Khủng hoảng ngân sách : Mỹ thiệt hại bao nhiêu ? - Tiến Bộ

Breaking

Home Top Ad

Post Top Ad

Thứ Bảy, 5 tháng 10, 2013

Khủng hoảng ngân sách : Mỹ thiệt hại bao nhiêu ?


Hàng loạt công sở, công viên, bảo tàng... phải đóng cửa do bất đồng ngân sách tại Quốc hội.
REUTERS/Kevin Lamarque
Bốn ngày qua, các cơ quan chính quyền và dịch vụ công tại Mỹ đã đóng cửa do khủng hoảng ngân sách. Tổng thống Barack Obama và đảng Dân Chủ sẵn sàng chấp nhận một ngân sách ở mức mà đảng Cộng Hòa đề nghị, nhưng không nhượng bộ trong việc đẩy lùi thời hạn áp dụng luật bảo hiểm xã hội – Obamacare. Trong khi đó, các nghị sĩ cực đoan trong đảng Cộng Hòa cũng không lùi bước.

Từ Washington, thông tín viên RFI Anne-Marie Capomaccio cho biết hậu quả kinh tế do tình trạng tê liệt này gây ra :

Các kinh tế gia thẩm định mỗi ngày, nước Mỹ bị thiệt hại khoảng 200 triệu đô la, nhưng trên thực tế, các hậu quả lớn hơn rất nhiều, nếu khủng hoảng kéo dài. Có nghĩa là trong tuần lễ đầu, mức độ thiệt hại là 200 – 300 triệu đô la mỗi ngày, nhưng nếu tình trạng tê liệt kéo dài, con số này sẽ cao hơn rất nhiều, bởi vì việc đóng cửa các dịch vụ công gây ra nhiều hậu quả cho lĩnh vực tư nhân.

Ví dụ, một doanh nghiệp nhận thầu dịch vụ cho Bộ Quốc phòng Mỹ sẽ phải cho 2000 nhân viên nghỉ việc vào tuần tới, nếu cuộc khủng hoảng không được giải quyết.

Một ví dụ khác, khoảng 400 công viên quốc gia đóng cửa. Trong tháng 10, các địa điểm này đón tiếp gần 800 000 khách mỗi ngày. Đối với những tiểu bang sống bằng hoạt động du lịch, đây là một thảm họa. Họ ước tính mỗi ngày đóng cửa sẽ bị thất thu khoảng 30 triệu đô la.

Sau này, thiệt hại kinh tế sẽ được làm rõ, nhưng bên cạnh đó, cần phải tính đến việc lương nhân viên không được trả, hợp đồng không được ký, các công trường ngưng hoạt động, các nghiên cứu bị tạm ngưng… Ngân hàng JP Morgan đánh giá là mỗi tuần trôi qua, tổng sản phẩm quốc nội – PIB của Hoa Kỳ bị giảm 1,3 tỷ đô la.

Y tế là một trong những lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất do việc đóng cửa các cơ quan dịch vụ công tại Mỹ : 50% nhân viên ở trong tình trạng thất nghiệp kỹ thuật, nhất là giới nghiên cứu, trong khi có nhiều bệnh nhân, bị những bệnh nghiêm trọng, đang được chữa trị trong các phòng nghiên cứu hiện đại, trong số này có cả trẻ em.

Áp lực gia tăng đối với đảng Cộng Hòa và đảng này tìm cách đổ lỗi cho đảng Dân Chủ. Các dân biểu của Đảng Cộng Hòa yêu cầu đảng Dân Chủ cho phép mở cửa trở lại các trung tâm nghiên cứu.

Các dân biểu của đảng Cộng Hòa, mặc áo choàng trắng, làm việc trong lĩnh vực y tế, đã tổ chức một cuộc họp báo. Bà Renée Ellmers, y tá trong phòng nghiên cứu ung thư trẻ em, dân biểu của đảng Cộng Hòa, thuộc vùng Bắc Caroline nói : Nếu một gia đình phải tới các trung tâm nghiên cứu của chúng tôi, đó là bởi vì họ ở trong tình trạng nguy kịch. Tôi đã nói với Thượng nghị sĩ Harry Reid là Thượng viện hãy bỏ phiếu chấp thuận đi. Nếu ông từ chối, ông sẽ mất ngủ đấy.

Ông Harry Reid là Thượng nghị sĩ đảng Dân Chủ, cho đến lúc này, vẫn không nhượng bộ và không muốn lựa chọn những dịch vụ nào được ưu tiên mở cửa trở lại. Tất cả các lĩnh vực đều có những yêu cầu tương tự, như các công viên quốc gia cũng muốn được mở cửa, bởi vì nguồn thu của một số tiểu bang hoàn toàn phụ thuộc vào hoạt động du lịch. Đảng Dân Chủ không chấp nhận các đề nghị này và tìm cách gây sức ép qua việc cứ để cho tình hình ngày một trầm trọng thêm.

Đức Tâm
Theo RFI

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad