William J. Duiker - Làm gì? Đường Kách Mệnh của Hồ Chí Minh - Tiến Bộ

Breaking

Home Top Ad

Post Top Ad

Thứ Ba, 24 tháng 9, 2013

William J. Duiker - Làm gì? Đường Kách Mệnh của Hồ Chí Minh



Nhà lãnh đạo cách mạng Việt Nam Hồ Chí Minh là một người viết nhiều tác phẩm. Đầu năm 1980, nhà xuất bản Sự Thật ở Hà Nội đã bắt đầu xuất bản 10 tập trong bộ sách nhan đề “Hồ Chí Minh Toàn Tập”, tổng cộng hơn 4000 trang. Theo những nguồn tin thông thạo ở Việt Nam ước tính vẫn có thêm vài ngàn trang thuộc các bài viết và diễn văn của ông vẫn chưa được in ấn. Một số mới được phát hiện gần đây, trong khi một số khác thì bị giữ lại bởi lí do nhạy cảm chính trị hoặc không chắc chắn liệu Hồ Chí Minh có phải là tác giả thực sự hay không. 1

Tuy vậy, Hồ Chí Minh hiếm khi viết về những vấn đề mang tính hệ tư tưởng. Không giống như những ngôi sao sáng cách mạng khác như Lê Nin và Mao Trạch Đông, Hồ Chí Minh không được biết đến như là một nhà thông giải về học thuyết Mác. Không hề có cái thứ như là “Tư tưởng Hồ Chí Minh”, và đại đa số những bài viết và diễn văn của ông mang hình thức những báo cáo chính trị đến Đảng hay những cơ quan chính phủ hoặc là bài viết cổ vũ những người đi theo mình. Do đó, Hồ Chí Minh thường bị đánh giá thấp như chỉ là một nhà thực hành cách mạng hơn là một nhân vật gieo giống tầm quan trọng về lý thuyết trong lịch sử tư tưởng cách mạng.

Một trong số ít những bài viết của Hồ Chí Minh cố gắng diễn giải chủ nghĩa Mác hoặc áp dụng nó vào bối cảnh Việt Nam là cuốn sách nhỏ nhan đề Đường Kách Mệnh (Con đường đến cách mạng), được Hồ Chí Minh viết khoảng năm 1926 hoặc đầu năm 1927 trong khi đang phục vụ trong ban tham mưu của phái bộ được gửi tới chính quyền Quốc Dân Đảng tại Quảng Châu Michael Borodin thuộc Phòng Thông Tin Quốc Tế Cộng Sản (Comintern). Cùng thời gian đó, Hồ Chí Minh đồng thời bắt tay xây dựng tổ chức cách mạng Mác-xít đầu tiên xưng danh ở Việt Nam, Việt Nam Thanh Niên Cách Mệnh Đồng Chí Hội.2

Là một chỉ dấu về sự hiểu biết của Hồ Chí Minh đối với chủ nghĩa Mác-Lê và làm thế nào để áp dụng nó trong bối cảnh Việt Nam, Đường Kách Mệnh để lại nhiều điều chưa thoả. Đó là một tác phẩm ngắn gọn một cách trêu ngươi, được viết với phong cách đơn giản, phần giới thiệu của tác phẩm về các vấn đề học thuyết rất khát quát và thường sơ khai. Tuy thế, nó vẫn có phần nào giá trị trong việc cho thấy định hướng tư tưởng của Hồ ở giai đoạn này trong cuộc đời của ông. Quan trọng hơn, có lẽ, đó là tác phẩm đầu tiên mang tính chất hệ tư tưởng trong lịch sử phong trào Cộng Sản Việt Nam, phục vụ cho việc giới thiệu tư tưởng và thực hành chủ nghĩa Mác-Lê cho thế hệ đầu tiên của các nhà cách mạng Việt Nam. Trong ý nghĩa này, đây là một tài liệu có tầm quan trọng sinh tử cho sự hiểu biết của chúng ta về những điều kiện trí tuệ quanh sự ra đời của phong trào Cộng Sản ở Việt Nam.
Bối Cảnh

Hồ Chí Minh, khi ấy sống với bí danh cách mạng là Nguyễn Ái Quốc, đã đến Quảng Châu vào tháng 12 năm 1924, sau hơn một năm ở Matxcơva, nơi ông đã làm việc ở Trụ sở chính Quốc tế Cộng Sản, và dường như đã theo học một thời ngắn ở Đại học Lao Động Cộng Sản Phương Đông (thường được biết đến như là Trường Stalin). Hồ Chí Minh đã trở thành một trong những thành viên sáng lập của Đảng Cộng Sản Pháp (FCP) trong khi đang sống ở Paris ngay sau Chiến tranh thế giới thứ nhất và được Dmitri Manuilsky một viên chức Quốc tế Cộng Sản mời tập huấn ở Matxcơva vào mùa hè năm 1923.3

Hồ Chí Minh chắc chắn đã được tiếp cận với một liều lượng phong phú về các ý tưởng chủ nghĩa Mác-Lê trong suốt năm ở Matxcơva. Nhưng rõ ràng từ bằng chứng hiện có, trước khi bước vào tuổi 40, Hồ Chí Minh đã nhận thức trước một số ý niệm về bản chất của thế giới quanh ông. Đầu tiên và trên hết, như nhiều trí thức Việt Nam cùng thế hệ, ông là một nhà yêu nước, như biệt danh mà ông đã chọn trong khi đang sống ở Pháp, Nguyễn Ái Quốc hay Nguyễn Nhà Yêu Nước.

Việc kiếm tìm phương tiện giành lại sự độc lập cho dân tộc Việt Nam đã khởi đầu dẫn ông đến chủ nghĩa Mác. Như chính ông đã thừa nhận, lần đầu tiên khi đọc “Luận Cương Về Những Vấn Đề Quốc Gia Và Thuộc Địa” nổi tiếng của Lê Nin ông đã đã bị chủ nghĩa Mác-Lê thu hút, tác phẩm được giới thiệu cho các đại biểu ở Đại hội Quốc tế Cộng Sản lần thứ 2 vào mùa hè năm 1920. Mặc dù, có lẽ Hồ Chí Minh đã làm quen với tư tưởng chủ nghĩa Mác khi còn đang sống ở Anh trong suốt chiến tranh thế giới thứ nhất, chính những luận cương của Lê Nin, hứa hẹn sự hỗ trợ của Liên Xô cho sự giải phóng của các xã hội bị áp bức khỏi sự thống trị thực dân Châu Âu, đã cung cấp động lực biến cải ông trở thành một thành viên sáng lập của Đảng Cộng Sản Pháp cuối năm đó.

Động thái của Lê Nin đối với tình tự dân tộc chủ nghĩa, tất nhiên, là một biện pháp tinh vi, vì nhà lãnh đạo Bôn-sê-vic đã trở nên rất nhạy cảm trước sức mạnh của tình tự sắc tộc và dân tộc trong những vùng thuộc địa và nửa thuộc địa của Châu Á và Châu Phi và hy vọng đưa họ vào để sử dụng trong cuộc đấu tranh của chính phủ riêng ông chống lại chủ nghĩa tư bản toàn cầu. Tuy nhiên, bất kể Lê Nin có những quan điểm riêng nào, nhiều cộng sự của ông, cũng như các thành viên của các Đảng Cộng Sản trẻ tuổi ở châu Âu, vẫn chưa chú ý đầy đủ đến đề xuất này. Trong những năm tháng đi theo Đại hội Quốc tế Cộng Sản lần thứ 2, Hồ Chí Minh thường chỉ trích Đảng Cộng Sản Pháp (FCP) và ngay cả Quốc tế Cộng Sản thiếu sự quan tâm đầy đủ đến sự giải phóng của các thuộc địa thoát khỏi sự bóc lột chủ nghĩa đế quốc.4

Hồ Chí Minh cũng tách lìa khỏi những hiểu biết đã thu nhận được ở Maxcơva trong sự khẳng định của ông về tầm quan trọng của vấn đề đất đai trong tiến trình cách mạng ở các xã hội châu Á. Là con trai của một viên chức Nho giáo người đã từng từ bỏ chức vụ của mình trong cuộc đấu tranh chống lại sự chiếm đóng của Pháp đối với Việt Nam, dành phần lớn tuổi thơ ở một làng quê nghèo ở miền Trung Việt Nam nên ông hiểu rõ một cách trực tiếp những vấn đề của người nông dân ở các xã hội thuộc địa châu Á. Năm 1908, trong khi đang học ở trường Quốc Học Huế, ông đã tham gia vào những cuộc buổi tình của người nông dân trong vùng, những cuộc biểu tình bị đàn áp đẫm máu bởi chế độ thực dân Pháp. Trong một số bài báo được viết ở Pháp vào đầu thập niên 1920, ông thường đề cập bóng gió đến tình trạng bị xuống cấp của quần chúng nông thôn trong những vùng thuộc địa, trong khi chấp nhận vai trò lãnh đạo của giai cấp công nhân và hàm ý rằng những người nông dân có thể là những đồng minh trung thành của giai cấp vô sản trong cuộc đấu tranh chống lại sự thống trị đế quốc. Sau khi đến Matxcơva, ông trở thành một thành viên tích cực của Hội Nông Dân Quốc Tế (Krestintern) và nói lên những tình cảnh của người nông dân ở các xã hội thuộc địa tại một đại hội được tổ chức vào tháng 10 năm 1923. Trong một báo cáo về những vấn đề dân tộc và thuộc địa trình cho đại hội Quốc tế Cộng Sản lần thứ 5 năm 1924, Hồ chủ trương rằng nông dân ở các nước thuộc địa Pháp bây giờ đã chín muồi cho cách mạng và chỉ đòi hỏi sự tổ chức và lãnh đạo, là những thứ Quốc tế Cộng Sản có thể cung cấp.5

Dĩ nhiên, quan điểm cho rằng lực lượng nông dân trong các vùng thuộc địa có thể tham gia tích cực để lật đổ ách xiềng xích của chủ nghĩa đế quốc là học thuyết Lê Nin chính thống, nhưng Hồ Chí Minh thất vọng khi nhận thấy rằng nhiều người ở Matxcơva chỉ nói miệng quan niệm của Lê Nin về sự liên minh giai cấp vô sản – nông dân. Hồ thường chỉ trích đồng sự của mình về sự thiếu sót của họ khi không nhận ra tầm quan trọng của vấn đề đất đai, nhưng không thành công lắm. Có lần ông than phiền với một người bạn rằng làm như ông, giống như thể là “một tiếng kêu ở đồng vắng”.6

Khi tới Quảng Châu vào tháng 12 năm 1924, Hồ Chí Minh bắt đầu tuyển mộ những người đi theo mình cho tổ chức mới mà ông đã dự tính trong số các thành viên cấp tiến hơn của cộng đồng Việt Nam sống lưu vong ở miền Nam Trung Quốc. Đó là khoảnh khắc may mắn, vì xã hội Việt Nam giữa thập kỷ 1920 đang ở trong giai đoạn chuyển mình và khởi dậy. Một thế hệ trí thức yêu nước lớn tuổi hơn, do Phan Bội Châu và Phan Chu Trinh dẫn đầu, giờ đã có tuổi và không còn tiếp cận với những điều kiện hiện hành, trong khi đó đảng lưu vong của chính Phan Bội Châu ở miền Nam Trung Quốc đang trong tình trạng suy sụp. Nhưng những năm theo thế chiến thứ nhất, một thế hệ mới của những trí thức, lớn lên dưới con mắt gia trưởng của chế độ thực dân, đang bắt đầu xuất hiện trên khán đài chính trị.

Trong một nỗ lực nhận thức sự nổi lên của một thế giới mới, thế hệ mới này phải đối mặt với những tình thế lưỡng nan tàn khốc. Say mê các đường lối của phương Tây, nhưng họ lại căm phẫn trước sự tàn bạo, ngạo mạn của chế độ thực dân và được kích thích bởi giấc mơ độc lập cho dân tộc Việt Nam. Bị lôi cuốn vào lời hứa tự do cá nhân và sự tự biểu hiện cố hữu trong nền văn hóa phương Tây hiện đại, nhưng rốt cuộc lại bị thất vọng bởi sự thất bại của những nỗ lực hào hiệp viễn vông của các nhà yêu nước trong quá khứ và ý thức một cách bất an rằng chỉ bằng đoàn kết mới có thể tìm thấy sức mạnh.7

Vì vậy, giai đoạn giữa thập kỷ 1920, là một giai đoạn của sự nổi giận, kỳ vọng, và thử nghiệm. Cái đang thiếu là một tầm nhìn rõ ràng về tương lai. Khi vẫn còn khao khát tự do cá nhân, một số lại tìm kiếm câu trả lời ở những hoạt động nhóm, ở hình thức tập hợp. Một trong những nhóm như vậy là Tâm Tâm Xã (Hiệp hội những người đồng lòng), được thành lập vào năm 1924 bởi một số trí thức cấp tiến sống ở miền Nam Trung Quốc những người đã tỉnh ngộ ra sự bất lực của đảng cũ Phan Bội Châu. Những người lãnh đạo của tổ chức mới này thông minh, nhiều nhiệt huyết nhưng họ thiếu kinh nghiệm về cách mạng và một hệ tư tưởng. Như nhiều người theo chủ nghĩa vô chính phủ khác ở châu Âu vào thế kỷ 19, họ không có một kế hoạch cụ thể nào cho tương lai và phải dựa vào các hoạt động khủng bố để phổ biến cho phong trào và thực hiện mục tiêu giải phóng Việt Nam khỏi sự thống trị thực dân. Hành vi quả quyết nhất của hiệp hội này là việc mưu sát thất bại Toàn Quyền Pháp Martial Merlin ở Quảng Châu năm 1924. Người đặt bom ám sát trong cuộc tấn công, thành viên trẻ tuổi Tâm Tâm Xã Phạm Hồng Thái, bị chết trong toan tính đó nhưng sự kiện này đã thu hút sự chú ý rộng rãi khắp vùng.

Thậm chí trước khi rời quê hương để làm nhân viên cho một công ty tàu hơi nước của Pháp trước chiến tranh thế giới thứ nhất, có thể thấy rằng người thanh niên Hồ Chí Minh cảm thấy bồn chồn trước những nỗ lực không hiệu quả của các tiền bối trong việc giải phóng Việt Nam khỏi sự thống trị thực dân. Mặc dù thân phụ là bạn thân thiết của Phan Bội Châu, Hồ Chí Minh đã từ chối lời đề nghị tham gia vào phong trào lưu vong của Phan Bội Châu, thay vào đó chọn con đường đi sang châu Âu để tìm hiểu những bí mật thành công của phương Tây tại tận nguồn. Trong những bài báo mà ông đã viết khi còn sống ở Pháp, Hồ Chí Minh than phiền về về trình độ nhận thức chính trị thấp của các đồng hương của mình. Ít có trí thức Việt Nam, ông than phiền, nhận thức sắc sảo về những trào lưu quan trọng đang diễn ra rộng khắp trên thế giới, những nỗ lực giành lấy độc lập quốc gia của họ mang đặc điểm của chủ nghĩa anh hùng cá nhân và chủ nghĩa khủng bố cách mạng. Còn về quần chúng, họ “căn bản là có tinh thần chống đối nhưng hoàn toàn dốt nát. Họ muốn giải phóng cho chính họ nhưng không biết cách làm thế nào để thực hiện điều đó.”8

Còn khiến sự việc trở nên khó khăn hơn, kiến thức về chủ nghĩa Mác và cách mạng Bôn-sê-vic ở Nga hầu như không tồn tại ở Việt Nam. Ngoại trừ một số ít người đã từng làm việc hay học tập ở Pháp, những trí thức Việt Nam hầu như không biết gì về học thuyết cách mạng của chủ nghĩa Mác, vì thông tin những học thuyết chính trị cấp tiến ở phương Tây bị cấm đoán nghiêm ngặt bởi chế độ thực dân, nhiều người xem những hệ tư tưởng như thế với con mắt e dè. Trong khi khát khao độc lập dân tộc đối với các cá nhân này lại rất mãnh liệt, nhận thức về quan niệm đấu tranh giai cấp hay sự khả năng thích ứng của nó đối với những điều kiện ở Đông Nam Á thì cực kì bị giới hạn.

Dường như những nhìn nhận của Hồ được xác nhận sau chuyến đi của ông đến Quảng Châu. Trong một bức thư gửi đến Trụ sở chính Quốc tế Cộng Sản ở Matxcơva đề ngày 18 tháng 12 năm 1924, ông nhận xét rằng mục tiêu đầu tiên của những nhóm theo chủ nghĩa dân tộc địa phương mà ông đã tiếp xúc là để phục thù cho những người đã bị tàn sát bởi quân Pháp trong cuộc đấu tranh vì gia đình và quê hương của họ. “Họ không hiểu về chính trị,” ông thêm vào, “và thậm chí họ còn hiểu ít hơn về cách thức tổ chức quần chúng. Trong vấn đề lý thuyết, tôi đã giải thích cho họ hiểu về sự cần thiết của tổ chức, sự vô ích khi tiến hành những hoạt động mà không có cơ sở. Họ đồng ý”9.¬

Trong những điều kiện như thế, Hồ Chí Minh bắt tay vào nhiệm vụ thành lập một tổ chức cách mạng theo chủ nghĩa Mác để giải phóng nhân dân của ông thoát khỏi hai xiềng xích chủ nghĩa thực dân và trật tự xã hội truyền thống. Những thành viên đầy hứa hẹn của Tâm Tâm Xã chuyển hướng sang những ý tưởng của ông và là những thành viên cốt lõi của Việt Nam Cách Mạng Thanh Niên Đồng Chí Hội của Hồ. Một số thành viên thông minh nhất, những người biểu lộ hứa hẹn am hiểu được những sự phức tạp của học thuyết và thực hành chủ nghĩa Mác – Lê, thì được kết nạp vào một nhóm cộng sản bí mật (cộng sản liên đoàn) để tạo nên hạt nhân cho Đảng Cộng Sản tương lai. Phần còn lại, Hồ cảm thấy, đỏi hỏi phải được huấn luyện chuyên sâu về hệ tư tưởng chủ nghĩa Mác-Lê và các phương pháp tổ chức. Để cung cấp sự huấn luyện như thế cho những người tuyển mộ trẻ tuổi của mình, ông thành lập một khoá gọi là “Khoá huấn luyện chính trị đặc biệt cho cách mạng Việt Nam,” trong một toà nhà ba tầng thuê ở khu buôn bán trung tâm Quảng Châu.

Những bài giảng ở trường do chính Hồ Chi Minh phụ trách, những thành viên cấp cao của Việt Nam Cách Mạng Thanh Niên Đồng Chí Hội, hoặc thỉnh thoảng có sự tham gia của các thành viên thuộc chi nhánh địa phương của Đảng Cộng Sản Trung Quốc như Chu Ân Lai, Chu Ân Lai lúc đó đang phục vụ như là chính trị viên của Tưởng Giới Thạch ở Học viên quân sự Hoàng Phố do Quốc Dân Đảng Trung Quốc điều hành. Chương trình giảng dạy bao gồm những khoá học về chủ nghĩa tư bản thế giới và lịch sử tiến hoá loài người, chủ nghĩa Mác-Lê và cách mạng Bôn-sê-vic, tổ chức của Quốc tế Cộng Sản, các phương pháp và tổ chức cách mạng. Chương trình huấn luyện ở trường thường kéo dài khoảng 3 tháng. Sau khi hoàn tất chương trình, học viên tốt nghiệp sẽ tuyên thệ hiến mình bên cạnh nấm mồ người anh hùng liệt sĩ Tâm Tâm Xã Phạm Hồng Thái, và sau đó được hướng dẫn trở về Việt Nam để tổ chức các tiểu tổ và tìm kiếm những người ủng hộ mới cho phong trào. Một số thành viên hứa hẹn nhất sẽ được gửi đến trường Stalin ở Matxcơva để đào tạo chuyên sâu hơn về hệ tư tưởng.
Văn Bản

Theo các hồi ký của những Đảng viên Cộng Sản kì cựu đã từng theo học trường này, Đường Kách Mệnh là một tập kết hợp những bài giảng mà Hồ Chí Minh thuyết trình cho những học viên trong suốt chương trình huấn luyện. Nó được in bằng máy in Linotype bởi Cục Tuyên Truyền của Hội Liên hiệp các Dân tộc bị Áp bức (một tổ chức của những người lưu vong từ vài nước Châu Á được thành lập bởi chính Hồ Chí Minh sau khi đến Quảng Châu) và có lẽ được phân phát sử dụng như là sách giáo khoa ở trường. Vài bản được bí mật đưa về Việt Nam bởi những thành viên của Đồng Chí Hội.10

Đường Kách Mệnh mở đầu bằng một danh sách những nguyên tắc đạo đức về tư cách cách mạng, trong tính chất kì lạ của nó, đáng cho chúng ta nhắc vắn tắt ở đây. Một vài trong những nguyên tắc (ví dụ như nhấn mạnh đến bổn phận, sự dấn thân, tự hy sinh, và sự cần thiết giữ bí mật) là những khung tiêu chuẩn tư cách cần có ở các tổ chức theo chủ nghĩa Mác-Lê, và có lẽ được lấy nguyên xi từ tác phẩm nổi tiếng của Serge Nechavev “Sách vấn đáp của người Cách Mạng”. Nhưng những nguyên tắc khác (như cần cẩn trọng, cần kiệm, khiêm tốn, trung thực và tính cách dung hoà) lại mang phong vị của những châm ngôn đạo đức nằm trong sách vở lòng ở trường tiểu học dạy Nho giáo, và mang điềm báo về vai trò cha chú người thường đưa ra lời khuyên phải trái mà “Bác Hồ” sẽ đóng đối với các cộng sự trẻ tuổi của mình trong suốt quảng đời còn lại của ông.11

Theo sau danh sách các nguyên tắc đạo đức là phần giới thiệu ngắn gọn mà trong đó tác giả mô tả mục đích của mình khi viết cuốn sách này. Mục đích, ông nói, có thể tóm tắt bởi hai từ: “Kách mệnh! Kách mệnh! Kách mệnh!” (Cách mạng! Cách mạng! Cách mạng!) Phần chính của văn bản được chia thành những tiết mục riêng biệt bàn về quan niệm cách mạng, so sánh các cuộc cách mạng hiện đại nổi tiếng (ví dụ như Mỹ, Pháp và Nga), mô tả về ba Quốc tế Cộng Sản, sự tổ chức và những mục tiêu của các nhóm mặt trận cách mạng khác nhau cho công nhân, nông dân, phụ nữ và vân vân. Trong toàn thể, cuốn sách nhỏ được coi là sách vỡ lòng dẫn nhập về lý thuyết và thực hành cách mạng.

Có một số điểm thú vị trong cách phân tích của Hồ Chí Minh về cách mạng trong Đường Kách Mệnh. Được viết dành cho những người nghe không có kinh nghiệm, không có gì đáng ngạc nhiên rằng ông bắt đầu bằng một định nghĩa vắn tắt và giản dị về cách mạng. Cách mạng, ông nói, là để phá cái cũ xây cái mới, phá cái xấu xây cái tốt. Lạ lùng, ông không cố gắng giải thích ý nghĩa nguyên từ tiếng Việt “cách mạng” (Kách mệnh, hoặc theo cách sử dụng bây giờ, cách mạng), dù nó là một từ mới vừa mới được du nhập từ Trung Văn 12.

Sau đó, tác giả đưa ra lời bàn luận ngắn gọn về các kiểu cách mạng. Ông chỉ ra có ba loại tư tưởng cách mạng: tư bản chủ nghĩa (đại diện ở đây là những trường hợp của nước Pháp, Nhật Bản và Mỹ), dân tộc chủ nghĩa (ở đây ông dẫn chứng những trường hợp của Ý thập niên 1850 và Trung Quốc năm 1911), và cách mạng giai cấp (đại diện là cách mạng Bôn-sê-vic ở Nga). Những cuộc cách mạng ở một nước đặc thù, ông tiếp tục, diễn ra theo hai giai đoạn. Quan niệm về cách mạng hai giai đoạn, dĩ nhiên, xuất phát là của Lê Nin. Nhà lãnh đạo Bôn-sê-vic, phản ánh kinh nghiệm của cách mạng Nga 1947, tạo nên một chiến lược cho các nước tiền công nghiệp ở châu Phi và Châu Á bao gồm giai đoạn đầu “dân chủ dân tộc” và cuối cùng dẫn đến giai đoạn “xã hội chủ nghĩa vô sản”. Trong giai đoạn đầu, giai cấp vô sản, được dẫn dắt bởi tổ chức tiên phong của nó là Đảng Cộng Sản địa phương, sẽ liên hiệp với các giai cấp tiến bộ khác trong cuộc đấu tranh chung chống lại chủ nghĩa đế quốc và chủ nghĩa phong kiến. Trong giai đoạn thứ hai, giai cấp vô sản, kết hợp những phần tử cách mạng ở những giai cấp khác, loại bỏ những lực lượng không phải cách mạng trong liên minh của mình và giành trọn quyền lực.

Quan niệm hai giai đoạn của riêng Hồ Chí Minh, được mô tả trong Đường Kách Mệnh, rõ ràng vay mượn từ Lê Nin, nhưng có một vài điểm khác biệt. Hồ chia cách mạng thành hai giai đoạn, giai đoạn đầu “dân tộc kách mệnh”, giai đoạn chấm dứt sự đô hộ nước ngoài và giai đoạn hai là thế giới Kách mệnh, giai đoạn mà nông dân và công nhân trên thế giới sẽ đoàn kết như một gia đình để huỷ diệt chủ nghĩa tư bản và mang sự thống nhất trên toàn cầu (thiên hạ đại đồng, một cách vận dụng thú vị quan niệm truyền thống của người Trung Quốc) hoặc hạnh phúc cho tất cả.13

Một đặc điểm thú vị của khung này là tầm quan trọng mà Hồ gán cho vấn đề độc lập dân tộc. Các Mác đã phân tích giai đoạn tư sản của cách mạng bằng tranh chấp giai cấp và sự mong muốn của giai cấp tư sản về quyền lực chính trị và kinh tế, vì vậy phủ định tầm quan trọng tiềm ẩn của vấn đề chủ nghĩa dân tộc. Lê Nin cũng nhận ra tầm quan trọng của chủ nghĩa dân tộc, nhưng chỉ với ý niệm mang tính chiến lược trong việc tìm kiếm những đồng minh cho các giai cấp bị áp bức trong cuộc đấu tranh của họ chống lại sự thống trị chủ nghĩa phong kiến và đế quốc. Mặt khác, trong Đường Kách Mệnh, có thể thấy Hồ Chí Minh quy một giá trị chủ quan tích cực cho vấn đề độc lập dân tộc trong tiến trình cách mạng, nhìn nhận nó như là sản phẩm của sự hợp tác chính đáng của nhiều giai cấp để chấm dứt sự đô hộ nước ngoài. Sử dụng các ví dụ của cách mạnh Ý năm 1859, và cách mạng Trung Quốc 1911, ông tiên đoán những cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc tương tự trong những xã hội thuộc địa như Ấn Độ, Cao Ly, Philippines, và Việt Nam.

Rõ ràng là, Hồ Chí Minh đã diễn giải một cách tự do quan niệm của Lê Nin về cách mạng dân chủ dân tộc (cách mạng, theo Lê Nin, chỉ là một bước cần thiết để chuyển tiếp sang giai đoạn thứ hai hay giai đoạn cách mạng xã hội chủ nghĩa,) để thích hợp với những điều kiện ở Việt Nam, một nơi, cho nhiều người nghe của ông (và có lẽ cũng cho chính cả ông), vấn đề độc lập dân tộc là một vấn đề quan trọng vì chính nó. Hồ rất cẩn trọng tuyên bố rằng giai đoạn dân tộc của cách mạng sẽ được đi theo bởi giai đoạn thứ hai dựa vào sự đấu tranh giai cấp, nhưng ông không nói cụ thể khi nào hay trong những điều kiện nào một cuộc cách mạng như thế sẽ diễn ra. Thực sự, ông không phân biệt rõ giữa tiến trình cách mạng ở các nước nước công nghiệp và tiền công nghiệp, và vì vậy có thể thấy rằng thà sử dụng quan niệm chủ nghĩa Mác kinh điển về hai cuộc cách mạng khác biệt và tách rời là chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa xã hội hơn là sử dụng phiên bản của Lê Nin vốn đã bị xén bớt đi, theo đó giai đoạn đầu sẽ “phát triển” khá nhanh chóng thành giai đoạn hai.

Hồ Chí Minh cũng mơ hồ về hình thức “Cách mạng dân tộc” sẽ diễn ra và về giai cấp nào sẽ lãnh đạo nó, mà chỉ ghi nhận rằng cách mạng dân tộc bao gồm một liên minh của các giai cấp và cho phép người dân trong các xã hội thuộc địa thực hiện tự do và bình đẳng. Tuy nhiên, tác giả cũng tuyên bố rõ ràng rằng sau cách mạng dân tộc sẽ là cách mạng xã hội chủ nghĩa trong đó giai cấp vô sản sẽ lãnh đạo. Mô hình nước Nga về cách mạng giai cấp, ông chỉ ra, có vị thế cao hơn những cuộc cách mạng tư bản chủ nghĩa diễn ra ở Pháp và Mỹ. Trong hai quốc gia này, cách mạng vẫn chưa triệt để, vì nó vẫn để giai cấp tư bản nắm quyền lực và những người công nhân, nông dân nghèo vẫn rên xiết dưới ách thống trị của những giai cấp bóc lột. Chỉ ở nước Nga những người Bôn-sê-vic mới thành công trong việc mang lại quyền lực vào tay những người đại diện nhân dân thông qua cách mạng giai cấp.14

Một đặc điểm thứ ba của Đường Kách Mệnh là cung cách tác giả xử lý câu hỏi về sự liên minh cách mạng. Một trong những yếu tố then chốt trong chiến lược cách mạng của chủ nghĩa Lê Nin ở các nước tiền công nghiệp là quan niệm liên minh bốn giai cấp.

Theo Lê Nin, trong những xã hội như thế, thông thường giai cấp vô sản bản xứ quá yếu và thiếu kinh nghiệm để tự mình tiến hành cuộc nổi dậy cách mạng đang gia tăng mạng mẽ chống lại bọn đế quốc và bọn phản động phong kiến. Để thành công, cần liên kết với các giai cấp cấp tiến khác, như là nông dân và các nhà tư sản yêu nước (Lê Nin gọi là tầng lớp tiểu tư sản và tư sản dân tộc). Thậm chí, Lê Nin còn tiên đoán rằng các đảng dân tộc tư sản sẽ lãnh đạo liên minh bốn-giai-cấp, chừng nào đảng Cộng sản địa phương tìm cách nắm giữ tự do trong hành động của riêng mình. Tuy nhiên, sau khi hoàn tất xong giai đoạn thứ nhất “dân chủ dân tộc” của cách mạng, những người Cộng sản phải tuyên bố độc lập khỏi các đồng minh như thế, với sự giúp đỡ của các phần tử cách mạng đích thực, cố gắng hoàn tất giai đoạn cách mạng thứ hai hay còn gọi là “xã hội chủ nghĩa vô sản”. 15

Trong công thức của Lê Nin, trái tim của sự liên minh bốn giai đoạnlà sự liên kết mật thiết giữa công nhân và nông dân. Lê Nin thấy rằng nông dân nghèo là những đồng minh trung thành của giai cấp công nhân trong những xã hội chủ chốt về đất đai như là nước Nga thời đế chế và các xã hội thuộc địa ở châu Á. Nhưng ông lại theo tiền lệ khuôn mẫu khi khăng khăng sự lãnh đạo của giai cấp vô sản (được định nghĩa là “lực lượng lãnh đạo”) trong khối liên minh, với những người nông dân thì được xem là “lực lượng cơ bản” (hoặc đa số, hàm ý đến số lượng) trong phong trào.

Trong Đường Kách Mệnh, Hồ Chí Minh sử dụng một cách tự do quan niệm của Lê Nin về một mặt trận thống nhất gồm các giai cấp tiến bộ để tạo nên giai đoạn đầu của cách mạng, ông chỉ ra rằng những học sinh, những nhà buôn nhỏ và thậm chí là những điền chủ nhỏ có thể được sử dụng như những đồng minh trong cuộc đấu tranh chống là chế độ thực dân. Những giai cấp như thế đã bị bóc lột bởi những nhà tư bản, ông chỉ ra, nhưng không nhiều như các nông dân và công nhân. Họ không được tin cậy để thực hiện giai đoạn hai của cách mạng, và vì vậy chỉ được xem như là bầu bạn của giai cấp vô sản và tầng lớp nông dân.

Đó là chủ nghĩa Lê Nin chính thống. Và trong việc xử lý của ông về mối quan hệ giữa công nhân và nông dân, Hồ Chí Minh lại theo sự lãnh đạo của Lê Nin. Quan niệm về sự liên minh vô sản - nông dân là một chủ đề liên tục có mặt trong Đường Kách Mệnh, đề cập một cách rõ ràng đến sự cần thiết lãnh đạo của giai cấp vô sản trong khối liên minh, đặc biệt trong suốt giai đoạn thứ hai của “cách mạng giai cấp”. Nhưng điểm chính trong sự phân tích của Hồ cho rằng nông dân là yếu tố quyết định trong sự hợp tác cách mạng. Ông đưa ra chứng minh sự thiếu liên minh mật thiết giữa thành thị và nông thôn dẫn đến cách mạng thất bại trong suốt Công Xã Paris 1870 và trong suốt cách mạng Nga 1905. Chỉ khi hai giai cấp được thống nhất về chiến lượt và chiến thuật, như đã từng diễn ra ở cách mạng Nga năm 1917, cách mạng mới có thể thành công. Như trong trường hợp của cách mạng dân chủ dân tộc, Hồ Chí Minh vẫn còn ở trong đường lối chỉ đạo chung của lối tiếp cận chủ nghĩa Lê Nin trong khi nhấn mạnh những yếu tố mà, theo quan điểm của ông, đặc biệt cần thiết cho sự thành công của cách mạng Việt Nam.16

Trong mục cuối cùng về phần tổ chức, Hồ Chí Minh hết sức cố gắng nhấn mạnh tầm quan trọng trong việc vận động nông dân ở một xứ sở như là Việt Nam, nơi 90% tổng dân số sống dựa vào ruộng đất. Trong Đường Kách Mệnh, cũng như trong Bản án chế độ thực dân Pháp, tác phẩm ông đã viết trước khi từ Paris đến Matxcơva, Hồ Chí Minh mô tả hình ảnh tầng lớp nông dân nghèo nàn gian khổ, không có gì để sống ngoài sức lao động. Đây không phải là một cách nhìn chi tiết, và không có sự tham chiếu đến những khác biệt giữa phú nông, trung nông và bần cố nông theo chủ nghĩa Mao Trạch Đông. Như hình ảnh người vô sản trong tác phẩm Tuyên ngôn cộng sản của Mác, tầng lớp nông dân của Hồ Chí Minh không có gì để mất ngoài xiềng xích của họ. Tất cả những gì họ đòi hỏi là, như ông đã chỉ ra trong các bài báo được viết ở Pháp là sự lãnh đạo và tổ chức.17

Một điểm cuối cùng thú vị trong Đường Kách Mệnh là sự nhấn mạnh mà tác giả đặt vào hệ tư tưởng và sự tổ chức. Cách mạng, ông nhấn mạnh trong phần giới thiệu, không thể đạt được nếu thiếu một hệ tư tưởng và một kế hoạch. Cách mạng không phải chỉ là chuyện những hành vi riêng lẽ của chủ nghĩa anh hùng, và tự hy sinh, mà là hoạt động được kết hợp của hàng ngàn cá nhân dấn thân, được thống nhất trong một đảng cách mạng. Nếu tất cả những phần tử bị áp bức trong xã hội, bao gồm cả đàn bà và trẻ em cũng như tất cả các giai cấp tiến bộ, được thống nhất cùng một mục đích, họ có thể vượt qua những thế lực hung ác của sự cai trị.

Khi nhấn mạnh vai trò quan trọng của hệ tư tưởng và sự tổ chức trong việc thực hiện cách mạng Việt Nam, Hồ Chí Minh đang nhắm đúng mục tiêu vào những gì mà ông đã xem xét một số điểm yếu rõ rệt của các nỗ lực trước đó. Những cuộc bạo động nông dân ở miền Trung Việt Nam năm 1908, cuộc khởi nghĩa thất bại của đảng cách mạng Phan Bội Châu, và những hoạt động khủng bố của Tâm Tâm Xã giữa thập niên 1920, bị thất bại do thiếu tầm nhìn rõ ràng về tương lai và một kế hoạch.

Ngoảnh lại, sự nỗ lực của Hồ Chí Minh trong việc liên kết những lực lượng bị tan tác của xã hội Việt Nam thành một lực lượng thống nhất không thể đối kháng lại được rõ ràng xuất phát từ truyền thống lâu đời của phong trào kháng chiến nổi tiếng chống lại sự đô hộ nước ngoài, từ hình ảnh người anh hùng Trần Hưng Đạo trong thế kỷ 13 cho đến những phong trào chống thực dân của Phan Đình Phùng và Phan Bội Châu trong thời của chính ông. Dù người ta có đồng ý hay không về những quan điểm hệ tư tưởng của ông, sức mạnh trong lập luận của ông về hoạt động thống nhất biểu hiện hiển nhiên.

Nhưng điều quan trọng phải nhớ rằng Hồ Chí Minh đối mặt rất nhiều trở ngại nghiệm trọng trong việc thuyết phục đồng bào chấp nhận luận lý của những kết luận của mình. Thông điệp của Hồ về sự tự hy sinh và sự lệ thuộc vào những yêu cầu của tập thể không chỉ đối đầu với thuyết định mệnh và “chính sách chờ thời” vốn tiêu biểu cho thái độ của nhiều người Việt Nam từ sự chinh phục của người Pháp (một thái độ mà Phan Bội Châu đã từng phê phán một cách cay đắng trong tác phẩm Việt Nam Vong Quốc Sử) [1905], mà còn đương đầu với sự nhấn mạnh biểu hiện cá nhân và tự nhận thức tiêu biểu cho thế hệ giới trẻ thành thị những người bước lên diễn đàn những năm 1920 sau thế chiến thứ nhất. Liệu giới trẻ Việt Nam có chú ý đến lời kêu gọi của ông hay không?

Để tóm tắt từ quan điểm nội dung hệ tư tưởng, Đường Kách Mệnh chẳng cung cấp gì cho những người nghiên cứu nghiêm túc về tình hình Việt Nam hiện đại hay lịch sử hoạt động Cộng Sản. Sự diễn giải của tác giả về học thuyết và thực hành chủ nghĩa Mác-Lê còm sơ khai và trong một vài trường hợp hết sức gây hoang mang. Sự diễn giải đơn giản và những mơ hồ về hệ tư tưởng trong cách xử lý của Hồ về quan niệm hai giai đoạn và sự liên minh cách mạng khiến một số người đặt vấn đề về sự am hiểu của Hồ đối với chủ nghĩa Mác-Lê, hay cách khác, về sự cam kết của ông đối với những lời giáo huấn của nó.

Hồ Chí Minh đã dự kiến chỉ trích như vậy. Trong phần giới thiệu của cuốn sách nhỏ này, ông nhấn mạnh rằng ông đã chủ tâm chọn hình thức viết đơn giản và dễ hiểu. Điều này xuất phát từ thực tế là người nghe ông tương đối không được đào tạo về chủ nghĩa Mác và lịch sử châu Âu, nên sẽ là dễ hiểu nếu ông diễn đạt lời giải thích của mình về cách mạng hiện đại bằng những từ ngữ đơn giản để các độc giả của mình có thể nắm bắt được. Sự nhấn mạnh về độc lập dân tộc và vai trò tích cực của quần chúng nông dân rõ ràng giúp tạo ra quan điểm theo chủ nghĩa Mác chính thống, với sự nhấn mạnh của nó về chủ nghĩa Quốc Tế Vô Sản và vai trò lãnh đạo của giai cấp công nhân thành thị, càng dễ hiểu và thu hút hơn.

Tuy nhiên, đằng sau những mơ hồ học thuyết và sự đơn giản về cách tiếp cận đặc trưng của văn bản, Đường Kách Mệnh vẫn cung cấp cho độc giả một ý niệm rõ ràng vừa phải về tầm nhìn chỉ đạo hướng đi tương lai cho cách mạng Việt Nam của Hồ Chí Minh. Nếu cắt xén những yếu tố này, những yếu tố có lẽ được thiết kế để làm cho thông điệp của ông trở nên dễ hiểu với người nghe của mình, trọng tâm lập luận của ông về thực chất có lẽ được xem là của chủ nghĩa Lê Nin. Nhưng trong khi hầu hết những người Cộng Sản châu Âu, và đôi khi chính bản thân Lê Nin, ở một mức độ nào đó cũng có khuynh hướng xem các vấn đề về chủ nghĩa dân tộc, sự liên minh công - nông dân với một cách hời hợt, thì Hồ Chí Minh lại xem những ý tưởng này rất nghiêm túc và cố gắng áp dụng chúng vào Việt Nam bằng với một cách thức sáng tạo, phản ảnh tình trạng thực tế của các nước châu Á đương thời và trải nghiệm lịch sử của nhân dân Việt Nam.
Từ học thuyết đến thực hành

Một kết luận như thế nổi lên không chỉ đến từ các trang sách trong cuốn Đường Kách Mệnh, mà còn đến những hành động của ông trong vai trò là người sáng lập Việt Nam Thanh Niên Cách Mạng Đồng Chí Hội. Với niềm tin vững chắc cho rằng quần chúng bị áp bức ở các xã hội Châu Á cần sự lãnh đạo của một nhóm nòng cốt gồm những nhà cách mạng dấn thân để cung cấp cho họ sự tổ chức và phương hướng hoạt động. Ở Quảng Châu Hồ Chí Minh đã tập trung nỗ lực tuyển mộ những lãnh đạo đảng tương lai từ các thanh niên có học thức cấp tiến những người đã đạt được sự trưởng thành ở Đông Dương trong suốt những năm 1920. Đi theo với chủ trương rằng sự quan tâm cho số mệnh dân tộc Việt Nam là mối quan tâm chủ yếu của những phần tử như vậy, chương trình của Việt Nam Thanh Niên Cách Mạng Đồng Chí Hội đặt trọng tâm ưu tiên về vấn đề dân tộc, mặc dù các mối quan tâm về xã hội kinh tế và quan niệm về một xã hội không tưởng tương lai lại được luận một cách tổng quát trong tài liệu tuyên truyền của Đồng Chí Hội. Sự xác nhận hiệu quả nhất đối với tính hiệu lực trong cách tiếp cận của Hồ là sự thành công nhanh chóng của Liên hiệp trong việc đóng vai trò tích cực ở phong trào chống thực dân bên trong Việt Nam, một vai trò nhanh chóng gây sự chú ý lo lắng của các nhà cầm quyền Pháp.

Hồ Chí Minh có bị ảnh hưởng phương cách đáng kể nào bởi những sự kiện xảy ra ở miền Nam Trung Quốc, hay bởi những ý tưởng được nêu ra đến ông từ những người quen biết của mình ở Đảng Cộng Sản Trung Quốc hay không? Rốt cục, chắc hẳn ông phải có nhiều cơ hội thảo luận những vấn đề hệ tư tương và thực tiễn với những nhân vật lãnh đạo đảng như Chu Ân Lai, Lưu Thiếu Kỳ, Bành Bái, tất cả những người đã đôi lần tham gia giảng dạy ở học viện của Hồ Chí Minh. Và khi đích thân thăm Viện Đào Tạo Nông Dân của Đảng Cộng Sản Trung Quốc ở Quảng Châu, mặc dù có lẽ ông không gặp Mao Trạch Đông ở đó. Đáng tiếc, hơi khó để trả lời câu hỏi này, vì ông đã không thường bình luận khi viết về các sự kiện diễn ra ở Trung Quốc trong thời gian này, và mối quan hệ của ông với những đồng chí Trung Quốc và Sô-Viết của mình ở Quảng Châu vẫn chưa được nghiên cứu thấu đáo. Có một điều dường như không cần phải bàn cãi là những quan niệm của Hồ Chí Minh về tầm quan trọng của độc lập dân tộc và vai trò của nông thôn trong cách mạng có trước khi ông đến Trung Quốc. Mặt khác, dường như có cùng khả năng là ông đã gặt hái kinh nghiệm thực tiễn đáng kể từ việc quan sát tiến trình các sự kiện xảy ra ở Trung Quốc, và có lẽ đã áp dụng kinh nghiệm này vào những hoạt động của ông với Đồng Chí Hội khi còn ở Quảng Châu.

Một lãnh vực mà những quan điểm của Hồ có thể bị tác động bởi những điều kiện ở Trung Quốc là về bản chất và vai trò của liên minh bốn-giai-cấp. Sau cái chết của Tôn Dật Tiên vào tháng 3 năm 1925, “khối bên trong” giữa Đảng Cộng Sản Trung Quốc và Quốc Dân Đảng trở nên căng thẳng nghiêm trọng vì những căng thẳng nổi lên giữa những người Cộng Sản và những thành viên thuộc nhóm hữu phái của Quốc Dân Đảng, lên đến cực điểm là việc thanh toán của Tưởng Giới Thạch đối với những người Cộng Sản ở Quảng Châu vào tháng 3 năm 1926. Trong khi vụ việc đang được dàn xếp, các sự nghi ngờ lẫn nhau giữa những phần tử của cánh tả và cảnh hữu trong liên minh vẫn tiếp tục và chắc hẳn điều này cảnh báo Hồ Chí Minh cần tiếp cận mối quan hệ với những đảng theo chủ nghĩa dân tộc tư sản một cách hoài nghi. Việt Nam, đương nhiên, khi đó không có cái tương tự với Quốc Dân Đảng, và có lẽ Hồ cũng thừa nhận ngay từ ban đầu rằng tổ chức của ông sẽ đóng vai trò lãnh đạo trong bất cứ liên minh bốn giai đoạntương lai nào ở Đông Dương, nhưng những bình luận của ông trong Đường Kách Mệnh lại chỉ rằng ông có một nhận thức đầy đủ về tính dễ vỡ của liên kết này.

Cũng có nhiều kinh nghiệm thực tiễn được gặt hái từ việc quan sát tiến trình sơ kì của Chiến dịch Bắc Phạt (Northern Expedition), được khởi xướng chống lại các chế độ sứ quân ở miền Trung Trung Quốc vào mùa thu năm 1926. Sau đó, Hồ có viết về kinh nghiệm này trong một bài báo ngắn nhan đề “Công Tác Quân Sự Của Đảng Trong Nông Dân” (The party’s Military Work among the Peasants) bài báo ông đã viết ở Đức năm 1928. Trong bài báo ông đã nhấn mạnh tầm quan trọng của sự lãnh đạo Đảng để đưa ra sự hướng dẫn cho chủ nghĩa cấp tiến nông dân mới nảy sinh, nhưng cùng lúc cũng chỉ ra các phong trào cách mạng ở các nước tiền công nghiệp không thể thành công nếu thiếu vai trò tích cực của tầng lớp nông dân. Sự thất bại của Đảng Cộng Sản Trung Quốc trong việc hỗ trợ chủ nghĩa cấp tiến nông dân ở tỉnh Hồ Nam trong suốt Chiến dịch Bắc Phạt, ông ghi nhận, đó là “sai lầm lớn nhất của giới lãnh đạo Cộng Sản thời đó.” Trong cuộc tranh luận về tầm quan trọng tương đối của giới nông dân và giới tư sản thành thị đối với cách mạng ở Trung Quốc, ông kiên quyết đứng về phía của Mao Trạch Đông.18
Di Sản

Vào đầu tháng 5 năm 1927, ngay sau khi “Cuộc tàn sát ở Thượng Hải” của Tưởng Giới Thạch đối với những người đồng minh Cộng Sản Trung Quốc trước đây của ông, Hồ Chí Minh chạy khỏi Quảng Châu và đi Matxcơva. Trong sự vắng mặt này, tình hình đối với các cộng sự của ông có sự thay đổi quan trọng. Trong khi Đồng Chí Hội tiếp tục phát triển về quy mô và ảnh hưởng, những căng thẳng nội bộ về chiến lược dẫn đến sự chia rẽ về hệ tư tưởng, nổ ra công khai trong suốt đại hội thứ nhất của tổ chức, được tổ chức ở Hồng Kông vào tháng 5 năm 1929. Từ đó trở đi, Đồng Chí Hội bị phân thành hai đảng tranh chấp, mỗi đảng đều tuyên bố làm đại diện cho các quan điểm của Quốc tế Cộng Sản ở Matxcơva.

Nguồn gốc của sự tách ly này có thể nhận thấy ở bên trong Việt Nam và kể cả ngoài nước. Một số thành viên thuộc khu uỷ Bắc Kỳ, bực bội vì sự thất bại của giới lãnh đạo trong việc đẩy mạnh sự tuyển mộ trong số các dân nghèo thành thị và nông thôn, xách động sự vô sản hoá tổ chức và thành lập Đảng Cộng sản chính thức. Sau đó, rõ ràng quan điểm này được khích lệ bởi một sự chuyển dịch chiến lược ở Matxcơva. Ở đại hội Quốc tế Cộng Sản lần thứ 6 vào tháng 7/1928, sự tin cậy vào lối tiếp cận của chủ nghĩa Lê Nin rõ ràng bị lung lay bởi sự chối bỏ tàn nhẫn của Tưởng Giới Thạch về mặt trận thống nhất ở Trung Quốc, Quốc tế Cộng Sản liền từ bỏ quan niệm liên minh bốn giai đoạnvà chuyển hướng gay gắt sang phía tả. Chủ nghĩa dân tộc bấy giờ một lần nữa không được ủng hộ, sự đấu tranh giai cấp và quan niệm chậc hẹp về sự liên minh cách mạng vẫn thăng tiến.

Hồ Chí Minh đã không tham gia đại hội Quốc tế Cộng Sản này, dành nửa năm đầu ở Tây Âu, và trên đường khi ông đến Xiêm thì đại hội diễn ra. Sau vài tháng tham gia vào những hoạt động tổ chức bên trong của cộng đồng tha hương Việt Nam ở Xiêm, đầu năm 1930 ông đến Hồng Kông để triệu tập gọi là “Hội nghị thống nhất” nhằm hằn gắn sự tách ly bên trong phong trào cách mạng và đi đến thoả thuận thành lập một Đảng Cộng Sản Việt Nam chính thức. Đảng mới bao gồm các thành viên của hai phe Đồng Chí Hội cũ cũng như các nhà cách mạng theo chủ nghĩa Mác chân thành khác ở Việt Nam. Quyết định này phản ánh ý chí của Matxcơva, vốn đã răn đe những nhà cách mạng Việt Nam về những hành vi của họ và chỉ thị họ thành lập một Đảng Cộng Sản chính thức trong dự liệu về làn sóng cách mạng đang lên khắp Châu Á. Nhưng những tài liệu đề cương được vạch ra dưới sự hướng dẫn của Hồ ở cuộc họp đã phản ánh những ý tưởng đang bị bác bỏ trong hiện tại mà ông đã đề cập trước đó trong Đường Kách Mệnh, gồm cả yêu cầu tạo một liên minh rộng rãi với các thành phần cấp tiến cả nước và thành lập một Việt Nam độc lập. Tuy nhiên, mặt khác, những tài liệu cũng cảnh báo những đảng viên không được đưa ra bất cứ nhượng bộ nào về nguyên tắc đối với phần tử theo chủ nghĩa dân tộc tư sản, và chỉ đạo rằng những khẩu hiệu liên quan đến vấn đề độc lập dân tộc nên được thêm vào những lời kêu gọi khác phản ánh vấn đề đấu tranh giai cấp và cách mạng thế giới.19

Một vài tuần sau khi trì hoãn Hội nghị thống nhất, Trần Phú, một người vừa tốt nghiệp trường Stalin, đến từ Matxcơva cùng những chỉ thị của Quốc tế Cộng Sản soạn thảo một chương trình cho đảng mới phù hợp với những đường lối được truyền bá ở đại hội Quốc tế Cộng Sản lần thứ 6 năm 1928. Trong một cuộc họp ở Hồng Kông vào tháng mười, uỷ ban trung ương lâm thời của đảng chỉ trích những đường lối chỉ đạo được phác thảo ở cuộc họp vào tháng 2 là sai lầm và chấp thuận một chương trình mới phản ánh cách tiếp cận thu hẹp hơn với quan niệm mặt trận thống nhất và đặt lại tên đảng là Đảng Cộng Sản Đông Dương. Trong khi cái cớ nêu ra bên ngoài cho quyết định vào tháng mười là quan điểm của Matxcơva cho rằng các nước nhỏ chỉ có thể tiến hành đấu tranh thành công chống lại chủ nghĩa đế quốc bằng cách kết hợp thành những nhóm lớn hơn, khả năng rằng mong muốn tháo gỡ vấn đề độc lập dân tộc – hiện tại vẫn bị phản đối ở Matxcơva – chỉ là một nhân tố phụ. 20

Những quyết định đạt được ở hội nghị tháng Mười đặt đinh cung cách cho chiến lược của Đảng trong suốt vài năm sau đó. Trong khi bản thân Trần Phú lại bị bắt bởi người Pháp và chết trong tù, lãnh đạo đảng bị chi phối bởi những học viên kì cựu trở về từ trường Stalin, những quan điểm học thuyết của họ rập khuôn theo đường lối chính thức như đã được tuyên dương ở Matxcơva. Trong suốt những năm đầu 1930, những bài trong các tờ báo Đảng thường chỉ trích Hồ Chí Minh bởi sự mê đắm của ông vào hệ tư tưởng dân tộc và sự xác tín của ông rằng phải có một cuộc cách mạng dân tộc trước cách mạng thế giới.21

Hầu hết suốt giai đoạn này, Hồ Chí Minh không liên lạc với giới lãnh đạo Đảng. Sau hội nghị, ông vẫn ở lại Hồng Kông như là một đại diện của Viễn Đông Cục (Far Eastern Bureau) của Quốc tế Cộng Sản. Vào tháng 6 năm 1931, ông bị cảnh sát Anh bắt giữ và ở tù 2 năm. Sau khi được phóng thích vào năm 1933, ông sống vài năm tiếp theo ở Matxcơva, nơi có báo cáo cho rằng ông bị Stalin nghi ngờ vì những quan điểm không chính thống của mình. Nhưng vào cuối thập kỷ 1930, Quốc tế Cộng Sản đã từ bỏ cách tiếp cận bè phái và trở lại chiến lược theo chủ nghĩa Lê Nin về một sự liên minh đa giai cấp giữa các đảng Cộng Sản và phi Cộng Sản chống lại mối đe doạ chung là chủ nghĩa phát xít thế giới [Hitler và Đảng Quốc Xã lên nắm chính quyền ở Đức năm 1933 sau khi thắng cử]. Được biện minh qua tiến trình các sự kiện, Hồ Chí Minh trở lại Trung Quốc năm 1938 và hai năm sau đó nối lại liên lạc với các thành viên lãnh đạo của ICP (Đông Dương Cộng Sản Đảng). Ở Hội nghị toàn đảng lần thứ 8 vào tháng năm 1941, Uỷ ban trung ương Đông Dương Cộng Sản Đảng, hoạt động dưới sự lãnh đạo của ông, tuyên bố thành lập Việt Nam Độc Lập Đồng Minh Hội (thường được biết đến với tên gọi Mặt trận Việt Minh), một mặt trận thống nhất cơ sở mở rộng dựa trên hai mục tiêu đi đôi với nhau là độc lập dân tộc và cải cách kinh tế xã hội. Đó là sự thành lập theo chiến lược của chủ nghĩa Lê Nin mà các nhà cộng sản đấu tranh, và chiến thắng, cuộc Chiếc Tranh Việt Nam.
Đường Kách Mệnh Hôm Nay

Trong suốt thập niên 1930 và cuộc kháng chiến sau đó chống lại Pháp, cuốn sách nhỏ mỏng của Hồ Chí Minh không còn được sử dụng như là một tập hợp các đường lối chỉ đạo cho những nhà cách mạng tập sự ở Việt Nam. Sau Hội Nghị Genava và sự thiết lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng Hoà (DRV) ở Hà Nội năm 1954, Đường Kách Mệnh không còn nằm trong bộ sưu tập những tác phẩm tuyển chọn của Hồ Chí Minh, dường như do yêu cầu của chính ông. Những đoạn trích ngắn thỉnh thoảng xuất hiện trong các tác phẩm của những sử gia Việt Nam, nhưng văn bản gốc, được lưu trữ trong Viện Bảo Tàng Cách Mạng ở Hà Nội, dường như không có sẵn để lật đọc thậm chí đối với những học giả Việt Nam. Ngay trước khi ông qua đời vào năm 1969, những người biên tập bộ toàn tập của ông đã xin phép ông Hồ xuất bản phiên bản đầy đủ, và ông đã chấp thuận. Những đoạn trích dài hơn xuất hiện trong những bộ sưu tập các tài liệu của đảng vào cuối thập niên 1970, và phiên bản đầy đủ được xuất bản trong tập II bộ sách Hồ Chí Minh Toàn Tập năm 1981.

Tuy nhiên, thậm chí ngày nay, vẫn chưa thấy bóng dáng bản gốc của Đường Kách Mệnh. Trái ngược với mong muốn của những người biên tập nhà xuất bản Sự Thực, phiên bản gốc được biên tập để bỏ đi những sai sót về sự kiện, và các trích dẫn sai sót. Những sai sót như thế, tôi đã được biết theo một nguồn thông tin thông thạo ở Hà Nội, là không thể tránh khỏi, vì Hồ Chí Minh không tiếp cận được đến nguồn tư liệu ở Quảng Châu. Người ta cam đoan với tôi rằng không có sự thay đổi thực chất so với bản gốc. Cho đến khi bản gốc có thể được so sánh với phiên bản được xuất bản, không có cách nào để thực chứng lời phát biểu này.22

Vậy làm thế nào mà chúng ta có thể tổng kết ý nghĩa của Đường Kách Mệnh trong sự ảnh hưởng của nó đến lịch sử hiện đại Việt Nam? Rõ ràng, dù có phóng trí tưởng đến đâu đi nữa cũng không thể xếp nó vào các tác phẩm kinh điển của chủ nghĩa cộng sản thế giới hay lịch sử của tư tưởng cách mạng. Đường Kách Mệnh được viết như là một cuốn sách vỡ lòng để giới thiệu những yếu tố cần thiết của học thuyết Mác-Lê cho những thanh niên yêu nước chưa thật tinh tế, do đó chứa đựng tất cả những khuyết điểm cũng như những ưu điểm của một cuốn sách thuộc thể loại này. Nhưng trong một ý thức lớn hơn, nó đóng vai trò định hình cho sự phơi mở cách mạng Việt Nam và phải được xem như là một trong những tài liệu quan trọng vào thời đại của nó. Cuốn sách không chỉ là một cột mốc hướng dẫn hữu ích trong việc lý giải những ý tưởng của Hồ Chí Minh khi ông bắt đầu tiến vào sự nghiệp cách mạng lâu dài của mình, mà còn giới thiệu lên một tiếng nói mang tính học thuyết quan trọng trong thuyết ngôn chính trị Việt Nam đương thời, một phiên bản Việt Nam của tác phẩm nổi tiếng Lê Nin “Làm gì?” (What is to be done), như một người cầm bút Sô-Viết đã từng nhận xét. 23

Có lẽ quan trọng nhất, như chính bản thân Hồ Chí Minh có thể đã nói thêm, cuốn sách đã phục vụ cho mục đích của nó. Dù sự thành công của Đường Kách Mệnh đến từ thông điệp hay từ người mang thông điệp, có một điều không thể hồ nghi rằng đó là một sự kiện bước ngoặc trong lịch sử hiện đại Việt Nam. Ngày nay nó đã trở nên thời thượng để đánh giá giai đoạn thập niên 1920 ở Đông Dương không chỉ như một tiền sảnh của cuộc đấu tranh chua cay sắp tới, mà trong những điều kiện riêng của nó, còn là một giai đoạn thăm dò trí tuệ văn hoá khi những nhà trí thức Việt Nam trong một sự đa dạng rộng lớn về những khuynh hướng chính trị và triết học, còn phải đang mò mẫm tìm câu trả lời cho các câu hỏi nêu lên bởi những trải nghiệm thuộc địa. Với nhiều người, thông điệp chứa đựng trong Đường Kách Mệnh đã chấm dứt cuộc tìm kiếm đó. Dưới sự lãnh đạo của Hồ Chí Minh, những học trò của ông đã tiến đến chiến thắng sau cùng vào mùa xuân năm 1975.

[*] Tiểu luận này được nghiên cứu một phần nhờ vào sự tài trợ của Chương trình trao đổi học giả Đông Dương của Hội đồng nghiên cứu khoa học xã hội và Viện nghệ thuật và nhân văn học của trường Đại học Tiểu bang Pensylvania. Không cần phải nói, tôi chịu toàn bộ trách nhiệm về nội dung của tiểu luận này.

1 Phỏng vấn Ngô Phương Ba, Viện Sử học, Hà Nội, 12/12/1990

2 Chính tả gốc của tựa đề văn bản này là Đường Kách Mệnh. Văn bản hiện hành được xuất bản ở Việt Nam sử dụng thuật ngữ là “cách mệnh”. Với mục đích tôn trọng tính chính xác, tôi quyết định giữ tựa đề gốc, mặc dù nó không phù hợp với cách sử dụng đương thời. Tường thuật chi tiết về Đồng Chí Hội do một nhà viết sử Việt Nam đương đại, xem Phạm Xanh, Việt nam Thanh niên Cách mạng Đồng Chí Hội (Hà Nội: nxb Thông Tin Lý Luận, 1985) [Chú thích người dịch: Năm 1925, quốc tế cộng sản và chính quyền Quốc Dân đảng dưới sự lãnh đạo của Tôn Dật Tiên mở ra sự liên hiệp Quốc Cộng. Vì thế, phái bộ Michael Borodin được quốc tế cộng sản gửi đến làm việc với Quốc Dân Đảng. Chu Ân Lai trong sự liên hiệp này cũng được làm chính trị viên cho trường Đại học quân sự Hoàng Phố ở Quảng Đông. Sự liên hiệp này chỉ kéo dài hai năm, và chấm dứt với cuộc tiến quân bắc phạt của Tưởng Giới Thạch năm 1927, tàn sát Công xã Quảng Châu và tổ chức Cộng sản ở Thượng Hải. Sự kiện này được nhà văn Pháp Andre’ Malraunx hư cấu bằng tác phẩm nổi tiếng thế giới La Condition Hummaine (Thân Phận Con Người) (1930). Khi đó, Michael Borodin là cán bộ Quốc tế Cộng sản hoạt động ở Hoa Kỳ được gửi từ Chicago qua Trung quốc. Hồ Chí Minh làm thư ký cho phái bộ này với bí danh là Lý Thuỵ, nhờ thông thạo tiếng Trung.]

3 Yevgenyi Kobelev, Hồ Chí Minh (Matxcơva, nxb Tiến Bộ, 1983), trang 57

4 Ví dụ, xem “Some Considerations of the Colonial Question” (Một vài cứu xét về vấn đề thuộc địa) một bài báo được in lần đầu ở tờ L'Humanité (Nhân Loại) (25/5/1922), xuất hiện ở cuốn “Ho Chi Minh on Revolution” (Hồ Chí Minh về cách mạng) do Bernard B. Fall biên tập (New York: nhà xuất bản Signet, 1968), trang 25-26. Phiên bản tiếng Việt của văn bản gốc bằng tiếng Pháp thì xem trong Hồ Chí Minh Toàn Tập, Tập 1 (1920 – 1925) (Hà Nội: nxb Sự Thật, 1980), trang 24-28. Sau đây, viết tắt là TT.

5 Xem bài diễn văn của ông ở Đại hội Quốc tế Cộng sản trong TT, tập I, trang 215-31. Phiên bản tiếng Anh thì nằm trong cuốn “Hồ Chí Minh: Seleted Writings” (Hồ Chí Minh Tuyển tập) (Hà Nội: nxb Ngoại Văn, 1971), trang 24-36. Xuất thân nông dân của Hồ ở mức độ nào đó gợi nhớ đến nhà cách mạng Mac-xít châu Á nổi tiếng khác, Mao Trạch Đông. Tuy nhiên, cha của Hồ là một nho sĩ, trong khi đó cha của Mao là một nông dân không biết chữ.

6 Xem bài diễn văn ở đại hội Quốc Tế Nông Dân vào tháng 10 1923, trong TT, tập I, trang 153-58. [Chú thích người dịch: “Một tiếng kêu trong đồng vắng” là câu viện dẫn lời Phúc Âm Ki-tô giáo nói về việc truyền đạo của tiên tri Gioan Tẩy Giả, là người đã làm phép rửa tội Giêsu.]

7 Hue-Tam Ho Tai, Radicalism and the Origins of the Vietnamese Revolution (Huệ-Tâm Hồ Tài, Chủ nghĩa cấp tiến và những cội nguồn của Cách Mạng Việt Nam) (Cambridge: Ấn quán Đại học Harvard, 1992). Điều tra nghiên cứu lý thú về những tình trạng lưỡng nan mà trí thức phải đối mặt trong niên đại chuyển tiếp này, xem của Takashi Shiraishi, An Age in Motion: Popular Radicalism in Java (Một Thời Đại chuyển động: Chủ nghĩa cấp tiến bình dân ở Java), 1912 -1926 (Ithaca, Ấn quán Đại học Cornell, 1990)

8 “Some Considerations,” (Một vài cứu xét…), trang 26

9 “Gửi chủ tịch đoàn quốc tế cộng sản”, Hồ Chí Minh Toàn Tập, tập 1, trang 314

10 Nguyễn Lương Bằng, “My Meetings with Comrade Hồ Chí Minh” (Những lần tôi gặp Đồng Chí Hồ Chí Minh), trong cuốn “Nash Presiden Ho Shi Minh” (Chủ tịch Hồ Chí Minh của chúng ta) (Hà Nội, 1967), trang 81-82

11 Một cuộc thảo luận lí thú về Serge Nechayev, xem Adam B. Ulam, “In the Name of the People: Propheis and Conspirators in Prerevolutionary Russia” (Nhân danh nhân dân: Những tiên tri và những kẻ âm mưu ở nước Nga trước cách mạng (New York: nxb Viking, 1977). David Marr cũng ghi nhận đặc tính Nho giáo trong nguyên tắc đạo đức cách mạng của Hồ Chí Minh. Xem Vietnamese Tradition on Trial 1920-1945 (Truyền thống Việt Nam trong thử thách 1920-1945) (Berkeley: Ấn quán Đại học California, 1981), trang 375

12 Từ Trung Văn “ge-ming” (theo lối phiên âm Wade–Giles là “ko-ming”) thường được dịch ra tiếng Anh là “thay đổi mệnh trời”. Chi tiết, xem Huệ-Tâm Hồ Tài, Chủ nghĩa cấp tiến, trang 170.

13 TT, trang 186. Tôi đã dùng phiên bản có sẵn ở đây ở trang 177-254.

14 Như trên, trang 206-7, có lẽ Hồ Chí Minh làm độc giả hoang mang ở chỗ nãy, vì ông không giải thích Cách Mạng Nga cũng là cuộc cách mạng hai giai đoạn. Nhưng chắc là ông đã thảo luận vấn đề này ở lớp với những học viên.

15 Kiến giải của Lê Nin về quan niệm này thì xem thêm trong “Bản sơ thảo luận cương về vấn đề dân tộc và thuộc địa” (ở đại hội Quốc Tế Cộng Sản lần thứ 2).

16 TT, trang 197, 203.

17 Như trên, trang 242 - 244. French Colonialism on Trial (Chủ nghĩa thực dân Pháp trong thử thách) dường như được khuôn mẫu theo cuốn tiểu thuyết nổi tiếng của Emile Zola về vụ án Dreyfuss, Tôi kết tội J'Accuse, là một phê phán kịch liệt về những thất bại của nước Pháp ở các thuộc địa. [Chú thích người dịch: Tôi kết tội là một văn bản chính trị của tiểu thuyết gia Emile Zola xuất hiện năm 1898, nhưng đây không phải là cuốn tiểu thuyết mà chỉ là bài báo lên tiếng về lương tâm của giới trí thức trước sự bài Do thái của quân đội và chính phủ Pháp]

18 “The Party’s Military Work among the Peasants: Revolutionary” (Công Tác Quân Sự của Đảng trong Nông Dân: Những Phương pháp du kích cách mạng), trong cuốn “Armed insurrection” (Khởi nghĩa vũ trang), biên tập A. Neuberg (Luân Đôn: nxb New Left Books [Tủ sách tân tả phái], 1970).

19 Những tài liệu về đại hội tháng 2 năm 1930 có trong Hồ Chí Minh Toàn Tập, trang 295-306. Có bằng chứng rằng Hồ đã quyết định một số vấn đề trong những luận cương này trước khi ông đến Hồng Kông. Dĩ nhiên, có thể ông không được biết về những quyết định đã đạt được ở đại hội Quốc Tế Cộng Sản lần thứ 6, nhưng một vài học giả ở Hà Nội tin chắc rằng ông đã nhận biết được sự dịch chuyển hệ tư tưởng ở Matxcơva thậm chí trước khi ông lên đường di Xiêm.

20 Những nhà sử học ở Hà Nội hiện nay có những ý kiến khác nhau về việc liệu Hồ Chí Minh có tham gia Đại hội tháng mười hay không. Bất kể như thế nào, chắc chắn một điều rằng những quyết định đạt được dẫn tới việc loại bỏ những quan điểm của Hồ khi ông phát biểu ở Hội nghị thống nhất vào tháng Hai và trong Đường Kách Mệnh ba năm trước đó.

21 Để quy chiếu và một sự thảo luận ngắn, xem cuốn sách của tôi “The Communist Road to Power in Vietnam” (Con đường đưa Cộng Sản đến quyền lực ở Việt Nam) (Boulder, nhà xuất bản Westview Press, 1981), trang 48.

22 Phỏng vấn với Ngô Phương Ba, 10/12/1990.

23 Kobelve, Ho Chi Minh, trang 89. Một đoạn trích ngắn từ tác phẩm của Lê Nin “Làm gì” (What is to be Done” nằm ở tựa đề của Đường Kách Mệnh.

Chuyển ngữ tại Sài-gòn
2013/09/15

Hiệu đính tại Sài-gòn
2013/09/22

William J. Duiker – Đại học Tiểu bang Pennsylvania
Ánh Hiền chuyển ngữ
Nguyễn Tiến Văn hiệu đính
Theo blog Ánh Hiền



Nguồn: William J.Duiker, What is to be Done? Hồ Chí Minh’s Đường Kách Mệnh.” Essays into Vietnamese Parts. K. W. Taylor and John K. Whitmore, eds. New York: Cornell University Southeast Asia Program, 1995.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad