Chung một tương lai - Chung một thảm hoạ - Tiến Bộ

Breaking

Home Top Ad

Post Top Ad

Thứ Năm, 5 tháng 9, 2013

Chung một tương lai - Chung một thảm hoạ


1. Không ai thương mình bằng chính mình:

Dù được lớn lên dưới mái trường XHCN, nơi mà con người luôn được dạy rằng phải hy sinh lợi ích bản thân cho tập thể, mà lớn nhất là tổ quốc, từ nhỏ tôi được dạy rằng: nông dân lao động trên đồng để làm giàu cho tổ quốc, công nhân trong nhà máy cũng lao động hăng say vì yêu nước, bác sĩ cống hiến công sức mình cho sự nghiệp bảo vệ sức khỏe nhân dân, nhà giáo thì ngày đêm chăm lo cho sự nghiệp giáo dục toàn dân,… nhưng tôi vẫn tin vào chủ nghĩa cá nhân. Với tôi, bản chất con người là vị kỷ (ích kỷ) và duy lý (khôn). Con người ta chỉ muốn và hăng hái nhất (động lực) khi làm cái gì có lợi cho mình. Tất nhiên, các bạn luôn tìm ra vài trường hợp cụ thể nào đó để phản bác lại ý kiến của tôi. Ok, tôi thừa nhận có những cá nhân như vậy nhưng điều tôi muốn nói là số đông.

Khi nhỏ, anh em tôi sống chung với nhau một nhà, có nhiều thứ dùng chung, thương yêu nhau, san sẻ nhau,… nhưng khi lớn lên, chúng tôi có gia đình riêng thì thân ai lấy lo, nếu có giúp nhau thì cũng giúp đỡ lúc ngặt nghèo mà thôi. Tất nhiên không vì thế mà anh em xa cách hay thiếu tình cảm yêu thương nhau.

Tôi tin điều này không chỉ đúng cho anh em tôi mà có lẽ đúng ở nhiều gia đình. Anh em trong nhà còn vậy huống gì rộng lớn là xã hội. Dù là đồng bào nhưng như một điều tự nhiên, tình thương trước hết phải dành cho người thân yêu: vợ con, bố mẹ, anh em,… rồi mới đến đồng bào.

Bản năng con người là phải lo cho mình, cho gia đình rồi mới nghĩ đến xã hội. Một bậc cao nhân đã nói “người không thương mình thì trời tru đất diệt”, với tôi, câu này là chính xác dù nhiều người có thể công kích là ích kỷ.

Trong lâu dài, nếu con người chỉ đi làm việc vì lợi ích cho số đông, cho nhân dân, cho tổ quốc mà không nghĩ đến lợi ích mình thì rất phi lý và không bền vững. Có chăng là thánh nhân (loài người thành thánh nhân thì rất hiếm) hoặc là miệng lưỡi thơn thớt để che giấu một toan tính.

2. Lợi ích riêng được nhận thức đúng:

Hẳn nhiều người sẽ trích dẫn câu nói của vị tổ Các-Mác: “chỉ có súc vật mới quay lưng với đồng loại để chăm chút cho bộ lông của mình”, để công kích luận điểm ích kỷ nhưng rất ‘người” ở trên của tôi.

Đồng ý là con người chúng ta khác con vật là phải có tình thương, lòng nhân đạo với đồng loại-nhất là người cùng huyết thống, màu da-chứ không thể nào chăm chăm cái niêu cơm nhà mình mặc ai chết đói, kệ. Tôi luôn suy nghĩ giải pháp nào để dung hòa được hai trạng thái, hai trường phái lý luận ngược chiều như trên.

Nghịch lý trên có lời giải đáp khi tôi đọc cuốn sách “nền dân trị Mỹ” của nhà quý tộc Alexis de Tocqueville do thầy Phạm Toàn dịch. Trong cuốn sách dày hơn 900 trang này, có nói về một tri thức của người Mỹ là “lợi ích riêng được nhận thức đúng”. Người Mỹ nhận thức rằng lợi ích riêng của họ luôn gắn bó với lợi ích chung. Lợi ích riêng của từng người, từng gia đình chỉ được bảo đảm và bền vững khi gắn với lợi ích chung. Người Mỹ luôn xem “lợi ích riêng được nhận thức đúng” như một tín điều (như là một giáo điều trong tôn giáo). Chính nhận thức này mà người Mỹ rất hăng hái tham gia việc chung: từ làm đường, xây dựng trường học, dựng thánh đường, chống tội phạm,… Xã hội dân sự ở Mỹ phát triển mạnh, bền vững cũng vì nhận thức đúng đắn trên của toàn dân Mỹ.

Nước Mỹ phát triển, thịnh vượng vì người dân Mỹ nhận thức đúng và rất lành mạnh về bản chất con người trong việc chung sống thành xã hội.

Để xây dựng nền dân chủ đúng đắn, bền vững và chung hưởng thịnh vượng, người Việt Nam ta nên tìm hiểu và truyền bá nhận thức trên đến càng nhiều người càng tốt. Nó là một giải pháp vừa bảo đảm được bản chất “xấu xa” của từng cá nhân con người, vừa bảo đảm sự tốt đẹp cho xã hội.

3. Chung tương lai-chung thảm họa

Người Việt chúng ta hiện nay có hơn 90 triệu dân, với hàng chục triệu gia đình. Từng người với vui buồn, sướng khổ,… quây quần trong không gian chính là gia đình. Ngoài bản thân, không ai thương mình bằng người thân: bố mẹ, vợ con, anh em,… đó là một thực tế.

Từng cá nhân cần phải phát huy mọi năng lực để mang lại điều tốt đẹp nhất cho bản thân và gia đình. Trong xã hội cạnh tranh khốc liệt này, nếu ta chậm chân, ta “hiền” thì người khác sẽ lấy mất phần. Không chỉ bản thân thiệt mà còn vợ con, bố mẹ, anh em phải sống trong đói nghèo, thiếu thốn trăm bề,… Không gì cay đắng bằng khi một người có năng lực phải sống trong cảnh như vậy.

Tuy nhiên, ngoài cái gia đình bé nhỏ mà mọi người phải lo, chúng ta là người Việt Nam, cùng chung tiếng nói, cùng chung huyết thống, cùng thừa kế một di sản của cha ông, chúng ta có chung một tương lai.

Nhà chúng ta to, nhưng xung quanh dân tộc ta nghèo đói thì chúng ta cũng không yên khi đầy rẫy “Lê Văn Luyện” quây quanh. Xe chúng ta tốt nhưng đường đầy rẫy ổ gà, xập xệ thì cũng sập hầm, sập hố mà chết. Chúng ta có nhiều tiền nhưng thực phẩm xung quanh điều nhiễm độc thì có tránh “đường trời” mới khỏi ung thư,….

Một dân tộc suy yếu, khi bị ngoại bang thôn tính hoặc giặt giã nổi lên thì nhà giàu cũng chết như nhà nghèo.

4. Bài học lịch sử:

150 năm trước, khi người Pháp lăm le bờ cõi, dân tình đói kém, lầm than nhưng các vị Vua quan phần vì thiếu thông tin phần vì lòng tham ích kỷ chi phối-sợ mất bổng lộc- mà giữ rịt nhân dân trong thể chế cai trị lạc hậu.

Rồi điều gì đến cũng đến, nước mất thì nhà tan, không ai trong số các vị đó giữ được bổng lộc cho con cháu. Dân tộc ta trải qua thời khắc lịch sử kinh hoàng: gần 100 năm nô lệ, hơn 30 năm chiến tranh giày xéo với hàng triệu tấn bom đạn trút xuống mảnh đất tươi đẹp hình chữ S. Tôi không biết có bao nhiêu con vua cháu chúa chết thảm trong tao loạn hoặc sống lang bạt muôn phương?

Thật là bi thương!

5. Cần một một cuộc cách mạng nhận thức về “quyền lợi riêng được nhận thức đúng”:

Tình hình đất nước ta hiện nay là rất xấu. Một đảng nắm hết uy quyền nhưng hiện đang bị suy thoái trầm trọng: tham nhũng, lợi ích nhóm (nhóm lợi ích với lòng tham mù quáng) nổi lên đông như quân Nguyên. Trong thời cuộc này, một số sẽ thành công, của ăn của để, nhà lầu xe hơi,… nhưng tuyệt đại đa số là thất bại.

Khi viết bài “bạn tốt của chiến tranh: niềm tin mù quáng, lòng tham mù quáng”, tôi thấy thật khó mà thay đổi thực trạng đất nước. Lực lượng bên trên nắm quyền lực và tiền bạc thì bị lòng tham mù quáng chi phối (một phần nhỏ còn bị niềm tin mù quáng chi phối) và họ tìm cách giữ vững đặc quyền đặc lợi đang có; bộ phận bên dưới thì lại bị niềm tin mù quáng chi phối (còn một bộ phận “trí thức” ở giữa thì tối tăm mặt mũi vì chăm lo lợi ích riêng cho bản thân và gia đình). Tôi suy nghĩ và không thấy lực lượng nào đủ mạnh hiện nay khả dĩ chống nổi hai thế lực trên. Đến nhà bác học thiên tài Einstein còn phải bất lực mà thốt lên “không thể chống được thế lực của những kẻ ngu (trong trường hợp này có thể hiểu là tin mù quáng mà tham mù quáng), vì chúng quá đông”.

Trong tình thế này, chắc có lẽ chúng ta cần làm một cuộc “cách mạng” về nhận thức mà cốt lỗi vấn đề là triết lý “lợi ích riêng được nhận thức đúng”. Một cuộc vận động toàn dân dù sang hèn, giàu nghèo thấy được “một tương lai chung-một thảm họa chung”.

Có lẽ chúng ta cần cuộc vận động này trước tiên để có thể thống nhất ý chí và lực lượng rồi mới tính kế làm những việc tiếp theo.


Nguyễn Văn Thạnh
Theo Dân Luận

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad