Bước đi mạnh mẽ của Dân Chủ - Tiến Bộ

Breaking

Home Top Ad

Post Top Ad

Thứ Tư, 25 tháng 9, 2013

Bước đi mạnh mẽ của Dân Chủ


Dân chủ trong thế kỷ XXI phải là dân chủ thực chất. Dân chủ chẳng những chấp nhận sự khác biệt, mà còn lấy sự khác biệt, tính đa dạng trong nhân cách để làm nền tảng cho sự phát triển.

Cội nguồn của khái niệm dân chủ bắt nguồn từ thời cổ đại ở Aten (Hy Lạp). Dân chủ theo gốc tiếng Hy Lạp là "demokratia", nghĩa là quyền lực thuộc về nhân dân.[1] Abraham Lincoln cũng tuyên bố dân chủ là một chính quyền của dân, do dân và vì dân (a government of the people, by the people, for the people), đối lập với chế độ độc tài.[2]

Trong xu thế toàn cầu hóa, hội nhập như hiện nay, cũng giống như nhiều vấn đề chính trị - pháp lý khác, vấn đề dân chủ cũng có nhiều thay đổi trong cách quan niệm. Nhiều nhà khoa học cho rằng trong thế kỷ XXI, chúng ta đã và sẽ chứng kiến những thay đổi quan trọng liên quan đến vấn đề dân chủ như sau:


Thừa nhận và tôn trọng sự đa dạng và lợi ích của thiểu số nhằm đạt được lợi ích đa phương

Theo dự đoán của nhiều nhà khoa học nước ngoài thì trong suốt thế kỷ thứ XXI nhân loại sẽ nếm trải những biến đổi mạnh mẽ của làn sóng thứ ba (cuộc cách mạng công nghệ thông tin và sự xuất hiện nền kinh tế tri thức) và làn sóng ấy sẽ làm biến đổi căn bản các thể chế chính trị quốc gia và quốc tế.

Khi nói về dân chủ thế kỷ XXI, tác giả Robert A. Dahl trong cuốn sách nổi tiếng "A preface to democratic theory" đã khẳng định một nguyên lý: Nền dân chủ thực chất nhất chính là nền dân chủ xuất phát từ sự bình đẳng, sự bình đẳng mà pháp luật ở quốc gia nào cũng hướng tới. Đó là sự tôn trọng tính đa dạng của các nhóm lợi ích, nhiệm vụ của dân chủ không phải là đè bẹp ý chí của những thiểu số đó mà là tìm ra trong số những nhóm lợi ích đó tiếng nói chung.[3]

Alvin Toffler - một nhà tương lai học nổi tiếng cũng cho rằng: Làn sóng chính trị sẽ không dừng lại ở cấp quốc gia. Trong những thập kỷ sắp đến, toàn bộ "bộ máy luật pháp toàn cầu" từ Liên hợp quốc đến Hội đồng thành phố, sẽ đối mặt với sự đòi hỏi không chống lại được về việc phải cấu trúc lại; mà nguyên tắc đầu tiên của chính phủ làn sóng thứ ba là quyền lực thiểu số. Không phải đa số mà là thiểu số được quan tâm đến.[4]

Alvin Toffler lập luận rằng, các nhà cai trị làn sóng thứ hai (làn sóng văn minh công nghiệp) luôn luôn tự cho là phát ngôn nhân danh đa số, vì tính hợp pháp của họ phụ thuộc vào nó, ông cũng thừa nhận rằng trong suốt kỷ nguyên nền văn minh làn sóng thứ hai, cuộc chiến đấu cho nguyên tắc đa số đã có ý nghĩa nhân đạo và giải phóng.

Ngày nay, khi xuất hiện làn sóng thứ ba, người nghèo không còn chiếm đa số và họ trở thành thiểu số, do đó nguyên tắc đa số không còn là một nguyên tắc hợp lý nữa, nó cũng không còn nhân đạo hoặc dân chủ nữa; vấn đề cần hoàn thiện là phải hiện đại hóa toàn bộ hệ thống để tăng cường vai trò của các nhóm thiểu số khác nhau nhằm cho phép họ tạo thành đa số[5].

Alvin Toffler lập luận như vậy là có căn cứ vì: thế kỷ XX trở về trước dường như nguyên tắc đa số luôn ngự trị và nó luôn có nghĩa là sự thay đổi tốt hơn cho người nghèo, nhưng suy nghĩ kĩ lại sẽ thấy dân chủ đa số thực chất là dân chủ ở cấp độ thấp, là mức độ phát triển thuần túy và sơ khai về dân chủ. Nguyên tắc 50% + 1 rõ ràng là một công cụ đơn thuần về lượng, cái gì để đảm bảo cho chất lượng quan điểm của một người?

Dân chủ trong thế kỷ XXI phải là dân chủ thực chất. Dân chủ chẳng những chấp nhận sự khác biệt, mà còn lấy sự khác biệt, tính đa dạng trong nhân cách để làm nền tảng cho sự phát triển. Mọi sự khác biệt đều có quyền tồn tại. Thế nên những khác biệt là bình đẳng với nhau và dân chủ như môi trường nuôi dưỡng và bảo tồn các bộ phận thiểu số trong xã hội, là sự khoan dung và chấp nhận lẫn nhau giữa thiểu số và đa số. Các đặc trưng sắc tộc, các luật tục địa phương, các cộng đồng thiểu số, các nền văn hóa độc đáo không lặp lại, các thổ ngữ, văn tự…đều là những giá trị cần được dân chủ tôn trọng và bảo tồn bằng những đặc lệ.

Hơn nữa, bản chất của dân chủ là chấp nhận sự đa dạng hợp lý, dân chủ không xua đuổi, không áp đặt các ý kiến, dân chủ thu nhận tất cả những khác biệt ấy. Để làm gì? Để dung hợp hoặc tìm ra tiếng nói chung, hoặc đi tới giải pháp tối ưu nhất nhằm đem lại lợi ích đa phương. Tính linh hoạt của dân chủ trong việc tìm lợi ích đa phương đó sẽ là giải pháp tối ưu, và là thách thức lớn đối với việc thực hành dân chủ.

Khả năng tự hoàn thiện và tiến bộ không ngừng của nền dân chủ chính là nhờ sự chấp nhận tính đa dạng của các ý kiến, nó sử dụng tính đa dạng ấy như cơ chế phản biện. Chính vì vậy, năng lực tự phê phán, tự so sánh đối chiếu và luôn thay mới sẽ tự làm mới vấn đề dân chủ, và có lẽ đó cũng là xu hướng của dân chủ trong thế kỷ XXI.

Phân công, phân cấp hợp lý

Yếu tố có tác động không nhỏ đến tính chất và mức độ dân chủ trong tương lai là sự phân cấp, phân công hợp lý. Phân cấp hay phân công là việc giao quyền quyết định vào đúng chỗ của nó. Một số vấn đề không thể giải quyết ở cấp địa phương, và ngược lại cũng có những vấn đề không thể giải quyết ở cấp quốc gia và có cả những vấn đề đòi hỏi sự hành động ở nhiều cấp đồng thời cùng một lúc.

Nếu mức độ phân cấp quá mức sẽ dẫn đến hiện tượng tản quyền, cát cứ. Alain Touraine, một nhà xã hội học người Pháp trong cuốn "Phê phán tính hiện đại", đã nhận xét: "Nếu đất nước bị chia nhỏ thành những tộc người xa lạ và đối địch với nhau, hay đơn giản hơn, nếu những bất công lớn đến mức người dân không có ý thức về một lợi ích chung, thì dân chủ sẽ không có nền tảng”[6]. Nhưng nếu quá ít quyền quyết định dành cho cấp dưới là một sự nguy hại; nhu cầu cần thiết là phải có sự phân cấp lại cho hợp lý quyền quyết định nếu một hệ thống quá nặng nề về tập quyền.

Dân chủ bán trực tiếp

Nhược điểm cố hữu của dân chủ trực tiếp là ở phản ứng tình cảm, nhất thời và phụ thuộc nhiều vào vấn đề thông tin. Thiếu thông tin, nóng vội, thiếu suy nghĩ khi quyết định trực tiếp, đó cũng là sự nguy hiểm. Nhưng dân chủ trực tiếp cũng có ưu điểm của nó. Aritxtốt thừa nhận rằng: "Số đông ít hủ bại hơn số ít, chẳng khác nào nhiều nước thì độ bẩn sẽ ít hơn so với ít nước. Cá nhân dễ bị hãm trong sự nóng giận hay sự cuồng nhiệt, do đó mà phán đoán của cá nhân dễ bị thiên lệch. Đối với số đông, khó mà nghĩ rằng, trong một lúc họ đều có thể cuồng nhiệt và sai lầm hết”[7].

Nhược điểm của dân chủ gián tiếp ở chỗ khi không có sự thống nhất ý chí trong các cử tri ở khu vực bầu cử, thì đại biểu được bầu lên sẽ đại diện cho ý chí của ai? Do vậy, sự nhất trí bị phá vỡ thì cũng làm phá sản luôn khái niệm đại diện.

Tính đại diện trong tương lai cũng cần được xem lại. Đại biểu do dân bầu càng ngày càng phải giải quyết nhiều công việc, và nhìn chung các đại biểu ngày càng hiểu biết ít hơn về các việc mà họ phải quyết định. Khi năng lực của đại biểu dân cử kém, mà lại bảo thủ, đóng kín, khi đó người dân đương nhiên sẽ ít cảm thấy được đại diện đầy đủ. Người đại biểu muốn giải quyết được công việc buộc phải dựa vào sức mạnh, nguồn lực từ bên ngoài.

Hay nói cách khác, nếu muốn thực sự là đại diện cho dân, cho tiếng nói của dân thì không còn cách nào khác họ buộc phải dựa vào bộ máy giúp việc và chuyên gia cố vấn (hình thức này mới là chủ đạo trong tương lai). Như vậy, dân chủ về mặt hình thức là gián tiếp nhưng hóa ra lại có cả những yếu tố trực tiếp, từ chỗ chỉ cần người đại biểu đại diện cho nhân dân thuần túy tới việc người đại biểu phải chủ động huy động sức mạnh, trí tuệ của nhân dân, tranh thủ sự tư vấn của các nhóm chuyên gia để đại diện cho dân. Dân chủ bán trực tiếp là dân chủ không khép kín, nó sẽ bao gồm những thiết chế để đảm bảo sự giám sát có hiệu quả, lâu dài từ phía thiểu số.

Pháp luật với tính chất là hiện thân của lẽ phải, sự công bằng là công cụ, phạm vi, đảm bảo của dân chủ

Dân chủ không thể không đặt trong mối liên hệ với pháp luật. Chính pháp luật công bằng, nhân đạo, hợp lẽ phải là điều kiện, là đảm bảo để có dân chủ. Dân chủ không tự trên trời rơi xuống mà là kết quả đấu tranh lâu dài của nhân dân, là kết quả của quá trình nhận thức, là tất yếu của tiến bộ xã hội.

Muốn cho pháp luật thực sự là động lực cho dân chủ thì pháp luật phải được minh bạch hóa, phải gần dân, và quan trọng nhất pháp luật phải là hiện thân của sự công bằng. Một qui định pháp luật không rõ ràng, không minh bạch, không đúng đắn sẽ là cơ hội cho người ta vi phạm, lợi dụng dân chủ. Nếu pháp luật xây dựng trên nền tảng khép kín, chủ quan, khi thực hiện thì bưng bít, không minh bạch vô hình chung nó sẽ trở thành công cụ của thiểu số áp đặt lên đa số. Chỉ có minh bạch hóa mới có thể góp phần ngăn chặn được nguy cơ pháp luật trở thành công cụ phục vụ lợi ích của một nhóm người thiểu số nào đó.

Tóm lại, dân chủ là khát vọng, mong ước của con người bất luận con người đó là ai, ở đâu. Trong thế kỷ XXI, dân chủ không còn thuần túy hiểu theo nghĩa chỉ có đa số mới được bảo vệ, mà đó là sự thừa nhận và tôn trọng sự đa dạng và bảo vệ lợi ích của thiểu số nhằm đạt được lợi ích đa phương.

Hình thức của dân chủ cũng không còn đơn thuần là dân chủ trực tiếp hay gián tiếp, mà là giải pháp tích hợp ưu điểm và hạn chế nhược điểm của cả hai hình thức này, đó là hình thức dân chủ bán trực tiếp. Dân chủ chỉ có thể được thực thi và trở thành một giá trị phục vụ cộng đồng khi có sự phân công, phân cấp hợp lý và khi được đảm bảo bởi một hệ thống pháp luật đại diện cho những giá trị nhân văn, lẽ phải và sự công bằng.

TS. Nguyễn Minh Tuấn
Theo blog Nhà Nước và Pháp Luật



Chú thích:

[1] Nhiều tác giả, Từ điển Triết học, Nxb Tiến bộ Mát-xcơ-va, Bản dịch ra từ tiếng Việt có sửa chữa và bổ sung của Nxb Tiến bộ và Nxb Sự thật, tr. 86. Nhiều nước qui định nguyên tắc này ở trong Hiến Pháp. Chẳng hạn ở Đức, Điều 20 Khoản 2 Câu 1 LCB qui định: Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân. Ở Việt Nam, Điều 2 Câu 2 Hiến pháp 1992 qui định: “Tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và tầng lớp trí thức.”

[2] Donald (1996), Lincoln. Simon and Schuster, 1996, pp. 460–466.

[3] Robert A.Dahl. A preface to Democratic Theory, The University of Chicago Press, Chicago, 1956, tr. 34.

[4] Alvin Toffler, Làn sóng thứ ba (The third wave), Nxb Thanh niên, Hà Nội, tr. 314.

[5] Alvin Toffler, sách đã dẫn, tr. 339.

[6] Alain Touraine (2003), Phê phán tính hiện đại, Nxb Thế giới, Hà Nội, tr. 216.

[7] Amartya Sen, Phát triển là quyền tự do, CIEM (Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương) và Nxb thống kê, Hà Nội, 2002, tr. 216.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad