'Ông Chấn cũng phải rút kinh nghiệm' - Tiến Bộ

Breaking

Home Top Ad

Post Top Ad

Thứ Tư, 27 tháng 11, 2013

'Ông Chấn cũng phải rút kinh nghiệm'


Trong vụ án oan sai mà ông Nguyễn Thanh Chấn ở Bắc Giang, Việt Nam đang kêu oan, bản thân ông Chấn cũng phải rút kinh nghiệm khi tự mình nhận tội mặc dù không có tội, theo quan điểm của một chuyên gia pháp luật từ Đại học Huế.

Những người liên đới vụ ông Chấn dù đã về hưu vẫn có thể bị truy trách nhiệm

Trao đổi với BBC, TS Nguyễn Duy Phương, Phó Khoa trưởng, Khoa Luật, Đại học Huế nói:

"Vấn đề này đúng là nó cũng có từ hai phía, một phía từ góc độ những người thực thi pháp luật, người ta không làm đúng pháp luật cho nên dẫn đến vấn đề oan sai đó.

"Nhưng bên cạnh đó, những nạn nhân trong vụ này, tức là bị cáo trong vụ án thực ra họ cũng có một phần nào trách nhiệm. Vì nếu như họ không có tội mà tự mình nhận tội thì chính điều đó làm cho quá trình giải quyết vụ án không đúng với tính chất vụ việc xảy ra.

"Còn ngay từ đầu, nếu họ cương quyết không nhận tội thì chắc là không có vấn đề oan sai xảy ra."

Trả lời câu hỏi nếu vụ án của ông Chấn được xác định đúng là một vụ oan sai thì ai sẽ là người phải chịu trách nhiệm cao nhất, Tiến sỹ Phương cho hay hệ thống tố tụng ở Việt Nam liên quan tới nhiều cơ quan, đầu tiên là cơ quan điều tra. Sau đó cơ quan điều tra khởi tố vụ án, cơ quan Viện kiểm sát phê chuẩn việc khởi tố và sau đó là cơ quan xét xử.




Và dù họ có đang đương chức hay nghỉ hưu, thì họ vẫn là những người gây ra những hậu quả đó, họ vẫn phải chịu trách nhiệm về hậu quả do mình gây ra"

» TS Nguyễn Duy Phương
Ông nói: "Thế thì có thể nói rằng quá trình nếu dẫn đến một sự oan sai một vụ án nào đó, thì nó liên quan tới tất cả các cơ quan tiến hành tố tụng đó, từ điều tra đến truy tố, xét xử."

Về khả năng hồi tố sẽ tiến hành ra sao, nhất là trong trường hợp những đối tượng là quan chức liên đới trách nhiệm sau 10 năm đã có thể chuyển đổi vị trí công tác hoặc về hưu, chuyên gia luật cho biết nếu đã xác định là một vụ việc oan sai, pháp luật Việt Nam có những quy định về vấn đề này.

Ông nói: "Trước hết đối với những người thực thi pháp luật dẫn đến oan sai đó đương nhiên phải bị xử lý theo quy định của pháp luật."

"Tùy theo mức độ sai phạm của họ tới đâu, có những biện pháp xử lý khác nhau, có thể từ xử lý hành chính, cho đến thâm chí truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu như họ có hành vi làm sai lệch hồ sơ vụ án."

Các cơ quan điều tra, truy tố có thể đã thiếu thận trọng dẫn đến làm sai trong vụ ông Chấn, theo chuyên gia
"Và dù họ có đang đương chức hay nghỉ hưu, họ vẫn là những người gây ra những hậu quả đó, họ vẫn phải chịu trách nhiệm về hậu quả do mình gây ra."

'Không đúng quy trình'

Theo chuyên gia pháp luật này, qua vụ việc của ông Nguyễn Thanh Chấn, ngành tư pháp Việt Nam, đặc biệt là các cơ quan điều tra, cần rút kinh nghiệm.

Ông nói: "Theo tôi, trong quá trình tố tụng, giải quyết các vụ án, cái quan trọng nhất là phải hết sức thận trọng.

"Chỉ đưa ra một cáo buộc đối với người mà người ta phạm tội trong trường hợp anh có đầy đủ cơ sở pháp lý, cũng như các chứng cứ."

Để làm được điều này, theo ông TS Phương, Việt Nam cần yêu cầu các cơ quan tố tụng làm đúng quy trình tố tụng, từ khâu điều tra, truy tố cho tới xét xử.

"Trong pháp luật Việt Nam, chúng tôi cũng quy định rất chặt chẽ rồi, nhưng nếu có một sai phạm nào đó xảy ra, theo tôi là do người ta làm không đúng quy trình, người ta thiếu thận trọng trong quá trình xem xét, đánh giá các chứng cứ."


Ông Nguyễn Thanh Chấn, người đã đi tù 10 năm với tội danh giết người, sau khi được giảm hình phạt từ tử hình xuống chung thân, muốn kiện các cơ quan điều tra, xét xử đã có những sai phạm nghiêm trọng.

Mới đây, Bộ trưởng Công an Việt Nam, ông Trần Đại Quang đã tuyên bố trước Quốc hội về áp dụng các biện pháp chống ép cung và sử dụng nhục hình trong quá trình điều tra, xét hỏi, trong đó có việc gắn camera theo dõi ở các phòng hỏi cung ở một số địa phương, cơ quan trọng điểm của ngành công an.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến dư luận cho rằng các biện pháp này, mặc dù là một dấu hiệu mới, nhưng mới chỉ mang tính đơn phương từ phía ngành Công an.

Về diễn biến này, Tiến sỹ Phương bình luận:

"Đó là cái tốt thôi, Việt Nam tham gia vào Công ước về vấn đề đảm bảo quyền con người, đặc biệt là đối với tội phạm, không thực hiện các vấn đề ép cung, hoặc sử dụng nhục hình.

"Để ngăn chặn những việc đó xảy ra, người ta có những biện pháp giám sát các cơ quan tố tụng, các cơ quan trong quá trình điều tra các vụ án. Tôi đánh giá đấy là một động thái tích cực, nhằm ngăn chặn những sai phạm này," ông nói với BBC.

Quốc Phương
theo BBC

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad