Tang lễ của lòng dân - Tiến Bộ

Breaking

Home Top Ad

Post Top Ad

Thứ Hai, 21 tháng 10, 2013

Tang lễ của lòng dân



Việt Nam vừa trải qua một tuần lễ khác thường.

Trong vòng 100 năm qua, theo tôi biết, chỉ có ba lần người dân Việt Nam biểu lộ tình cảm ở mức độ to lớn như thế với lễ tang một cá nhân.


Đó là tang lễ của cố Chủ tịch Hồ Chí Minh vào năm 1969 và khi hàng chục vạn người xuống đường ở Sài Gòn tiễn đưa chí sỹ Phan Chu Trinh vào năm 1925 - đánh dấu một dân tộc đã thức tỉnh sau hơn nửa thế kỷ quen với ách cai trị của người Pháp.

Và bây giờ là quốc tang Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Xét tình hình Việt Nam hiện nay thì ít nhất trong mấy chục năm nữa cũng không có tang lễ nào đạt tầm vóc như thế.

Tuy nhiên, đối với một dân tộc có quá nhiều đau thương, thì việc tôn vinh người từng là một trong những tư lệnh của cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn có thể khiến cho nhiều người đau lòng.

Dẫu sao ông đã nằm yên dưới ba tấc đất, mọi ân oán đối với ông cũng không còn ý nghĩa.

Hơn cả quốc tang

Từ mấy năm trước, khi dõi theo ông Giáp bước qua ngưỡng 'thiên tuế' rồi 101, 102, rồi khi chứng kiến lòng dân hội tụ về ông dâng cao qua từng năm, tôi tự hỏi một mai ông nhắm mắt xuôi tay thì không biết lòng dân sẽ ra sao?

Tình cảm tịnh tiến qua năm tháng đó trong phút chốc vỡ òa như nước lũ!

Nhà nước đã dành cho ông nghi thức tang lễ cao nhất mặc dù ông không thuộc vào hàng lãnh đạo chóp bu của đất nước.

Nhưng quốc tang ở Việt Nam thì không dưới cả chục lần. Gần đây nhất, tang lễ ông Võ Chí Công không để lại dấu ấn gì, còn khi các ông Võ Văn Kiệt và Phạm Văn Đồng qua đời người dân cũng tiếc thương nhưng chưa đến mức độ như thế.

Có quốc tang nào mà số cán bộ quan chức đi viếng hoàn toàn bị áp đảo bởi những người dân thường xếp hàng đến tận nửa đêm?

Ngay cả tang lễ ông Phạm Văn Đồng cũng không diễn ra ở quy mô như tang lễ ông Giáp

Có nhân vật nào được người dân đến viếng tại tư gia trong dòng người kéo dài không dứt từ ngày này sang ngày khác?

Có buổi tiễn đưa nào mà hàng ngàn xe biển trắng hòa vào dòng xe biển đỏ biển xanh làm nghẹt cả một đoạn đường quốc lộ?

Đám tang ông Giáp, do đó, theo tôi nghĩ, không còn là một quốc tang bình thường nữa. Nó đã trở thành tang lễ của nhân dân.

Có mặt ở Việt Nam vào những ngày quốc tang, tôi muốn tìm câu trả lời cho những nghi ngờ rằng: Người dân tiếc thương liệu có thật không? Tại sao họ yêu quý ông đến vậy?

Tôi đã thấy có người mang hoa đến nài nỉ lính gác đem vào trong dù lễ viếng tại nhà ông đã đóng cửa và hai bên lối đi trong sân đã rải đầy hoa.

Tôi đã thấy những người đàn ông và phụ nữ đứng bái vọng từ bên ngoài cánh cổng khép kín. Tôi cũng nhìn thấy những đôi mắt đỏ hoe.

Tôi đã thấy chân dung ông được bày bán ở nhiều nơi ở Hà Nội trong khi rất nhiều bạn trẻ mặc áo phông in hình ông.

Tôi đã thấy những người dân bán hương hoa ở đầu ngõ vào nhà ông ở Lệ Thủy giống như bán cho khách đi lễ chùa.

Tôi đã thấy đoàn dài các em nhỏ cỡ 9, 10 tuổi mặc đồ đen cầm cờ rũ bước đi trên con đường đưa tiễn ông về nơi an nghỉ cuối cùng.

Tôi cũng thấy rất nhiều xe gắn máy cắm cờ đỏ buộc dải băng đen hòa vào dòng xe đưa tiễn và lác đác bên đường có chỗ bày hương án.

Tôi đã chứng kiến có người bỏ tiền mua nước đến phân phát cho đồng bào đưa tang trong cái nắng đổ lửa.

Tôi đã nghe câu chuyện một người dân bán một tạ thóc thuê xe chở cả gia đình đi tiễn ông chỉ để nhìn thấy linh cữu và thắp một nén hương.

Tôi đã hỏi thăm và nghe câu nói chân thành của một nam công nhân ngoài 30 tuổi ở Đồng Hới: "Hôm nay ông về quê. Tôi muốn tiễn ông đoạn đường cuối cùng."


Tôi đã chứng kiến cảnh đói, khát, đi, đứng, nằm, ngồi vật vạ bên vệ đường trong lúc dòng xe kẹt cứng trên đường ra Vũng Chùa.

Tôi đã mua một bó hoa cúc ở Đồng Hới với giá 50.000 đồng, tức gấp đôi giá ở Sài Gòn hay Hà Nội, và được cho biết dù hoa đắt bằng cả một ngày chợ của dân nghèo mà vẫn không có hàng để bán mặc dù người dân Quảng Bình mới vừa bị bão đánh tơi bời.

Tại sao tôn kính?

Người dân bao nhiêu năm qua không được tập trung tuyên truyền về ông Giáp, hơn nữa họ có thể nghe được những thông tin trái chiều. Thế tại sao họ tôn kính ông đến vậy?

Xét về công thì tên tuổi ông được nhìn nhận rộng rãi gắn liền với chiến thắng Điện Biên Phủ - một chiến công xét về ý nghĩa sánh ngang với Bạch Đằng, Chi Lăng hay Đống Đa.

Xét về chỗ đứng lịch sử thì ông là bậc khai quốc công thần từ những ngày đầu và đã trải qua bao biến thiên của đất nước cho đến tận ngày hôm nay.

Hơn nữa, ở một đất nước vẫn còn tình cảm tự ti thể hiện rõ nét qua thái độ sùng ngoại thì một nhân vật được thế giới tôn trọng như ông Giáp đã giúp hồi sinh trong người dân lòng tự hào trước thế giới.

Bản thân tôi ở Đồng Hới còn nghe có người ca tụng ông đứng trên cả Napoleon của Pháp hoặc Pierre Đại đế của người Nga.

Thế nhưng, dù công trạng hay danh tiếng, theo tôi nghĩ, để lay động lòng người thì phải cần điều gì đó rất người chứ không phải duy ý chí.

Và tôi đã nghe hai người phụ nữ giấu tên là quản lý cho một công ty nước ngoài ở Sài Gòn chia sẻ ở trước cổng 30 Hoàng Diệu: "Nếu chỉ vì công lao thì chúng tôi đã không bay ra đây để viếng ông. Chúng tôi cảm phục ông vì ông là người vì dân, vì nước."

Có một câu nói của ông Giáp mà báo chí trong nước hay dẫn lại khi nói về ông: "Tôi còn sống ngày nào là vì dân, vì nước ngày đó."

Đến viếng tại quê nhà ông ở Lệ Thủy có doanh nghiệp, đoàn thể, trường học và cá nhân

Dẫu sao đây cũng chỉ là một câu nói, nhưng có những chi tiết trong đời ông khiến tôi tin rằng đây là lời nói thật lòng.

Ông đi hoạt động cách mạng xuất phát từ cảnh đất nước lầm than và ông đến với chủ nghĩa cộng sản như là phương tiện cứu dân cứu nước. Cho nên ít nhiều ông có tinh thần dân tộc hơn là đấu tranh giai cấp triệt để.

Ông từng trăn trở trong những năm cuối đời rằng 'đất nước đã giải phóng được mấy chục năm rồi mà sao vẫn còn tụt hậu xa như thế?'

Tôi đã nghe một người họ hàng ông ở Lệ Thủy kể những khi về thăm quê ông thường kêu gọi 'sáng tạo, đổi mới để phát triển hơn nữa'.

Nặng lòng với quê hương

Tôi cũng nghe câu chuyện của một người dân Đồng Hới cho tôi quá giang trở về từ Vũng Chùa rằng khi còn là học sinh có lần đã đón ông Giáp về thăm trường. Ông Giáp hỏi về Napoleon thì ai cũng biết nhưng hỏi ngọi núi cao nhất Quảng Bình thì không ai biết. Ông đã lấy điều đó ra để căn dặn các học sinh phải biết tường về quê hương đất nước.

Nếu ông muốn an nhàn lúc tuổi già thì chẳng dại gì ông lên tiếng về vấn đề bauxite vì biết sẽ làm lãnh đạo phật lòng. Nhưng ở vị trí của một nhà chiến lược quân sự, ông thấy rõ những hiểm họa đối với đất nước và thấy như thế thì ông không thể không lên tiếng.

Ông hơn hẳn nhiều lãnh đạo về hưu chỉ biết lo vun vén sao cho an nhàn tấm thân.

Tôi cũng nghe một người hàng xóm của ông ở Lệ Thủy kể rằng mỗi khi về thăm nhà ông thường gặp gỡ bà con rồi 'cũng hò khoan Lệ Thủy'.

Một người yêu tiếng hát quê hương như thế chắc hẳn nặng lòng với quê hương đất nước.

Ngôi nhà ở làng An Xá đã trở thành nhà tưởng niệm ông Giáp

Và cũng vì nặng lòng với quê hương mà ông đã chọn yên nghỉ ở nơi 'lá rụng về cội' chứ không phải ở một nơi danh giá mà nhiều người thường nói đùa rằng những ai vào được Bộ Chính trị 'đã chắc một suất ở Mai Dịch'.

Ở nơi khuất nẻo thế chắc ông cũng không mong có nhiều người đến viếng. Sinh phần ông nhìn ra trời biển bao la, có nắng sớm, sương đêm, có gió lộng, trăng tà, có tiếng chuông chùa thanh tịnh. Ở nơi đó ông có thể ngàn năm nghe sóng vỗ, thiên thu ngắm trời xanh.

Rất may là Đảng đã tôn trọng di nguyện của ông - một di nguyện trong sáng không màng danh lợi.

Xuất thân là một thầy giáo dạy Sử, số phận đưa đẩy ông ra cầm quân đánh giặc. Ông từng nói một ngày nào đó hết chiến tranh ông sẽ trở về làm thầy dạy Sử như xưa.

Trong những năm bị hà hiếp, là một người có uy tín trong toàn quân ông hoàn toàn có thể huy động lực lượng làm một cuộc lật đổ để tiếm quyền.

Nhưng ông không có tham vọng quyền lực. Cốt lõi ông không phải là một chính khách. Ông không có cái gian hùng của Mao Trạch Đông hay Lê Duẩn để làm cho mọi người quy phục.

Ý Đảng và lòng dân

Theo lý mà suy thì một nhân vật cộng sản trong sáng như ông Giáp có thể giúp Đảng lấy lại niềm tin đã quá sa sút của người dân vào lý tưởng cộng sản và sự lãnh đạo của Đảng. Đảng càng phải ra sức tuyên truyền về tấm gương ông Giáp mới phải.

Tuy nhiên thực tế dường như diễn ra theo chiều ngược lại.

Ở đây tôi thấy khoảng cách khá rõ giữa ý Đảng và lòng dân trong cách đánh giá ông Giáp.

Khi ông Giáp vừa qua đời, trên mạng tràn ngập những lời ca tụng ông. Sự tôn sùng đến mức đẩy ông đến gần với vị lãnh tụ khai quốc là ông Hồ Chí Minh.


∇ Không khí tang lễ từ quê ông Giáp
Ông được gọi là 'Người', một cách xưng hô đầy tôn kính vốn chỉ dành cho ông Hồ. Có nhiều người còn gọi ông là vị 'cha già dân tộc thứ hai sau Bác Hồ'. Có người coi 'ông và Bác Hồ là hai nhân vật quan trọng nhất trong lịch sử Việt Nam hiện đại'.

Nhưng Đảng không thích điều này.

Tôi có thể hiểu được chỗ khó xử của Đảng: nếu tôn vinh ông Giáp lên mức gần ngang hàng với ông Hồ thì những lãnh tụ khác của Đảng như Lê Duẩn, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Tôn Đức Thắng sẽ đặt ở đâu?

Do đó, không khó để nhận ra nỗ lực của Đảng đưa mọi thứ về lại trật tự.

Thật ra việc đài truyền hình trung ương không truyền hình trực tiếp về lễ viếng ông Giáp cũng không có gì là lạ bởi lẽ trước đây lễ viếng của các ông Võ Văn Kiệt và Phạm Văn Đồng cũng có trực tiếp đâu.

Tuy nhiên tôi nghe nhiều ý kiến người dân phản đối. Rõ ràng họ muốn ông Giáp phải được đối xử đặc biệt hơn so với những vị kia.

Với lại trong nội bộ Đảng không phải ai cũng đánh giá cao ông Giáp, ít nhất là công khai.

Lễ viếng và lễ truy điệu có đủ mặt bá quan văn võ cả đương chức lẫn cựu trào nhưng không thấy Đại tướng Lê Đức Anh, cựu chủ tịch nước.

Nếu nói tuổi già sức yếu thì ngay cả ông Đỗ Mười chân yếu, tay run hay ông Vũ Khiêu ngồi xe lăn vẫn đến viếng.

Nếu biết rằng ông Anh quá yếu không đến viếng được thì tại sao trên bảng điện tử thông báo tôi thấy ghi rõ ràng sau lượt viếng của các cựu tổng bí thư là đến lượt ông Lê Đức Anh?

‘Công của tập thể’

Toàn bộ lãnh đạo đương nhiệm và về hưu đều đến viếng ngoại trừ ông Lê Đức Anh

Nỗ lực đưa vị trí ông Giáp trở về đúng trật tự có thể thấy rõ trong điếu văn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Một mặt điếu văn ca ngợi ông Giáp có 'những cống hiến đặc biệt xuất sắc' và 'mãi mãi lưu danh trong lịch sử dân tộc' nhưng một mặt nhấn mạnh rằng ông Giáp chỉ là một người trong một tập thể chứ không phải vĩ nhân vượt trên tất cả.

Chỗ nào có nhắc đến công trạng của ông Giáp thì cũng không quên nhắc nhở rằng chiến công đó nằm trong sự lãnh đạo của ‘Trung ương Đảng và Bác Hồ’.

Ông Giáp được cho chỉ là 'một trong những người tiêu biểu' trong 'một tập thể cán bộ lãnh đạo tài năng, dày dạn'.

Xét trong lịch sử lãnh đạo và chỉ đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam thì những lời lẽ nói trên cũng là công bằng.

Tuy nhiên, sẽ không công bằng khi điếu văn về ông Giáp mà lại không làm nổi bật vai trò chỉ huy chiến lược của cá nhân ông trong chiến thắng Điện Biên Phủ.

Mặc dù chiến thắng đó đúng là công sức của ‘toàn Đảng, toàn dân, toàn quân’, nhưng với vai trò là tổng tư lệnh tối cao, ông Giáp linh hồn của chiến thắng chứ không thể chỉ dừng ở mức ‘góp phần’ như Điếu văn đã nêu.

Đối với ai muốn đặt ông Giáp lên gần ngang hàng với ông Hồ thì điếu văn nói rất rõ là ông Giáp 'được sự giáo dục, rèn luyện' của ông Hồ.

Ngay cả danh tiếng quốc tế của Tướng Giáp thì điếu văn chỉ nhắc đến việc ông tạo cảm hứng cho các nước thuộc địa Á, Phi, Mỹ Latin chứ không hề nói đến tiếng tăm của ông ở các nước phương Tây.

Bản thân tôi không tin rằng tiếc thương của người dân về một tấm gương cộng sản như ông Giáp sẽ càng khiến người dân tin vào Đảng. Ngược lại, nó chỉ càng thể hiện sự bất mãn của người dân.

Hai người phụ nữ chia sẻ với tôi ở 30 Hoàng Diệu còn nhấn mạnh rằng 'các lãnh đạo Việt Nam hiện nay không ai được như ông Giáp'.

Rõ ràng khi người dân bất mãn với các cán bộ hư hỏng bao nhiêu thì họ càng thương tiếc sự ra đi của một người chính trực bấy nhiêu.

Người xưa năm cũ

Các lãnh đạo Đảng một thời được cho là không nghe theo lời góp ý của ông Giáp

Đảng cũng thấy được điều đó. Điếu văn của Tổng Bí thư đã liên hệ tấm gương ông Giáp với vấn đề thời sự hiện nay là chỉnh đốn Đảng.

Tuy nhiên, thế hệ của ông Giáp là những người sống trong hang đá, ăn cơm rừng, uống nước suối, còn quan chức bây giờ mấy ai không nhà cao cửa rộng, cuộc sống phủ phê.

Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân do ông Giáp chỉ đạo ngày xưa là từ nhân dân mà ra và chiến đấu vì lợi ích của nhân dân.

Còn quân đội bây giờ phải bảo vệ Đảng trước tiên rồi mới đến bảo vệ người dân.

Thật ra với hơn 20 năm lui về an dưỡng ông Giáp hầu như không còn liên hệ gì với cuộc sống của người dân hiện nay ngoài ý nghĩa như một biểu tượng lịch sử.

Sự tiếc thương ông rồi cũng mau chóng trôi qua và ông cũng sẽ chỉ còn trên sách sử.

Đồng nghiệp của tôi bên BBC World News, anh Jonathan Head, nhận xét rằng ngay sau đoàn linh cữu ông Giáp vừa đi qua chừng 5 phút thì người dân Hà Nội lại trở về với cuộc sống như không có việc gì xảy ra. Có những cô gái còn xúng xính áo váy đi mua sắm.

Còn tôi khi ở Quảng Bình về Hà Nội một ngày sau đó thì không thấy bất kỳ dấu vết gì của một Quốc tang mới hôm trước. Cờ rủ ở sân bay Nội Bài đã được thay bằng quốc kỳ hai nước Việt Nam-Trung Quốc song song.

Người chết dù sao cũng đã chết còn cuộc sống đương nhiên vẫn phải đi tới.

Nhưng ngay cả trong lúc quốc tang, tôi đã thấy các cơ quan Đảng trên đường Hoàng Văn Thụ có nơi treo cờ rủ có nơi không ngay sau khi Quảng trường Ba Đình đã rủ cờ.

Một số người ở Hà Nội nói rằng họ mua chân dung ông Giáp về 'để thờ'

Có lẽ họ bận việc quá nên chưa kịp rủ cờ chăng? Nhưng một việc quan trọng như thế thì làm sao cơ quan Đảng có thể lơ là được? Điều này ít nhiều chứng tỏ ông Giáp không còn ảnh hưởng gì đối với chính quyền hiện tại.

Ở phạm vi quốc tế cũng vậy, đối với nhân vật tiếng tăm như ông Giáp, tôi chờ đợi các đoàn khách quốc tế đến viếng nhưng ngoài các nước châu Phi hâm mộ ông Giáp như Mozambique và Algerie chỉ gửi phái đoàn cấp thấp và phái đoàn cấp cao của các nước Lào, Campuchia, không còn phái đoàn quốc tế nào đáng lưu ý.

Điều đó chứng tỏ ông Giáp là một nhân vật xưa cũ đã mấy chục năm không còn liên hệ gì với cuộc sống hiện nay trên thế giới.

Cầm quân và cầm quần

Dẫu sao ông Giáp cũng là con người bình thường và cũng có những sai lầm.

Trên các diễn đàn mạng tôi có đọc được một ý kiến thế này: "Một lãnh tụ vĩ đại (chỉ ông Hồ) và một nhà yêu nước vĩ đại (chỉ ông Giáp) mà để lại một đất nước tham nhũng vĩ đại."

Nghe chua chát nhưng không phải không có phần chính xác.

Nếu như ông Giáp ra đi khi mà đất nước mà ông góp công sáng lập và bảo vệ được hùng cường và thịnh vượng thì chắc chắn vị thế của ông trong lịch sử dân tộc và trong mắt bạn bè quốc tế cũng được nâng lên đáng kể.

Ít nhất tôi tin rằng hiện tình đất nước ngày nay không phải là điều ông mong muốn. Bản thân ông vẫn tin rằng con đường mà ông đã đi là tốt cho dân cho nước.

Cho nên sẽ là khiên cưỡng khi tìm cách liên hệ ông Giáp, một người đã đi theo Đảng từ lúc trai trẻ cho đến cuối đời, đã mất vợ, đã ly tán gia đình cho lý tưởng, với phong trào dân chủ hiện nay.

Lác đác bên đường từ Đồng Hới ra Vũng Chùa, người dân bày bàn thờ ông Giáp

Chắc hẳn ông cũng có suy nghĩ như nhiều người là 'đường lối của Đảng không bao giờ sai, chỉ có thực hiện sai’.

Cũng có ý kiến cho rằng ông Giáp là một người 'tàn nhẫn' khi từng nói sẵn sàng hy sinh hàng ngàn sinh mạng để đạt thắng lợi.

Như thế thì không thể nói ông kế thừa tinh hoa đánh giặc của cha ông, vốn là 'tướng sỹ một lòng phụ tử, hòa nước sông chén rượu ngọt ngào'.

Nhưng tại sao tướng sỹ lại tôn kính ông như vậy? Với lại ông vẫn thường nhắc đến sự hy sinh của các chiến sỹ Điện Biên, chứng tỏ ông ý thức rằng danh vọng của ông là ‘dãi thân trăm họ làm công một người’.

Còn về việc ông ít ra ra mặt trận, nếu xét ông vốn là trí thức đọc sách, mang họ Võ nhưng lấy tên Văn, thì sẽ thông cảm với ông hơn.

Và cũng sẽ thông cảm với ông hơn nếu đặt bản thân vào hoàn cảnh của ông trong câu chuyện được phân công phụ trách Dân số và Kế hoạch hóa gia đình.

Một vị tướng có chiến công mà phải làm việc đấy, phải chịu miệng đời thị phi 'cầm quân, cầm quần', chưa kể mất mặt với cấp dưới thì buồn lắm.

Tức giận thì ai gặp cảnh đó cũng tức giận, nhưng dằn được cơn tức thì không phải ai cũng làm được!

Ông có thể cầm quân khuấy động phong ba. Nhưng rồi toàn bộ cơ đồ ông góp công tạo dựng sẽ tiêu tan.

Ở đây tôi không thấy ông Giáp có gì phải nhục nhã mà chỉ thấy sự hẹp hòi, đố kỵ không xứng đáng ở những vị lãnh đạo muốn hạ nhục ông.

Dẫu sao nghĩa tử là nghĩa tận. Sử sách và hậu thế sẽ đánh giá ông chính xác không sai trật.

Cầu cho xương thịt của ông hòa vào đất cát.

Cầu cho hồn phách của ông hòa vào anh linh của lớp lớp đồng bào tử sỹ trận vong để giữ gìn dải non sông gấm vóc này.

Nguyễn Lễ
(BBC)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad