếu Cày Nguyễn Văn Hải), mất liên lạc hết bốn người đó luôn rồi”. Anh Phú cho biết, các anh chị em phân công anh ở nhà coi nhà, còn những người khác sẽ đi từ Bạc Liêu lên TP HCM để tham dự phiên tòa được nói là công khai xử cô Tạ Phong Tần và hai bloggers khác. Nhưng qua theo dõi tin tức trên mạng và từ những người quen, anh biết được tất cả anh chị em của mình đã bị công an bắt giữ khi họ còn chưa đến được tòa án.


Ông Phil Robertson
Mặt khác, tin được Trà Mi đưa lên đài VOA ngày 26-9-2012 cho biết “Chính quyền Việt Nam tiếp tục bỏ ngoài tai những chỉ trích dồn dập và mạnh mẽ của thế giới về các bản án nặng nề đối với ba bloggers Ðiếu Cày, Anhbasaigon, và Tạ Phong Tần. Bộ Ngoại giao Việt Nam nói các bản án này đúng theo quy định của pháp luật và phù hợp với các quy định của luật pháp quốc tế về quyền con người. Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Việt Nam, Lương Thanh Nghị, ngày 25-9 khẳng định chính quyền Việt Nam luôn tôn trọng và bảo vệ quyền tự do của công dân theo quy định của Hiến pháp và pháp luật”.

Nghe vậy, lập tức, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền Human Rights Watch nói rằng những lời tuyên bố này hoàn toàn ngụy biện, không đúng với thực trạng vi phạm nhân quyền đang ngày càng xuống cấp tại Việt Nam. Phó Giám đốc phụ trách khu vực Châu Á thuộc tổ chức Human Rights Watch, ông Phil Robertson [xem hình ], nói với Ban Việt ngữ VOA rằng ông không hiểu làm sao người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Việt Nam lại có thể phát biểu những lời lẽ vô nghĩa như thế, ông nói:

“Tôi nghĩ phát ngôn nhân Lương Thanh Nghị [xem hình] nên bỏ thời gian tìm đọc điều 19 quy định về quyền tự do bày tỏ quan điểm của công dân trong Công ước Quốc tế về quyền Dân sự và Chính trị mà Việt Nam đã ký kết tham gia. Tôi sẵn sàng gửi cho ông Nghị một bản nếu ông không tìm thấy trong thư viện của Bộ Ngoại giao Việt Nam.” [người trích in đậm và gạch dưới].

Ðiều này đã khiến Blogger có biệt danh là Bà Ðầm Xòe đã châm biếm rằng [được đăng bởi HUYNH NGOC CHENH vào lúc 22:20]: “Tôi rất khoái sự phản đối của Ðảng và Nhà nước ta qua mồm ông Lê Thanh Nghị”. Ðể rồi sau đó xiên xỏ lên tiếng thay cho Phan Thanh Nghị nói rằng: “Hãy nhìn vào lịch sử của chúng tao. Khi chúng tao đánh Mỹ, chúng tao đã biết làm cho nhân dân Mỹ nổi lên chống lại nước Mỹ ở ngay trong lòng nước Mỹ. Chúng tao đã làm cho cả phương Tây, cả châu Âu nức nở, nhỏ lệ và ủng hộ chúng tao hết mình khi biết rõ chúng tao là ai? Chúng tao là cộng sản, một chi nhánh của Nga Xô, của Tàu Cộng tại Việt Nam. Từ khi nước tao thực hiện đổi mới đến nay, cái gì cũng sờ sờ ra cả đấy. Ấy mà chúng mày có biết ngô khoai gì đâu. Chúng mày đã sập bẩy chúng tao bao nhiêu lần rồi, mà vẫn chưa biết, chưa tỉnh ngộ ra. Chúng mày ấu trĩ lắm. Chỉ lược thuật sơ sơ như vậy, chúng mày biết chúng tao như thế nào rồi. Tài của chúng tao cao thấp với chúng mày như thế nào rồi. Chúng tao là cộng sản, bây giờ vẫn cứ là cộng sản. Chúng tao vẫn là đội tiên phong của giai cấp công nhân; chúng tao là lực lượng tiến bộ đại diện cho nhân loại tiến bộ, chúng tao là mùa xuân đại diện cho mùa xuân nhân loại nữa kia...”

Lời Bà Ðầm Xòe nói thay cho Lê Thanh Nghị đó diễn tả đúng mức độ lưu manh của Cộng sản Việt Nam từ lâu, nhưng đến nay thì cái lưu manh của kẻ chuyên tráo bài ba lá đó đã bị nhận diện, chẳng những thế giới nhận diện và lên án như trên đã trình bày; mà chính các đảng viên của chúng cũng nhận diện và lên án, khiến có người âm thầm bỏ đảng, nhưng cũng có người bỏ đảng với đơn xin ra đảng hẳn hòi được đăng trên các diễn đàn, tiêu biểu như Nguyễn Chí Ðức, người thanh niên biểu tình chống Trung cộng cưỡng chiếm Hoàng Sa & Trương Sa bị công an đạp vào mặt. Cũng có người từng là cán bộ Viện Khoa Học Công Nghệ GTVT như ông Ðỗ Xuân Thọ cũng bỏ đảng vì những động thái mà đảng đang kêu gọi chỉnh đốn đối với ông chỉ là những công việc bề ngoài mị dân. Ông nói: “...Tôi có thề khẳng định là tất cả mọi cái chắp vá, cải tiến, sửa đổi chính đốn đảng lần này đều là vô vọng. Không thể nào sửa chữa đựơc một cái hệ thống khi nó đã sai từ các nguyên lý, các tiền đề cơ bản. Tất cả những đảng viên còn đi làm nhà nước thì họ thu người tuyệt đối lại, không phát biểu, phần lớn giữ thái độ trung lập. Thế còn những đảng viên đã về hưu rồi thì họ bàn tán vô cùng sôi nổi về cuộc đấu đá nội bộ này và họ chỉ mong xảy ra một cuộc như ở nước Nga mà ông Yeltsin đứng lên lãnh đạo đập tan cái chủ nghĩa xã hội này và mong muốn Nguyễn Tấn Dũng từ chức”. Ông Thọ cũng cho biết thêm: “...Nếu đảng viên có chức có quyền thì đang lo nơm nớp gửi tiền ra nước ngoài cho con đi du học dù nó ngu đến mức nào đi chăng nữa họ cũng cố gắng tống con ra nước ngoài với bất cứ giá nào vì họ biết tình hình trong nước là cực kỳ bất ổn...”

Song song với nỗi sợ được bộc lộ nêu trên, người theo dõi nội tình Cộng sản Việt Nam còn thấy nỗi sợ hãi hùng hơn nữa của các cấp lãnh đạo hàng đầu ngồi ở Bắc bộ phủ Hà Nội, qua tội lỗi của đám Thái thú gây nên đại họa mất nước, mà điển hình là Nguyễn Tấn Dũng với quá nhiều tội lỗi bị phơi bày trong thời gian gần đây, khiến một số không nhỏ cán bộ cao cấp chường mặt ra phải vào tù như Phạm Thanh Bình (Chủ tịch Hội đồng quản trị Vinashin); Dương Chí Dũng (Chủ tịch Hội đồng quản trị Vinalines)... Rồi mới đây là Phó Chủ tịch Hội đồng sáng lập ACB Nguyễn Ðức Kiên (được gọi là Bầu Kiên); Tổng giám đốc Lý Xuân Hải... kéo theo Trần Xuân Giá, chủ tịch HÐQT Ngân hàng ACB, cựu Bộ trưởng Kế hoạch & Ðầu tư; Lê Vũ Kỳ, nguyên phó chủ tịch Ngân hàng ACB; Trịnh Kim Quang, một nguyên phó chủ tịch khác của ngân hàng ACB; và Phạm Trung Cang, nguyên phó chủ tịch Eximbank... Sự lộng quyền của Nguyễn Tấn Dũng khiến nội bộ đám lãnh đạo hàng đầu của chúng trong Bộ Chánh trị chịu không nổi. Nó cũng gây thành cuộc đấu đá nội bộ giữa 2 phe, một bên cầm đầu chánh phủ là Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng đồng bọn đối đầu với một bên cầm đầu đảng và nhà nước là Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng với Chủ tịch Trương Tấn Sang.


Nguyễn Tấn Dũng và Tập Cận Bình
Ðiều đáng lưu ý là trong cuộc đấu đá coi như sống chết của cả 2; bên nào cũng không quên nhìn về Bắc Kinh để tìm chỗ nương tựa; và cả 2 bên cùng tìm dịp chứng tỏ lòng trung thành của mình đối với cấp lãnh đạo hàng đầu Trung cộng. Chính Nguyễn Tấn Dũng, ngày 20/09/2012, lần đầu tiên trong nhiệm kỳ thứ 2, đã hạ mình sang Tầu nói là tham dự hội chợ Trung cộng - Asean lần thứ 9 tại Nam Ninh để gặp Tập Cận Bình [xem hình cặp đôi Nguyễn Tấn Dũng và Tập Cận Bình cùng đeo cà-vạt xanh, thể hiện sự đồng lòng, đồng phục?], người sẽ kế nhiệm Hồ Cẩm Ðào trong các chức vụ lãnh đạo tối cao của Trung cộng sắp tới, để bày tỏ lòng trung thành với Trung cộng là có cùng quan điểm với Tập Cận Bình rằng: “Sẽ luôn luôn ghi nhớ và đánh giá cao sự giúp đỡ của Trung quốc”. Dũng cũng nói: “Phát triển quan hệ với Trung quốc là ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Việt Nam”, đúng như những gì Hồ Chí Minh mong muốn, kể từ năm 1950; và cũng đúng với những gì Nguyễn Văn Linh, Ðỗ Mười, Phạm Văn Ðồng đã cam kết với Giang Trạng Dân, Lý Bằng ở Hội Nghị Thành Ðô trong 2 ngày 03 và 04/09/1990, về việc quay lại thần phục Trung cộng, để nhận 16 chữ vàng và 4 tốt. Trước đó, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ngày 11/10/2011 cũng đã cam kết với Hồ Cẩm Ðào về việc định hướng quan hệ Trung-Việt và chấp nhận việc “Hán Hoá Việt Nam”. Nó cũng được xác nhận qua chỉ thị của Hồ Cầm Ðào nói thẳng với Chủ tịch nước Trương Tấn Sang bên lề Hội Nghị APEC, hôm 07/09/12, rằng: “Kiên trì thông qua đàm phán, đối thoại thỏa đáng vấn đề Biển Ðông bằng biện pháp hoà bình”; sau khi Trung cộng đã thực sự chiếm trọn Biển Ðông.

Cho tới nay, thế công của phe chống Nguyễn Tấn Dũng tưởng như bị hóa giải khi các thành viên Bộ Chánh trị không đạt được kết quả bỏ phiếu trong Bộ Chánh trị hôm 26/9/2012 vừa qua để trừng phạt Nguyễn Tấn Dũng. Nhưng, nhìn chung, người theo dõi vấn nạn không ai không ngạc nhiên thấy sự câu giờ để chưa có được quyết định tưởng như trở thành cái dịp bằng vàng cho Nguyễn Tấn Dũng thoát nạn đó đã khiến hắn phải đối đầu với Hội Nghị Trung Ương 6 sẽ được khẩn trương khai mạc, vì 14 lá phiếu không thể quyết định thay cho 175 lá phiếu được, như nội dung bức thư gửi toàn thể các ủy viên trung ương đảng, được đưa lên các diễn đàn Internet, của một ủy viên trung ương đảng xin phép được giấu tên, trong đó có đoạn:

“...Các đồng chí Bộ Chánh trị đã hiểu rõ tình trạng nước sôi lửa bỏng, toàn dân đang bị bắt làm còn tin của Nguyễn Tấn Dũng, Nguyễn Văn Hưởng và Trần Quốc Liêm!... Ban chấp hành Trung Ương với uỷ viên Trung Ương Ðảng là bí thư 63 Tỉnh Thành; Văn Phòng Trung Ương đảng với gần 20 uỷ viên dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Tổng Bí thư và Lực lượng Quân đội với gần 20 uỷ viên dưới sự quản lý của Tổng Bí Thư và Chủ tịch nước. Ngay tại Bộ Công an tưởng rằng trực thuộc Thủ tướng nhưng cũng có đến ít nhất 50% uỷ viên là Tổng bí thư và Chủ tịch nước chỉ đạo trực tiếp. Như vậy có thể thấy ít nhất có đến 70% uỷ viên Trung Ương trực tiếp dưới sự chỉ đạo của Tổng bí thư rồi. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng với 22 Bộ, ban ngành mà lần trước bỏ phiếu cho cái Ban Chống Tham nhũng cũng chỉ đạt chưa tới 10% phiếu bầu; Tại Ðại hội khoá 11, chỉ riêng vụ việc Vinashin mà Thủ tướng đã liêu siêu, vận hết công lực mới vượt qua... dù cho thầy trò Hưởng và tư Liêm có xua quân ngày đêm đi đe doạ, chúng ta có thể tự tin mà nói rằng liệu lần này sẽ được bao nhiêu phiếu?...”

Ngoài ra, trong bài viết của Nguyễn Hoàng, viết từ Việt Nam, ngày 20 tháng 9 năm 2012, có tựa đề “Nguyễn Tấn Dũng định mệnh lịch sử”, được đăng trên một số diễn đàn, trong đó có đoạn:

“...Sử Triều Nguyễn ghi chép về Trương Thúc Loan như sau: “Ðịnh Vương (Chúa Nguyễn Phúc Thuần) lên ngôi phong cho Trương Thúc Loan là Quốc Phó, lo việc Bộ Hộ, cai quản Tượng Cơ, kiêm quản Tào Vụ (coi việc tàu bè thương lái ra vào các cảng)... Càng ngày ông càng kiêu hãnh, tham lận, tàn nhẫn, ăn ở bậy bạ, không còn biết sợ ai... Từ năm 1765, chính quyền thống trị Ðàng Trong chủ yếu ở trong tay bè đảng Trương Thúc Loan, dân chúng lầm than khổ ải trăm đường.... Vào lập Ðông năm Giáp Ngọ (1774). Nhân lúc tình hình Ðàng Trong rối ren bất ổn, Chúa Trịnh Sâm liền ra thông cáo thiên hạ dấy binh vào Nam để trừ quyền thần Trương Phúc Loan...”

Từ đó, Nguyễn Hoàng viết tiếp:

“Trương Thúc Loan là định mệnh của lịch sử. Ngày nay, định mệnh ấy đã được tái hiện trong chế độ toàn trị, và cái tên sẽ đi vào lịch sử như một vết nhơ không thể gột rửa, đó là Nguyễn Tấn Dũng. Từ năm 2006 đến nay, qua hai nhiệm kỳ làm thủ tướng, Nguyễn Tấn Dũng cùng tập đoàn lợi ích vây cánh của Dũng trong và ngoài đảng đã lộ rõ bản chất là một tập đoàn phản động bán nước hại dân. Dũng đích thực là một Trương Thúc Loan của thời đại Cộng sản toàn trị... Lịch sử đang tái diễn... Thời khắc lịch sử đang đến rất gần, những chiến sĩ dân chủ đang đấu tranh cho sự tồn vong của đất nước, những con người đã và đang chiến đấu cho lý tưởng tự do, dân chủ, nhân quyền và toàn vẹn lãnh thổ, chính là những người đang viết nên trang sử cho thế hệ mai sau”.

Do vậy, mọi cái bị gọi là tội đối với Cộng sản Việt Nam không có cái tội nào lớn hơn tội chống là Tàu diệt Việt cộng, đúng như lời của nhóm “chống Tàu diệt Việt cộng”, do trưởng nhóm Trần Văn Minh phổ biến trong bản tin số 22, từ ngày 15 tới 30-2012, rằng:

“Tàu cộng là cái phao cho sự tồn tại của Ðảng Cộng sản Việt Nam. Về phương diện chính trị, đường lối cai trị của Ðảng Cộng sản Việt Nam chỉ là bản sao của Ðảng Cộng sản Trung cộng. Mất sự hướng dẫn của Tàu cộng thì Ðảng Cộng sản Việt Nam sẽ không biết phương cách điều hành quốc gia và nội bộ đảng sẽ trở thành hỗn loạn... và bản án dành cho 3 bloggers Nguyễn Văn Hải, Tạ Phong Tần và Phan Thanh Hải chính là một chiến thắng của 3 anh hùng này!”

Chưa biết, mấy ngày tới đây, đại hội các ủy viên Trung ương đảng sẽ đưa tới kết quả nào, Nguyễn Tấn Dũng bị trừng phạt ra sao, nhưng tất cả mọi chuyển biến đều góp phần tạo nên sức mạnh cho Ðiếu Cày Nguyễn Văn Hải, Tạ Phong Tần và Anhbasaigon mạnh tay đóng xuống những đầu đinh khép kín quan tài chôn chết Cộng sản Việt Nam, hình thành nền Dân chủ Pháp trị cho một nước Việt Nam phồn vinh thịnh vượng.

Hẹn con thư sau
Giáo Già

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad