Là cây khế của cụ Cam tôi. Nó là giống khế dở, nghĩa là không chua, không ngọt, ăn rất ưng mồm. Không biết được giồng tự bâu giờ, nhưng lúc tôi nhớn lên đã thấy cổ thụ lắm rồi và quả thì chi chít, quanh năm. Hoa lợi cụ Cam tôi đều thu từ cây khế đó.
Ngay dưới gốc cây khế là một cái hố xí lộ thiên hình bán nguyệt. Để mô tả thì quả là khó lắm, đại khái cụ tôi đào một cái hố nông hình nửa vầng trăng rồi bắc tấm ván thiên ngang kê chân ngồi ị, dưới là đầy những cứt đái phân gio. Cụ hay cho người làng vào ị nhờ để lấy phân nhưng lại đứng ngoài canh me như tuần đinh gác trộm. Là cụ sợ bọn ỉa nhờ táy máy leo trèo trộm khế, nhất là đám nhi đồng bọn tôi. Thay vì trèo leo vặt khế bọn tôi đi nhặt những quả rụng dưới vườn. Ác cái là những quả chín thơm ngon nhất lại tuyền rụng vầu cái xí lộ thiên kia. Chả là những cành sai nhất lại trĩu theo hướng đó. Còn những chỗ khác, tuyền những quả vẹo tai, thối cuống, sâu ruột, ăn chán bỏ mẹ. Nhiều bận thèm thuồng tiếc của bọn tôi cũng chả ngại nhặt những quả chín ngay hố phân đem rửa ráy ăn ngon lành. Thời thổ tả nó thế, có cái đéo gì phải băn khoăn?
Nhà tôi hồi ấy nghèo, tết nhất chả có gì ngoài hộp mứt mậu dịch phân phối theo chỉ tiêu. Mà lại có được tử tế, tuyền mốc khoáng đại vương, các ông mọt bò lồm ngồm, nhai cót két. Cứ mỗi đận cận tết, mẹ tôi lại sang xin phép cụ Cam cho lũ tôi sang nhặt khế rụng về làm mứt. Chả biết mẹ tôi học đâu ra món này. Khế nhặt về tách múi đem phơi, lúc gần làm thì cho chảo đảo khô rồi thắng đường vàng hay mật mía đổ vào là thành mứt. Chán nỗi không mấy ngon vì tuyền quả đểu. Muốn ngon phải là những quả chín hố phân kia. Báo hại thân tôi mót quả.
Người ta cứ bảo trẻ trồng na, già trồng chuối, chứ ai lại như cụ Cam tôi đi trồng khế bao giờ. Đấy là nói cho có chuyện thế, chứ cây khế kia chắc đếch gì cụ đã trồng. Năm í cụ 70 xuân nhưng leo trèo giỏi lắm, khỉ rừng hẵng còn thua xa. Cứ sáng chiều ngày hai bận cụ leo vặt khế bán chợ làng. Những cành xa, cụ làm cái lồng bằng ống nứa vặt ngon lành từng quả một, cấm sót lấy thức gì cho chim. Mỗi lần thế, cụ hay réo tôi sang nhặt khế bỏ thúng, bởi trong đám trẻ tôi thật thà nhất, không găm túi áo, chả lận cạp quần. Xong việc cụ cho tôi chọn một quả ưng nhất mà ăn. Tất nhiên tôi không dại đến mức chọn quả vẹo tai, thối cuống, mà phải là quả to nhất, mọng nhất trần đời. Tôi không ăn mà chỉ ngửi rồi đi nhem nhem với lũ đồng ấu thối tai. Đâu tôi cũng bảo cụ Cam cho, vì cụ yêu và quan trọng là tôi muốn chứng minh mình là ngon lành nhất. Chỉ đến khi tai khế đen đi mới dám đem ăn trong niềm hân hoan tiếc rẻ.
Cũng năm ấy, như bao lần tôi lại sang giúp cụ Cam thu hái. Tôi cứ bấc mặt lên giời dõi theo hướng khế rơi mà nhặt bỏ thúng cho cụ. Cụ hái khéo lắm, cấm quả nào rơi vào cái hố xí lộ thiên. Tôi phục lăn phục lóc. Rồi bỗng oác oác, tôi thấy cụ phịch phát hố phân, mặt cắm thẳng. Tôi rú lên kêu làng kêu nước. Họ vục cụ dậy, đặt nằm ngửa bên giải khoai lang, lấy nước rửa mặt rồi hô hấp nhân tạo. Nhưng chả ăn thua, cụ đi từ khi rơi xuống. Người thì bảo ngạt phân, kẻ thì bảo động não. Tôi thì bảo tại cành sai. Mà nhất khoát phải thế, nếu cụ chả ham cành sai thì đâu nên nỗi. Chưa kể khế già, cành khác đếch gì xương bô lão.
Sau đận ấy, con cháu cụ cưa tiệt cây khế. Nhưng vài năm sau cành lá lại xum xuê, quả mọng lại lủng lẳng. Có điều nó lại giở chứng thành khế chua. Tài thế chứ lị.
Lần này thì không cưa mà lại búa rìu bấng tận gốc. Đánh gần tuần mới tiệt. Những hình hài gốc rễ trông cũng rồng rắn ra phết. Vài anh thong manh xin về đục đẽo bôi thêm tí véc-ni trông cũng da dáng, còn phần nhiều đun cũng được mấy mùa bánh chưng.
Nhiều năm đi xa, tôi cũng chả mấy sang nhà cụ. Tết rồi đáo thắp hương, đảo ra vườn xả tí e ngày tết. Điều kì lạ là ngay gốc khế năm xưa thì giờ vẫn...là khế. Có điều cây thấp và tán rậm hơn. Vin một quả bên cành, lạ chưa, ngọt lịm. Tôi hỏi chuyện cây khế, các con cụ bảo vẫn gốc đó mọc lên. Nghĩ điều gì linh thiêng nên họ không đào bấng nữa. Và quan trọng, ai thích ăn vào hái, i phúc lợi của chung.
Tôi thì cứ nghĩ, khế của hôm nay khác khế ngày qua, tuy có ngọt ngào nhưng cũng chẳng mấy ai thèm hái. Và trên hết là cây già thành tinh thì hóa ra người chứ không phải bỡn. Đấy là tôi hóng thế.
Theo blog Phọt Phẹt
Post Top Ad
Thứ Tư, 20 tháng 2, 2013
Từ khóa tìm kiếm:
# Đời Sống-Xã Hội
# Thư Giản
Share This
About
Tiến Bộ
Thư Giản
Labels:
Đời Sống-Xã Hội,
Thư Giản
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét