Giám sát uy tín và uy quyền - Tiến Bộ

Breaking

Home Top Ad

Post Top Ad

Thứ Sáu, 4 tháng 10, 2013

Giám sát uy tín và uy quyền


Làm người chỉ huy, làm lãnh đạo, nói tóm lại trong thể chế chính trị ở nước ta, khi ai đó có chức danh, người ta thường gọi chung là cán bộ. Làm cán bộ, làm người chỉ huy, người đứng đầu, phải biết cân đối uy tín và uy quyền. Làm cán bộ của đảng, “không phải cứ tự vẽ lên trán hai chữ Cộng Sản” (HCM) thì ai cũng phải nể sợ.

Điều đáng nói nhất, khi đã có chức danh, có vị trí (ghế) thì có quyền. Có quyền thì dùng uy quyền. Nhưng dùng thế nào cho ‘có uy’ lại tuỳ mỗi người. Nhưng suy cho cùng, uy quyền chỉ là nhất thời, uy tín mới bền lâu. Uy quyền thường thể hiện trong công việc, ra quyết định, phát mệnh lệnh, nhưng uy tín đi vào lòng người. Tuỳ theo mỗi ông ‘cán bộ cộn sản’ mà uy tín có khả năng lưu danh thơm truyền giữ tiếng tốt lành, hay chỉ là sự mờ nhạt, thoáng qua, rồi biệt vô âm tín, thậm chí làm bia miệng cho thế gian. Uy tín đó tự mỗi cán bộ phải biết tạo dựng, xây đắp cho minh. Thiếu gì cán bộ quan liêu, cửa quyền, mệnh lệnh, hách dịch, chỉ cốt dùng uy quyền mà coi nhẹ hoặc bỏ qua uy tín. Cái có sức bền lâu trong lòng mọi người tì phế bỏ, cái nhất thời trước mắt thì …hùng hổ phát huy, không biết độ dừng, không nương tay…

Sẽ ít có chuyện để bàn, nếu như ở nước ta trong thời kỳ quá độ (lên CNXH) không có quá nhiều vấp váp, nhất là về đạo đức, lối sống, tệ mất dân chủ, quan liêu, cửa quyền, tham nhũng và những bất công phát sinh. Thực trạng này khiến người ta đưa ra hai khái niệm (về chính trị-xã hội) để so sánh là uy tín và uy quyền. Đã làm lãnh đạo, làm chính khách phải có uy. Cái uy trong lời nói, phát ngôn ở mọi lúc mọi nơi, và cái uy trong tài năng lãnh đạo, chỉ huy, điều hành, tháo gỡ các tình huống khó khăn. Thế nhưng, đáng tiếc là có những chức danh quan trọng, cương vị cao, nhưng nói ở đâu cũng bị người ta chê, sinh ra lắm miệng tiếng thị phi, bị dư luận coi thường, tự hạ thấp uy tín do khẩu khí của chính mình. Làm lãnh đạo mà để bị ‘vạ miệng’ thì, không những mất uy tín, còn bị nhục! Sự mất thiêng trong khi giữ cương vị thường là do mắc nạn ‘vạ miệng’ mà ra, lính tráng hay gọi là “cướp cò mồm”. Đó là uy lực bị hạ thấp, uy tín không còn. Trong uy lực phải khẳng định được uy tín và biểu hiện đó sẽ nâng hoặc hạ thấp uy quyền. Riêng cá gọi là ‘uy lực đồng tiền’ không nằm trong hai khái niệm ấy.

Thông thường, người lãnh đạo tự khẳng định được uy tín thì tự nhiên có uy quyền một cách thực thụ nhờ niềm tin của lòng dân. Nhưng khi uy tín bị mất, thì dù uy quyền do mình lạm dụng chức vụ mà có, và lớn gấp mấy đi nữa cũng không thể nào vớt vát lại được uy tín vốn đang trên đà suy yếu hoặc đã bị đánh mất khi niềm tin trông nhân dân sụt giảm hay bị bào mòn nghiêm trọng. Khi người ta đã phải dùng uy quyền, lấy mệnh lệnh thay cho uy tín, thì coi như họ đã tự tạo ra nguyên cớ của sự xung đột. Mâu thuẫn và xung đột về quan điểm, tư tưởng lại cộng thêm những bất công, tranh giành, độc chiếm lũng đoạn về lợi ích, thì mâu thuẫn xã hội càng gay gắt.

Theo ông Lê Quang Vịnh, cựu tù chính trị Côn Đảo, nguyên Trưởng ban Tôn giáo Chính phủ: “Tôi rất day dứt là làm sao quyền lực phải được giám sát, quyền lực không được giám sát thì sẽ tha hóa và sẽ hư. Bất cứ nơi nào có lỗ hổng trong việc giám sát quyền lực thì đều tiềm ẩn sự nguy hiểm và là nguyên nhân của việc tham nhũng và hư hỏng, dẫn đến tai họa vô cùng. Phải tạo ra cơ chế để quyền lực được giám sát chặt chẽ, chắc chắn. Cơ chế giám sát của Mặt trận chưa phát huy tốt. Phải làm thế nào để Mặt trận phải giám sát được mọi cơ quan, mọi tổ chức, mọi con người nắm quyền lực nhà nước. Phải có cơ chế cụthể. Chúng ta vẫn nói vậy nhưng chưa làm được, chính vì chưa làm được nên những người nắm quyền lực mới sinh ra hư”.

Người ta nể trọng uy tín và trong thực tế phải chăng có không ít người dân sợ uy quyền và buộc phải khuất phục trước uy quyền. Uy quyền, cường quyền càng dấn lên tới mức cao thì sinh ra thói độc đoán chuyên quyền dẫn đến độc tài, đi ngược thể chế dân chủ vốn được coi là ưu việt. Khi người lãnh đạo đã mất hết uy tín, lẽ ra nên tự biết mà từ chức thì còn vớt vát được chút danh dự. Nhưng khi đã không còn uy tín mà lại gia tăng uy quyền thay thế cho uy tín thì chỉ có hại cho xã hội, căng thẳng cho cộng đồng, trở thành lố bịch và làm trò cười cho thiên hạ.

Tính phức tạp và độ nguy hiểm của mâu thuẫn phụ thuộc vào khả năng và động cơ giải quyết của chính quyền. Khi chính quyền bất lực, hoặc quan liêu phó mặc, mối quan hệ giữa người dân và chính quyền gia tăng những bất đồng, thậm chí bất hợp tác hoặc đối kháng, thì đó là báo hiệu sự lung lay của một chế độ.

Không ai có thể tự vỗ ngực là “ta uy tín nhất”, bởi vì uy tín của cá nhân mình nằm trong lòng người khác, tùy thuộc sự ghi nhận và đánh giá của cộng đồng xã hội một cách khách quan. Nhưng nếu ông (hoặc bà) ta có tự vỗ ngực xưng danh uy quyền để đạt mục đích cá nhân, kể cả gây tội ác, thì bản thân họ tự hủy hoại mình, nhất định không còn chút uy tín nào và trở thành thứ bia miệng để đời:

Trăm năm bia đá thì mòn
Nghìn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ

Chẳng phải ông bà chúng ta đã nhắc nhở thế sao ? Bởi lẽ khi chế độ đã “trót” giao quyền cho họ thì tất nhiên thể chế đó sẽ bị mang tiếng lây chứ không riêng gì cá nhân người ấy. Mặt khác, sự giao quyền đó thường sẽ tạo ra những hệ lụy mà chính thể chế, cơ chế nói riêng và toàn xã hội nói chung phải gánh chịu một cách cam tâm, uất ức, vạn bất đắc dĩ, vì đã sai lầm trong việc quy hoạch, đào tạo, chọn nhân sự, cắt cử phân công, giao nhiệm và bầu bán theo những nhận định hoàn toàn chủ quan, duy ý chí của những người (phe nhóm) có chức quyền hay lãnh đạo bộ máy.

Thực vậy, bầu cử cho dù phổ thông đầu phiếu (kể cả ‘bỏ phiếu tín nhiệm’), nhưng kết quả tỉ lệ phiếu bầu chưa hẳn đã phản ánh đúng uy tín của nhân vật "trúng cử". Tâm lý cũng như khả năng nhận biết về nhân vật ra tranh cử của dân ta không phải không có hạn chế và công cuộc bầu bán (thủ tục đề cử, cơ cấu, thành phần...) chưa hẳn đã được minh bạch, thông suốt. Thường là “đi bầu cho xong” nghĩa vụ như một thủ tục, còn chọn ai thì lại phó thác cho ông Đảng, ông Nhà nước, ông Mặt trận Tổ quốc…như câu nói khá phổ biến trong nhân dân là "Đảng cử dân bầu".

Bầu bán trong chi bộ, đảng bộ cũng vậy, dù có “khách quan, biện chứng” hơn thì vẫn phải tùy thuộc vào tâm lý “bằng mặt và bằng lòng”theo ê kíp, phe cánh, động cơ cá nhân...Người ta bầu cho ông A, bà B, chưa hẳn đã vì chữ Tâm, chữ Tài, Hồng và Chuyên, chưa hẳn đã vì trình độ, năng lực, uy tín với quần chúng, mà cái “tôi” của người đi bầu (trong chi bộ, đảng ủy...đến cấp TƯ) cũng bị chen vào chi phối không nhỏ đến lá phiếu. Nhất là trong một tập thể khá đông đảng viên yếu kém và tham nhũng, bầu ai lên có lợi cho họ và “không sao cả, an toàn” thì cứ bầu. Đó là chưa kể đến các thủ đoạn trong “bầu bán”, kiểm phiếu, công bố kết quả. Tỉ lệ phiếu bầu cao chưa hẳn đã thể hiện sự đánh giá chính xác, đủ liều để tin cậy rằng người đó đã là giỏi nhất, tài nhất, uy tín nhất. Lá phiếu của phe nhóm chiếm số đông khác hoàn toàn với lá phiếu thực sự dân chủ. Cho nên, chữ "Tín" trong bầu cử chỉ lắm khi chỉ là một thứ hình thức, coi như xong một bước của công việc, một công đoạn không thể thiếu, không phản ánh trung thực về ý thức dân chủ và thực chất của con người.

Uy tín còn phải được minh chứng, khẳng định qua quan điểm, tư tưởng, động cơ làm việc, đạo đức, lối sống và chất lượng thực hiện chức trách, nhiệm vụ. Có những người có chức danh với tỉ lệ phiếu bầu khá cao, nhưng khi làm việc cụ thể và trong cuộc sống chẳng có uy tín gì, chỉ để lại sự trách cứ, chê cười, đàm tiếu. Có những cái ghế sinh ra chỉ thêm tốn tiền Nhà nước, cồng kềnh bộ máy, mà chẳng biết làm gì có ích cho xã hội. Có uy tín, tự khắc có uy quyền, một uy quyền tự thân, không phải thứ uy quyền lên gân.

Không có uy tín, nhưng vì muốn thể hiện uy quyền vì vậy thường gây hậu họa, làm hỏng cho công việc chung và tác hại khôn lường đối với sự minh bạch của thể chế khi người này thuộc tầng lớp lãnh đạo ở tầm vĩ mô. Trên thực tế không ít người, khi có quyền thì đụng chút việc là dùng quyền uy, hống hách, quan liêu, mệnh lệnh. Có người không đủ uy, không thực quyền thì mượn tay của các lực lượng công an để trấn áp, ép buộc và ra sức huy động các thế lực khác (kể cả dùi lủi, nài nỉ cấp trên) để thực hiện hành vi phạm pháp, làm những việc mất lòng dân, thiếu dân chủ, hại cấp dưới.

Người thích uy quyền thường dùng quyền hành và quyền lực, kể cả quyền lực của đồng tiền. Ông ta sẽ đưa ra những khả năng đe dọa, mua chuộc như thăng giáng chức tước, lên lương, bố trí, sắp xếp chỗ này, vị trí kia, vừa câu móc, vừa hăm dọa hay cô lập đối tượng khi không "tranh thủ" được. Nếu ai đó làm phật lòng trái ý, hoặc có nguy cơ làm ảnh hưởng uy quyền thì sẽ bị trù úm, bày kế, lập mưu kỷ luật hay ép đương sự xin chuyển công tác khác hay về "hưu non".

Người dùng uy lực đồng tiền thường đi kèm lòng tham , tính toán cá nhân vị kỷ, vơ vét và thu vén. Cho nên, những kẻ bất tài, vô dụng, thất đức có đủ thứ thủ đoạn, mánh khóe để khi đã nắm được quyền thì dùng uy quyền trấn áp thiên hạ, “cả vú lấp miệng em”, kéo bè, kết vây cánh (cánh hẩu, ê-kíp) ...hình thành nhóm lợi ích. Từ tuyển dụng, bổ nhiệm, giao chức cũng chọn trong những người thân trong gia đình, dòng tộc, huyết thống, cùng mục đích, cùng động cơ, cùng mặt bằng “quan trí”, cốt sao thế lực của mình ngày càng được củng cố và khuynh loát. Sự cố tình tâng bốc nhau, bao che, tung hứng cho nhau, hùa nhau lập mưu kế phạm pháp, tìm mọi mánh khóe, thủ đoạn đục khoét của công, thu lợi bất chính cũng từ đó mà ra.

Khi đã không đủ uy tín mà phải dùng uy quyền, đến mức độc đoán, chuyên quyền, làm ác không ghê tay, hại người không chút động lòng, sẵn sàng trừ khử, sát phạt, làm hại người khác có đối trọng (kể cả đồng chí, bạn hữu, người thân), mua bán chức quyền, dùng đủ mánh lới tinh vi để giữ ghế, để tiến thân, che lấp khuyết điểm, tích lũy của cải bất minh, vùi dập chân lý, phủ nhận lẽ phải một cách khô lạnh và rất ma mãnh !

Thế nhưng, như đầu bài đã đề cập, người đời đã đúc kết: “Uy tín trường tồn, uy quyền đoản vị” - người có uy tín sẽ để lại tiếng thơm lâu dài, người không uy tín mà thích dùng uy quyền thay cho uy tín chỉ được nhất thời, gây thù chuốc oán, tự làm mất hậu phúc, có chăng chỉ được một vài việc trước mắt, không thể có sức bền. Cho nên, làm lãnh đạo cần nâng cao uy tín, không nên lộng hành, lạm dụng uy quyền để tự đề cao cá nhân, khư khư ôm giữ ‘ghế’ và quyền lợi cá nhân (mà quyền lợi đó do vơ vét, chiếm đoạt, lừa đảo mới có), quên cả lợi ích quốc gia, dân tộc, quên nhân dân, chỉ biết vun vén cho cá nhân, gia đình và nhóm lợi ích gây hậu quả khôn lường cho đất nước và nhân dân. Những người như thế, vẫn mang danh cán bộ của đảng,vẫn tự hào bao nhiêu năm…tuổi đảng, công hiến cho cách mạng bao nhiêu năm..thì nhục lắm! Cho nên, cần có chế tài, quy định giám sát uy quyền, đánh giá uy tín cán bộ trong tuyển dụng, trong công tác tạo nguồn, đào tạo, sắp xếp nhân sự, bố trí chức danh, phân công phân nhiệm bảo đảm chính xác, đúng người, đúng việc. Không thể vì công thức 4C “con cháu các cụ”, vì người nhà, dòng tộc, đồng hương, đồng môn, lại cả vì nhận tiền chạy chức, mà tuỳ tiện ‘xếp ghế”, gắn chức danh, giao nhiệm vụ, quyền hành!

Bùi Văn Bồng
Theo blog Bùi Văn Bồng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad