Viết tiếp những gì Chủ tịch Hồ Chí Minh đã bỏ dở - Tiến Bộ

Breaking

Home Top Ad

Post Top Ad

Thứ Sáu, 29 tháng 11, 2013

Viết tiếp những gì Chủ tịch Hồ Chí Minh đã bỏ dở


Đôi lời: Tựa bài do chúng tôi đặt lại cho đúng với tinh thần bài viết.

Thế nhưng, một câu hỏi cần đặt ra, là có phải HCM đã viết … ĐÚNG, và giờ thì chúng ta cứ vậy mà viết tiếp?

Có một mâu thuẫn quá lớn, chưa bao giờ được trao đổi công khai, tới cùng cho tường minh về cái hư ảo trong con người HCM, như thể trong ông có hai con người. Thế nhưng, tiếc rằng có không ít người vẫn muốn dựa dẫm vào bóng dáng hư ảo đó để tranh đấu với đám “học trò xuất sắc của Người”. Cách thức tranh đấu của họ là phân đôi một cách rất đơn giản con người HCM ra làm hai, một là nhà dân tộc, một là lãnh tụ cộng sản, để rồi đề cao cái chất “dân tộc” trong đó.

Như trong bài viết này, chỉ nhắc tới một HCM chống thực dân, phát xít để giành độc lập tự do, và mong muốn “viết tiếp” trang sử ông đang viết dở, mà như cố quên đi rằng khó có thể phủ nhận thực tế chính ông đã dính dự vào việc sổ toẹt những gì mình đang viết dở.

Đó chính là bi kịch của những người vẫn đinh ninh mình và toàn dân đang sống trong cái gọi là “thời đại Hồ Chí Minh”!

BT

Hồ Ngọc Nhuận - Viết tiếp

Lịch sử không để viết lại.

Nhưng lịch sử có thể bị bắt dừng lại, kéo lui. Mà độ lùi không chỉ tính bằng năm hay bằng nhiều chục năm.

Như ở nước Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Triều Tiên “anh em”, với đương kim “chủ tịch cháu nội”, Kim Jong-un nguyên soái, thì phải dừng lại bao nhiêu năm? Để toàn dân toàn quân Triều Tiên khóc đứng khóc ngồi trước cái chết của “chủ tịch cha” Kim Jong Il, y chang như đã từng khóc đứng khóc ngồi “chủ tịch ông nội” Kim Nhật Thành, chết cách đó 17 năm? Và để bất cứ cái gì, từ cái đi, cái đứng, đến cái tiếng hét trên các làn sóng điện, đều phải y chang những thứ cách đây hơn nửa thế kỷ?

Đó là chỉ tính theo ngày thành lập nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên, tức từ năm 1948 cho đến nay là 65 năm. Chớ nếu tính trên tước vị của “chủ tịch ông nội” Kim Nhật Thành thì lịch sử nước này phải lùi về thời Tam Quốc Triều Tiên cổ đại đã thống trị bán đảo Triều Tiên trong hầu hết Thiên niên kỷ 1, và dừng lại cho tới hết đời “ông chủ tịch cháu nội” hiện nay và nhiều đời con cháu ông ta nữa. Để cho “chủ tịch ông nội” trở thành “Chủ tịch vĩnh cửu” theo hiến pháp của nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên.

Trước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên ba năm, trong bản Tuyên ngôn Độc lập của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, đọc tại Hà Nội ngày 02 tháng 9 năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lên án bọn thực dân Pháp như sau: …Hơn 80 năm nay, bọn thực dân Pháp lợi dụng lá cờ tự do, bình đẳng, bác ái, đến cướp đất nước ta, áp bức đồng bào ta. Hành động của chúng trái hẳn với nhân đạo và chính nghĩa. Về chính trị, chúng tuyệt đối không cho nhân dân ta một chút tự do dân chủ nào… Chúng ràng buộc dư luận, thi hành chính sách ngu dân… Chúng cướp không ruộng đất, hầm mỏ, nguyên liệu. Chúng làm cho dân ta, nhất là dân cày và dân buôn trở nên bần cùng. Chúng không cho các nhà tư sản ta ngóc đầu lên. Chúng bóc lột công nhân ta một cách vô cùng tàn nhẫn…Chúng đã bán nước ta hai lần cho Nhật…”.

Lời kết án đanh thép đó vang lên đã hơn 68 năm rồi mà cứ ngỡ như mới hôm nay.

Như mới hôm nay, cũng đang có một đám người liên tục muốn bắt lịch sử, đất nước, dân tộc ta phải lùi lại, để sống kiếp sống mà bọn thực dân, bất chấp nhân đạo và chính nghĩa, đã “ban bố” cho ông cha ta trong ngót 80 năm.

Hơn 68 năm về trước, “về chính trị, chúng tuyệt đối không cho nhân dân ta một chút tự do dân chủ nào”, chủ tịch Hồ Chí Minh đã lên án bọn thực dân như vậy đó. Còn bây giờ, suốt 68 năm qua, về chính trị, có ai được một chút tự do dân chủ nào, xin cho biết? Cả những đảng viên cộng sản? Cả ông Đại tướng khai quốc công thần, và tất cả các ông tướng? Có ai tự do độc lập ứng cử đắc cử vô các Hội đồng, vô cái Quốc hội của Đảng, ngoài các đảng viên được Đảng cầm quyền chỉ định? Có bao nhiêu người yêu nước, kể cả các đảng viên cộng sản, đã bị thẳng tay đàn áp? Có một tổ chức chính trị nào được tồn tại, ngoài Đảng cầm quyền? Có một tổ chức văn hóa, xã hội, chuyên môn, nghề nghiệp… nào không bị Đảng cầm quyền nắm trong tay?…

Hơn 68 năm về trước, “chúng ràng buộc dư luận, thi hành chính sách ngu dân”. Còn bây giờ, suốt 68 năm qua, ai độc quyền trói buộc tư tưởng văn hóa, với mạng lưới các ban tư tưởng văn hóa bao trùm lên khắp nước? Ai nắm hết các báo chí, các phương tiện truyền thông, các cơ sở phát hành, in ấn, kể cả sách giáo khoa, kể cả kinh bổn tôn giáo? Tuyệt đối, khắc nghiệt… hơn cả bọn thực dân? Bởi chế độ thực dân còn để cho “người An Nam” làm báo, viết báo tự do. Còn bây giờ, 68 năm sau, có người Việt Nam độc lập nào ở đây được tự do làm báo, viết báo? Ai miệng nói xây dựng dân chủ mà giựt sập không chừa một cây cột nào của tòa nhà dân chủ, hàng đầu là cây cột tự do báo chí, là Quyền Thứ Tư của nền Dân Chủ? Ai miệng nói Nhà nước Pháp quyền mà “vo tròn nhập cục” ba Quyền Nhà nước làm một trong tay một đảng độc tôn cầm quyền duy nhất? Ai đang thi hành chính sách ngu dân hơn cả mọi chế độ phong kiến? Bởi phong kiến còn biết huy động, tận dụng người tài.

Hơn 68 năm về trước, “chúng cướp không ruộng đất, hầm mỏ, nguyên liệu”. Còn bây giờ, suốt 68 năm qua, hầm mỏ, nguyên liệu do các tập đoàn nước ngoài nào được thả cửa cho tha hồ khai thác? Ruộng đất nào thuộc về “người cày có ruộng”? Ruộng đất nào “thuộc về toàn dân” để bị “bọn chúng cướp không” đến nỗi người dân phải tự thiêu, tự xử?

Hơn 68 năm về trước, “chúng bóc lột công nhân ta một cách vô cùng tàn nhẫn”. Còn bây giờ, suốt 68 năm qua, có anh chị lao công, lao động nào… được có nghiệp đoàn tự do để tự bảo vệ quyền lợi chính đáng? Có anh chị công nhân nào được các công đoàn nhà nước bênh vực khi bị các tập đoàn tài phiệt trong ngoài nước hà hiếp, bóc lột?

Hơn 68 năm về trước, “… hành động của bọn thực dân… áp bức đồng bào ta… là trái hẳn với nhân đạo và chính nghĩa”. Còn bây giờ, hành động của những ai đang muốn kéo lùi lịch sử, kéo lùi đất nước, để dân tộc này, gồm già trẻ gái trai người Việt Nam của thế kỷ 21, phải sống trở lại kiếp sống “không có chút tự do dân chủ” nào, như dưới ách nô lệ thực dân cả 100 năm trước, là trái hẳn với mọi thứ đạo lý làm người.

Một dân tộc vừa liên tục trui rèn qua bốn cuộc chiến thảm khốc trong vòng 40 năm, luôn được ca ngợi là anh hùng, và không chỉ một lần anh hùng, thì sao lại xứng đáng bị nắm ót kéo lui để sống kiếp sống cúi đầu như một dân tộc bị mất nước?

…Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn 80 năm… dân tộc đó phải được tự do! Dân tộc đó phải được độc lập!… Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tự hào tuyên hứa.

Dân tộc đó cũng quyết không để bị ai kéo lùi lịch sử của mình lại.

Mà phải viết tiếp. Viết gì?

Viết những gì mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã bỏ dở.

Mở đầu bản Tuyên ngôn Độc lập của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, đọc tại Hà Nội ngày 02 tháng 9 năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc.

Lời bất hủ ấy ở trong bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1776 của nước Mỹ. Suy rộng ra, câu ấy có ý nghĩa là: tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”.

Lời bất hủ ấy ở trong bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1776 của nước Mỹ” còn có một lời “bất hủ” khác, tiếp theo. Mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã bỏ dở. Đó là: “Để bảo đảm cho các quyền đó, các chính quyền được thiết lập giữa mọi người, và quyền hành của họ phải được xuất phát từ sự đồng thuận của những người họ quản lý. …” [1].

Trong bản Tuyên ngôn Độc lập ngày 02 tháng 9 năm 1945 Chủ tịch Hồ chí Minh cũng đã viết: “Bản Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Cách mạng Pháp năm 1791 cũng nói: Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi; và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi. (Điều 1)

Đó là những lẽ phải không ai chối cãi được…

Nhưng bản Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Cách mạng Pháp năm 1791 cũng nói:

Điều 2: Mục đích của mọi tổ chức chính trị là bảo tồn các quyền tự nhiên và tuyệt đối của con người. Các quyền đó là quyền tự do, quyền sở hữu, quyền an ninh và quyền chống lại sự áp bức.

Điều 16: Xã hội nào không bảo đảm các Quyền con người, cũng không quy định rõ sự phân chia ba Quyền(Quyền Lập Pháp, Quyền Hành Pháp, Quyền Tư Pháp) thì xã hội đó không có Hiến pháp [2].

Đây cũng là những lẽ phải không ai chối cãi được. Và phải được mọi người dân Việt thời đại Hồ Chí Minh và mọi thời đại viết tiếp. Để cùng nhau xây dựng cho mỗi người và mọi người một xã hội, một thế giới, một ngày nay, một ngày mai xứng đáng với con người.
TP Hồ Chí Minh, 28-11-2013

Hồ Ngọc Nhuận
Theo Diễn Đàn Xã Hội Dân Sự



Chú thích:

(1) IN CONGRESS, July 4, 1776. The unanimous Declaration of the thirteen united States of America,

“… We hold these truths to be self-evident, that all men are created equal, that they are endowed by their

Creatorwith certain unalienable Rights, that among these are Life, Liberty and the pursuit of Happiness.

That to secure these rights, Governments are instituted among Men, deriving their just powers from the consent of the governed

(2) Déclaration des droits de l’homme et du Citoyen du 26 août 1789. La Déclaration des droits de l’homme et du Citoyen de 1789 a été placée en tête de la Constitution de 1791.

Le préambule de la Constitution du 4 octobre 1958 a remis en vigueur les dispositions de la Déclaration de 1789, comme l’avait fait lepréambule de la Constitution du 27 octobre 1946

Article premier. – Les hommes naissent et demeurent libres et égaux en droits. Les distinctions sociales ne peuvent être fondées que sur l’utilité commune.

Article 2. – Le but de toute association politique est la conservation des droits naturels et imprescriptibles de l’homme. Ces droits sont la liberté, la propriété, la sûreté et la résistance à l’oppression.

Article16. – Toute Société dans laquelle la garantie des Droits n’est pas assurée, ni la séparation des Pouvoirs déterminée, n’a point de Constitution.”

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad