Theo Wiki, Sau khi tốt nghiệp phổ thông, ông Dũng đi lao động xuất khẩu ở Cộng hòa dân chủ Đức. Sau vài năm ông về làm việc tại văn phòng Công đoàn Cảng Hải Phòng.
Trong khoảng năm 1994, ông về làm cán bộ tại Tổng công ty Xây dựng Đường thủy (lúc đó là Liên hiệp các xí nghiệp nạo vét). Trong năm 1994, ông được đưa về Công ty nạo vét Sông 1 làm Phó Giám đốc sau đó lên làm Giám đốc.
Trong khoảng thời gian này, ông học lớp tại chức ngắn hạn ngành Kinh tế vận tải biển (3 năm) tại Trường Đại học Hàng hải Việt Nam. Sau khi tốt nghiệp, ông làm luôn luận án Tiến sĩ tại Trường Đại học Thương mại.
Trước khi lãnh đạo Vinalines, ông Dũng từng quản lý Tổng Công ty Xây dựng Đường thủy (Vinawaco) - một đơn vị từng thua lỗ nặng.
Dương Chí Dũng được bổ nhiệm chức Tổng giám đốc Vinalines từ tháng 8/2005. Đến tháng 7/2011, ông Dũng được bổ nhiệm giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị tổng công ty này. Ông Dũng cũng là Ủy viên thường vụ Đảng ủy khối Doanh nghiệp Trung Ương, Bí thư Đảng ủy Vinalines. Đầu tháng 2/2012, sau khi thôi giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng quản trị Vinalines, ông Dũng được điều động sang giữ chức vụ Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam.
Từng quyết tâm đưa Vinalines thành đội tầu nhất nhì Đông Nam á
Có thể nói, ông Dương Chí Dũng đã từng có một tương lai nghị trường sáng lạn khi được giao một trọng trách quan trọng. Tổng Công ty hàng hải Việt Nam Vinalines có số vốn điều lệ 8.087 tỷ đồng, số lao động gần 25.000 người, sở hữu đội tàu 149 chiếc với tổng trọng tải đạt 2,7 triệu tấn chiếm 45% tổng trọng tải của đội tàu biển quốc gia.
Trả lời giới truyền thông năm 2010, Dương Chí Dũng cho biết, phấn đấu đến năm 2020, kinh tế trên biển và ven biển đóng góp khoảng 53-55% GDP cả nước và đến năm 2015, đưa đội tàu vận tải biển của Việt Nam đứng vào vị trí nhất nhì đội tàu vận tải biển của khu vực Đông Nam Á.
Từ hệ thống cảng biển, đội tàu nói trên, Dương Chí Dũng cho biết sẽ phát triển hệ thống dịch vụ logistics. Mục tiêu kết nối phía Bắc với các cửa ngõ Lào Cai, Lạng Sơn, Móng Cái với các tỉnh tây nam Trung Quốc. Miền Trung thì kết nối với phía nam Lào, bắc Thái Lan để thu hút hàng hóa từ nam Lào, bắc Thái Lan ra biển qua cửa ngõ Đà Nẵng.
Trên cơ sở đó phát triển các dịch vụ hỗ trợ hàng hải; phối hợp kết nối đầu tư song phương, đa phương với các tập đoàn đầu tư khai thác cảng cũng như các hãng vận tải biển lớn trên thế giới; qua đó, mở các dự án đầu tư không những ở Việt Nam mà còn ở cả nước ngoài; hướng đến các đối tác có quan hệ xuất nhập khẩu lớn để thu hút vốn đầu tư...
Tuy nhiên sau đó, Cục Cảnh sát phòng chống tham nhũng đã phát hiện những sai phạm trong việc thực hiện lắp đặt ụ nổi thuộc dự án nhà máy sửa chữa tàu biển Vinalines phía nam. Tháng 2/2012, Cơ quan cảnh sát điều tra quyết định khởi tố bắt tạm giam 4 bị can có liên quan đến hành vi tham ô tài sản, trong đó có Dương Chí Dũng.
Cuộc “đào tẩu” kéo theo nhiều anh em “dính chàm”
Ngày 18/05/2012, sau khi ra quyết định khởi tố, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã làm việc với Bộ GTVT, ngay sau đó Bộ này đã có quyết định đình chỉ công tác với ông Dương Chí Dũng”
Ngày 19/05/2012, Cơ quan cảnh sát điều tra (Bộ Công an) đã ra quyết định truy nã đối với ông Dương Chí Dũng
Từ những sai phạm của mình, Dương Chí Dũng đã kéo theo 6 cán bộ trong ngành công an - là những người thân, chiến hữu ruột thịt lần lượt rơi vào vòng lao lý. Trong đó, nhận được nhiều sự quan tâm của dư luận nhiều nhất là em trai ông Dũng, đại tá Dương Tự Trọng.
Trước khi rời mảnh đất Hải Phòng để nhận nhiệm vụ tại Bộ Công an, ông Dương Tự Trọng từng giữ cương vị Phó giám đốc Công an Hải Phòng, Thủ trưởng cơ quan CSĐT - Công an TP Hải Phòng.
Con đường quan lộ đang sáng ngời, và nhiều người còn tin tưởng, với tài năng và kinh nghiệm dạn dầy, ông Trọng sẽ còn phấn đấu và cống hiến ở nhiều vị trí cao hơn nữa trong ngành công an.
Nhưng khi anh trai bị điều tra liên quan đến những sai phạm tại Vinalines, dù là người hiểu biết pháp luật, nhưng nguyên Phó giám đốc Công an TP Hải Phòng đã buộc nhúng chàm.
CQĐT nhận định, liên quan việc giúp Dương Chí Dũng bỏ trốn còn có thượng tá Vũ Tiến Sơn (cựu Phó phòng CSHS Hải Phòng) và 4 cán bộ công an Hải Phòng khác, phần lớn trong họ là những người thân tín của đại tá Dương Tự Trọng.
Ngoài ra, do giúp ông Dũng bỏ trốn bằng những giấy tờ giả mạo, cựu cán bộ Cục Hải quan Hải Phòng Đồng Xuân Phong đang phải sống chui lủi trong sự truy tìm gắt gao của cơ quan điều tra.
Ngày 4 tháng 9 năm 2012, ông Dương Chí Dũng đã bị bắt sau gần 4 tháng đào tẩu.
Đến thời điểm này, những mánh khóe tham ô, rút ruột tiền Nhà nước của Dương Chí Dũng đang dần “lộ sáng”. Người một thời từng có quyền lực bậc nhất, giờ bị coi là “kẻ tội đồ”, kẻ “rút tiền xương máu của nhân dân để … nuôi bồ nhí”.
Thảo Ly (Tổng hợp)
(Người Đưa Tin)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét