Dự Thảo (*) Diễn Văn Bế Mạc Hội Nghị Trung Ương Kỳ 7 Khóa XI - Tiến Bộ

Breaking

Home Top Ad

Post Top Ad

Thứ Tư, 8 tháng 5, 2013

Dự Thảo (*) Diễn Văn Bế Mạc Hội Nghị Trung Ương Kỳ 7 Khóa XI




Thưa các đồng chí,

Thực hiện Chương trình làm việc toàn khóa, Ban Chấp hành Trung ương khóa XI đã khẩn trương nhóm họp Hội nghị lần thứ bảy này để xem xét, chung quyết, đồng thuận, ban bố ý kiến chỉ đạo đối với các vấn đề cực kỳ nhức nhối ở tầm sống còn của Đảng ta:
  1. Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở vốn đã bị gãy vụn thành tình trạng bát nháo trên bảo dưới không nghe, thậm chí, còn ngáng chân nhau, suốt nhiều nhiệm kỳ qua;
  2. Đổi mới, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận hầu ngăn chận tình hình ngày càng rõ xa: Đảng đi đường Đảng, Dân đường Dân;
  3. Chung quyết việc sửa đổi bản Hiến pháp 1992, sao cho càng giống cương lĩnh Đảng càng tốt, mà nhân dân không thể hoặc không dám khiếu nại, bất đồng, hay xách mé gì được, dưới mọi hình thái;
  4. Sơ kết một năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 về xây dựng Đảng, bằng những tài liệu khống kê thực tiễn tươi sáng, làm nền cho một chiến dịch tuyên truyền quy mô sắp tới;
  5. Quy hoạch cán bộ cấp chiến lược, chính là trọng tâm của Hội Nghị và là quyền lợi cốt lõi của Đảng ta, sao cho thành phần hậu duệ kế thừa không ra ngoài giòng tộc của chúng ta;
  6. Chủ động biểu diễn cách ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ tài nguyên, môi trường; và một số vấn đề quan trọng khác cũng ở tầm cao nhưng không sinh tử, ví dụ như nợ công hay lạm phát, chẳng hạn.
Thay mặt Bộ Chính trị, Ban Bí thư, tôi nhiệt liệt ca ngợi các đồng chí ủy viên Ban Chấp hành Trung ương và các đại biểu tham dự Hội nghị đã cực lực chứng tỏ tinh thần phòng ngủ chống ngủ cao độ, cho dù, lắm lúc, lắm người, vẫn chưa thoát ra khỏi tư duy cục bộ, thậm chí, công khai vận động tẩy chay nhau.

Thưa các đồng chí,

Sau những ngày vất vả chạm trán/nâng bi trong lúc lướt duyệt hàng trăm trang báo cáo, tờ trình, đề án, và tranh ghế sôi nổi, tôi xin đúc rút một số ý kiến có tính chất chỉ đạo, tập trung vào các nội dung sống còn như đã đề xuất lúc khai mạc:

1- Về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị

Chúng ta đã đồng thuận, với tỷ lệ gần như đồng nhất tuyệt đối, về khái niệm “hệ thống chính trị” từ Hội nghị Trung ương 6 khóa VI (tháng 3-1989), và chính thức đưa vào Cương lĩnh năm 1991. Đó là một hệ thống chính trị bất khả thay thế, thậm chí, bất khả tư biện của Đảng, bao gồm Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và mọi đoàn thể chính trị – xã hội từ Trung ương đến cơ sở, trên toàn quốc, nghĩa là tất cả mọi sinh hoạt xã hội đều nằm trong tầm kiểm soát nghiêm ngặt theo định hướng XHCN của Đảng ta. Thực tế hơn 20 năm qua cho thấy đây là một chủ trương cần thiết mà chúng ta đã thực hiện nghiêm túc, và nhờ thế đã thu được những kết quả rất quan trọng.

Cũng trong thời gian qua, Bộ Chính trị đã chỉ đạo tổng kết việc thực hiện Nghị quyết Trung ương kỳ 5, khóa IX “Về đổi mới và nâng cao chất lượng hệ thống chính trị cơ sở xã, phường, thị trấn“; sơ kết việc thực hiện Nghị quyết Trung ương kỳ 4, khóa X “Về đổi mới, kiện toàn tổ chức bộ máy các cơ quan đảng, định hướng về đổi mới tổ chức bộ máy nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị – xã hội“; đồng thời đã nghe báo cáo một số chuyên đề về: Kết quả thí điểm không tổ chức hội đồng nhân dân ở một số huyện, quận, phường; thí điểm mô hình bí thư kiêm chủ tịch ủy ban nhân dân xã… Trên cơ sở đó xây dựng Đề án “Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở” và đã được Trung ương nhiệt liệt xiển dương tiến trình 3 đợt đổi mới vũ bão trước khi ban hành Nghị quyết về vấn đề tiếp tục đổi mới này.

Chúng ta đã nghiêm túc tập trung thảo luận, đánh giá toàn diện các vấn đề liên quan đến việc quán triệt và tổ chức thực hiện các Nghị quyết, Kết luận của Trung ương… và cùng nhất quán với nhau là mặt được luôn luôn ăn đứt mặt chưa được (rất khó thấy). Cho nên chẳng cần phân tích nguyên nhân, đề xuất các quan điểm, chủ trương và biện pháp khắc phục những hạn chế, yếu kém… không đáng bận tâm.

Đặc biệt là về các ý kiến manh nha đòi đa nguyên đa đảng từ bên ngoài, chúng ta đã có phát biểu chỉ đạo rằng thời buổi này VN ta chưa có nhu cầu. Tức là, cho đến khi nào BCT thấy cần thiết thì sẽ thông báo sau. Ngược lại, trên tinh thần đề cao hệ thống nhất nguyên mang tính lịch sử đó, chúng ta cũng đã nhất trí cao là vai trò lãnh đạo của cấp ủy và tổ chức đảng chưa được phát huy đạt tầm tương quan phụ tử hay vua tôi với nhân dân như mong muốn, khiến cho hoạt động của nhiều ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng ủy khối vẫn lúng túng.

Nhận thức mới có tính chỉ đạo là:

Việc nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước, hoàn chỉnh phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị – xã hội, cải cách hành chính, tinh giản bộ máy tổ chức và tổng biên chế, hay chận đứng tình trạng cà lăm “tách ra, nhập vào“, “nhập vào, tách ra” lặp đi lặp lại v,v… đều là vô ích. Bởi vì đó là điều bình thường, nước nào cũng thế, thời nào cũng thế.

Tuy nhiên, chúng ta đều thấy nhu cầu khắc phục những khuyết điểm không nhỏ trong sự vận hành của Chính phủ là giữa các bộ, ngành vẫn còn một số nội dung quản lý nhà nước trùng lắp hoặc chưa được phân công cụ thể, rõ ràng.

Hướng chấn chỉnh trước mắt và lâu dài là:

Phải gấp rút có biện pháp giải quyết hợp lý việc phân cấp từ Chính phủ xuống chính quyền các địa phương, gia cố quyền lực của cấp trên đối với cấp dưới, bất kể mọi thứ tương quan ngoài biên chế, cả vào dịp lễ lộc hay ngày thường.

Phải khẩn trương chấm dứt tình trạng phân bố không đều: Có lĩnh vực quá rộng, thiếu sự kiểm tra, giám sát, ảnh hưởng đến sự quản lý thống nhất cả nước; có lĩnh vực lại quá hẹp, không phát huy được quyền chủ động, tính năng động, sáng tạo của địa phương.

Phải cấp thiết ngăn chận tình trạng phình nở các đơn vị bên trong các sở, ngành trực thuộc các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện… đến mức gần ngang bằng trung ương.

Phải thống nhất ý kiến về vị trí, vai trò, hiệu quả hoạt động của Hội đồng nhân dân huyện, quận, phường. Đặc biệt phải quán triệt và cật lực cảnh giác nỗ lực khích bác, lợi dụng, khai thác triệt để của bọn thế lực thù địch hoạt động rất sôi nổi ở cấp huyện và dưới huyện.

Phải tận lực giải quyết thấu đáo vấn đề biên chế, phụ cấp cho cán bộ cơ sở. Nhất định không để kéo dài tình trạng lương lậu song hành một cách lộ liễu trắng trợn thông qua hình ảnh trên trang mạng NóKìa.

Phải khắc phục một cách cơ bản tình trạng tổng số các hội quần chúng được lập mới vẫn tiếp tục tăng nhanh, qua đó, một số hội đề nghị có biên chế cán bộ, công chức và hưởng kinh phí từ ngân sách nhà nước, và qua đó, tạo khe hở cho các thế lực thù địch xây dựng xã hội dân sự của chúng, dựa trên tinh thần quảng bá tuyên truyền trái phép về quyền con người. Tuyên giáo các cấp của chúng ta phải cật lực phản biện và minh chứng hùng hồn rằng không một ai có thể hy vọng hảo về việc tìm kiếm nhân quyền trong Trại Súc Vật. Phản ứng đầy tính bản năng như của cơ quan an ninh phường Phú Thạnh quận Tân Phú, thành phố Hồ Chí Minh, ngay lúc Hội Nghị 7 diễn ra ở Hà Nội, chính là một nỗ lực đáng được toàn Đảng tuyên dương và học tập.

2- Về đổi mới, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng

Tổng kết quá trình cách mạng Việt Nam, Cương lĩnh chính trị (năm 2011) của Đảng đã rút ra 5 bài học, trong đó có bài học: Cách mạng là sự nghiệp lừa nhân dân, nhờ nhân dân rồi diệt nhân dân. Chính nhân dân là bộ phận kích hoạt dễ nhất để làm nên thắng lợi lịch sử cho Đảng. Toàn bộ hoạt động của Đảng phải xuất phát từ lợi ích và nguyện vọng chính đáng của nhân dân để phục vụ cho lợi ích và lý tưởng cao cả của Đảng. Sức mạnh của Đảng là ở sự gắn bó mật thiết với nhân dân theo đúng điều 4 hiến pháp và luật pháp.

Do đó, công tác dân vận là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược đối với toàn bộ sự nghiệp cách mạng của Đảng, trong quá khứ và cả tương lai.

Trong nhiều năm qua, nhất là từ khi ban hành Nghị quyết Trung ương 8b, khóa VI, công tác quần chúng của Đảng tiếp tục được đổi mới, góp phần làm nên những thành tựu có ý nghĩa lịch sử của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc XHCN còn lại ngay sau khi Quốc Tế III mãn phần.

Vấn đề đặt ra là vì sao lúc này chúng ta lại cần phải tham dự hội nghị quán triệt về đổi mới, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận.

Một mặt là do bối cảnh, tình hình đã và đang có nhiều thay đổi. Bên cạnh mặt thuận lợi cơ bản, cũng xuất hiện không ít khó khăn, thách thức mới, đặt ra yêu cầu, nhiệm vụ mới và bản thân công tác dân vận hiện còn những hạn chế, yếu kém. Ví dụ như : Kinh tế thị trường và nợ công cùng phát triển song hành, hội nhập quốc tế và gia tăng lạm phát thâm thủng chi thu ngày càng sâu rộng, đồng thời với những tác động tích cực, đã và đang xuất hiện những mặt trái, tiêu cực tác động hằng ngày, hằng giờ đến đời sống, tư tưởng, tình cảm của nhân dân. Tình trạng phân hóa giàu nghèo, phân cực, phân tầng xã hội; những biến đổi về quan hệ lợi ích, hệ giá trị xã hội; sự cách biệt về kinh tế, xã hội… làm nảy sinh tiền đề của sự phân hóa về nhận thức, tư tưởng của quần chúng cả trong đảng lẫn ngoài đảng.

Những khó khăn về kinh tế – xã hội và đời sống hiện nay cùng với tính chất lâu dài, phức tạp và cuộc đấu tranh giữa cái mới và cái cũ, giữa tiến bộ và lạc hậu trong bước chuyển quá độ lên chủ nghĩa xã hội đang tác động đến nhận thức, tư tưởng, làm phí uổng công sức giáo dục uốn nắn của Đảng đối với hầu hết cán bộ, đảng viên, nhân dân.

Ngay từ thượng tầng, những hiện tượng tiêu cực, tham nhũng, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống,… đang làm tổn thương đến uy tín của Đảng và Nhà nước, làm mất hẳn chút niềm tin còn sót lại của nhân dân. Lợi dụng những khó khăn của nước ta trên con đường phát triển lợi ích nhóm mà tiêu biểu là Chính phủ và những tập đoàn kinh tế cấp quốc gia đang phải đối đầu trong thế trận nghìn cân treo sợi tóc, các thế lực thù địch đang ra sức đẩy mạnh các hoạt động “diễn biến hoà bình”, xuyên tạc đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, nói xấu chế độ, bôi nhọ đội ngũ cán bộ lãnh đạo, tìm mọi thủ đoạn phân hóa nội bộ Đảng, phân hóa cả lãnh đạo đứng đầu nước với đứng đầu Chính phủ trong BCT, đặc biệt kích động chia rẽ, tách rời biện biệt nhân dân với Đảng, Nhà nước.

Trong khi đó chúng ta lại chậm đổi mới, cụ thể hóa cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ” đã được đề ra từ 80 năm trước. Sự phối hợp giữa các tổ chức trong hệ thống chính trị vẫn còn thiếu chặt chẽ. Trách nhiệm của cấp ủy và chính quyền trong công tác dân vận bị xem nhẹ, chỉ dựa chủ yếu vào bộ máy hành chính và biện pháp hành chính. Hầu hết tổ chức đảng, chính quyền, mặt trận, các đoàn thể nhân dân hoạt động kém năng động, thiếu hiệu quả, không thiết nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân và cũng không màng giải quyết những bức xúc của nhân dân. Đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận không được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực và cũng chưa được quan tâm đúng mức về chế độ, chính sách… Nhưng, quan trọng hàng đầu vẫn là Tuyên giáo TW chưa làm tròn nhiệm vụ mở đường cho Dân vận.

Nhận rõ những khó khăn, thách thức, thấy hết những hạn chế, yếu kém và nguyên nhân (tuyên giáo tắt tiếng – dân vận tắt đèn), chúng ta cần thực thi các biện pháp khắc phục trước mắt và lâu dài là:

Xác định đúng mục tiêu, yêu cầu, quan điểm, tư tưởng chỉ đạo và nhiệm vụ, giải pháp để đổi mới, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới.

Phải tăng cường mối quan hệ máu thịt giữa Đảng và nhân dân hiện nay. Phương châm hành động mới về mối quan hệ máu thịt này là: Giới hạn vừa phải và trong vòng kín đáo mọi nỗ lực hút máu và ăn thịt nhân dân, sao cho dư luận thế giới không xách mé, phê bình.

Mọi Đảng viên, bất kỳ ở cấp nào, đều phải hết lòng, hết sức chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, sau khi hoàn tất việc chăm lo đầy đủ và toàn diện cho tương lai của bản thân và của gia tộc mình.

Phải thật sự tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, về mọi phương diện, ngoại trừ đòi hỏi làm chủ chính cuộc sống hiện tại và ngay cả tương lai của bản thân và gia đình của họ.

Phải củng cố, xây dựng tổ chức đảng và bộ máy chính quyền thật vững mạnh, để đủ sức đối đầu với tất cả mọi ý đồ manh nha đòi quyền làm người và quyền công dân linh tinh các thứ.

Phải từng bước thư thả khắc phục cho được những hiện tượng tiêu cực trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, đặc biệt là ở cấp thừa hành thấp nhất hàng ngày tiếp cận với nhân dân và là cấp bộ duy nhất từng gây ra điều tiếng nhiều nhất cho toàn Đảng. Phương châm hành động mới là: Một khi Đảng đã đề xuất ra đường lối và định hướng đúng đắn thì các cấp thừa hành không được tùy nghi tùy ý thực thi sai trật, như đã từng xảy ra trong suốt tám thập niên qua.

3- Về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992

Thực hiện các Nghị quyết của Trung ương và Quốc hội về sửa đổi Hiến pháp năm 1992, thời gian qua, cán bộ, đảng viên đã tận tâm tận lực căng đầy đường các băng rôn nhiệt liệt hưởng ứng, tích cực tham gia góp ý vào việc sửa đổi Hiến pháp. Hoạt động lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp, xuống đến cấp Tổ dân phố, đã thực sự là một kỳ tích sinh hoạt chính trị dân chủ, vừa tập trung vừa sâu rộng trong xã hội, khiến thế giới phải cúi đầu bội phục.

Ngoại trừ nhóm trí thức 72 và các nhóm quần chúng nhiều thành phần gọi là “Công Dân Tự Do” có những ý kiến góp ý, nhận định chưa phù hợp, thậm chí có một số không ít bloggers lợi dụng việc góp ý kiến để xuyên tạc, chống phá chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước… thì nhìn chung, đồng bào, chiến sĩ cả nước và người Việt Nam định cư ở nước ngoài đã có nhiều ý kiến phải đạo rất tâm huyết và đầy trách nhiệm với Đảng, về cả nội dung và kỹ thuật lập hiến đối với hầu hết các chương, điều của Dự thảo.

Trên các phương tiện thông tin, truyền thông, nhiều cán bộ, đảng viên và các nhà nghiên cứu đã, một mặt, kiên quyết đấu tranh với những luận điệu tuyên truyền chống phá của các thế lực thù địch và số đối tượng cơ hội chính trị như các nhóm thế lực thù địch tự xướng danh là “công dân tự do” vừa nói trên; mặt khác, nỗ lực trao đổi, phân tích, làm sáng tỏ nhiều vấn đề, góp phần tạo được sự đồng thuận cao kỷ lục (gần 100%) đối với những nội dung cơ bản của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp. Riêng tỉnh Bình Dương, một mình, đã lập thêm một kỳ tích hy hữu nữa là đã đúc kết được tổng số ý kiến đóng góp gần bằng phân nửa dân số nước ta! Thật là một tỷ số thần kỳ rất đáng tự hào với bầu bạn quốc tế!

Bộ Chính trị đã thảo luận, có ý kiến chỉ đạo định hướng cho việc tiếp thu, giải trình. Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp, theo đó, cũng đã chỉ đạo tập hợp, tổng hợp, phân loại, nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến xác đáng ở trong luồng; phân tích, giải trình lý do không tiếp thu những góp ý chưa phù hợp ở ngoài luồng.

Kết quả là suýt soát 100% các đồng chí Trung ương đã kiên quyết bám sát Cương lĩnh của Đảng, bám sát các Nghị quyết, Kết luận của Hội nghị Trung ương 2 và Hội nghị Trung ương 5 về sửa đổi Hiến pháp năm 1992, nghiên cứu thật kỹ, thảo luận thật sâu các nội dung Báo cáo giải trình, tiếp thu… và sau cùng là nhất trí với bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp mà ủy ban sửa đổi Hiến pháp đề xuất theo đề xuất của BCT.

Tinh thần chung là còn điều 4 là còn tất cả. Do đó, Hội Nghị đã nhất trí xiển dương những vấn đề có tính nguyên tắc, thuộc về bản chất của chế độ chính trị và Nhà nước ta, nhất quyết tiếp tục giữ nguyên điều 4 để long trọng khẳng định Nhà nước ta là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa lừa nhân dân, nhờ nhân dân và diệt nhân dân, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Tất cả quyền lực nhà nước là thống nhất bên dưới Đảng, có sự phân công, phối hợp và kiểm soát hàng dọc giữa các cơ quan đảng bộ trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp; tiếp tục phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, thông qua các quả đấm thép tập đoàn kinh tế vô địch của VN thời đổi mới.

Ngoài điều 4 thì tất cả các điều còn lại của Hiến pháp đều sẽ được linh động điều chỉnh, theo nhu cầu nảy sinh của từng thời kỳ, và quan trọng hàng đầu là tuyệt đối theo đúng luật lệ hiện hành.

4- Sơ kết một năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 về xây dựng Đảng

Nghị quyết “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” là một Nghị quyết rất quan trọng, được đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân đặc biệt quan tâm và theo dõi, ngay từ khi Nghị quyết mới được ban hành, cũng như trong suốt quá trình triển khai thực hiện.

Sau hơn 1 năm thực hiện, Bộ Chính trị đã sơ kết để toàn Đảng kịp thời rút kinh nghiệm và có những nhận định, đánh giá thống nhất, tạo sự đồng thuận cao một cách thẳng thắn và sâu sắc, làm cơ sở cho việc tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt hơn nữa Nghị quyết này.

Với tinh thần nhìn nhận một cách khách quan, toàn diện và ý thức trách nhiệm cao độ, Hội Nghị đã đồng thanh nhận định: Trong hơn một năm qua, dù thời gian còn ngắn, nhiều việc mới triển khai hoặc chưa đạt kết quả như mong muốn, chưa đáp ứng được kỳ vọng của cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhưng với quyết tâm cao, tinh thần cầu thị, các cấp ủy và tổ chức đảng từ Trung ương đến cơ sở đã triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 một cách nghiêm túc với một khối lượng công việc lớn, phức tạp, và đã đạt được những kết quả bước đầu rất quan trọng. Thể hiện trên một số mặt chủ yếu sau đây :

Một là, các cấp ủy, tổ chức đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên đã đồng loạt và đồng lòng nhận thức đầy đủ, sâu sắc hơn về tầm quan trọng của công tác xây dựng Đảng trong tình hình mới; thấy rõ tính cấp bách và sự cần thiết phải tiếp tục đổi mới và chỉnh đốn Đảng, làm cho Đảng ta, vốn đã trong sạch, vững mạnh, thì ngày càng trong sạch, vững mạnh nhiều lần hơn nữa, và, tương tự như trình dân chủ, sẽ gấp vạn lần hơn hẳn bọn tư bản. Từ đó, xác định rõ hơn trách nhiệm của mình đối với vận mệnh của Đảng, của dân tộc xếp hàng đàng sau Đảng, mà đề cao ý thức tự giác trong việc thực hiện Nghị quyết. Quá trình chuẩn bị và tiến hành kiểm điểm, tự phê bình và phê bình theo Nghị quyết Trung ương 4 thực sự đã trở thành một đợt sinh hoạt chính trị nghiêm túc, sôi nổi và sâu rộng, không thua gì thời rèn cán chỉnh quân trước đây, trong toàn Đảng.

Hai là, thông qua việc báo cáo kiểm điểm, báo cáo giải trình của tập thể, cá nhân một cách nghiêm túc, được bổ sung, hoàn thiện nhiều lần; thông qua việc tiếp thu ý kiến đóng góp của các tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên; thông qua việc tiến hành kiểm điểm, tự phê bình và phê bình thẳng thắn, kỹ lưỡng… đã giúp các cấp ủy, tổ chức đảng và mỗi cán bộ, đảng viên thấy rõ hơn những ưu điểm để phát huy nền kinh tế thân tộc; thấy rõ những hạn chế, khuyết điểm để kịp thời sửa chữa, khắc phục mọi nguyên nhân gây điều tiếng.

Ba là, hầu hết các cấp ủy, tổ chức đảng và nhiều cán bộ, đảng viên đã đề ra chương trình hành động và các biện pháp thiết thực để sửa chữa, khắc phục khuyết điểm, và trên thực tế đang có nhiều việc làm cụ thể. Ví dụ như: Trung ương đang triển khai việc xây dựng quy hoạch đội ngũ cán bộ cấp chiến lược; mở lớp đào tạo bồi dưỡng cán bộ nguồn; ban hành Quy định về việc nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu; quy định việc lấy phiếu tín nhiệm đối với một số chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý…

Nhiều cấp ủy đã quy định cụ thể về việc sử dụng xe công, tham dự các lễ hội đồng bóng, cải tiến tổ chức các hội nghị tại các rì-sọt, mở rộng nội hàm công vụ, làm thông thoáng lề lối liên hoan, linh động về việc cán bộ lãnh đạo cùng thân nhân đi công tác nước ngoài; điều chỉnh cách gọi thầu và cấp phép các dự án; sắp xếp lại tổ chức bộ máy và bố trí lại một số cán bộ có khả năng chạy chức vận tốc cao; tăng cường việc thanh tra, kiểm tra và kết luận để điều chỉnh hay điều hướng các nguồn dư luận liên quan đến tham nhũng, tiêu cực; tập trung xem xét, giải quyết tận gốc các vụ dân oan nhếch nhác tập họp khiếu kiện kéo dài làm mất vẻ mỹ quan của thành phố hay thủ đô v.v…

Bốn là, các cấp ủy, tổ chức đảng có thêm kinh nghiệm trong việc chỉ đạo thực hiện công tác xây dựng Đảng nói chung, trong kiểm điểm, tự phê bình và phê bình nói riêng. Có thể nói, với sự chỉ đạo chặt chẽ, cụ thể, có trọng tâm, trọng điểm của Bộ Chính trị, Ban Bí thư trong quá trình thực hiện Nghị quyết TW 4 với quy trình tiến hành kiểm điểm từ trên xuống dưới, nêu cao vai trò tiền phong gương mẫu của cấp trên và của người đứng đầu, tiêu biểu là người đứng đầu Đảng, đứng đầu Nước, và đứng đầu Chính phủ; việc tổ chức lấy ý kiến đóng góp của tập thể và cá nhân trước khi kiểm điểm; việc gợi ý kiểm điểm đối với những nơi có vấn đề nổi cộm; việc thông báo kết quả và tiếp thu ý kiến đóng góp của các tổ chức và cá nhân sau kiểm điểm vân vân… là những cách làm mới, có tác dụng hoạt náo trên nhiều mặt. Ví dụ cụ thể là tiến trình chất vấn các Bộ trưởng trước Quốc hội, hoặc bỏ phiếu tín nhiệm Thủ tướng trước Trung Ương, chẳng hạn.

Năm là, trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức, việc triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 đã góp phần thúc đẩy các nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội năm 2012: Hoàn thành cơ bản các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, đặc biệt là vấn đề tái cấu các quả đấm thép thành công vang dội. Giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô với chỉ số tăng trưởng GDP toàn quốc thấp hơn mức tăng của từng tỉnh không là bao. Kềm chế lạm phát không vượt quá mức trần là 22%. Nỗ lực nhập khẩu vàng để lấy giá chênh lệch làm lợi cho dân và cho đảng! Bảo đảm an sinh xã hội, không còn cảnh những tập thể dân oan khiếu kiện nheo nhóc khắp thủ đô, không còn cảnh nhân dân phản đối quy trình cưỡng chế đất đai bằng súng hoa cải hay khỏa thân hay tự thiêu… Củng cố quốc phòng bằng nhiều hình thức khác nhau, ví dụ như chiến dịch toàn quân học tập về lời thề trung thành cùng nhiệm vụ tuyệt đối bảo vệ đảng, và đặc biệt quán triệt triết lý quốc phòng hiện đại là thông qua tiến trình đàm phán ngoại giao, thà hy sinh vài hòn đảo chim ỉa hoặc vài bờ thác vô dụng để giữ tình hữu nghị còn hơn là tạo cớ cho chiến tranh. Giữ vững an ninh, giữ vững trật tự an toàn xã hội bằng nhiều biện pháp sáng tạo, ví dụ như phổ biến đại trà khẩu hiệu Còn Đảng Còn Mình, chế tạo thành công súng bắn lưới bắt xe máy, biến đất thánh thành công viên, biến làng thiền thành bãi hoang, biến nghĩa trang thành cao ốc, vận động nhân dân tự phát dùng bạo lực chống lại nhân dân tự ý biểu tình bất bạo động, vận động nghi can hối lỗi và tự tử trong lúc thẩm vấn, hoặc đề xuất cho công an bắn trực tiếp vào dân để giài quyết nhanh gọn… Chủ động hội nhập, nâng cao uy tín, vị thế quốc tế của đất nước, ví dụ như từng bước hoàn thiện quy trình bầu bán nội bộ ở thượng tầng đảng theo tiêu chí đào tạo từ Mỹ, và cho đến nhiệm kỳ tới thì chấm dứt tình trạng nguyên thủ quốc gia công du nước ngoài phải mang theo thông dịch, cho dù đã cầm giấy đọc ngay trước mặt đối tác.

5- Về xây dựng quy hoạch cán bộ cấp chiến lược

Thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng và Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, thời gian qua, Bộ Chính trị đã sớm chỉ đạo triển khai việc xây dựng Đề án quy hoạch cán bộ cấp chiến lược để trình Hội nghị Trung ương 7. Với tinh thần trách nhiệm cao, các đồng chí Trung ương đã tích cực tham gia phát hiện, giới thiệu nguồn quy hoạch. Tổng hợp kết quả phát hiện, giới thiệu, bước đầu cho thấy nguồn cán bộ khá dồi dào về số lượng, có đủ 3 độ tuổi cho các chức danh, trong đó có khá nhiều cán bộ trẻ, cán bộ nữ. Bộ Chính trị đã xem xét, thảo luận và có ý kiến sơ bộ về chức danh nhân sự dự kiến đưa vào Quy hoạch nhiệm kỳ 2016 – 2021 và các nhiệm kỳ tiếp theo, nếu điều kiện lịch sử còn cho phép.

Ban Chấp hành Trung ương đã cho ý kiến chung quyết tại hội nghị này về nguyên tắc, tiêu chí, phương pháp lựa chọn nhân sự đưa vào quy hoạch; về số lượng cho mỗi chức danh; về cơ cấu độ tuổi, giới tính, thành phần xuất thân, mối liên hệ nhân thân với các ủy viên trung ương hay BCT đương nhiệm, và phương án nhân sự cụ thể đưa vào quy hoạch, sau đó giao cho Bộ Chính trị căn cứ ý kiến của Trung ương cân nhắc, quyết định chính thức. Để bảo đảm tính khả thi, thực chất của quy hoạch và tính kế thừa, phát triển của đội ngũ cán bộ, việc lựa chọn nhân sự đưa vào quy hoạch phải theo đúng đối tượng, độ tuổi, số lượng và cơ cấu như Đề án quy hoạch mà Hội nghị Trung ương 6 đã thông qua.

Ban Chấp hành Trung ương đã làm tốt việc phân biệt công tác quy hoạch với công tác nhân sự: Công tác Quy hoạch là việc chủ động chuẩn bị nguồn nhân sự từ xa cho công tác cán bộ, bao gồm cả khâu đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện để chuẩn bị bố trí, bổ nhiệm cán bộ trong tương lai; còn Công tác Nhân sự là việc lựa chọn người để bố trí, bổ nhiệm vào vị trí có nhu cầu theo tiêu chuẩn chức danh cán bộ. Do vậy, việc lựa chọn nhân sự vào quy hoạch cần có tiêu chí kế thừa chính chủ, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ và sự liên thông giữa quy hoạch của cấp trên đề bạt và cấp dưới thi hành; đồng thời phải làm nhiều lần, bổ sung, điều chỉnh dần, không nhất thiết phải đủ số lượng ngay từ đầu, bởi Trung ương không thể đẻ kịp.

Đây là lần đầu tiên Trung ương tiến hành xây dựng quy hoạch cán bộ cấp chiến lược, hẳn không tránh khỏi những mặt còn hạn chế về sự tương nhượng, cho nên giới lãnh đạo chúng ta sẽ vừa làm vừa rút kinh nghiệm.

Kết quả bước đầu có thể gây ra nhiều nguồn dư luận bàn tán, ngạc nhiên, xôn xao hoặc sửng sốt. Tuy nhiên, toàn Đảng đều phải thấy ra công sức đổi mới của lãnh đạo trong tiến trình bầu bán có tính thương nghị công khai giữa Hội nghị TW hơn là hiệp thương kín kẽ trước đây rất nhiều. Với nguyên tắc, tiêu chí và phương pháp đề bạt, chọn lựa mới này, sự vận động ngầm có tính phe cánh không thể xảy ra chằng chịt như xưa, đồng thời, cơ cấu sẽ cân bằng hơn, về giới tính, vùng miền, văn hóa, sở trường v.v… Điều quan trọng là tất cả những thay đổi, hoán vị, dịch chuyển các chức vụ trong Chính phủ, Quốc hội, Mặt Trận, thậm chí, ngay cả trong BCT ở thượng tầng Đảng… đều là những cân nhắc kỹ lưỡng sau nhiều vòng thương lượng gay cấn, và cần được hiểu là những chọn lựa tối hảo vì Đảng, bởi Đảng và cho Đảng quang vinh của chúng ta, và vẫn còn cơ hội thay đổi theo đúng trình tự xử lý nội bội sao cho mọi tương nhượng đều ở mức cân bằng tối thiểu. Mọi sự đồn đoán, xách mé, xuyên tạc, đặc biệt là những phân tích hay tổng hợp tình hình phân rã thượng tầng Đảng, hoặc xé rộng khoảng cách thắng thua/được mất giữa Đảng bộ TW với Chính phủ, vân vân… đều có thể bị truy tố về tội hình sự âm mưu phá hoại Đảng và Chính quyền nhân dân.

6- Về ứng phó với biến đổi khí hậu; bảo vệ tài nguyên, môi trường

Biểu diễn khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường là một vấn đề có ý nghĩa quyết định đối với sự phát triển bền vững của Đảng. Việt Nam là quốc gia ven biển, dễ bị tổn thương trước những tác động của biến đổi khí hậu; tài nguyên có hạn trong khi nhu cầu khai thác, sử dụng tăng nhanh trong từng bộ phận của Đảng; môi trường chịu áp lực ô nhiễm cực lớn từ quá trình phát triển kinh tế – xã hội, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa phi quy ước và vô tội vạ. Trong các văn kiện Đại hội IX, X, XI và nhiều nghị quyết, chỉ thị của Đảng gần đây đã có đề cập vấn đề này, nhưng chưa có một nghị quyết chuyên đề toàn diện, sâu sắc của Ban Chấp hành Trung ương cho cả 3 nội dung ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Do đó, các biện pháp nổi tiếng cũng chỉ mang tính tự phát. Ví dụ như đề xuất “Bắn mây phá mưa” cho ngày hội Ngàn Năm Thăng Long nhiệt liệt chào mừng Quốc Khánh nước bạn. Hoặc qua đó, chúng ta cũng đã nhận rõ tính khí “Nhân dân ỷ lại vào (thiên tài) Nhà nước” cao hơn bao giờ hết trong các đận thiên tai. Ngược lại, cũng qua đó, đã nảy sinh ra sáng kiến quốc phòng “Biển dâng sóng thần nhấn chìm tàu giặc”… Nghĩa là chưa thành hệ thống hoặc chẳng ra thể thống gì cả.

Vì vậy, Hội nghị Trung ương lần này đã tận tâm bàn bạc thấu đáo để có những chủ trương, phương hướng đúng đắn, kịp thời chỉ đạo thực hiện có kết quả lĩnh vực này, nhằm quán triệt, cụ thể hóa quan điểm phát triển bền vững của Đại hội XI, thực hiện mục tiêu chiến lược phát triển kinh tế – xã hội đến năm 2020 cũng như lâu dài của đất nước. Nghĩa là đã đánh giá khách quan, khoa học tình hình biến đổi khí hậu, tài nguyên, môi trường và công tác ứng phó với biến đổi khí hậu ở nước ta trong thời gian qua.

Hội nghị Trung ương đã đề ra những định hướng cơ bản phòng chống mọi loại thiên tai:

Phải đặc biệt quan tâm đến tình trạng nước biển dâng, ngập lụt, triều cường, xâm nhập mặn;

Phải xác định rõ mối quan hệ giữa thích nghi và ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng;

Phải phòng tránh, giảm nhẹ tác hại của bão lũ, hạn hán…

Phải quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên, khoáng sản, tìm kiếm, phát triển các nguồn mới thay thế; giải quyết tốt mối quan hệ giữa quản lý, khai thác, sử dụng trước mắt với giữ gìn, bảo vệ tài nguyên, môi trường cho tương lai lâu dài;

Phải phòng ngừa và kiểm soát ô nhiễm, bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học.

Phải dự báo đúng xu thế diễn biến trong từng lĩnh vực cần phải nghiên cứu xử lý.

Phải đề ra quan điểm, mục tiêu và nhiệm vụ, giải pháp sát hợp, khả thi.

Phải có quan điểm chỉ đạo chung cho cả ba lĩnh vực và cho mỗi lĩnh vực; mục tiêu tổng quát đến năm 2020, tầm nhìn 2050; mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp cụ thể của kế hoạch 5 năm 2011 – 2015 và chiến lược 10 năm 2011 – 2020.

Phải nhìn nhận đầy đủ vai trò, trách nhiệm của các tổ chức đảng, cơ quan Nhà nước, đặc biệt quan trọng hàng đầu là sự đóng góp tài lực của cộng đồng các doanh nghiệp, của người dân và của toàn xã hội.

Phải có trọng tâm, trọng điểm, lộ trình, bước đi phù hợp với điều kiện cụ thể của Việt Nam.

Phải dựa trên tinh thần chủ động, quyết liệt, có chương trình, kế hoạch hành động sát hợp về khoa học – công nghệ cũng như kinh tế – xã hội, và được đặt trong tổng thể chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển cho từng thời kỳ.

Phải có sự tính toán ngay từ đầu các điều kiện bảo đảm việc thực hiện, nhất là điều kiện về khoa học – công nghệ và các nguồn lực trong nước và quốc tế, bao gồm nhân lực và nguồn lực tài chính; kết hợp công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức với việc đề ra và thực hiện đồng bộ hệ thống các cơ chế, chính sách phù hợp và chế tài đủ mạnh.

*

Thưa các đồng chí,

Hội nghị Trung ương lần này đã giải quyết tốt đẹp những vấn đề khó, phức tạp nhưng rất quan trọng đối với sự phát triển bền vững của Đảng, không chỉ trong nhiệm kỳ này mà cho cả các nhiệm kỳ tiếp theo, nếu vẫn còn được lịch sử trao phó cho sứ mạng lãnh đạo đất nước.

Xin trân trọng tri ân Bộ Chính trị đã chỉ đạo nghiên cứu, chuẩn bị nghiêm túc, công phu.

Xin trân trọng cảm ơn các đồng chí Trung ương tham dự Hội nghị đã phát huy cao độ tinh thần trách nhiệm tập thể, đã tập trung nghiên cứu, thảo luận kỹ lưỡng, cho ý kiến để hoàn thiện các báo cáo, đề án và chung quyết mọi vấn đề.

Nghị quyết TW 7 khóa XI sẽ được công bố nay mai.

Với tinh thần luôn luôn đạt bằng được thắng lợi bước đầu, tôi xin long trọng tuyên bố bế mạc Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI.

Chúc các đồng chí về đường bình an.

Xin trân trọng cảm ơn.

Hà Nội, ngày 11 tháng 5 năm 2013.

Chú thích: (*) Dự thảo số 1 này chỉ dành riêng cho trường hợp đạt được kết quả hoàn mãn (ít xấu nhất) của Hội Nghị. Tức là không có cuộc đảo chánh nào giữa nhiệm kỳ này thành công. Blogger Đinh Tấn Lực chấp bút theo đơn đặt hàng của Tuyên giáo TW, với ý thức cao là trách nhiệm nội dung (các văn kiện dự thảo diễn từ bế mạc loại này) hoàn toàn thuộc về tập thể. Nay chép lại theo đơn đặt hàng của Mark FB.

© Đinh Tấn Lực
Theo blog Đinh Tấn Lực

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad