Cô dâu Việt chết bất thường tại Hàn Quốc - Tiến Bộ

Breaking

Home Top Ad

Post Top Ad

Thứ Ba, 30 tháng 4, 2013

Cô dâu Việt chết bất thường tại Hàn Quốc


Chiều 28/4, người nhà cô dâu Phạm Thị Trúc quê huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang, cho biết, chị đã tử vong bất thường tại nhà chồng ở TP. Busan (Hàn Quốc).

Sau 7 năm lấy chồng Hàn Quốc, chị Phạm Thị Trúc (SN 1982), quê quán tại xã Xà Phiêng, (huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang) đã tử vong ngay tại chân cầu thang của nhà chồng vào ngày 25/4.

Chị Phạm Thị Trúc cùng chồng trong ngày cưới tại TP. HCM. (Ảnh chụp lại: Quốc Huy).

Theo người thân của nạn nhân, chị Trúc tử vong trong tình trạng nhiều vết bầm dập vùng cổ, có 2 đến 3 vòng khăn quấn quanh cổ. Cơ quan chức năng tại TP. Busan (Hàn Quốc) bước đầu thông báo với gia đình, nạn nhân tử vong là do tự sát?

Tuy nhiên, người nhà nạn nhân một mực phản đối và cho rằng, chị Trúc không bao giờ tìm đến cái chết một cách bất thường đến vậy.

Hiện người nhà chị Trúc đã có mặt tại Hàn Quốc, đang tích cực phối hợp với Đại sứ quan Việt Nam tại nước sở tại để làm rõ hơn nguyên nhân dẫn đến cái chết cô dâu Phạm Thị Trúc.

Trước đó, tháng 8/2006, nhờ những mai mối, chị Trúc đã làm lễ kết hôn với chàng trai xứ Hàn – Jeong Dong Sedk ngay tại TP.HCM.

Gần 7 năm sau, chị Trúc cùng chồng đã sinh ra 2 người con gái kháu khỉnh (6 tuổi và 3 tuổi).

Người nhà của nạn nhân ở Hậu Giang còn cho biết, chị Trúc sau 7 năm sinh sống với gia đình chồng ở TP. Busan, có một số tiền gửi tiết kiệm khá lớn trong tài khoản cá nhân và tài khoản đứng tên 2 người con.

Và, đời sống của 2 vợ chồng chị Trúc được cho là khá “hạnh phúc” nơi xứ Hàn.

Rất nhiều cô dâu Việt trước khi tìm đến cái chết vì uất ức, phẫn nộ gia đình nhà chồng bên xứ Hàn đối xử tệ bạc - hầu hết đều nhắn nhủ hay để lại bức thư tuyệt mệnh.

Tuy nhiên, điều bí ẩn ở cô dâu Phạm Thị Trúc, là không để lại bất kỳ một thông điệp nào trước khi tử nạn.

Đám cưới bất ngờ

Cô dâu Phạm Thị Trúc quê ở Hậu Giang vừa tử nạn bất thường tại TP. Busan, (Hàn Quốc) là một trong 7 cặp vợ chồng được tổ chức trong cùng tiệc cưới tập thể cách đây 7 năm ở TP.HCM.

Cưới tập thể

Trong tột cùng của sự đau đớn vì mất con, mất em gái, người thân của cô dâu Phạm Thị Trúc (SN 1982), tại ấp 3, xã Xà Phiên (huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang) vẫn còn nhớ như in ngày con gái gọi lên TP.HCM dự đám cưới.

Chị Phạm Thị Trúc sinh ra trong một gia đình đông anh chị em, chị là con thứ 9. Lớn lên ở vùng quê nghèo, ruộng lúa, kênh rạch vây quanh cả ngôi nhà lọt thỏm giữa cách đồng.

Như rất nhiều người con gái khác ở miền quê lúa Hậu Giang, chị Trúc học xong THPT, lên quận 6, TP.HCM lập nghiệp. Hơn 2 năm làm công nhân may mặc, giầy da, sống chật vật bằng những đồng lương từ công sức, mồ hôi lao động vất vả của mình.

Theo anh trai của nạn nhân, chị Trúc là người rất chịu khó, sống dành dụm, tằn tiện: “Nó dành dụm lắm, bạn bè nó nói đói mà chỉ ăn bánh mì đi làm…”.

Đến một ngày tháng 8/2006, chị Trúc gọi điện về thông báo việc chị chuẩn bị lấy chồng Hàn Quốc và mời bố mẹ, anh chị em lên TP.HCM cùng chung vui.

Đám cưới tập thể 7 cặp vợ chồng, chị Trúc cùng chồng ở giữa (ảnh khoanh hình màu xanh). (Ảnh do
gia đình cung cấp)

Thời điểm đó, người thân của chị Trúc đã kịch liệt phản đối, nhưng tất cả mọi việc đã được cô dâu sắp đặt xong xuôi.

Mẹ cô dâu - bà Trần Thị Chỉ - nhớ lại: “Gia đình bàn mà nó không có chịu, nó trốn đi. Còn nói là “tụi con thương nhau rồi”. Cha mẹ nào cũng muốn con được tự do quyết định trong hôn nhân và lựa chọn hạnh phúc. Cả nhà cũng đành chiều theo ý con”.

Rồi bố mẹ, anh trai, chị gái khăn gói lên TP.HCM dự lễ đám cưới của con gái với chàng rể xứ Hàn chưa một lần gặp mặt.

Chàng rể là chồng của chị Trúc, đến tận hôm nay, sau 7 năm mà các thành viên trong gia đình nạn nhân không nhớ nổi tên, tuổi. Chỉ vỏn vẹn là người đàn ông lớn hơn con gái hàng chục tuổi, ít nói vì bất đồng ngôn ngữ.

Ngày lên TP.HCM, cả gia đình người thân chị Trúc đều không khỏi ngạc nhiên trước một hôn trường tổ chức 7 cặp vợ chồng cùng cưới một ngày.

“Hôm cưới tui có lên, nhưng không nghĩ là có 7 cặp vợ chồng cưới cùng một ngày. Các cô dâu thì chủ yếu là ở các tỉnh miền Tây, nhưng gia đình không quen biết ai” – anh Phạm Văn Sơn nhớ lại.

Chàng rể lớn hơn nhiều tuổi

Theo gia đình nạn nhân, ngày cưới, chàng rể trao cho cô dâu một sợi dây chuyền vàng và một đôi bông tai. Riêng bà Chỉ (mẹ cô dâu), sau đám cưới nhận được 2,5 triệu đồng từ người thân chú rể.

Gia đình cô dâu, chú rể trong ngày cưới tháng 8/2006. (Ảnh do gia đình cung cấp)

Được biết, đám cưới tập thể của cô dâu Phạm Thị Trúc và 6 cô dâu khác được tổ chức một ngày đều do hôn nhân mai mối. Chàng rể là những người Hàn Quốc lớn hơn cô dâu nhiều tuổi.

Không lâu sau, đầu năm 2007, chị Trúc cùng chồng bay sang Hàn Quốc. 7 năm sau, vợ chồng chị Trúc đã có được 2 con gái (6 tuổi và 3 tuổi).

Đến ngày 25/4, một tin “sét đánh” dội về người thân tại quê nhà Hậu Giang, chị Trúc đã tử vong bất thường tại nhà chồng ở TP. Busan (Hàn Quốc).

Bà Trần Thị Chỉ vẫn không tin con gái mình tự sát, bà cho hay, các bạn của Trúc có kể lại: "Hơn 1 tuần trước, cái Trúc đi tắm ở hồ bơi, mấy người bạn hỏi sao có vết bầm ở trên ngực và cổ. Nó chối là do tự mình cào, khi người bạn con gọi về tui đã nghi ngờ là có bạo lực” (?).

Liên quan đến cái chết của chị Trúc, dự kiến chiều 29/4, người thân của cô dâu sẽ mang tro cốt về đến TP. HCM.


Theo Quốc Huy (Vietnamnet)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad