|
Từ Washington, thông tín viên Jean-Louis Pourtet tường trình :
Hoạt động đầu tiên do lực lượng Biệt kích Hải quân nổi tiếng -Navy SEAL- tiến hành tại thành phố Barawe ở miền nam Somalia, cách thủ đô Mogadishu 180 km. Ngay vào sáng sớm, toán biệt kích Mỹ từ ngoài biển – được trực thăng yểm trợ, đã đột kích vào một ngôi biệt thự. Cuộc chạm súng diễn ra hơn một tiếng đồng hồ. Mục tiêu của lực lượng Navy Seals là một lãnh đạo của nhóm Hồi giáo võ trang al- Shabaab.
Tuy nhiên, biệt kích Mỹ đã phải rút lui nhanh chóng nên không thể xác nhận là đối tượng cuộc tấn công có bị giết chết hay không. Một quan chức Mỹ xác nhận với nhật báo New York Times rằng chiến dịch đột kích - lên kế hoạch cách nay một tuần rưỡi – liên quan đến vụ tấn công vào trung tâm thương mại Westgate ở Nairobi .
Theo các chuyên gia, là chiến dịch tấn công quy mô đầu tiên từ bốn năm nay, cuộc đột kích vào Somalia hôm qua cho thấy là Mỹ hiện rất coi trọng mối đe dọa của lực lượng al- Shabaab, không chỉ đối với khu vực, mà cả đối với phương Tây nói chung.
Cũng ngày hôm qua, lực lượng đặc biệt Mỹ cũng tung ra một cuộc đột kích vào Tripoli, thủ đô Libya, bắt giữ được Abu Anas al- Libi, một đầu sỏ của màng lưới al-Qaeda. Nhân vật này bị tình nghi là kẻ chủ mưu các vụ khủng bố tại Nairobi (Kenya) và Dar es Salaam (Tanzania) vào năm 1998. Chính phủ Mỹ đã treo giá năm triệu đô la cho ai loại bỏ được nghi phạm này.
Theo RFI
============
Đặc nhiệm Mỹ đột kích ở châu Phi
Các lực lượng đặc nhiệm Mỹ đã thực hiện hai chiến dịch riêng rẽ ở châu Phi tấn công vào các thủ lĩnh của chiến binh Hồi giáo, giới chức Mỹ cho biết.
Biệt kích Mỹ bất ngờ đột kích vào ban đêm |
Ở Libya, đặc công Mỹ đã bắt được một thủ lĩnh al-Qaeda bị buộc tội là người đứng đằng sau các vụ đánh bom vào sứ quán Mỹ ở Kenya và Tanzania hồi năm 1998.
Truy nã gắt gao
Báo chí đưa tin Anas al-Libi bị bắt ở thủ đô Tripoli.
Một thủ lĩnh của al-Shabab cũng bị tấn công ở miền Nam Somalia nhưng cuộc tấn công này dường như đã thất bại.
Người thủ lĩnh này – vốn danh tính chưa được biết – bị nghi ngờ có dính líu đến vụ tấn công khủng bố hồi tháng trước vào thương xá Westgate ở thủ đô Nairobi ở thủ đô Kenya làm cho ít nhất 67 người thiệt mạng.
Người thân của Anas al-Libi và giới chức Mỹ đều xác nhận kẻ này đã bị bắt ở Tripoli và sáng thứ Bảy ngày 4/10.
Khi al-Libi đang đỗ xe ngay trước tư gia thì có ba chiếc xe trờ tới bao vây. Cửa kính xe của ông ta bị đập vỡ và súng của ông ta bị tịch thu trước khi ông ta được đưa đi, người em trai có tên là Nabih nói với hãng tin Mỹ AP.
Nabih cũng cho biết vợ của Libi đã chứng kiến cuộc đột kích và cho biết những người tấn công là ‘biệt kích’ có vẻ là người nước ngoài.
Chính phủ Libya biết về cuộc tấn công này khi nó diễn ra, kênh truyền hình CNN dẫn lời một quan chức Mỹ cho biết.
Giới chức Mỹ sau đó thông báo rằng kẻ bị bắt này không còn ở Libya nữa nhưng không nói gì thêm.
Người thủ lĩnh chiến binh 49 tuổi này được cho là một trong những kẻ chủ mưu vụ tấn công vào các tòa đại sứ Mỹ ở Kenya và Tanzania hồi năm 1998 giết chết hơn 220 người.
Libi đã nằm trong danh sách truy nã gắt gao nhất của FBI hơn một thập kỷ qua với tiền thưởng 5 triệu Mỹ kim cho cái đầu của ông ta.
Navy Seals thất bại
|
Phát ngôn nhân Lầu Năm Góc George Little cho biết đặc nhiệm Mỹ ‘đang có một chiến dịch chống khủng bố nhằm vào một tên khủng bố al-Shabab đã được xác định’. Tuy nhiên ông từ chối cho biết thêm chi tiết.
Tin tức ban đầu trên truyền thông Mỹ dẫn lời các quan chức ẩn danh của nước này cho biết kẻ khủng bố này đã bị lực lượng tinh nhuệ Navy Seals bắt sống hoặc tiêu diệt vào trước bình minh.
Tuy nhiên, sau đó giới chức lại thông báo Navy Seals đã không tìm ra mục tiêu.
“Cuộc tấn công ở Barawe đã được lên kế hoạch từ một tuần rưỡi trước, một quan chức an ninh Mỹ nói với tờ New York Times.
“Nguyên do là vụ tấn công khủng bố Westgate,” vị quan chức không muốn tiết lộ danh tính này nói thêm.
Trước đó, al-Shabab đã nói với BBC rằng ‘các binh lính da trắng’ đã đến Barawe bằng thuyền và phiến quân đã đẩy lùi được họ với một chiến binh thiệt mạng.
Mohamed Abu Suleiman, thủ lĩnh của phiến quân ở đây, nói rằng cuộc đột kích của lính Mỹ đã thất bại và họ vẫn đang kiểm soát Barawe.
Các cư dân ở Barawe cho biết tiếng súng giao tranh dữ dội trước lúc trời sáng đã làm họ tỉnh giấc.
“Súng nổ khoảng mươi mười lăm phút,” một nhân chứng nói với hãng tin Pháp AFP.
Theo BBC
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét