Người dân VN đang đối diện với những vấn nạn không có lời giải đáp, đó là những dấu hỏi nhức nhối cho những ai trăn trở cùng vận nước nổi trôi hay những ai có tư duy khoa học đơn thuần. Một trong số đó là thảm nạn giao thông đang là nỗi ám ảnh kinh hoàng.
Theo nhận định của CBS News “Giao thông tại Việt Nam như địa ngục, tham gia giao thông ở Việt Nam như dấn thân vào một cuộc phiêu lưu mà kết thúc không biết sống chết thế nào”.
Theo thống kê chính thức hàng năm tại Việt Nam có hơn 10.000 người chết vì tai nạn giao thông. Con số kinh hoàng này hơn cả tổn thất nhân mạng của một cuộc chiến đẫm máu tại Sirya ngày hôm nay, vậy mà người Việt Nam vẫn “chung sống” với nó mà không một ai có trách nhiệm tại Quốc hội lên tiếng đòi hỏi phải có giải pháp để chấm dứt hoặc giảm thiểu vấn nạn này.
Bi kịch giao thông ở Việt Nam không miễn trừ cho ai, những người khách ngoại quốc đến Việt Nam để làm việc hoặc du lịch cũng chịu chung số phận. Mới đây nhất là ông Wayne Medison một người Mỹ, giáo viên tiếng Anh bị tử nạn tại Saigon. Trước đó không lâu là Tiến sĩ khảo cổ học người Nhật Nishimura Masanari tử nạn ở Hà Nội, và trước đó nữa là Giáo sư Saymour Papert “viên ngọc quý” của Học viện công nghệ Massachuchette (MIT) bị thương tật suốt đời không có cơ may hồi phục.
Lý do ở đâu?
Không hề quá khó để tìm ra lý do và thay đổi nó, vấn đề là ở não trạng và cơ chế.
Thứ nhất: Ý thức giao thông của người Việt kém văn minh, đây là một thực tế, nó xuất phát từ một thứ “văn hóa” thực dụng, mà thứ “văn hóa” thực dụng này có khởi nguồn từ cuộc sống chụp giật, chụp giật mọi thứ từ cơ hội đến tiền bạc và thời gian, nó mang màu sắc của sự “phản kháng” tiêu cực.
Một xã hội bất mãn thâm căn cố đế nhưng không có cơ hội bộc phát và cũng thiếu bản lĩnh để thể hiện- hành xử một cách văn minh đúng tinh thần trách nhiệm nên nó phát triển theo chiều hướng khác, chiều hướng phá phách và khi có cơ hội thì sẵn sàng nổi loạn!.
Ở Việt Nam Công an giao thông hiện diện thường trực và dày đặt, họ bày ra cả một “ma trận” để bắt những ai vi phạm luật giao thông dù những lỗi nhỏ nhất để làm tiền, thậm chí họ sử dụng những “nghiệp vụ” mà luật pháp không cho phép, ít ra là trên văn bản.
Nhưng ý thức giao thông của người Việt không phải là một lý do đủ thuyết phục để giải thích về thảm nạn này. Các nhà đầu tư ngoại quốc, các nhân sĩ trí thức dân chủ đối lập và cả những người dân bình thường đã chỉ ra rằng hệ thống mạng lưới giao thông tại Việt Nam và những phương tiện hỗ trợ quá lạc hậu bất cập và bất hợp lý mới chính là thủ phạm.
Ai cũng biết cái “động mạch chủ” của hệ thống giao thông Việt Nam là đường sắt và tuyến quốc lộ 1, đây là nơi vận chuyển chính của cả nước.
Quốc lộ 1 chạy suốt từ bắc chí nam với lưu lượng xe cộ và hành khách dày đặt đến chóng mặt, trên con đường nhỏ hẹp với lắm ổ trâu ổ gà này người ta nhận thấy mọi loại phương tiện từ xe đạp của các em học sinh, xe máy của người dân cho đến xe ô tô con, xe khách, xe chở hàng hóa thô sơ, xe chở hàng lớn và nhất là xe container, trong đó phải nói là xe khách và xe container là hai nỗi kinh hoàng của người dân.
Trên con đường nhỏ hẹp những chiếc container là những gã khổng lồ ngổ ngáo với chiều dài gần 20m cao nghệu và to đùng mỗi khi đi qua những người đi bộ, đi xe đạp, xe máy gần như bị cuốn vào nếu không vững tay lái.
Còn xe khách là những tay đua “anh chị” , ai cũng kinh hoàng khi những chiếc xe này tranh nhau bắt khách trên con đường quá chật với vận tốc từ 100- 120 km giờ với những tiếng còi rít lên đe dọa. Tai nạn do xe khách gây ra nhiều và thê thảm bậc nhất nhưng mọi việc vẫn không thay đổi dù công luận bất bình, ở đây thể hiện sự bất cập của luật pháp.
Xe tải thì chở quá giới hạn cho phép, xe khách thì phóng nhanh vượt ẩu, hỏi ra thì ai cũng có lý do để biện hộ đó là vì cuộc sống khó khăn nào là để thu hồi vốn, để trả nợ ngân hàng và để lo lót cho công an!?… nhưng đó là sự thật.
Đường sắt thì sao?
Việt Nam chắc có lẽ là một trong số các quốc gia hiếm hoi của thế giới này còn sử dụng hệ thống đường rây 1m với một làn đường duy nhất và công nghệ quá lạc hậu.
Các nước tân hưng đã từ bỏ hệ thống đường rây 1m từ lâu rồi vì nó không an toàn, chạy chậm và thiếu tiện nghi. Việt Nam vẫn dùng công nghệ đường sắt của thời đệ nhị thế chiến với toa tàu chật hẹp bẩn thỉu, hành khách đi vệ sinh xả trực tiếp xuống đường!?
Những chuyên gia có tâm huyết với đất nước đã khuyến cáo chính phủ Việt Nam nên thay đổi đường rây 1m bằng đường ray 1,4m và mở rộng ít nhất thành hai làn đường để cải thiện tình trạng giao thông ách tắc và nhiều tai nạn, để tiết kiệm thời gian và để đáp ứng nhu cầu vận tải đã trở nên quá bức thiết như hiện nay nhưng không một ai lắng nghe họ.
Bộ chính trị đảng cộng sản Việt Nam đang bị “mê hoặc” với dự án đường tàu điện cao tốc như của Nhật Bản và Trung Quốc cho dù chi phí cho dự án đầy tham vọng và khá hoang đường này lên đến cả trăm tỷ Mỹ kim!?
Để cổ xúy cho chương trình “vỹ đại” này nhiều viên chức cao cấp của chính phủ đã đăng đàn diễn thuyết cho người dân thấy sự “ưu việt” của hệ thống đường tàu điện cao tốc bất chấp khả năng rất hạn hẹp của nền kinh tế và ngân sách nghèo nàn của chính phủ Việt Nam!
Còn các ông bà “ đại biểu” quốc hội thì về tận địa phương để “tiếp xúc cử tri” quảng cáo rầm rộ cho dự án đường tàu điện cao tốc, họ “ vỗ về” người dân bằng những hứa hẹn không phải để nói với người trưởng thành rằng rồi đây các chị nông dân buổi sáng có thể đem rau muống từ vùng quê vào Saigon, Hà Nội để bán bằng tàu cao tốc, sáng đi trưa về!?
Dân chúng thì vỗ tay hoan hỷ ông bà đại biểu thì mãn nguyện, một bên thì không hiểu, một bên thì cố tình không hiểu rằng nếu đi bán rau muống bằng tàu điện cao tốc thì giá mỗi bó rau muống thay vì 3 ngàn đồng Việt Nam nó phải lên đến 4-5 Mỹ kim! Và chỉ có các đại gia mới ăn nổi món rau muống này, đảng CSVN đang đưa cả nước về với thời đại cổ tích!?.
Với một thực trạng giao thông như vậy, với những đòi hỏi của công luận và cả giới đầu tư là phải thay đổi hệ thống giao thông tại Việt Nam để phục vụ nhu cầu tăng trưởng kinh tế nhưng đảng CSVN lại không muốn nghe kể cả việc này mang lại lợi ích cho chính họ!?
Năm 2000 đảng CSVN bỏ ra một khoảng tiền lớn gần cả tỷ Mỹ kim để xây dựng con đường Trường Sơn tức đường Hồ Chí Minh, họ giải thích với công luận là để giảm tải cho quốc lộ 1 đã trở nên quá mức chịu đựng của nhân dân. Nhưng con đường làm xong đã lâu mà không dùng tới, chỉ để cho những con bò thơ thẩn đi về cộng với một vài người dân miền núi đi lấy củi và phơi nông sản!?.
Con đường làm ra mà không dùng tới thật là một sự lãng phí đến vô lý!?
Chẳng lẽ những người CSVN ngu dốt đến như vậy?
Tôi không tin và rất nhiều người không tin điều đó.
Ở đây nảy sinh ra một câu hỏi nghiêm trọng và còn bỏ ngõ đó là: Đảng CSVN bỏ ra một khoảng tiền lớn làm con đường Hồ Chí Minh để làm gì khi việc mở rộng quốc lộ 1 và nhu cầu thay đổi hệ thống đường sắt là cấp bách để khai thông ách tắc, giảm thảm nạn giao thông và tăng trưởng kinh tế?
Phải chăng có một thế lực đại cường nào đó đứng đàng sau chỉ đạo nhằm phục vụ cho một âm mưu lớn trong bàn cờ quốc tế và khu vực?!
Việt Nam mua vũ khí để làm gì?
Trong những năm gần đây CSVN đặt mua một số vũ khí từ Nga như 6 chiếc tàu ngầm Kilo, hơn 10 chiến đấu cơ Sukhoi 30 và một số trang thiết bị quân sự khác.
CSVN còn đề nghị với Hoa kỳ để được mua vũ khí sát thương?
Những động thái này được đánh giá là tích cực từ phía các nhà phân tích chiến lược của khu vực và thế giới vì theo các nhà chiến lược này số khí tài quân sự mà CSVN mua của Nga tuy không thể làm cân bằng thế lực quá nghiêng về phía Trung Quốc nhưng nó thể hiện “quyết tâm” của Việt Nam trong việc bảo vệ chủ quyền và an ninh quốc gia trước tham vọng của Trung Quốc!?.
Nhưng sự thật có đúng vậy không?
Trong chính trị mưu lược của người lãnh đạo là một yếu tố căn bản để định hướng hành động, có những động thái bên ngoài giống nhau nhưng hàm ý và mục đích chiến lược lại hoàn toàn khác nhau.
Chúng ta thử so sánh hành động của chính phủ Philippine và nhà cầm quyền Hà Nội.
Philippine mua vũ khí của Hoa Kỳ và đồng minh là để tự vệ trước một Trung cộng bá quyền đang xâm phạm nghiêm trọng đến chủ quyền của Philippine, điều này ai cũng rõ. Tuy số khí tài này khiêm tốn hơn của Việt Nam nhưng nó được hoạch định minh bạch bởi một thể chế chính trị gồm chính phủ và quốc hội minh bạch, điều này hoàn toàn thiếu vắng tại Việt Nam với một chính thể độc tài chuyên chế mà chỉ có đảng CS mới là người duy nhất quyết định và hiểu biết về mục đích của mình, không ai có thể kiểm chứng và can thiệp được.
Việc mua sắm vũ khí được cho là để “tự vệ” của nhà cầm quyền Hà Nội không loại trừ những thủ đoạn chính trị ẩn giấu bên trong hơn là mục đích quân sự, vậy thủ đoạn đó là gì?
Mục đích chính trị của việc mua sắm khí tài quân sự này là để chứng minh với nhân dân Việt Nam rằng đảng CS không bán đứng quyền lợi của đất nước này, còn với thế giới nhất là với chính quyền Mỹ là Việt Nam có “quyết tâm” đối đầu với Trung cộng trong hồ sơ biển Đông. Nhà cầm quyền Hà Nội cố gắng thuyết phục Washington rằng họ không thỏa hiệp với Trung cộng, không đi đêm với Trung cộng để chống Mỹ nếu một cuộc chiến xảy ra!
Đây mới là mục đích chính của việc trang bị vũ khí khá tốn kém này.
Một khi người Mỹ yên tâm rằng CSVN không là đồng minh của TC, khả năng để TC triển khai vũ khí tại Việt Nam là hoàn toàn không có thì người Mỹ sẽ không làm gì để thay đổi hiện trạng và CSVN sẽ ung dung cai trị đất nước cho đến khi cuộc chiến xảy ra và lúc đó họ sẽ lựa chọn, và sự lựa chọn này sẽ là đứng về phía TC vì giúp cho TC là giúp chính họ.
Người Mỹ sẽ phải bất ngờ nhưng đã quá muộn!
Cũng giống như trước đây Đặng Tiểu Bình quyết tâm “dạy cho Việt Nam một bài học” là để chứng minh cho Mỹ và Phương Tây thấy rằng họ đã đoạn tuyệt với khối CS, là đồng minh của Mỹ, là NATO phương Đông!
Sau cuộc chiến đó Mỹ – Phương Tây và Nhật bản đã ồ ạt viện trợ, đầu tư, mở cửa thị trường cho hàng hóa TC, và làm nên một Trung Quốc của ngày hôm nay, một hiểm họa tiềm tàng của thế giới và cả Hoa Kỳ.
Người Mỹ – Phương Tây và Nhật bản đã bị Đặng Tiểu Bình lừa, nhưng phải công nhận tài năng lỗi lạc của họ Đặng và viễn kiến của đảng Cộng sản Trung Hoa.
Ngày hôm nay chẳng lẽ người Mỹ để CSVN, đàn em của Đặng Tiểu Bình và đảng CS Trung Hoa lừa một lần nữa?
© Huỳnh Ngọc Tuấn
Theo Đàn Chim Việt
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét