Thương lắm miền Trung: Thiên tai và nhân tai - Tiến Bộ

Breaking

Home Top Ad

Post Top Ad

Thứ Bảy, 5 tháng 10, 2013

Thương lắm miền Trung: Thiên tai và nhân tai


Đồng bào cả nước và kiều bào ta ở nước ngoài nghe tin, lo lắng, chia sẻ nhiều cách với đồng bào miền Trung, nhất là các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế...vừa mới trải qua cuộc chiến đấu vật lộn với thiên tai bão lụt. Cơn bão số 10 đã đổ bộ chính diện vào tỉnh Quảng Bình và làm ảnh hưởng rất nhiều đến các tỉnh khác.

Hai tiếng Quảng Bình gợi cho tôi nhớ lại những năm 1964-1965 bước vào cuộc chiến đấu hết sức cam go chống chiến tranh phá hoại do đế quốc Mỹ gây ra, mở đầu tám năm "Chống Mỹ, cứu nước", chi viện miền Nam, bảo vệ miền Bắc. Cùng dịp vào công tác Quảng Bình hồi ấy có Nhạc sĩ nổi tiếng Hoàng Vân, người nhạc sĩ tài ba ấy sau đó ít lâu đã cho ra đời bài hát "có sức mạnh như một quân đoàn" là bài "Quảng Bình quê ta ơi" vang lên cho đến ngày nay và còn có thể vang mãi sau này.

Nói như vậy là để thông cảm với đồng bào miền Trung, "khúc ruột miền Trung" của cơ thể thống nhất Việt Nam. Ôi, dân tộc Việt Nam từ khi dựng nước, mấy nghìn năm đã trôi qua, rất nhiều triều đại đã "cai trị", thịnh có, suy có. Nhiều triều đại sinh ra những ông Vua thanh liêm, có tài kinh bang tế thế đồng thời có tài cầm quân dẹp giặc giữ yên bờ cõi, mang lại đất nước thanh bình, toàn vẹn lãnh thổ, đời sống ấm no hạnh phúc, an lạc thái bình...Như Vua Trần Nhân Tông sau khi chỉ huy, chỉ đạo dẹp tan quân ngoại xâm, giữ yên bờ cõi, đã không màng công danh phú quý, về "tu nhân tích đức" tại Yên Tử, khai sáng ra dòng Phật giáo mang tính chất Việt Nam đậm đà bản sắc. Không chỉ có Trần Nhân Tông mà đất nước này còn có bao nhiêu vị anh hùng cứu nước, thành công rồi thì ở ẩn, không màng địa vị cao sang, nếu có tiếp tục được suy tôn làm vua thì cũng vẫn giữ được lòng trung thực và đạo thanh liêm.

Hàng nghìn năm lịch sử, dựng nước và giữ nước, chủ yếu dân tộc Việt Nam liên tục phải chống lại hai tai họa lớn: "Thiên tai và nhân tai". Các cụ ta đã tổng kết "thủy hỏa đạo tặc", "giặc nước được ghi là số một" Đúng, thủy là tai họa ghê gớm lắm. Còn Bác Hồ đã từng nói "lụt thì lút cả làng". Đằng này, như nhiều cơn bão mạnh đổ vào đất nước ta, trong đó có lẽ miền Trung là vùng đất hững chịu nhiều báo nhất. Bão kèm theo mưa. Mưa to và rất to. Lượng nước đổ về làm ngập băng nhiều công trình, làng xóm và gây ra không ít thảm họa đối với người dân. Mà có thể nói dân miền Trung là dân kiên gan nhất. Trong kháng chiến 30 năm, dân miền Trung đã chịu đựng không biết bao nhiêu hi sinh gian khổ. Trong 8 năm gây ra chiến tranh phá hoại miền Bắc nước ta, giặc Mỹ chủ yếu trút bom đạn vào các tỉnh miền Trung. Và khi hòa bình lập lại, đi đến bất kỳ nới nào từ ven biển, đến đồng bằng, đến trung du miền núi của các tỉnh miền Trung, người ta đều thấy rõ những dấu vết chiến tranh hằn rõ.

Bên cạnh "địch họa" tàn khốc, ác liệt, địch gây ra những tội ác "trời không dung, đất không tha", thì miền Trung, khi là bắc miền Trung khi thì nam miền Trung, hầu như năm nào cũng phải hững chịu những trận bão lớn. Đất nước ta giáp biển Đông, có hơn 3000 km bờ biển. Cơn bão nào xuất hiện ở biển Đông cũng làm cho dân ta lo chống đỡ một cách tích cực. Song thiên tai là "bất khả kháng" Gió bão mưa lớn đổ vào vùng đất nào từ Móng Cái đên Cà Mau cũng là vào Việt Nam. Nhưng có lẽ, miền Trung lại là địa bàn hứng chịu tai họa của thiên nhiên nhiều nhất, đôi khi khốc liệt nhất. Cơn bão số 10 vừa qua đã đi qua, nhưng di họa của nó còn để lại những tổn thất rất nặng nề cho dân miền Trung. Chín người chết, hàng trăm người bị thương, hàng chục vạn nhà cửa, trường học, công trình công công, đường sá bị bão và lụt tán phá. Đồng bào miền Trung tự mình vươn lên trong chiến đấu chống ngoại xâm thì cũng đang tự mình vươn lên trong chiến đấu chống thiên tai.

Thiên tai là "bất khả kháng", những còn "nhân tai" thì có phải là "bất khả kháng" không? Điều này mọi người suy nghĩ một lát thì thấy không hoàn toàn giống nhau. Các tỉnh miền Trung liệu có "một bộ phận không nhỏ" mắc tội quan liêu, lãng phí, tham nhũng, ức hiếp nhân dân ? Có bao nhiêu con sâu lớn nhỏ trên giải đất miền Trung chịu nhiều thiên tai này. Nhiều việc, người cả nước còn chưa quên. Có những năm, bão xong, gây ra tàn phá chết chóc, cả nước xúm vào cứu trợ, nhưng một phần đã rơi vào tay bọn tham nhũng, biết cách ăn chặn cả tiền cứu trợ. Ngay cả dịp Tết Nguyễn đán âm lịch, vì thương người nghèo không có Tết bằng người, Chính phủ đã "Trợ cấp mỗi người nghèo 200.000 đồng thêm vào sắm tết, những một phần đã bị "bọn tham nhũng" ăn chặn. Tại một xã, còn nhiều người nghèo, "bọn tham nhũng đã bảo nhau "ăn chặn" 74 xuất trợ cấp tết của chính phủ. Khi bị phát hiện phản ảnh lên huyện, ông Bí thư huyên ủy tuyên bố, việc này để thanh tra và xử lý, các đồng chí không nên nhắc đi nhắc lại nữa nhé ! Ông ta sợ cái gì ? Xấu hổ ư? Bây giờ, bọn tham nhũng dường như không còn biết xấu hổ !

Ăn chặn tiền và vật cứu trọ chưa đáng sợ bằng cả một bầy sâu cấu kết với nhau lập phương án xây dựng tại miền Trung (và Tây Nguyên) hàng trăm công trình thủy điện. Và như mọi người đã biết, trong xây dựng cơ bản, một dạo nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải đã nói khoảng 30% vốn đầu tư bị thất thoát. Trong xây dựng thủy điện ở miền Trung và Tây Nguyên có bị bớt xén, thất thoát không? Nếu không thì tại sao mưa lớn trong cơn bão số 10 vừa qua. lại có mấy công trình thủy điện bị vỡ đập. Nước mưa ông Trời giáng xuống đầu dân thì gọi là "thiên tai" thế còn những kẻ chịu trách nhiệm khi đập thủy điện bị vỡ, thì gọi là gì ? Gọi là "nhân tai" mới đúng.

Người với người rất biết thương yêu nhau như những tấm lòng vàng ủng hộ miền Trung sau cơn bão số 10, nhưng đau xót thay khi lại thấy người với người vẫn còn tàn ác với nhau. Như việc xây dựng công trình thủy điện bị vỡ chẳng hạn. Có ai bị kỷ luật, bị ra tòa đâu, chỉ dân là khổ thôi. Sau bão, nhiều, rất nhiều gia đình mất hết, chỉ còn bàn tay trắng, nhưng rồi lại bị "thủy điện thành thủy tặc" Khốn khổ gấp nhiều lần. Có thể nói bọn tham nhũng bọn làm ăn gian dối, bớt xén tiền của của nhân dân là những tên "tàn ác" cần phải được trừng trị. Nhưng không, chúng vẫn đang phởn phơ, vẫn vợ đẹp con khôn vẫn nhà lầu xe hơi, vẫn "tiêu không bao giờ hết tiền, ăn không bao giờ hết gạo, sống vương giả nhung lụa trên mọi nỗi đau khổ bất hạnh của nhân dân.

Trong số hàng triệu người dân vùng bị bão số 10 gây tai họa, chắc chắn có rất nhiều gia đình, ông bố, bà mẹ, anh chị đã một thời "xe chưa qua, nhà không tiếc" chịu đựng bình quân trọng lượng "bom đạn giặc gấp 10 trọng lượng thân thể mình" để rất nhiều người được đi học thành tài nay về giữ chức tước các cấp và đau nhất là bọn tham nhũng ấy sẵn sàng quên ơn những người dân đã từng cưu mang nuôi nấng mình trong những năm đầy gian khó.

Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc đang phát động toàn dân hướng về miền Trung thực hiện "một miếng khi đói bằng một gói khi no", lá lành đùm lá rách. Miền Trung "Đường xa nghĩ nỗi sau này mà kinh !" liệu tiền của của những tấm lòng hảo tâm có đến ngay được với đồng bào bị thiên tai vừa qua không hay lại bị ăn chặn, bị phân phối nhầm và còn bị trăm thứ vòng vo Tam Quốc nữa chứ. Nhiều làng xã không thể tự cứu nhau vì ai cũng bị thiệt hại. Các nơi khác phải chung tay và dân ta sẵn sàng chung tay. Nhưng chỉ sợ không đến được tận tay người bị thiên tai. Vâng, thiên tai thật là đáng sợ, nhưng "nhân tai" lại đáng sợ hơn !.

Nguyễn Mộng Hoài
Theo blog Quê Choa

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad