Ăn mày chuyên nghiệp - Tiến Bộ

Breaking

Home Top Ad

Post Top Ad

Thứ Ba, 3 tháng 12, 2013

Ăn mày chuyên nghiệp


Về cuộc sống cơ cực của người lao động trong một bài viết chẳng thể nào nói hết. Tôi chỉ muốn nói ít nhiều về nông dân, một lực lượng đông đảo chiếm tới 70% dân số cả nước.

ảnh minh họa
Trong ngày 27 tháng 6 năm 2013, tại cuộc hội thảo “Bức tranh nông thôn, nông dân Việt Nam nhìn từ cuộc điều tra tiếp cận nguồn lực hộ gia đình” tại Hà Nội, ông Nguyễn Duy Lượng, phó chủ tịch trung ương Hội Nông Dân Việt Nam, đã mô tả chính xác: “Nông dân hiện có nhiều cái nhất: Ðông nhất, nghèo khổ nhất, chịu nhiều thiệt thòi nhất, bất lực nhất, dễ bị tổn thương nhất, đời sống bấp bênh nhất”...

Theo số liệu của Tổng Cục Thống Kê, chỉ riêng trong tháng 4 năm 2013, cả nước có 59.5 ngàn hộ thiếu đói, chiếm 0.5% tổng số hộ nông nghiệp, tương ứng với 255.2 ngàn nhân khẩu thiếu đói. Tính chung quý I/2013, cả nước có 178.8 ngàn lượt hộ thiếu đói, tương ứng với 737.3 ngàn lượt nhân khẩu thiếu đói.

Bỏ quê ra phố

Bài “Khó giải bài toán nông dân ly điền” của tờ Ðại Ðoàn Kết 25 tháng 11, 2013 viết rằng, cuộc sống quá nghèo đói, bấp bênh, thu nhập thiếu ổn định và thường xuyên phụ thuộc vào “số trời” mỗi lúc thiên tai, khiến nhiều nông dân không còn mặn mà với “bờ xôi ruộng mật”, nhiều người di cư ra thành phố, tìm kiếm việc làm.

Trong bài “Sự thật chuyện nông dân bỏ ruộng” ngày 12 tháng 11, 2013 của đài Tiếng Nói Việt Nam (VOV), một nông dân ở Thái Bình nói:

“Tới 70% dân làng muốn bỏ ruộng rồi, nếu có công ty đến mua 60-70 triệu đồng/sào, tôi bán ruộng ngay. Bán ruộng, có tiền tôi sẽ đầu tư cho con cái học hành, chăn nuôi, làm dịch vụ. Hoặc thà rằng bán ruộng lấy tiền gửi ngân hàng lấy lãi còn hơn. Nếu bảo cho ruộng, sẽ không ai cho, cứ giữ đó chờ có dự án sẽ được đền bù”.

Trong khi đó, ông Nguyễn Tiến Thắng, kể: “Nhà tôi có 8 sào ruộng, nhưng hiện tại chỉ cấy 3 sào, 5 sào cho người khác nhưng họ cũng bỏ trắng vì làm thì lỗ... Bỏ ruộng hoang như thế thì tiếc, nhưng tôi làm dịch vụ, mỗi buổi sáng dù kiếm được 5,000 đồng vẫn còn thấy đáng hơn làm lúa”.

Tình trạng trên đây khá phổ biến. Vì thế, có những nghịch lý chẳng thể nào hiểu nổi trong xã hội Việt Nam hiện nay. Bên cạnh những ngôi nhà cao tầng, khu biệt thư sang trọng, xe hơi đắt tiền, iphone, ipad, hàng hiệu của một thiểu số giàu có nhờ trực lợi từ khai thác bộ máy chính trị, là cuộc sống chắt nhặt lam lũ của người lao động.

Từ mấy chục năm nay, đã hình thành một làng ổ chuột khốn khổ như thế trên bãi đất hoang ở Hoàng Cầu (Ðống Ða, Hà Nội). Hằng ngày dân làng đi khắp phố phường nhặt nhạnh mọi thứ bán được rồi tập kết về đây biến nơi này thành bãi rác khổng lồ, rộng hơn 1,000m2.

Ðây là những căn nhà, túp lều bé tẹo, lụp xụp, được lắp tạm bợ bởi những tấm ván, fibro xi măng cũ rích, chắp vá tứ tung, dựng lên để che nắng che mưa.

Một “xóm bụi” khác ở phường Phúc Xá (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội). Gọi là xóm nhưng thực ra chỉ là những chiếc thuyền nằm thu mình dưới chân cầu Long Biên, ven sông Hồng. Nơi đây tập trung những gia đình tứ xứ, từ khắp nơi đến như Thái Bình, Bắc Giang, Hưng Yên, Thanh Hóa... Họ dựng những chiếc thuyền lều trôi nổi trên sông, quanh năm suốt tháng lênh đênh trên mặt nước, sống tạm bợ qua ngày. Nghề nghiệp chính của họ cũng là nhặt rác ở chợ Long Biên và chài lưới.

Cả xóm có tất cả 14 gia đình, trong đó có 16 trẻ em đang ở độ tuổi đi học nhưng không biết trường là gì, 9 đến 10 tuổi đã trở thành lao động trong gia đình.

Dân oan, ăn mày chuyên nghiệp

Thế nhưng, những người nông dân di cư bất hạnh ấy vẫn còn có cái gì đó để mà bám víu để tồn tại. Còn có những người nông dân khác mà khoảng từ hai thập niên nay được mang cái tên “dân oan”, cũng lên thành thị, nhưng bi kịch hơn nhiều.

Họ là những nông dân bị tước đoạt oan trái, bất công nhà cửa, đất đai hoặc đền bù không thỏa đáng. Ðơn khiếu nại của họ được chuyển hết các cấp, từ địa phương tới trung ương nhưng không được giải quyết. Mất phương hướng, từ khắp các địa phương ba miền họ rủ nhau ra Hà Nội với ước mong được các cơ quan đảng và chính phủ quan tâm tới, tạo thành một đội ngũ dân oan đông đảo, vô gia cư, cắm đại bản doanh ngay trên hè phố, công viên giữa lòng thủ đô.

Vấn đề khiếu kiện của nông dân có thể được xem là bi kịch nhất hiện nay. Theo ông Huỳnh Phong Tranh, tổng thanh tra chính phủ, từ năm 2008-2011, đã có trên 1,571,500 lượt người đến khiếu nại tố cáo và cơ quan nhà nước tiếp nhận, xử lý 672,990 đơn thư. Có tới 70% khiếu nại của công dân có liên quan đến đất đai mà nhiều nhất là khiếu nại về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất.

Các nhóm lợi ích, thân hữu đã bám chặt luật lệ bát nháo của bộ máy công quyền để thu hồi đất đai của nông dân. Vì đồng tiền, cả hệ thống sẵn sàng duy trì mọi hình thức cưỡng chế, tước đoạt, dùng công an, quân đội đàn áp dã man. Khi bị dư luận lên án, côn đồ lưu manh được đưa vào sử dụng.

Trong bài “Ðảng Cộng Sản Việt Nam phản bội nông dân” (Người Việt ngày 10 tháng 6, 2013) tôi đã trích lời bà Lê Hiền Ðúc, một công dân chống tham nhũng nổi tiếng. Với bài “Phản cách mạng đã rõ ràng” bà đã viết về vụ nhà nước CSVN huy động hàng ngàn công an trấn áp nông dân Văn Giang, lấy đất giao cho doanh nghiệp tư nhân:

“Cuộc cách mạng mà lớp người chúng tôi đã tham gia 60-70 năm trước nay đã bị phản bội một cách trắng trợn, triệt để. Công hữu, sở hữu toàn dân chỉ là chiêu bài để tư hữu hóa, tư nhân hóa, biến của chung thành của riêng”.

“Qua việc ‘tích cực’, ‘hăng hái’ tham gia các vụ cưỡng chế, thu hồi đất đai đối với người dân, những lực lượng mang danh ‘ủy ban nhân dân’, ‘công an nhân dân’, ‘quân đội nhân dân’, ‘viện kiểm sát nhân dân’, ‘tòa án nhân dân’... ở Việt Nam đã nghiền nát, phá sạch, đốt sạch chữ ‘nhân dân’ trong cái tên của chúng”.

“Ðã sống qua thời Việt Nam còn chịu ách cai trị của phong kiến, ách đô hộ của thực dân, phát-xít, đã hoạt động hậu địch trong kháng chiến, đã xem phim ảnh, nghe kể lại hoặc trực tiếp chứng kiến hàng trăm, hàng ngàn vụ chính quyền ‘của dân, do dân, vì dân’ cưỡng chế, thu hồi đất đai, nhà cửa, tài sản đối với người dân dưới chế độ xã hội chủ nghĩa, song tôi chưa bao giờ thấy người dân bị đàn áp một cách man rợ đến như thế, với quy mô lớn như thế!”

Trong Mùa Ðông lạnh lẽo, nhìn những túp lều che bằng vải ny lon, vá chằng vá đụp cùng với những dụng cụ nấu nướng và sinh hoạt đơn sơ của những dân oan trên vỉa hè Hà Nội, thấy rõ sự bất lực và bế tắc. Họ sống như thế. Mọi nhu cầu cá nhân đều được giải quyết ngoài đường, ngay giữa lòng Hà Nội.
Ðã có người chết. Ðó là bà Hà Thị Nhung, 76 tuổi, người Thanh Hóa, chết lúc công an bắt đưa đi sau khi giăng khẩu hiệu khiếu kiện.

Bà Nguyễn Thị Cúc một dân oan khác cùng đi kiện với bà Nhung trần tình rằng bản thân phải đi ăn xin, và “Ðảng và Nhà nước chẳng ai quan tâm đến”, nhưng bà vẫn “tin đường lối của đảng và tin sẽ giải quyết nên vẫn đang kiên trì đấu tranh”. Khi được hỏi tại sao bà chưa tìm đến luật sư, bà Cúc nói do bà không có tiền và vì tin tưởng đường lối của đảng nên cũng không muốn tìm đến ai cả.

“Bây giờ tôi cũng không biết là kêu đến đâu được, tôi cũng cứ tin tưởng, đi đúng đường lối và chủ trương của đảng. Nhưng bây giờ tôi yếu lắm rồi. Tôi chắc cũng chả được mấy năm nữa, tôi năm nay 74 rồi”, bà Cúc nói.

Họ vẫn kiên định bám trụ, vì chẳng còn nơi nào để trở về. Những đòi hỏi về công bằng xã hội của họ chỉ là ảo tưởng. Cuộc tranh đấu của họ là một cuộc chống chọi với cối xay gió của Don Kishot, muỗi đốt bê tông. Không tổ chức, không hội đoàn. Họ kiện tụng ai khi chính họ đã không còn trong bộ nhớ của nhà cầm quyền. Họ trở thành những người ăn mày. Ăn mày miếng cơm manh áo và ăn mày công lý.

Cuộc sống của họ là một con đường bất định, không có tương lai. Họ sống thác nhờ những gói mì từ thiện, những lon gạo của những người tốt bụng. Năm này qua tháng khác.

Cái hình Hồ Chí Minh đầu tỏa hào quang trên tấm pano to tướng như là sự phỉ báng ô trọc, mang tính biểu tượng, phản ánh đối chọi, mỉa mai và cay đắng.

Hàng triệu dân oan không thể trở thành một lực lượng phản kháng, bởi vì họ không có ai dẫn dắt, tổ chức, quy tụ. Họ vẫn mang nặng tư duy ấu trĩ và ngây ngô “tin tưởng ở đường lối đảng”, trong khi thực chất là một hệ thống mafia nhà nước, một băng đảng tội phạm có tổ chức. Tiếp tục một cuộc tranh đấu vô nghĩa trường kỳ như vậy, họ sẽ mãi mang thân phận của những người ăn mày chuyên nghiệp.

Lê Diễn Đức
Theo báo Tổ Quốc

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad