Hầu hết nguyên liệu doping xuất xứ từ Trung Quốc - Tiến Bộ

Breaking

Home Top Ad

Post Top Ad

Thứ Tư, 20 tháng 2, 2013

Hầu hết nguyên liệu doping xuất xứ từ Trung Quốc


Thụy My

Chính quyền Bắc Kinh hôm nay 19/02/2013 loan báo sẽ điều tra về tuyên bố của Cơ quan chống doping thế giới (Ama), rằng hầu như toàn bộ nguyên vật liệu được các mạng lưới tội phạm sử dụng để sản xuất các sản phẩm doping là từ Trung Quốc.

Chất doping bị bắt giữ tại Vienna (Áo),
27/03/2009. REUTERS/Leonhard Foeger

Được biết trong phần trả lời phỏng vấn hãng tin Reuters vào tuần trước, ông David Howman,Tổng giám đốc Cơ quan chống doping thế giới đã khẳng định rằng 99% nguyên liệu sản xuất các sản phẩm doping được rao bán trên internet có nguồn gốc từ Trung Quốc. Theo Tân Hoa Xã, ông Tưởng Chí Học (Jiang Zhixue), người phụ trách chống doping của Tổng cục Thể dục Thể thao Trung Quốc cho biết bị sốc vì tuyên bố trên, và cho biết sẽ yêu cầu Ama cho biết thêm chi tiết.

Ông Jiang nói thêm, nhiều bộ sẽ tham gia cuộc điều tra, như trong các hoạt động chống lại các mạng lưới sản xuất và bán các chất doping được tiến hành trước Thế vận hội Bắc Kinh 2008.

Tham nhũng trong bóng đá Trung Quốc: 33 người bị sa thải, phạt nặng các câu lạc bộ

Hôm qua 18/02/2013, Liên đoàn Bóng đá Trung Quốc loan báo gạch tên vĩnh viễn 33 người và trừng phạt nhiều câu lạc bộ những khoản tiền lên đến hàng trăm ngàn đô la. Đây là xì-căng-đan lớn nhất từ trước đến nay về các trận bóng dàn xếp để cá độ.

Trong số những người bị loại trừ vĩnh viễn có hai cựu chủ tịch và phó chủ tịch Liên đoàn Bóng đá là Nam Dũng (Nan Yong) và Tạ Á Long (Xie Yalong), vốn đã bị tù vì nhận hối lộ, và Từ Hoằng (Xu Hong), chủ tịch câu lạc bộ Dalian Aerbin (Đại Liên Ái Nhĩ Tân). Hai câu lạc bộ Thiên Tân Thái Đạt (Tianjin Teda) và Thượng Hải Thân Hoa (Shanghai Shenhua) liên quan đến một vụ dàn xếp tỉ số năm 2003 bị phạt 160.000 euro, riêng Thượng Hải Thân Hoa, đội bóng từng tuyển dụng cầu thủ Pháp nổi tiếng Nicolas Anelka, còn bị tước chức vô địch quốc gia năm 2003.

Từ Bắc Kinh, thông tín viên RFI Stéphane Lagarde cho biết thêm chi tiết:

“Cũng như các đội khác, Thượng Hải Thân Hoa không chỉ bị mất điểm vào mùa tới, mà còn bị tước cả các giải thưởng đã đoạt được trong năm 2003. Câu lạc bộ này bị kết tội là đã dàn xếp tỉ số các trận đấu của năm đó. Nhưng đây không phải là đơn vị duy nhất bị Liên đoàn Bóng đá Trung Quốc quyết định trừng phạt, mà còn có nhiều người khác.

Tham nhũng trong tất cả các cấp độ, vụ xì-căng-đan được phát hiện vào năm 2009 có liên quan đến các cầu thủ, trọng tài, và cả lãnh đạo các đội bóng. Trong số này có Nam Dũng, người đứng đầu ngành bóng đá Trung Quốc bị gạch tên vĩnh viễn, sau khi bị kết án 10 năm rưỡi tù giam vì đã nhận 180.000 euro tiền hối lộ.

Vụ thanh lọc quy mô này không phải là không gây ra các phản ứng nơi các đương sự. Câu lạc bộ Diên Biên (Yenbien), trực thuộc khu tự trị người Triều Tiên ở tỉnh Cát Lâm vùng đông bắc Trung Quốc, sáng nay cho biết sẽ khiếu nại về việc bị trừ ba điểm và phạt 60.000 euro. Một cựu huấn luyện viên và một trợ lý kỹ thuật của câu lạc bộ này đã bị ủy ban kỷ luật lên án là đã nhận trên 70.000 euro để dàn xếp tỉ số một trận đấu trước đội Quảng Đông vào năm 2006”.

Được biết bóng đá là môn thể thao rất được ưa chuộng tại Trung Quốc, nhưng các xì-căng-đan tham nhũng đã bôi đen hình ảnh và làm giảm số lượng khán giả mua vé vào sân.

 Theo RFI

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad