Ủy ban Kinh tế của Quốc hội vừa công bố bản báo cáo kinh tế vĩ mô năm 2012 với nhiều nội dung đáng chú ý, trong đó có vấn đề cấu trúc sở hữu chồng chéo trong hệ thống ngân hàng Việt Nam hiện nay.
Nhiều mối quan hệ sở hữu được báo cáo đặt ra, phân tích và dẫn chứng cụ thể. Và sở hữu ngân hàng thương mại cổ phần bởi các tập đoàn, tổng công ty nhà nước và tư nhân là mối quan hệ nổi bật.
Theo ghi chú tại báo cáo của Ủy ban Kinh tế, tuy ông Đặng Thành Tâm chỉ sở hữu 2,97% tại Navibank và không có cổ phần tại Western Bank, nhưng ông lại sở hữu gián tiếp cả hai ngân hàng này. |
“Mối quan hệ giữa ngân hàng thương mại cổ phần với các tập đoàn tư nhân ngày càng trở nên phức tạp. Nhiều ngân hàng có thể được sở hữu bởi rất nhiều công ty gia đình hoặc các thành viên gia đình vốn đồng thời lãnh đạo ở các doanh nghiệp khác”, báo cáo viết.
Và dẫn chứng cho mối quan hệ sở hữu trên, báo cáo của Ủy ban Kinh tế ghi chú: “Một ví dụ tiêu biểu cho trường hợp này là trường hợp của ông Đặng Thành Tâm với Ngân hàng Nam Việt (Navibank) và Ngân hàng Phương Tây (Western Bank)”.
Cụ thể, theo ghi chú tại báo cáo trên, tuy ông Đặng Thành Tâm chỉ sở hữu 2,97% tại Navibank và không có cổ phần tại Western Bank, nhưng ông lại sở hữu gián tiếp cả hai ngân hàng này.
Ông Đặng Thành Tâm nắm 23,69% cổ phần Công ty Cổ phần Viễn thông Sài Gòn (SGT), nắm 34,94% cổ phần của Tổng công ty Phát triển nhà Kinh Bắc (KBC). Mối quan hệ sở hữu gián tiếp là: SGT trực tiếp sở hữu 9,41% cổ phần Western Bank; còn KBC đầu tư 483 tỷ đồng tại Công ty Cổ phần năng lượng Sài Gòn - Bình Định, vốn chiếm 9,85% vốn sở hữu tại Western Bank và 11,93% tại Navibank.
Ngoài mối quan hệ sở hữu trên, thông tin từ báo cáo tài chính định kỳ gần đây của các tổ chức trên còn cho thấy các khoản tín dụng, đầu tư trái phiếu với giá trị lớn, nhỏ, ngắn hạn và dài hạn đan xen giữa các đầu mối là Western Bank, Navibank, KBC, SGT…
Minh Đức
TBKTVN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét