Đoản khúc buồn 30/4 - Tiến Bộ

Breaking

Home Top Ad

Post Top Ad

Thứ Năm, 2 tháng 5, 2013

Đoản khúc buồn 30/4


Khi tôi ra đời, đất nước đã thống nhất được 5 năm. Khi tôi là một đứa trẻ, với những gì tôi được học trong nhà trường thì ngày thống nhất 30/4 được mô tả như là ngày hội chiến thắng của toàn dân tộc. Theo năm tháng, tôi lớn dần và những góc nhìn khác biệt về cuộc chiến bắc nam lần thứ 2 (lần thứ nhất là Trịnh-Nguyễn phân tranh) làm cho tôi hoài nghi ý nghĩa của cuộc chiến.

Câu hỏi day dứt mãi trong tôi là: Ai là người chiến thắng thực sự trong cuộc chiến này? Không thể nói chiến thắng này là của toàn dân tộc vì sau cuộc chiến hơn 3 triệu người đã phải rời bỏ tổ quốc ra đi, nhiều người trong số họ đã bỏ mạng trên biển, nhiều người ở lại đã bị giam cầm tra tấn trong các trại tập trung hay bị đẩy lên vùng ma thiêng nước độc, không thể nói chiến thắng là của họ. Không thể nói chiến thắng này là của dân miền bắc vì nếu nói thế thì hóa ra dân bắc xâm lược miền nam à? Chiến thắng này có thể gán cho những người cộng sản được không? Có thể, bởi vì sau cuộc chiến toàn đất nước đã bị nhuộm đỏ. Tuy nhiên, nếu xem chiến thắng này là của Đảng cộng sản thì cái giá mà dân tộc phải trả là quá đắt: đó là từ đó trở đi dân tộc lại tiếp tục rơi vào vòng nô lệ của một thứ tư tưởng ngoại lai là chủ nghĩa Mac-Lê-Mao, và đẩy dân tộc tới chỗ bị người tàu chi phối ngay trong bộ não. Tôi nghĩ chúng ta đã mất biển đảo và một phần đất liền, điều đó thật tệ, nhưng điều tệ hơn là cái đầu của chúng ta đặc biệt của những nhà lãnh đạo chẳng có định hướng gì cả ngoài việc ngó sang bên Tàu xem họ làm gì để làm theo. Tất cả những biểu hiện của tư tưởng chống lại sự hán hóa trong bộ não luôn bị đàn áp thẳng tay và cực kỳ thô bạo. Nhiều người đã bảo, chiến thắng 30/4 đánh dấu một thời kỳ Bắc thuộc mới. Tóm lại, chiến thắng này chỉ có thể xem là thuộc về những người cộng sản quốc tế (những người Cs Liên Xô+Trung Quốc + Việt nam) chứ không thể xem là của riêng người CS Việt Nam. Tôi đã khóc khi nghĩ về thân phận của dân tộc mình, đất nước mình, đã bị các đế quốc (Pháp, Mỹ, Tàu) xem như một cô điếm đẹp và hiền lành để chúng tranh giành với nhau (các bạn có thể xem phim “Một người Mỹ trầm lặng” để hiểu thêm cái paradigm của mấy đế quốc đó đối với dân tộc Việt), trong khi đó những đại diện ưu tú của dân tộc luôn tìm cách bỏ tổ quốc ra đi để bán chất xám cho chính các đế quốc đó.

Vậy, những ai có thể tự hào về chiến thắng 30/4? Như trên đã nói, chiến thắng này không thuộc về dân tộc Việt, cũng không thuộc hoàn toàn về những người cộng sản Việt, cho nên không ai có thể tự hào về chiến thắng 30/4. Vậy có nên gọi 30/4 là ngày “Chiến Thắng” hay không? Theo tôi là hoàn toàn không nên. Việc thống nhất đất nước là cần thiết dù cho chúng ta đã chọn một cách thức tồi tệ để có được nó. Chúng ta vẫn có thể kỷ niệm 30/4 và chỉ nên gọi đó là ngày “thống nhất đất nước” để tránh kích động hận thù trong quá khứ. Liệu chúng ta có thể hàn gắn được vết thương chiến tranh đã hằn sâu trong tâm hồn của người dân ở hai bên chiến tuyến? Đến bây giờ 38 năm sau ngày thống nhất, vết thương tâm hồn đó lại mưng mủ và làm đau nhói tim ta! Có thể hàn gắn được vết thương đó không, khi mà cứ đến ngày này, bên chiến tuyến này vẫn linh đình kỷ niệm “chiến thắng” một cách ngạo mạn, còn bên chiến tuyến kia lại ôm sầu của một ngày “quốc hận”.

Tôi vẫn nghĩ lạc quan là vẫn có thể hàn gắn được vết thương này. Tuy nhiên, để làm được điều đó, tức là để hòa giải dân tộc thì cần một sự dũng cảm và quyết đoán của cả hai phía, và đặc biệt là của những người cộng sản lãnh đạo đất nước hiện thời. Điều đầu tiên cần làm là đánh giá lại cuộc chiến một cách khách quan thông qua đối thoại bình đẳng giữa những người ở hai bên chiến tuyến. Những người cộng sản cần phải dũng cảm thừa nhận một cách thành thực rằng họ đã thắng trong chiến tranh nhưng đã thất bại trong hòa bình, trong điều hành đất nước. Và họ cần phải hòa giải chân thành bằng cách chia sẻ hay nhường lại quyền điều hành đất nước cho những người có tài năng và tâm huyết bất kể đó là người thuộc chiến tuyến hay đảng phái nào.

© Quách Hoàng Lân
Theo blog Quách Hoàng Lân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad