Con ngõ nhỏ tại Cairo là đầu não của các tổ chức cách mạng. |
Tôi chưa bao giờ cảm thấy hứng khởi với Mùa xuân Ả Rập. Suốt gần một năm 2012 lăn lê qua 13 nước Trung Đông đúng thời kỳ "mùa xuân", tôi thấy rõ hơn bao giờ hết sự hoán đổi và tính cơ hội của chính trị.
Mùa Xuân Ả Rập bắt đầu bằng việc chàng bán hoa quả rong Bouzizi ở Tunisia tự thiêu trước cổng tòa thị chính vì cảnh sát liên tục tịch thu xe đẩy và làm nhục anh.
Bouzizi nghèo, anh tự thiêu vì không có quyền được làm việc một cách lương thiện và đủ sống một cách lương thiện. Anh không đòi hỏi dân chủ, không đòi hỏi quyền tự do ngôn luận, không đòi hỏi làm trong sạch tôn giáo.
Tuy nhiên, cái chết của anh châm ngòi cho một cuộc nổi dậy lớn của các nhà đấu tranh tự do chính trị.
Trong khi các nhà dân chủ này còn nổi dậy kiểu manh động thì tổ chức Huynh Đệ Hồi Giáo vốn bị chính quyền cầm tù bỗng nhảy lên cướp diễn đàn và trở nên lớn mạnh.
Kết cục, khi các cuộc bầu cử tự do dược tổ chức thì kẻ lên ngôi không phải là những người tự do cánh tả mà lại là Huynh Đệ Hồi Giáo.
Điều này không chỉ đúng với Ai Cập mà với hầu như tất cả các nước có mùa xuân Ả Rập.
Nhìn lại toàn cảnh, đây là kết luận: Mùa Xuân Ả Rập khởi đầu bằng lý do kinh tế, được tuyên truyền trên truyền thông như một cuộc cách mạng dân chủ, và kẻ thắng cuộc là những thầy tu tôn giáo.
Bạn tôi ở Ai Cập cũng như rất nhiều người hẳn cho rằng dân chủ là "phương thức", là con đường dẫn đến thành công. Các nhà nghiên cứu chính trị và xã hội sẽ nói rằng điều đó sai lầm.
Bầu cử tự do
Dân chủ không phải là cách thức mà là kết quả của một quá trình lâu dài.
Một cuộc bầu cử dân chủ không có nghĩa là một xã hội dân chủ đã hình thành" |
Có lẽ phương Tây đã tuyên truyền một niềm tin hoàn toàn ngây thơ rằng có dân chủ là có hết, và để có dân chủ thì chỉ cần một hệ thống bầu cử chính trị dân chủ là đủ. Thế nên bây giờ Ai Cập vỡ mộng. Thế nên bây giờ sau một năm cầm quyền, Ai Cập muốn vị tổng thống được bầu cử dân chủ của mình bán xới khỏi dinh.
Người Ai Cập, cũng như anh chàng Bouzizi, có lẽ chưa sẵn sàng để chấp nhận rằng cái họ thực sự cần vào thời điểm này là một nền kinh tế đủ ăn cái đã.
Họ cũng như nhiều nhà đấu tranh cách mạng khác có lẽ cần hiểu rằng dân chủ là một quá trình, là kết quả của một con đường phát triển gian nan chứ không phải là một sự kiện.
Một cuộc bầu cử dân chủ không có nghĩa là một xã hội dân chủ đã hình thành.
Và để có một xã hội dân chủ đúng nghĩa chứ không chỉ ở cái mác tên nước Democratic thì cần biết bao nhiêu thời gian, bao nhiêu là cố gắng chứ không chỉ là một cuộc bầu cử tự do và công bằng.
Ts Nguyễn Phương Mai |
Vì một ông tổng thống mới, dù có lại được bầu một cách tự do dân chủ như Morsi đi nữa, cũng sẽ cần nhiều hơn một năm để đưa đất nước thoát khỏi vực thẳm. Mồm lẩm nhẩm như tụng kinh "Xã hội Dân chủ không phải là món quà đêm giáng sinh, nó là kết quả của một quá trình".
Bài viết của Tiến sỹ Nguyễn Phương Mai, Đại học khoa học ứng dụng Amsterdam, Hà Lan, hiện đang thực hiện một chuyến hành trình tới nhiều nước tại Trung Đông để nghiên cứu về sự hình thành và phát triển của Hồi Giáo. Bài viết thể hiện lối hành văn và quan điểm riêng, và được đăng lần đầu trên Facebook của tác giả.
Tiến sĩ Nguyễn Phương Mai
Theo BBC
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét