Thắt lưng buộc bụng với đặc tính Trung Quốc - Tiến Bộ

Breaking

Home Top Ad

Post Top Ad

Thứ Bảy, 24 tháng 8, 2013

Thắt lưng buộc bụng với đặc tính Trung Quốc


Tại sao chính sách thắt lưng buộc bụng của Trung Quốc có nhiều điểm liên quan đến Khổng tử hơn là với Keynes.

Tóm tắt bài viết và tiểu sử tác giả:

Với thuật ngữ “thắt lưng buộc bụng” đang ngự trị ở Bắc Kinh, người ta có xu hướng cho rằng Trung Quốc cuối cùng cũng đã tham gia vào cuộc tranh luận của phương Tây về kinh tế vĩ mô. Nhưng trên thực tế, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đang dựa vào một lịch sử tư tưởng rất khác biệt.

JOHN DELURY là Giáo sự tại Đại học Yonsei, trường Nghiên cứu Quốc tế, tại Hàn Quốc. Ông là đồng tác giả với Orville Schell về cuốn “Sự thịnh vượng và quyền lực: Vạn lý Trường chinh của Trung Quốc đến Thế kỷ Hai mốt. Theo dõi ông trên Twitter tại @JohnDelury.

Điều gây kinh ngạc cho các nhà sản xuất hàng xa xỉ thế giới trong năm nay đó là, “thắt lưng buộc bụng” đã trở thành một trong những thuật ngữ chính trị nổi bật nhất của Bắc Kinh. Từ khi trở thành người đứng đầu Đảng Cộng sản Trung Quốc cuối tháng 11, Tập Cận Bình đã công bố một loạt các biện pháp thắt chặt: quan chức chính phủ bị cấm tổ chức các bữa tiệc xa hoa và đeo đồng hồ sang trọng, việc xây dựng các tòa nhà chính phủ cũng bị cấm trong năm năm. Các nhà bình luận phương Tây đã nhanh chóng giải thích việc thắt lưng buộc bụng của Trung Quốc dưới lăng kính của cuộc tranh luận lâu nay của họ về kinh tế vĩ mô: từ Athens, Dublin đến Washington DC, các chính trị gia và các nhà kinh tế đang tranh cãi về các giá trị kinh tế và những hạn chế của việc cắt giảm ngân sách và thâm hụt chi tiêu.

Nhưng sẽ là một sai lầm lớn khi giải thích lệnh cấm ăn súp vây cá mập của Tập Cận Bình như một phần tiếp nối của điều mà Paul Krungman mô tả là “chuyển sang thắt lưng buộc bụng” của phương Tây từ năm 2010. Trong khi thắt lưng buộc bụng kiểu phương Tây là một công cụ chính sách kinh tế, tại Trung Quốc, bản chất của nó chủ yếu là mang tính chính trị. Trung Quốc có một lịch sử lâu dài về việc tiết kiệm không phải là để kích thích niềm tin kinh doanh, mà đúng hơn là để chống lại căn bệnh tham nhũng. Hoàn toàn có thể nói rằng Tập Cận Bình đã ít suy nghĩ về Milton Friedman hay John Maynard Keynes hơn là về truyền thống cải cách chính trị của Trung Quốc, kéo dài từ Khổng Tử đến Cộng sản.

Vạn lý Trường chinh đến Tự do của Mao Trạch Đông. (Ảnh: Internet)

Trong giai đoạn hình thành nền chính trị Trung Quốc, khoảng 2,500 năm trước, Khổng Tử đã tạo nên một triết lý chính trị và đạo đức xã hội để lại dấu ấn sâu sắc trong nền văn minh Đông Á. Ông ta khuyên các nhà cầm quyền nên đánh thuế và chi tiêu ở mức tối thiểu. Khổng Tử và những người theo ông ta cho biết, kẻ cai trị sáng suốt cần thể hiện thắt lưng buộc bụng về mặt đạo đức trong hành vi cá nhân và thắt lưng buộc bụng về mặt tài chính trong các vấn đề nhà nước. Người dân – hầu hết là nông dân – rồi sẽ sống theo hoàng đế “như cỏ thuận theo gió”. Nói cách khác, thể hiện đạo đức chính trị bằng thắt lưng buộc bụng, sự thanh đạm, mộc mạc, sẽ đảm bảo tính chính danh phổ biến và sự ổn định của triều đại.

Cách tiếp cận Nho giáo để đảm bảo chính phủ có phẩm chất thông qua tiết kiệm đã là một sợi chỉ xuyên suốt nền chính trị Trung Quốc cho đến kỷ nguyên hiện đại. Ví dụ, một vị hoàng đế ở đầu thế kỷ XVII tuyên bố chấm dứt hẳn việc đóng thuế để thể hiện tính tằn tiện của Nho giáo. (Mặc dù chính sách này cuối cùng đã gây phản tác dụng: mức thuế trần cản trở khả năng tạo ra doanh thu của chính phủ cho những ngày tháng còn lại của 200 năm cầm quyền.) Những chiến dịch chống tham nhũng – bao gồm cả việc bắt giữ các nhân vật cao cấp – là một nét đặc trưng thường thấy trong các thời kỳ hoàng đế cuối cùng. Ngay cả các cuộc biến động chính trị to lớn của thế kỷ XX đã làm dấy lên nhiều câu hỏi về tham nhũng và tiết kiệm. Quốc Dân Đảng của Tưởng Giới Thạch, kẻ kế nhiệm vị trí nguyên thủ quốc gia của nước Cộng hòa Trung Hoa sau cái chết của Tôn Trung Sơn năm 1925, nhanh chóng bị tiếng xấu về tham nhũng. Ông Tưởng phản ứng bằng cách thúc đẩy các giá trị tân Khổng giáo như một phần của điều mà ông ta gọi là phong trào Đời Sống Mới, lấy “sự mộc mạc và tiết kiệm” làm một trong số những đức tính cốt lõi. Nhưng cuối cùng ông ta bị Mao Trạch Đông đánh bại, kẻ còn khuyến khích khái niệm nhà nước khắc khổ một cách triệt để hơn nữa. Mao yêu cầu cán bộ Đảng Cộng sản từ bỏ mọi tiện nghi tư sản dù nhỏ bé nhất, bao gồm cả việc mặc kiểu đồng phục của Mao. Mặc dù Mao đã sống một cuộc sống như một hoàng đế La Mã hơn là một chiến binh Sparta, nhưng ông ta cũng rất hiệu quả trong việc tạo ra nhận thức rằng người Cộng sản là những kẻ liêm khiết, trái ngược với Quốc Dân Đảng bị tai tiếng về tham nhũng. Như Khổng Tử dự đoán, điều này đã giúp cho những người Cộng sản giành được “trái tim và khối óc” của người dân.

Chuẩn mực Nho giáo cũ về “quan chức trong sạch” vẫn tạo ra tiếng vang mạnh mẽ trong một thể chế Trung Quốc mang tính chất nửa tư bản, nửa Cộng sản, và Nho giáo giả tạo ngày nay. Chương trình thắt lưng buộc bụng hiện nay được hiểu một cách tốt nhất là một nỗ lực của Tập Cận Bình để tạo dấu ấn của ông ta lên khái niệm truyền thống về một chính phủ tốt. Đặc biệt cho thấy có các dấu tích của Mao trong kế hoạch của Tập Cận Bình. Gần đây, ông Tập thậm chí đã ca ngợi chiến dịch “sáu không” của Mao Trạch Đông, cấm các quan chức lãng phí tài sản của nhân dân, ông ta cũng hứa khởi động lại chiến dịch cũ của Mao nhằm chống lại “chủ nghĩa hình thức, quan liêu, chủ nghĩa khoái lạc, và sự hoang phí.”

Tuy nhiên ông Tập cũng sử dụng ngôn ngữ độc đáo của truyền thống cải cách tiến bộ trong tư tưởng chính trị Trung Quốc, bắt nguồn từ thế kỷ XIX. Người đại diện là Feng Guifen (Phùng Quế Phương) kêu gọi đồng hương của ông ta nghiên cứu “phương pháp tạo nên sự thịnh vượng và quyền lực,” bao gồm cả hệ thống chính trị dân chủ, đảm bảo “sự gần gũi” giữa người cai trị và người bị trị. Sự ảnh hưởng này trở nên đặc biệt rõ ràng khi ông Tập Cận Bình giải thích mục tiêu thắt lưng buộc bụng là để gìn giữ sự hòa hợp giữa Đảng Cộng Sản và nhân dân Trung Quốc. “Nếu chúng ta không khắc phục những khuynh hướng không lành mạnh và để cho chúng phát triển,” ông Tập cảnh báo hồi đầu năm, “thì sẽ giống như dựng lên một bức tường giữa Đảng và nhân dân, chúng ta sẽ mất đi nguồn gốc, mạch máu và sức mạnh của chúng ta.” Đây là ngụ ý chuẩn xuyên suốt giới cải cách Trung Quốc kể từ thời Tôn Trung Sơn và Phùng Quế Phương, những người cho rằng cuộc bầu cử và quốc hội đại diện sẽ làm giảm khoảng cách giữa người dân và chính phủ, nhờ đó thắt chặt rường cột quốc gia. Nhưng Tập Cận Bình muốn kéo mọi người lại gần với Đảng bằng cách thắt lưng buộc bụng, không phải bằng dân chủ.

Rõ ràng là ông Tập đã nhìn thấy nhiều vấn đề hơn là chỉ tăng trưởng GDP; thắt lưng buộc bụng liên quan đến tương lai của chính thể. Đảng Cộng sảng muốn giành được “niềm tin của người dân” bằng các chiến dịch chống tham nhũng từ trên xuống dựa trên những lời hô hào thắt lưng buộc bụng, cũng như những hình phạt đối với các quan chức cao cấp bị dính bê bối. Vụ xử nổi bật nhất cho đến nay trong thời của ông Tập Cận Bình là cựu Bộ trưởng Đường sắt ông Lưu Chí Quân, và phiên tòa xét xử nhà lãnh đạo bị thất sủng Bạc Hy Lai được nhiều người mong đợi, dự kiến sẽ sớm diễn ra. Ông Tập hy vọng rằng các hình thức truyền thống về tiết kiệm và kỷ luật này có thể xóa bỏ nhu cầu chuyển giao quyền chính trị từ dưới lên. Nói một cách thẳng thừng, trong khi ở châu Âu và Mỹ đối trọng với thắt lưng buộc bụng là kích thích tăng trưởng kinh tế, thì đối trọng với thắt lưng buộc bụng của Trung Quốc là dân chủ.

Từ góc nhìn này, đáng ghi nhớ rằng thách thức lớn nhất đối với sự cai trị của Đảng Cộng sản – khi hàng triệu người Trung Quốc chiếm giữ Thiên An Môn vào mùa xuân 1989 – tập trung vào hai nhu cầu phổ biến: nhiều dân chủ và ít tham nhũng hơn. Khi hai mục tiêu đan xen lẫn nhau, những trụ cột tạo nên tính chính danh của ĐCSTQ bắt đầu lắc lư và lung lay. Điều này giúp giải thích ý nghĩa thực sự của chính sách thắt lưng buộc bụng của Đảng Cộng sản, và lý do tại sao Tập Cận Bình lại chọn chống tham nhũng từ trên xuống làm trọng tâm trong chương trình nghị sự của ông ta.

Trong ngắn hạn, có thể sẽ dễ dàng hơn khi Đảng cố gắng tự kỷ luật để lấy lại niềm tin từ công chúng bằng cách bắt trói “các con hổ và con ruồi”, những kẻ đang lạm dụng chức quyền trên phí tổn của người dân. Nhưng về lâu dài, Tập Cận Bình có thể thấy rằng những gánh nặng của cách tiếp cận từ trên xuống và tự giải quyết này là quá sức chịu đựng của kẻ mạnh nhất Bắc Kinh. Giải pháp bền vững duy nhất chống nạn tham nhũng thâm căn cố đế là tăng cường các cơ chế dân chủ và các tổ chức xã hội dân sự, đồng thời trao quyền cho các phương tiện truyền thông và tòa án, để cho kỷ luật từ trên xuống tương ứng với trách nhiệm giải trình từ dưới lên. Bất kể thắt lưng buộc bụng như một chính sách kinh tế thành công đến mức nào, khi là một phương tiện cải cách chính trị, nó sẽ sớm đạt đến giới hạn của nó.

John Delury | Foreign Affairs
Mai Xương Ngọc dịch
Theo tờ Pacific Chronicle


Nguồn: “Austerity with Chinese Characteristics“ - John Delury, Foreign Affairs, ngày 7 Tháng Tám 2013.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad