- Từ thống kê về Việt Nam của Hiệp hội Vàng thế giới: "Rửa" vàng bằng cơ chế? - Báo Lao Động
- Bộ Công an được đề nghị cùng xử lý thông tin “rửa” vàng - Vietnamnet
Chỉ trong chưa đầy hai năm từ khi trở thành lãnh đạo đầu bảng của Ngân hàng Nhà nước, ông Nguyễn Văn Bình đã dính líu trực tiếp về trách nhiệm đối với ít nhất hàng trăm ngàn doanh nghiệp phải giải thể và phá sản cùng tình trạng thất nghiệp lan tràn không thể thống kê ở Việt Nam.
Tháng 4/2013, lần đầu tiên từ khi chấp nhiệm chức vụ thống đốc, ông Nguyễn Văn Bình và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã phát hành một văn bản chưa có tiền lệ: đề nghị Tổng cục An ninh II thuộc Bộ Công an phối hợp xử lý theo pháp luật vụ việc báo Thanh Niên đăng bài “Từ thống kê về Việt Nam của Hiệp hội vàng thế giới: “Rửa” vàng bằng cơ chế?”.
Công văn trên, không đóng dấu mật theo nguyên tắc bảo vệ nội bộ, được Ngân hàng Nhà nước tung ra trong một cuộc họp báo cùng ngày với bài đăng tải trên báo Thanh Niên, cho rằng bài báo đã “cố tình suy diễn, bóp méo hàng loạt chủ trương chính sách của Nhà nước về quản lý thị trường vàng, chuyển tải tới người đọc thông tin sai về cơ chế, chính sách của Chính phủ, Ngân hàng nhà nước, tạo sự hoài nghi đối với các chủ trương, chính sách quản lý thị trường vàng... của các cơ quan nhà nước”.
Đúng bảy năm sau vụ PMU18, một lần nữa tờ báo của Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh có nguy cơ phải đối mặt với vành móng ngựa.
Chỉ nhẹ nhàng đề cập đến cơ chế tạm xuất - tái nhập vàng, cùng việc tham khảo những số liệu của Hiệp hội vàng thế giới, báo Thanh niên đặt ra câu hỏi phải chăng đã có một cuộc rửa vàng mang lại lời lãi khủng khiếp cho nhóm lợi ích.
Dù bài báo chỉ có vậy, song dường như cơ quan được xem là cánh tay phải của Chính phủ lại vẫn muốn “cánh tay phải của Đảng” không bị nhiễm những thói hư tật xấu của “lề trái”.
Bởi điều luôn bị xem là cố tật khó bỏ của Ngân hàng nhà nước và bản thân Thống đốc Nguyễn Văn Bình lại là thói quen mập mờ trong diễn giải thực trạng cùng những số liệu khá bất nhất.
Là một trong những quan chức cao cấp nêu ra nhiều hứa hẹn nhất, vào năm 2012 ông Bình đã thản nhiên khẳng định ông đã “làm những gì đã hứa”.
Một trong “Làm những gì đã hứa” của Thống đốc Nguyễn Văn Bình trong 20 tháng qua là thành tích “bình ổn thị trường vàng”.
Vàng: Lấy dân nuôi nó?
Suốt từ tháng 10/2011 - thời điểm Ngân hàng Nhà nước chính thức phác ra đề xuất về đề án huy động vàng trong dân mà đã gây tranh cãi sôi động, cho tới nay ngay cả hoạt động nhập khẩu vàng của các doanh nghiệp cũng chưa từng được Ngân hàng Nhà nước công bố theo cách "minh bạch hóa", từ mà ngân hàng này dùng để trấn an dư luận.
Điều luôn bị xem là cố tật khó bỏ của Ngân hàng nhà nước và bản thân Thống đốc Nguyễn Văn Bình lại là thói quen mập mờ trong diễn giải thực trạng cùng những số liệu khá bất nhất." |
Nguồn cơn của việc thiếu minh bạch cơ chế nhập khẩu vàng, hiểu một cách đơn giản, là một khi người dân nắm được tình hình cung tương đương hoặc lớn hơn cầu, giá vàng trong nước sẽ bắt buộc phải “bám sát giá thế giới”.
Nhưng trong suốt thời gian gần hai năm qua, giá vàng trong nước đã không một lần “bám sát giá thế giới”. Hoàn toàn đảo lộn, bị nạn đầu cơ “bóp méo” và liên đới trực tiếp đến trách nhiệm báo cáo và phát ngôn của ông Nguyễn Văn Bình, giá vàng trong nước luôn duy trì một khoảng cách biệt rất lớn so với giá vàng quốc tế.
Khoảng cách đó lại chính là lợi nhuận của SJC - một công ty chủ lực về nhập khẩu và kinh doanh vàng mà vào cuối năm 2011, một số tờ báo trong nước đã “tiết lộ” về một mối quan hệ nào đó giữa Thống đốc Nguyễn Văn Bình với công ty đầy tiềm năng này.
Cũng vào cuối tháng 11/2011, trong buổi trả lời chất vấn trước Quốc hội, thống đốc Nguyễn Văn Bình lần đầu tiên tiết lộ ý định sẽ đưa SJC trực thuộc sự quản lý của Ngân hàng nhà nước và tập trung thế độc quyền sản xuất, kinh doanh vàng miếng vào công ty này.
Những nghi ngờ của dư luận về mối quan hệ thân thiết giữa ông Nguyễn Văn Bình và “tập đoàn độc quyền”’ SJC càng trở nên rõ rệt hơn theo thời gian. Không ít lần báo chí Việt Nam đã đề cập đến việc SJC có được những khoản lợi nhuận khổng lồ từ “cơ chế ưu ái” mà Ngân hàng nhà nước đã dành cho công ty này.
“Nhóm lợi ích vàng” cũng là thuật ngữ lần đầu tiên được phát lộ vào thời gian cuối năm 2011.
Người ta còn ngờ rằng giải pháp “lấy nó nuôi nó” - được thể hiện trong đề án huy động vàng của Ngân hàng nhà nước vào cuối năm 2011 - thực ra chỉ là một bức bình phong giúp cho các doanh nghiệp vàng có thêm thời gian để tiếp tục bán vàng giá cao, bao gồm vàng tự có và lượng vàng đã nhập khẩu, theo phương châm riêng của họ: lấy vàng nuôi vàng.
Tức giá vàng trong nước được các “ông lớn” trong giới kim loại quý điều chỉnh cuộc chơi theo trình tự: áp giá thấp để thu mua rồi mang đi xuất khẩu trong trường hợp giá thế giới cao hơn; giữ giá trong nước cao, nhập khẩu vàng về bán trong trường hợp giá vàng thế giới thấp hơn!
Nếu mọi chuyện đúng như quy trình khép kín trên, và trong thực tế lại có không ít biểu lộ cho thấy nghi ngờ trên là không thể khép kín, đã không hề có một quy trình khả thi nào về việc lấy vàng nuôi vàng, mà chỉ có thể là “lấy dân nuôi nó”.
“Nó” ở đây, không phải ai khác, chính là nhóm lợi ích vàng.
Vàng: chính sách thất bại hoàn toàn!
Ngày 15/12/2011, ông Nguyễn Văn Bình, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã được báo điện tử Vnexpress bình chọn là “Nhân vật của năm 2011”.
Cũng cùng thời điểm trên, nạn đầu cơ vàng lại tái diễn.
Ở một khía cạnh khác, ý nghĩa sâu sắc đã thể hiện một cách lộ liễu và thách thức. So với “tiêu chí” mà ông Nguyễn Văn Bình nêu ra khi mới nhậm chức thống đốc “chỉ cần giá vàng trong nước cao hơn giá vàng thế giới 400.000 đồng/lượng là có dấu hiệu đầu cơ”, điều có thể được gọi là “dấu hiệu đầu cơ” đã thường vượt gấp 10 lần chiều cao của chính nó.
Chiều cao đó lại là là chiều sâu lợi nhuận của kẻ đã tạo ra nó.
Trong khi đó, một trong những bản báo cáo của Ngân hàng Nhà nước đã nêu ra một đánh giá rất đáng lưu tâm: “Việc triển khai quyết liệt các giải pháp nhằm ổn định giá vàng và thị trường vàng trong nước đã góp phần đưa giá vàng trong nước bám sát với giá vàng thế giới; giới đầu cơ đã không còn khả năng thao túng thị trường”.
Nhưng cho đến tháng 4/2013, chênh lệch giữa giá vàng trong nước với giá vàng thế giới đã vọt lên đến mức kỷ lục: 7 triệu đồng/lượng.
Sự cải thiện hình ảnh theo chiều hướng tuột dốc của Ngân hàng Nhà nước cũng vì thế đã đi xuống từ tháng 10/2011 cho đến nay.
Bất kể Nguyễn Văn Bình đã trở thành “Nhân vật của năm 2011” hay tuyên bố “Làm những gì đã hứa”, cho tới nay người ta hoàn toàn dễ dàng nhận ra rằng với cách thức điều hành trên cương vị trọng trách về quản lý thị trường vàng của ông, nạn đầu cơ vàng vẫn còn nguyên những hàm ý sâu sắc của nó - liên quan đến những biến tướng về hình thể và không hề thay đổi về bản chất.
Chuyên gia phản biện kinh tế Lê Đăng Doanh đã phải thốt lên: “Có thể nói tất cả chính sách điều hành về thị trường vàng của Ngân hàng nhà nước áp dụng đến nay đã thất bại hoàn toàn!”
Con đường ngắn nhất để tự sát
“Thất bại hoàn toàn” cũng hiện ra ở đoạn cuối con đường tín dụng.
Qua gần hai năm kể từ lúc ông Nguyễn Văn Bình nhậm chức thống đốc Ngân hàng Nhà nước, trong khi giá vàng và nạn đầu cơ vàng vẫn không ngớt nhảy múa theo một điệp khúc như đã được dàn xếp kịch bản, dòng chảy tín dụng vào khối doanh nghiệp và dân sinh lại chìm lắng không sủi tăm.
Có thể nói tất cả chính sách điều hành về thị trường vàng của Ngân hàng nhà nước áp dụng đến nay đã thất bại hoàn toàn!" |
Những ngày sát Tết 2012, hơi thở cuộc sống toát ra một hương vị lạnh lẽo và xa lạ. Phản ánh của báo chí đã mô tả về hàng trăm ngàn công nhân không có đủ tiền chỉ để mua vé tàu về quê. Nhiều thân phận làm thuê trở nên lạc lõng trong không khí phố phường đô thị.
Nguồn cơn của hơi thở ảm đạm cũng đến từ hàng chục ngàn doanh nghiệp, vốn đã vật vã trong suốt năm 2011 vì suy thoái kinh tế, không biết tìm đâu ra tiền để thanh toán đủ lương tháng cho người lao động.
Nhưng đó lại là những ngày mà nhân viên ngân hàng rạo rực tiền thưởng Tết - lên đến năm bảy chục triệu đồng cho mỗi đầu người.
Phần lớn các ngân hàng cũng đua nhau khoe sắc lợi nhuận nhiều ngàn tỷ đồng đã kiếm được “trên nỗi đau của người khác”.
Nỗi đau đó lại được khắc tượng ghi hình: việc lao đầu vào vay với mức lãi suất 21-23%/năm là con đường ngắn nhất dẫn các doanh nghiệp sản xuất đến chỗ tự sát.
Trong một năm trời từ giữa 2011 đến giữa 2012, thị trường tín dụng đóng băng và hầu hết các cánh cửa đối với doanh nghiệp cũng đều đóng chặt.
Ngân hàng biến người dân và doanh nghiệp thành con tin? |
Vào quý 2 năm 2012, trừ BIDV, Vietcombank và một ít ngân hàng thương mại khác, số còn lại vẫn gần như đóng cửa với doanh nghiệp. Lý do? Họ chờ đợi những động thái mới của Ngân hàng Nhà nước.
Nhưng sự chờ đợi như vậy lại kéo dài quá lâu, cũng không hề diễn ra một hình ảnh “thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” nào. Càng chẳng có một hy vọng nào cho sự hy sinh tự nguyện của các ngân hàng.
Những ngày gần Tết 2013, sức tiêu thụ hàng hóa giảm đến 30-40% so với thời gian gần Tết năm 2012 là một minh chứng điển hình. Cùng với sự sụt giảm về nhu cầu mua sắm là tỷ lệ hàng tồn kho tăng mạnh đến 20-30%.
Ngay cả những doanh nghiệp còn tiềm năng sản xuất vẫn nhìn rõ một nguy cơ nào đó có thể “chết trên đống tài sản của mình”.
Tết 2013 cũng là thời điểm mà số doanh nghiệp phải giải thể và phá sản đã được Ủy ban thường vụ quốc hội chính thức công bố: 100.000.
Độ trơ lì lợm
Trong hơn một năm trời, các ngân hàng đã biến doanh nghiệp và người dân thành con tin của họ, nhưng chẳng bao lâu sau, ngân hàng lại trở thành nạn nhân của chính mình.
Từ trạng thái “khó khăn thanh khoản” vào năm 2011 như trần thuật không ngớt của Thống đốc Nguyễn Văn Bình, cho đến sự chuyển trạng thái đột ngột vào đầu năm 2012 khi “thanh khoản được cải thiện”, và tới giữa năm 2012 thì thanh khoản bỗng trở nên “dồi dào”, cùng với dấu hiệu phát lộ từ một số ngân hàng về trạng huống vốn tồn ứ ở mức cao.
Trong một cuộc họp của giới ngân hàng vào cuối tháng 3/2012, lãnh đạo của ACB - một ngân hàng tư nhân thuộc loại lớn nhất ở Việt Nam, đã tiết lộ một thông tin chưa có tiền lệ: ngân hàng này dư thừa đến 3 tỷ USD mà không cho vay được.
Sau đó, hàng loạt ngân hàng khác như Vietinbank, Eximbank, BIDV… đã thừa nhận về sự thật khó tưởng tượng như thế. Ước tính của chuyên gia cho thấy con số dư thừa vốn có thể lên đến khoảng 200.000 tỷ đồng.
Dư thừa vốn đã trở thành nỗi đau của những nhà giàu và của cả kẻ nghèo hèn không đồng xu dính túi.
Quá già hóa non - như một câu tục ngữ của người Việt. Vốn ngân hàng bị găm vào thế không thể tiêu thụ được, không chỉ do mặt bằng lãi suất cho vay vẫn treo rất cao, mà bởi điểm bùng vỡ đã bị giới ngân hàng đẩy vượt qua giới hạn của nó: nền kinh tế mất hẳn sức sống, vòng quay vốn trong hai năm 2011 và 2012 chỉ còn 0,8 lần so với 2 lần của những năm trước đó.
Nhiều doanh nghiệp phải thốt lên “không biết vay vốn để làm gì!”.
Độ trơ của thị trường đã trở nên lì lợm - hệt như những khuôn mặt quan chức vẫn nhắc đi nhắc lại điệp khúc “đề phòng lạm phát”, nhưng lại không thiếu ý chí “vươn lên một tầm cao mới” ứng với giá xăng dầu và giá điện tăng vọt." |
Hàng ngày, người dân đọc thấy nhan nhản trên báo chí các thông tin về ngành thủy sản, mía đường, da giày, cà phê, thép, xi măng, cá tra, tôm… đang trong tình trạng nguy cấp, với tỷ lệ bình quân đang lâm vào nguy cơ phải phá sản và ngừng hoạt động lên đến 30-40%, thậm chí có ngành đến 2/3.
Gậy ông đập lưng ông - lợi nhuận ngành ngân hàng toàn quốc vào đầu năm 2013 cũng đã bị sụt giảm đến hơn phân nửa so với một năm trước đó. Tại TP.HCM, tình hình lợi nhuận còn thê thảm hơn khi chỉ bằng 4% so với đầu năm 2012.
Độ trơ của thị trường đã trở nên lì lợm - hệt như những khuôn mặt quan chức vẫn nhắc đi nhắc lại điệp khúc “đề phòng lạm phát”, nhưng lại không thiếu ý chí “vươn lên một tầm cao mới” ứng với giá xăng dầu và giá điện tăng vọt.
Con tin
Phải chăng để hạn chế lạm phát mà Ngân hàng Nhà nước đã thắt quá chặt dòng chảy tín dụng?
Một con số mà chỉ sau Tết Âm lịch 2012 mới lộ ra là vào trước tết, Ngân hàng nhà nước đã bơm khoảng 76.000 tỷ đồng cho các ngân hàng - một động thái được đánh giá là nhằm cứu thanh khoản của ngân hàng.
Một con số khác mà vào đầu tháng 4/2012 mới được tiết lộ là lượng tiền mà Ngân hàng Nhà nước bơm vào thị trường liên ngân hàng trước tết lên đến hơn 170.000 tỷ đồng.
Cùng với những tuyên bố về “thanh khoản dồi dào” của Thống đốc Nguyễn Văn Bình, con số bơm tiền của Ngân hàng Nhà nước cho một số ngân hàng thương mại là bằng chứng rõ rệt cho thấy ngân hàng không thiếu tiền. Chỉ có điều, nghịch lý ghê gớm lại xảy ra khi đa số thành phần khác của nền kinh tế không thể tiếp cận được nguồn tiền ấy.
Đó cũng chính là nguyên do vì sao nền kinh tế rơi vào suy thoái nhanh chóng cùng sức cầu xã hội gần như biến mất.
Một lần nữa, báo chí và dư luận phẫn nộ: phải chăng lãi suất và các nhóm lợi ích nào đó đứng đằng sau nó đang biến các doanh nghiệp sản xuất, người lao động và một phần không nhỏ nền kinh tế quốc dân thành con tin?
Và tại sao duy trì được trần lãi suất huy động nhưng không giảm được lãi suất cho vay?
Hơn ai hết, khoảng 2/3 số doanh nghiệp Việt Nam đứng trước nguy cơ thiếu vốn trầm trọng - một trong những tiền đề có thể dẫn tới phá sản và gây nhiều hệ lụy cho nền kinh tế.
Nhưng khác nhiều với các báo cáo của ngành ngân hàng về “giảm đáng kể”, lãi suất cho vay hiện thời vẫn được các ngân hàng duy trì ở mức 15-17%/năm. Song Ngân hàng Nhà nước lại không thể nào “điều tiết linh hoạt” được các ngân hàng thương mại để giảm lãi suất cho vay, với một trong những lý do then chốt mà báo chí tiết lộ là ngân hàng thương mại vẫn cần có thời gian để tiêu thụ lượng tín dụng đã huy động với “giá cao” trước đó.
Tình hình quay quắt như thế vẫn còn kéo dài cho đến nay, khi báo chí trong nước một lần nữa gào thét về chuyện “doanh nghiệp chết như ngả rạ”, còn thống đốc Ngân hàng Nhà nước đang khuấy động chiến dịch “bình ổn thị trường vàng” với một thông điệp chưa từng có “Chênh lệch giá vàng là thuộc về đất nước, thuộc về nhân dân”, và Chính phủ lại đang tìm cách hướng ngoại để có thể tham gia vào Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP).
© Phạm Chí Dũng
(Còn tiếp)
Bài viết phản ánh quan điểm và cách hành văn của tác giả, một nhà báo tự do ở TP HCM.
Theo BBC
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét