Có thể nói, kể cả xã hội hoàn hảo nhất… vẫn không thể phủ nhận được những biểu hiện mang hơi thở của đời sống dân sự. Nếu xã hội Việt Nam những năm tháng qua có được một hình thức nào đó tương tự như “Diễn Đàn Xã Hội Dân Sự”, mà các vị Nhân sĩ Trí thức hàng đầu của đất nước đang chủ trương, thì trí tuệ dân tộc được giải phóng, nhờ đó chính quyền có thêm kênh thông tin để điều chỉnh đường lối, hoàn thiện được chủ trương chính sách cho phù hợp với thực tiễn phát triể Nội lực dân tộc sẽ dồi dào, cũng nhờ thế mà người láng giềng Phương Bắc bớt đi được cái mộng bá quyền thâm căn cố đế của họ. Đời sống xã hội Việt Nam sẽ bớt những căng thẳng không cần thiết như những hình ảnh này:
Xã hội Việt Nam đương đại, bên cạnh những bế tắc về chính trị, lụn bại về kinh tế, băng hoại nghiêm trọng về đạo đức … lại đang trượt nhanh, trượt dài vào vòng lệ thuộc Trung Quốc. Bất chấp kỳ thị, ngăn cấm, đàn áp, bắt giữ, tù đầy… xã hội đó vẫn còn có những nỗ lực không ngừng nghỉ của nhân sĩ, trí thức trong và ngoài nước từ nhiều năm tháng nay như: Phản biện của Bán nguyệt san Tổ quốc có từ 2006, phản biện của nhóm Bauxite từ 2007, của Minh triết làm chủ Biển Đông, 11 cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc trong năm 2011, Kiến nghị sửa đổi hiến pháp của nhóm 72, hai vụ tuyệt thực của Cù Huy Hà Vũ và Điếu Cầy, những tranh đấu không mệt mỏi của phong trào dân oan trên cả nước, các hoạt động hiệp thông của giáo dân cả nước, vụ bắt rồi phải thả Phương Uyên, lời kêu gọi thành lập đảng mới của ông Lê Hiếu Đằng, cuộc quốc tế vận của các bạn trẻ trong Phong trào “Tuyên Bố 258”… đã làm truyền thông lề đảng, diễn đàn chính thống vô cùng lúng túng, bộc lộ nhiều yếu kém và bất cập… Và điều đó chính là bối cảnh nội sinh để hôm nay xuất hiện “DIỄN ĐÀN XÃ HỘI DÂN SỰ”.
Không thể không công nhận đây là một hình ảnh nghiêm túc của nguyện vọng có tính dân sự… |
Có thể nói việc xuất hiện “Diễn đàn Xã Hội Dân Sự” Việt Nam vào giai đoạn này đánh dấu một bước trưởng thành đáng kể của NHÂN CÁCH VIỆT NAM – TRÍ TUỆ VIỆT NAM. Điều gì phải đến đã đến, hoàn toàn hợp với quy luật phát triển, hợp với hiến pháp và pháp luật hiện hành, hợp với các chuẩn mực của nhân loại văn minh, hợp với điều mà triết học Mác – Lê thường vận dụng “Lượng Đổi - Chất Đổi”.
Tôi mang những hồ hởi của mình trao đổi với người thầy, người bạn vong niên là Đại tá công an Lê Hồng Hà, nhà hoạt động chính trị xã hội lão thành, nguyên Chánh văn phòng Bộ Công an, nguyên Uỷ viên Đảng đoàn Bộ công an. Chia xẻ với tôi cụ Lê Hồng Hà nói:
“Một điều rất dễ nhận thấy, trong lúc các ông Trương Tấn Sang, Nguyễn Tấn Dũng công du nước ngoài đều có chung khuynh hướng là xoay trục về Phương Tây để tháo gỡ bế tắc cho đất nước thì ông Nguyễn Phú Trọng cứ loay hoay mơ màng mãi với Nghị Quyết 4 mà ai cũng biết chắc là thất bại. Ý tưởng cho ra đời một đảng chính trị đối lập với ĐCS Việt Nam của ông Lê Hiếu Đằng là rất đáng trân trọng, nhưng để xuất hiện được một đảng chính trị đối lập đủ tầm vóc làm đối trọng với ĐCS Việt Nam lại là một câu chuyện khác, không hề đơn giản. Theo tôi, trước mắt Việt Nam lúc này rất cần một thực thể chính trị tương tự như là một mặt trận rộng rãi liên kết được mọi người, mọi khuynh hướng chính trị có thể còn có những khác biệt nhưng cùng chung một khát khao vì một Việt Nam độc lập, tự cường, trường tồn kiêu hãnh bên một Trung Quốc không lúc nào nguôi mộng đại bá. Việc ra đời “DIỄN ĐÀN XÃ HỘI DÂN SỰ” lúc này là đúng lúc, là hợp quy luật” (hết trích)
Tôi mạn phép ngắt lời cụ Hà bằng câu hỏi:
“Xã hội Việt Nam là xã hội độc đảng và toàn trị, xã hội kiểu này đã tồn tại qua nhiều thập kỷ, đã làm đất nước tụt hậu nghiêm trọng, làm sa sút nhân cách, làm bại hoại trí tuệ nhiều thế hệ người Việt Nam… Theo cụ, trước thời khắc sinh hạ của “DIỄN ĐÀN XÃ HỘI DÂN SỰ”, đảng Cộng sản Việt Nam sẽ phải có thái độ thế nào là hợp lý nhất, khôn ngoan nhất?”
Trả lời tôi, Cụ Hà thở dài:
“Trong lúc MTTQVN, các hội đoàn quần chúng chỉ là những cánh tay nối dài của ĐCS, hệ thống chính chính trị đó đang trong giai đoạn khủng hoảng rất nghiêm trọng, sẽ rất nhầm lẫn nếu hệ thống đó chủ trương khủng bố, đàn áp những người tán thành DIỄN ĐÀN XÃ HỘI DÂN SỰ; kể cả một khi họ chọn lựa đối sách là “Lờ - Lớ - Lơ”, không nghe, không biết, không nói gì hết…thì cũng là sai lầm. Rất may, Quốc hội Việt Nam gần đây có nhiều khởi sắc đáng mừng trong vai trò là đại biểu của người dân và là cơ quan quyền lực cao nhất, QUỐC HỘI sẽ có vai trò của bà đỡ cho DIỄN ĐÀN XÃ HÔI DÂN SỰ. Tôi luôn mong mỏi điều này!” (hết trích)
Cuộc nói chuyện giữa tôi với cụ Hà chưa được bao lâu thì tối 25 – 9 – 2013 xẩy ra vụ đàn áp, bắt giữ hết sức vi hiến của công an dành cho gia đình Blogger nhà văn bất đồng chính kiến Nguyễn Tường Thuỵ, mẹ con sinh viên Phương Uyên cùng một số bạn bè của họ ở Hà Nội. Thật bất ngờ và khó hiểu khi mẹ con Phương Uyên bị áp giải đến đồn công an Đại Áng - Thanh Trì – Hà Nội lại lấp ló bóng dáng của một cán bộ cao cấp của Bộ Giáo dục – Đào tạo, người này đến đây làm gì? Tại sao ông ta đứng cùng các sĩ quan an ninh mà lại không dám công khai danh tính? Người ta giật mình nhớ lại lời ông Bộ trưởng Giáo dục Phạm Vũ Luận mới nói: “Tôi coi đổi mới giáo dục lần này là trận đánh lớn!”. Không biết trận đánh lớn đó sẽ coi sinh viên Phương Uyên là đối tượng để che chở hay lại coi Phương Uyên là đối tượng cần tiêu diệt để lập công với cấp trên và răn đe những học sinh, sinh viên nào muốn là người yêu nước như Phương Uyên?
Không thể không công nhận hình ảnh này, một hình ảnh đặc sắc mang tính xã hội dân sự… |
Chia tay người thầy, người bạn vong niên hơn mình cả 2 con giáp, trong tôi cứ bảng lảng mãi những vọng niệm day dứt: Tại sao một nhà nước đang ứng cử vào TPP và Uỷ hội Nhân quyền LHQ lại có thể hành xử với công dân của mình như thế nhỉ! Có lẽ đây chỉ là sai lầm của mấy quan cấp dưới… còn các “ĐỈNH CAO TRÍ TUỆ!” không bao giờ lại hành xử như thế (!?). Hình như bên cạnh những người vì còn nghĩ đến dân đến nước mà muốn “vo tròn”… thì ban lãnh đạo Việt Nam hôm nay lại có người vì quyền lợi của ngoại bang, thiên triều hay của ai đó lại… chỉ thích “bóp bẹp” đi thì phải.
Vì còn những chuyện buồn như vậy, nên tháng 10 này tôi mạn phép gọi là “THÁNG 10 THAO THỨC”, không biết cách đặt tên cho bài viết của mình như thế có phạm huý ông nào bà nào không nhỉ? Tôi nghĩ là không, kể cả khi Pháp luật Việt Nam có hẳn một điều luật cấm người ta THAO THỨC thì không chỉ riêng tôi mà những người “Vo Tròn” và những người “Bóp Bẹp” kể trên cũng vẫn không thoát khỏi trạng thái tinh thần đặc biệt này, vì dù có bị tha hoá đến thế nào thì cũng có lúc:
“Ta nhìn sâu vào mắt nhau / Mà thấy lòng đau xót”.
Chỉ có điều tôi dám nói ra, còn quý vị? Vì lý do nào đó quý vị không dám công khai nói ra điều đó mà thôi.
Hà Đông Tháng 10 - 2013
Nguyễn Thượng Long
Theo Bauxite Việt Nam
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét