Thông tin về cuộc giao lưu, nói chuyện về QUYỀN CON NGƯỜI vào ngày 5/5 của một số bạn trẻ đã được công khai trên mạng trước đó cả tuần. Thú thực tôi cũng không hình dung ra một cuôc giao lưu ấy ở nước ta nó như thế nào? Dân ta văn minh đến mấy cũng chưa được làm quen, chứ ở bên các nước tư bản già cỗi có lẽ đã có hình thức này từ thời Napoleon mặc quần thủng đít ấy chứ chả bỡn (ý tôi muốn nói là lâu lắm rồi ý).
Không biết dân ta quan tâm đến việc này ra sao? Thái độ của nhà cầm quyền là gì? Đương nhiên là tôi quan tâm về đông thái của cả hai bên, nhất là địa điểm cuộc giao lưu ở Hà Nội là công viên Nghĩa Đô lại rất gần nhà tôi, đúng là nhất cử lưỡng tiện.
Tối thứ sáu công an khu vực gõ cửa. Tôi đoán ngay là vì vụ ngày 5/5.
Buồn cười! Đã nghỉ hưu như tôi mà vẫn bị công an coi như con nít, cứ bảo thôi, chị ra đấy làm gì? Bây giờ công an hết việc hay sao mà quan tâm cả chuyện mấy bà già ra công viên?
Tôi bảo đó là việc của tôi, rằng tôi muốn giám sát việc các anh cư xử thế nào với họ, rằng các anh cũng nên nghe xem họ nói gì. Vi phạm pháp luật thì bắt liền. Anh công an cười, bảo ai bắt gì đâu, rồi ra về.
Tối thứ bảy bình yên, không thấy “đoàn thể” vào thuyết phục. Tôi nghĩ cũng phải. Có lẽ việc thuyết phục tôi không ra công viên nó vô duyên quá, nên họ cũng “mặc kệ”.
Sáng chủ nhật, vừa mở cửa đã thấy người ngồi lố nhố ở cái hành lang thường ngày vốn rất yên tĩnh. Tôi đoán lại là người của “đoàn thể”, nhưng tôi chả bận tâm, cứ khóa cửa bình thường rồi đi ra cầu thang.
Ối giời! Tiếng chân chạy rầm rập sau lưng, rồi hai cô gái trẻ chạy vượt lên trước, dùng lưng chắn đường tôi. Mấy vị phụ nữ bắt đầu đồng ca bài “chị ơi”. Cái hành lang rộng là thế mà tôi chả thể nào vượt qua cái bức tường bằng lưng của hai gái trẻ hỗn xược. Phải nói là mặt chúng khá lì lợm. Đi dích dắc theo đường chữ chi một lúc cũng ra đến thang máy. Nhưng thang máy mở ra rồi mà tôi không thể bước vào được, cũng không thể đặt chân xuống một bậc cầu thang bộ.
Ái dà! Xem ra họ nhất quyết không cho tôi đi đây. Tôi bắt đầu nổi nóng, hỏi lý do tại sao (Thì cứ phải hỏi tý cho đúng thủ tục chứ).
Họ nói không có lý do gì. Rằng là họ chỉ biết làm theo nhiệm vụ cấp trên giao. Nhiệm vụ gì mà quái đản vậy? Thế mà cũng nhắm mắt nhắm mũi làm theo được mới lạ.
Tôi quay ra đếm tất thảy có 14 người, già trẻ gái trai đủ cả. Trong đó có cả một người đàn ông ở quán rửa xe vỉa hè, bên cạnh chung cư nhà tôi. Tay này làm nhiệm vụ của kiêu binh, cứ lải nhải những câu khiêu khích và dè bỉu, khiến tôi trong lúc nóng giận đã mắng hắn là ngu và yêu cầu hắn im miệng. Hắn bèn chửi tôi là đồ chó và xông vào tôi. Mấy người khác vội lối tuột hắn xuống tầng dưới.
Cái này gọi là dùng chiến thuật lấy thịt đè người đây. Tôi bỗng thấy cái từ “Độc lập – Tự do – Hạnh phúc” nó trở nên mỉa mai quá.
Tôi rút điện thoại ra chụp để lấy bằng chứng cho việc viết bài sau này. Lập tức họ tản ra và quay mặt tránh. A! Cũng biết xấu hổ cơ đấy.
Ngày 5/5 cũng là ngày sinh nhật của tôi. Tôi dự tính 8 giờ sẽ túc tắc đi bộ ra công viên, mất chừng mươi lăm phút. Bao giờ tôi cũng muốn đến sớm hơn hoặc đúng giờ. Quan sát buổi giao lưu khoảng chừng tiếng là cùng, sau đó sẽ cùng một số bạn bè kéo nhau đến một cái quán nào đó để làm một cuộc “liên hoan” nho nhỏ. Rốt cuộc tới tận mười rưỡi trưa tôi vẫn không ra khỏi nhà được.
Tôi hỏi bà chủ tịch Hội phụ nữ:
- Thế các chị định canh đến bao giờ?
- Tôi cũng không biết. Bao giờ nhận được lệnh rút, chúng tôi mới được rút.
Trông họ cũng rất mệt mỏi. Sao mỗi cái việc tôi ra xem người ta làm gì mà cũng khiến họ sợ đến phát rồ lên như thế nhỉ. Thậm chí ngay cả khi ngoài kia chả còn mống nào, mà người ra lệnh quên béng đi mất thì làm sao? Rõ khổ thân tôi, khổ thân cả họ nữa. Lại muốn chửi: “khốn nạn thân các anh các chị. …éo mẹ cha chúng nó” quá đi mất.
Gần trưa, Xuân Diện cùng học trò ôm một bó hoa hồng to vật đến gõ cửa nhà tôi, vẫn thấy bọn họ ngồi canh ở đầu hồi hành lang. Thấy Xuân Diện gõ cửa nhà tôi thì một trong hai cô gái ban sáng xông đến hỏi:
- Anh là ai?
- Thế còn chị là ai? Chị là ai mà có quyền hỏi tôi là ai? Chị là chủ cái nhà này đấy à?
Tôi ra mở cửa, thấy Xuân Diện đang dồn cô gái kia một chặp, còn cô ta thì nghệt mặt ra. Thấy vây, tay an ninh ngồi ở cầu thang vội ra hiện cho nhà cô kia lùi lại.
Buổi tối xuống mẹ, nghe anh trai kể trưa nay đi uống bia với đám học trò ở quán bia Thúy hay Thanh Hằng gì đó ở cạnh công viên, tự dưng thấy quán hạ rèm kín mít. Mọi người nóng quá đòi kéo rèm lên thì chủ quán bảo, công an bắt hạ rèm, nếu các bác không ngồi được thì mời đi quán khác vậy. Giờ nghe tôi kể chuyện mới hay là tại sao. Cả anh trai và mẹ đều bức xúc khi thấy tôi bị gã rửa xe chửi, bảo bây giờ chính quyền sử dụng cả côn đồ vào việc này thì đúng là mạt vận rồi. Giả sử không phải là một người mà cả trăm người thì liệu bọn họ có đủ người để canh không?
Thì là chuyện qua rồi. Sau đó hết việc này đến việc khác cuốn tôi đi. Tôi vẫn chưa ra phường để gặp tay chủ tịch như đã định. Lần này tôi sẽ nói cho anh ta biết cái việc anh ta làm với tôi không phải là bảo vệ chế độ này, mà chính là đang bêu riếu nó. Anh ta tưởng làm thế là tỏ ra mẫn cán với chế độ, là bưng bít được cái nhìn của tôi ra ngoài xã hội. Nhưng nhân dân thì trăm tai nghìn mắt, liệu có bịt được hết hay không? Bằng chứng là ảnh và clip về cuộc giao lưu bất thành vẫn đầy trên mạng. Ở tận đẩu tận đâu người ta vẫn đến được, mà riêng tôi ngay cạnh đây lại bị canh giữ thô bạo như thế này. Thử hỏi qua việc vi phạm quyền tự do một cách trắng trợn như thế này, chính quyền được gì và mất gì? Có khiến người dân sợ hãi không hay họ chả chửi cho ủng mả ra?
Tôi chả có gì dấu giếm. Khi bị chặn ở cầu thang, tôi tức quá bảo: không biết bao giờ thì cái chế độ này mới sập đây? Lúc đó các vị này chả trở cờ đầu tiên ấy chứ chắc gì đã trung thành? Bằng chứng là quân của Saddam Hussein đấy, cứ hô hào tử thủ với chả thánh chiến, oánh nhau một phát là lộ mặt ra cả đám.
CHÙM ẢNH CHỤP NGÀY 5/5 TẠI HÀNH LANG CHUNG CƯ
Đặng Phương Bích
Theo blog Đặng Phương Bích
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét