TS Giáp Văn Dương. Ảnh: Lê Anh Dũng |
Lịch sử và diễn giải luôn là chủ đề tranh luận của học thuật và đời sống. Phân định được lịch sử và diễn giải, chúng ta sẽ tránh mắc kẹt vào những diễn giải cụ thể để làm che mờ sự thật và ý nghĩa của lịch sử, và qua đó, bao dung được với những diễn giải khác nhau, trong sự bình đẳng và tương kính.
Còn không, chúng ta mãi chìm đắm trong những vết thương và mất mát đã xảy ra. Lịch sử trong trường hợp này trở thành gánh nặng, là căn cớ của những chứng bệnh xã hội, thay vì là trường học hay nguồn cội.
Theo cách của riêng mình, mỗi người mang trên mình gánh nặng của quá khứ, cả vinh quang lẫn khổ đau.
Đây là điều không tránh khỏi, và cũng không nên tránh, vì chính việc này tạo ra sự gắn kết của cả dân tộc, khi họ chia sẻ chung một quá khứ. Vậy nên, ứng xử với quá khứ như thế nào là câu chuyện của cả dân tộc, chứ không phải là câu chuyện của một cá nhân.
Trăm năm trên cõi đời này, mỗi cá nhân đều vô cùng bé nhỏ. Nhưng nếu có thêm sự tiếp sức từ quá khứ, thì họ trở nên giàu có và mạnh mẽ biết nhường nào. Theo cách nhìn đó, một dân tộc không có lịch sử là một dân tộc nghèo. Một cá nhân không tiếp nhận được sức mạnh của lịch sử dân tộc mình là một sự thất bại.
Vì thế, chúng ta cần lịch sử và hiểu lịch sử. Chúng ta cần một sự tiếp nối để có thêm sức mạnh và để bớt cô độc trên cõi đời này.
Nhưng lịch sử không ngọt ngào. Những trang vui tươi trong lịch sử rất ít. Phần còn lại chủ yếu là khổ đau, thù hận, máu và nước mắt.
Theo thống kê sơ bộ, trong khoảng 2250 năm trở lại đây nếu tính từ thời kỳ Bắc thuộc lần thứ nhất, thời gian Việt Nam ở trong tình trạng chiến tranh hoặc phụ thuộc chiếm gần gấp đôi thời gian hòa bình. Đó là những khoảng thời gian đau đớn đầy máu và nước mắt.
Vậy làm sao phải tiếp nhận một di sản đầy máu và nước mắt đó?
Việc này không dễ dàng chút nào. Tùy thuộc vào các hoàn cảnh cụ thể mà mỗi người có một lựa chọn.
Nhưng tựu chung có mấy cách phổ biến như sau:
• Quên nó đi, coi như không có, và nếu cần thì rũ bỏ
• Tự hào về nó, coi đó là vinh quang, cần tuyên truyền rộng rãi
• Thù ghét nó, coi đó là nguồn gốc của khổ đau, cần phê phán kịch liệt
Dù lựa chọn thế nào đi chăng nữa thì những khổ đau và thương tổn đã xảy ra là có thật, còn lựa chọn và diễn giải chỉ là chủ quan và thiên kiến của cá nhân hay một nhóm người.
Trên thực tế, lịch sử thường gắn liền với chiến tranh. Mà đã là chiến tranh thì bao giờ cũng gắn liền với thắng và bại. Phe thắng thì thường coi đó là niềm tự hào và chính nghĩa. Còn phe bại thì coi đó là sự cay đắng hoặc bất công của lịch sử. Người dân thường thì mất mát quá nhiều, hoặc không muốn nói đến, hoặc ngả nghiêng theo tuyên truyền dòng chính, hoặc chẳng quan tâm vì họ phải lo toan chuyện cơm áo gạo tiền.
Khi cuộc chiến kết thúc, di sản lớn nhất mà nó để lại không hẳn là những tổn thất vật chất, mà là các diễn giải, hoặc khổ đau hoặc tự mãn, được lồng ghép với nhiều ý đồ khác nhau của người diễn giải, tạo ra những vòng xoáy vô tận.
Kết quả của các diễn giải thiên kiến, dù mang trên mình những chiếc áo mỹ miều của lòng yêu nước hay bản sắc quốc gia, cũng làm những đổ vỡ trong lịch sử, máu và nước mắt, sẽ theo những vòng xoáy này tàn phá lòng người, tàn phá thế hệ hiện tại. Qua cách đó, cuộc chiến sẽ không bao giờ kết thúc. Cuộc chiến chỉ chuyển sang một dạng khác, duy trì dưới một mầm mống khác có thể bùng phát bất cứ lúc nào.
Những cái giá quá đắt mà thế hệ đi trước phải trả đã không mang lại điều gì cho các thế hệ sau. Cũng không có bài học nào của lịch sử được rút ra.
Muốn thoát ra khỏi vòng xoáy thì chỉ có hai cách: đứng ngoài vòng xoáy hoặc đứng cao hơn vòng xoáy.
Đứng ngoài vòng xoáy có ưu điểm của nó là sự đơn giản. Đó là cách dễ nhất, nhưng không giải quyết được gốc rễ của vấn đề. Vì khi chọn cách đứng ngoài, anh tuy tránh được những khổ đau, nhưng cũng đánh mất cơ hội tiếp nhận sức mạnh mà lịch sử mang lại.
Vậy chỉ còn cách đứng trên vòng xoáy, để vượt thoát và phá vỡ nó để tập hợp và hướng sức mạnh của lịch sử vào những việc có ích cho cuộc sống hiện tại, hoặc chí ít cũng là để hạn chế sự tàn phá của nó đối với hiện tại. Chỉ có như thế mới có thể có được một hiện tại yên bình. Chỉ có như thế một cuộc chiến mới có thể kết thúc.
Lịch sử dĩ nhiên không phải để làm cảnh hoặc để trang hoàng cho oách. Lịch sử là trường học. Lịch sử cũng là bãi chiến trường. Ngay cả khi các cuộc chiến đã qua đi, thì lịch sử vẫn là nơi các diễn giải tranh đấu với nhau để tìm ra sự thật.
Như vậy, lịch sử không phải để lên bàn thờ, cũng không để hắt hủi hoặc trốn tránh, mà để thảo luận và dưới nhiều góc nhìn khác nhau của hậu thế. Đó cũng là cách tôn trọng nhất đối với lịch sử, với di sản của thế hệ trước để lại.
Chiếc cốc nhìn từ hai góc nhìn khác nhau
Cùng là một vật thể: chiếc cốc, nhìn từ bên cạnh là hình nón cụt, nhìn thẳng vào lòng cốc là hình tròn. Từ hai góc nhìn khác nhau đã có hai hình dạng khác hẳn nhau. Ai đúng, ai sai?
Câu trả lời tất nhiên là không có ai đúng, mà cũng chẳng ai sai. Cả hai đều đúng, và cả hai đều sai. Đúng, theo góc nhìn của mình, nhưng sai do diễn giải của mình về cái cốc là phiến diện.
Với trường hợp cái cốc, chúng ta chấp nhận việc thấy cái cốc là hình nón hay hình tròn tùy theo góc nhìn là điều hiển nhiên. Nhưng với các sự kiện lịch sử, chúng ta lại thường không chấp nhận điều đó, và có xu hướng cho rằng chỉ có một diễn giải đúng. Diễn giải đó thường được coi là chính thống, được sự hỗ trợ của hệ thống, đặc biệt là truyền thông và giáo dục, nên được cho là chân lý, lấn át mọi diễn giải khác.
Các sự thật này đều bình đẳng với nhau theo cách riêng của chúng. Nhưng sự thật đúng nhất là sự tổ hợp của các sự thật cá nhân này. Không có cách nào tránh khỏi điều này, vì nếu không, sẽ rơi vào phiến diện và tranh cãi triền miên, như câu chuyện về cái cốc hình nón hay hình tròn đã nói.
Bởi thế, cần phải chấp nhận một sự thật rằng, mọi diễn giải đều bình đẳng như nhau, miễn sao chúng được hỗ trợ bởi các bằng chứng lịch sử. Chính các bằng chứng này là yếu tố quyết định diễn giải nào có nghĩa, và diễn giải nào là ngụy biện.
Đối lập là bổ trợ
Sự phát triển của khoa học, đặc biệt là vật lý học, đã cho thấy sự vật có thể mang những đặc tính hoàn toàn trái ngược nhau, như lưỡng tính sóng-hạt của ánh sáng chẳng hạn. Chính vì thế, Niels Bohr, một trong những nhà vật lý học vĩ đại của thế kỷ 20, đã phải thốt lên rằng: Đối lập là bổ trợ. Điều này có nghĩa, những diễn giải đối lập nhau không phải là để triệt tiêu nhau, mà bổ trợ nhau trong việc hình thành một nhận thức đúng của chúng ta về sự vật, tức càng giúp chúng ta tiến gần sự thật. Các góc nhìn càng phong phú thì cơ hội tiếp cận sự thật càng nhiều.
Quan niệm “đối lập là bổ trợ” này chính là nội dung của một nguyên lý quan trọng: nguyên lý bổ sung trong nhận thức luận, và ngày càng được thừa nhận rộng rãi, trong mọi lĩnh vực của đời sống. Nhờ nó mà sự phán xét với các quan niệm khác nhau, thậm chí trái ngược nhau trở nên bớt khắt khe hơn.
Với các hiện tượng khoa học khách quan, có thể đo đạc và lặp lại được, việc thừa nhận những diễn giải trái ngược nhau đã được coi là thiết yếu để hiểu rõ sự thật, thì với cá hiện tượng lịch sử luôn gắn liền với con người, nặng tính chủ quan và không lặp lại, thì việc chấp nhận các diễn giải khác nhau, hoặc trái ngược nhau, cần phải được coi là bình thường và cần thiết để tiến gần sự thật.
Khi đó, sự tiếp nhận các quan điểm khác nhau, những diễn giải trái ngược nhau trở nên bình thường. Con người trở nên bao dung hơn. Sự bao dung đó có mục đích trước hết là để làm sáng tỏ sự thật, sau đó mới là giúp cho cuộc sống được đa dạng, an toàn.
Không lẽ những sai lầm của lịch sử cứ lặp đi lặp lại, mà một trong những nguyên nhân của việc này là những bài học lịch sử đã không được rút ra. Vì sự thật lịch sử đã bị che đậy bởi những diễn giải một chiều
Bao dung hơn nữa
Với Việt Nam, một đất nước trải qua nhiều cuộc chiến liên miên, và nhiều vết thương vẫn còn gỉ máu, thì sự bao dung trong việc diễn giải lịch sử còn trở nên cần thiết hơn bao giờ hết. Vì chỉ có cách đó, chúng ta mới có thể chấp nhận được các diễn giải khác nhau về cùng một sự kiện. Và cũng chỉ có cách đó, sự thật của lịch sử mới được làm sáng tỏ phần nào.
Sự bao dung này cần phải được coi là một tất yếu của nhận thức, vì nhận thức, chứ không phải sự ban phát hoặc thỏa hiệp giữa bất cứ phe phái nào. Mục đích cao nhất của nó là tiếp cận sự thật lịch sử thông qua các diễn giải khác nhau, dưới những góc nhìn và quan niệm khác nhau. Còn các hệ quả khác, như bồi đắp sự chín chắn trong nhận thức, loại bỏ thù hận, hòa hợp hòa giải… sẽ tự đến một cách tự nhiên.
Chỉ khi nào tiếp cận được gần sự thật, thì con người ta mới rút ra được những bài học có ích cho mình. Nếu không, những sai lầm của lịch sử sẽ có nguy cơ lặp lại bất cứ khi nào. Dư chấn của những đổ vỡ và chia cắt trong quá khứ sẽ không được giải tỏa mà tiếp tục phá hoại cuộc sống hiện tại qua những vòng xoáy của định kiến và diễn giải phiến diện.
Khi đó, những cái giá quá đắt mà thế hệ trước đã trả trong quá khứ: máu và nước mắt, hàng chục năm tụt hậu, chia cắt và đổ vỡ, hàng triệu gia đình mất mát chia ly… sẽ chỉ mang lại những vòng xoáy cãi vã và cuồng nộ trong lòng người, những điều vô nghĩa đối với cuộc sống hiện tại này.
Bởi lẽ đó, khi đánh giá bất cứ sự kiện nào, chúng ta cần tự nhắc nhở phải bao dung. Với các sự kiện lịch sử, lại càng phải bao dung hơn. Với người Việt Nam, lại càng phải bao dung hơn nữa.
Không phải các lý thuyết về xã hội, cũng không phải các chiến dịch tuyên truyền, mà chính sự bao dung mới là câu thần chú của mọi sự hòa hợp, là nước cam lồ rửa sạch vết đâu, là chìa khóa để mở ra sự phát triển.
Mầm thiện sẽ mở ra với người bao dung, còn mầm ác sẽ nảy nở trong lòng kẻ định kiến. Bao dung hay định kiến, đó là lựa chọn là của chúng ta, không ai thay thế được.
TS Giáp Văn Dương
Theo Vnn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét