Những bức ảnh gây tranh cãi nhiều nhất trên mạng xã hội - Tiến Bộ

Breaking

Home Top Ad

Post Top Ad

Thứ Bảy, 30 tháng 3, 2013

Những bức ảnh gây tranh cãi nhiều nhất trên mạng xã hội


Hơn hẳn sự thật đằng sau những bức ảnh ấy là bài học sâu cay buộc tất cả chúng ta phải cân nhắc khi trao gửi tình thương cho một ai đó.

Bức ảnh ông già bán me


Cách đây không lâu, bức ảnh ghi lại cảnh một ông già trong bộ quần áo đã bạc màu, cũ kĩ, da sạm đen, nhăn nheo ngồi bán những chùm me trên vỉa hè ở thành phố Hồ Chí Minh và câu chuyện về hoàn cảnh của cụ xuất hiện trên một fanpage của facebook đã nhanh chóng nhận được sự chia sẻ của cộng đồng mạng. Rất nhiều người đã bày tỏ sự thương xót với người đàn ông này và người ta vẫn bắt gặp những người khách qua đường tốt bụng, dừng lại nơi ông già đang ngồi để gửi ông ít tiền ăn cơm, uống nước.

Bức ảnh ông già bán me khiến dân mạng nghẹn ngào, xót thương

Tuy nhiên, chỉ vài ngày sau đó, lại xuất hiện một nguồn thông tin mới, cho rằng ông già bán me không “hoàn cảnh” như lời ông ấy kể. Theo lời kể của nhiều người thì vợ chồng ông lão bán me có nhà, có xe máy và thu nhập mỗi ngày từ việc bán me cũng đủ sống chứ không đến nỗi thiếu thốn. Sự thật này nhanh chóng dẫn đến những cuộc bàn tán, những tranh cãi nảy lửa khi nhiều cư dân mạng cho rằng tình thương của mình đã bị “lợi dụng”.

Bức ảnh cô gái bị cướp thận

Hình ảnh một cô gái nằm dài trên vỉa hè, nước mắt đầm đìa, đang gào khóc tham thiết được dân mạng chia sẻ cùng với câu chuyện “cảnh giác” kể về một cô gái Trung Quốc tỉnh dậy trong bồn tắm đầy đá, nhận ra mình bị cắt mất hai quả thận. Bức ảnh và nội dung thông điệp này được dân mạng chia sẻ với tốc độ chóng mặt, bên cạnh việc tuyền truyền, lưu ý mọi người đề phòng, cảnh giác, rất nhiều bạn trẻ còn bày tỏ thái độ xót thương, chia sẻ với cô gái kém may mắn. Thậm chí, nhiều người còn gọi điện, gửi email đến trường Đại học Tứ Xuyên, nơi cô gái đang theo học để động viên và biết thêm tình hình sức khỏe của cô.

Hình ảnh đi kèm với câu chuyện cô gái bị cướp thận

Nhưng chỉ một thời gian ngắn khi hình ảnh này được phát tán, nhiều tổ chức đã lên án tố cáo đây chỉ là một trò lừa đảo. Theo phân tích trên Hoax-Slayer, trang web tại Australia chuyên phân tích những trò lừa đảo trên email và internet, đây thực chất là câu chuyện cũ được “chế biến” đôi chút và lan truyền ít nhất cũng từ năm 1997. Câu chuyện về cô gái ở Trung Quốc cũng là một trong những phiên bản ấy.

Bức ảnh bữa ăn đối lập

Mới đây nhất, ngày 9-3, cư dân mạng đã chuyền tay nhau bức ảnh ghi lại sự đối lập giữa bữa cơm đạm bạc của bác bảo vệ ngồi trong góc tòa nhà, vội vàng nuốt những miếng cơm trưa, và nhóm người bên kia bức tường được cho là những bạn trẻ mặc đồng phục đang ngồi uống cà phê sang trọng. Chỉ vài giờ đồng hồ sau khi được đăng tải, bức ảnh đã nhận được hàng loạt lượt “like” và chia sẻ của cộng đồng mạng, đa số các bạn trẻ đều bày tỏ thái độ cảm thông với nhân vật bác bảo vệ trong hình, có bạn còn rơm rớm khi nhận ra khoảng cách giàu nghèo trong xã hội ta ngày càng lớn.

Bác bảo vệ ngồi sụp xuống đất để ăn là do... sở thích chứ không phải vì bất cứ lý do nào khác

Những thông tin đằng sau bức hình được chia sẻ trên một trang báo mạng đã khiến nhiều bạn ngỡ ngàng. Theo đó, việc bác bảo vệ kia thu mình ngồi bệt xuống đất ăn vội bữa cơm trưa được giải thích là do… sở thích chứ hoàn toàn không có sự phân biệt nào. Thông tin này được tiết lộ từ người quản lí của nhà hàng nơi bác bảo vệ làm việc, cũng là quang cảnh xuất hiện trong bức ảnh.

Những câu chuyện, những hình ảnh thương tâm này được cư dân mạng chuyền tay nhau, nhưng chỉ ít lâu sau sự thật đằng sau những bức hình ấy được vạch trần khiến nhiều người bất ngờ, chao đảo. Chuyện đáng nói hơn là bản thân những nhân vật trong hình không hề kể khổ, không nhờ ai quyên tiền giúp họ cả mà chính dân mạng đã đăng tải, chia sẻ và tự cho rằng đây là câu chuyện đáng để mọi người chú ý, quan tâm.

Những câu chuyện kể trên là bài học lớn cho cư dân mạng về tính chọn lọc và hiểu tận cùng sự việc trước khi phơi bày, kêu gọi lòng hảo tâm từ cộng đồng.

Theo Đất Việt

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad