Chuyện kì thị Bắc - Nam - Tiến Bộ

Breaking

Home Top Ad

Post Top Ad

Thứ Hai, 22 tháng 4, 2013

Chuyện kì thị Bắc - Nam


Hôm nọ, đọc xong bài này, tôi đã định viết vài dòng ghi chú, nhưng loay hoay với công việc rồi quên. Hôm nay, ngày cuối tuần, nên có chút suy nghĩ về chuyện kì thị. Không cần phải dài dòng: kì thị là chuyện xấu, cần phải dẹp. Trong bài báo dưới đây, tác giả thuật lại câu chuyện của chính tác giả bị chủ quán người miền Nam kì thị, và tác giả qui kết "chiến tranh" như là một lí do cho tình trạng kì thị. Tôi thì nghĩ khác: tôi nghĩ rằng tình trạng người Nam kì thị người Bắc có nguyên nhân sâu xa hơn, nó bắt nguồn từ những năm đen tối sau 1975.

Tôi đoán trong cộng đồng dân tộc, không ai có kinh nghiệm kì thị bằng những người Việt tị nạn ở nước ngoài. Thời đó (tức đầu thập niên 1980s) khi người Việt bắt đầu đến Úc định cư, thì phong trào kì thị người Việt cũng bắt đầu“sinh sôi nảy nở”. Có dạo người Việt không được vào các club uống bia. Cựu thủ tướng John Howard có thời không ưa người Việt tị nạn. Giáo sư sử học ở Melbourne tên là Goeffrey Blainey còn nói rằng đóng mộc vào trán người Việt và gửi cho họ về VN trên các chuyến tàu chở cừu xuất khẩu. (Ông này sau này bị áp lực phải từ chức). Có thời gian người Việt bị đám du côn Úc chận đường đánh. Anh bạn tôi là một nạn nhân. Nhưng không lâu sau đó thì “phe ta” cũng bắt đầu hình thành băng đảng để chống chọi, và khi phe ta đã ra tay chống trả (toàn súng đạn) thì du côn Úc cũng phải ngán. Bây giờ thì tôi nghĩ nạn kì thị đã giảm đi nhiều khi thế hệ 2 và 3 người Việt lớn lên ở đây đã hoà nhập và ở mức độ nào đó đã thành công.

Nhưng nay lại có nạn người Việt kì thị người Việt. Người Việt tị nạn (chủ yếu là dân miền Nam) kì thị dân miền Bắc. Có người nói hài hước là dân đi tàu kì thị dân đi máy bay :-). Thật ra, tôi không chắc chữ “kì thị” có đúng không nữa, vì trong thực tế chữ “không ưa”, hay thậm chí “ghét”, thì đúng hơn. Vào giữa thập niên 1990s, khi có đồng nghiệp từ VN sang đây học hành và công tác, họ không dám xuống các vùng đông người Việt (như Cabramatta chẳng hạn). Đến đó, chỉ cần nghe giọng “Bắc 75” là chắc chắn gặp “phiền phức”. Có lần tôi dẫn một anh đồng nghiệp ghé Cabramatta chơi, khi vào nhà hàng, tôi phải dành quyền gọi món ăn, chứ không dám cho anh ấy nói, vì tôi biết anh ấy mà mở miệng nói giọng Bắc 75 thì chắc cả tôi và anh chẳng có gì để ăn. Ở Little Saigon, một hôm tôi và anh bạn (cũng Bắc kì 75, dân Thái Bình) vào nhà sách, anh bạn tôi hỏi tìm mua cuốn hồi kí của tướng Trần Văn Trà; trong khi ông chủ thì điềm đạm, nhưng ông khách đang lựa sách, quay sang gằn giọng với anh bạn tôi: “ở đây không có bán sách của Việt cộng. Việt cộng thì về bển mà mua.” Ông chủ tiệm sách vội vàng dàn hoà, và nói sách … bán hết rồi. Thấy tình hình không ổn, tôi kéo anh bạn lui bến.

Nhưng phải nói rằng nay thì đỡ hơn nhiều. Khi làn sóng người miền Bắc sang đây tị nạn vào thập niên 1990s, và đến nay thì người dân hai miền đã cảm thông nhau nhiều hơn. Thời đó, dân tị nạn miền Bắc không thể mở hàng quán ở khu dân tị nạn miền Nam. Nhưng nay thì anh em Nam Bắc đề huề, bên nhau làm ăn. Ở Cabramatta có một quán Bắc chính cống, bán toàn đồ ăn Bắc, và được dân miền Nam ủng hộ hết mình, riết rồi ông chủ nghĩ ông là dân Nam! Sau này thì thêm làn sóng mấy em du học sinh sang đây học, và đi làm thêm, thì chính các hàng quán Việt là những nơi các em ấy nghĩ đến. Tôi nghĩ trong số những em ấy, chắc cũng có nhiều trường hợp cay đắng. Cháu gái tôi nó kể phải làm trong một quán ăn từ 8 giờ sáng đến 10 giờ đêm, mà chỉ được trả 8.5 AUD/giờ. Đó là một sự bóc lột trắng trợn. Tôi nghĩ có không ít chủ hàng quán người Việt lợi dụng tình thế bất lợi của mấy em học sinh, sinh viên để bóc lột. Câu chuyện được kể trong bài viết trên tờ laodong.com.vn chắc cũng có phần sự thật, và người chủ kia có lẽ là một trong những kẻ bóc lột đồng hương.

Trong bài này, tác giả đổ thừa cho “vết thương của bao năm chiến tranh vẫn đang dai dẳng hằn sâu trong một bộ phận đồng bào”. Nhưng tôi nghĩ không phải vết thương chiến tranh. Tôi nghĩ lí do sâu xa hơn nữa. Có nhiều lí do tại sao người tị nạn miền Nam không ưa người Bắc. Xin nói thêm là tôi không nằm tron nhóm đó, vì tôi nghĩ mình đã vượt qua được lằn ranh phân định đó, và bằng chứng là tôi có nhiều học trò người Bắc và tôi làm việc với đồng nghiệp ngoài Bắc rất thoải mái.

Trong cái nhìn của phần đông những người tị nạn bên này, người Bắc là thủ phạm gây nên sự điêu tàn của đất nước. Với cái nhìn đó, họ không ưa người miền Bắc. Sau 1975 miền Nam có thể nói là lâm vào cảnh khốn cùng. Gia đình li tán. Chồng con đi “học tập cải tạo” mút mùa. Hàng vạn người chết trong các trại tù cải tạo. Số ra tù thì bệnh tật riết cũng chết. Số còn sống sót đi vượt biên thì có khi làm mồi cho cá mập. Nhà cửa bị ăn cướp. Con cái bị kì thị, học giỏi cách nào cũng không vào đại học được do cái lí lịch “nguỵ”. Có thể nói không ngoa rằng thời đó dân miền Nam bị cán bộ miền Bắc kì thị rất ác. Phải nói là "ác ôn". Có vay thì có trả, nên chuyện con em người miền Nam bây giờ tỏ ra thiếu cảm tình với đồng môn người Bắc chẳng có gì khó hiểu. Nhưng chỉ buồn là họ thể hiện cái tức giận đó sai đối tượng, vì người Bắc thì cũng là người Việt thôi, cũng đau khổ như mình thôi.

Phải nói rằng thời đó, cái đám cán bộ ngoài Bắc mới vào tiếp quản Sài Gòn quá ư là lố bịch. Chẳng những huênh hoang, khoác lác, mà họ còn tự thể hiện cái dốt của họ. Đó là chưa nói đến vấn nạn đốt sách. Tôi nghĩ nhiều người Việt tị nạn thế hệ I không bao giờ quên được những vấn nạn kinh hoàng thời đó. Bây giờ, trong cái nhìn của họ, những em sinh viên sang đây du học chắc là COCC, mà COCC cũng có nghĩa là tham ô hối lộ. Cũng có thể họ nghĩ đây là những con em của những người từng cướp nhà, từng làm khổ, hay từng giết chết bà con họ. Do đó, họ tỏ thái độ kì thị hay ghét những em sinh viên nói giọng Bắc là có thể hiểu được.

Hôm nọ, ngồi nói chuyện đời với một doanh nhân ở Sài Gòn có vài chuyện thú vị. Anh này thật ra là gốc Bắc 75, nhưng làm ăn ở Sài Gòn. Anh K cho biết rằng thật ra, tất cả các tập đoàn lớn của Nhà nước đều do người “ngoài đó” nắm hết. Tôi nói thế số bộ trưởng cũng có phân bố Bắc Nam cân bằng đó chứ, thì anh mỉm cười nói “hoa lá cành ông ơi, vì ở dưới điều hành thì vẫn là người ngoài đó”. Thử nhìn qua nhân sự của những hải quan, hàng không, dầu khí, và mấy cái "VINAs" thì anh K cũng có lí. Trước đây, có một con số lưu hành cho thấy phần lớn ngân sách Nhà nước là do các tỉnh miền Nam đóng góp (đặc biệt là Sài Gòn, Bình Dương và Vũng Tàu), nhưng đầu tư cho miền Nam thì rất kém. Hình như là từng có đại biểu QH đặt vấn đề này (?). Trong cái nhìn của anh K, người miền Nam vẫn là người bị thiệt thòi và bị thống trị.

Do đó, tôi nghĩ vấn đề không phải là “chiến tranh” gì cả; vấn đề là sự bất bình đẳng Nam – Bắc. Có lẽ người ta không muốn nói ra, nhưng nếu cứ dấu hoài thì có ngày sẽ bùng nổ. Những chuyện “kì thị” mà bài báo dưới đây mô tả không phải do chiến tranh, mà là di sản của một thời bất công và đen tối mà thủ phạm không ai khác hơn là cán bộ miền Bắc sau 1975. Xin nói cho rõ là “cán bộ sau 1975” nhé, chứ không phải người dân miền Bắc. Chỉ khi nào tất cả đều công khai, và có những kênh đối thoại thẳng thắn, thì chúng ta mới hết nạn kì thị. Tôi nghĩ chỉ có đối thoại thì mới cảm thông nhau.

Riêng cá nhân tôi thì tôi open và thoải mái. Tôi không có kì thị, vì bản thân mình từng bị kì thị. Thật ra, khi nói chuyện với các đồng nghiệp ngoài Bắc tôi thấy họ cũng cởi mở và không có đầu óc kì thị dân Nam chút nào cả (còn trong hành động thì tôi không biết). Nhưng nói chuyện với dân trong Nam, kể cả người Bắc trong Nam, thì một số rất cay cú.

© Nguyễn Văn Tuấn

(Blog Nguyễn Văn Tuấn)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad