|
Các công trình sân vận động đang chạy nước rút
Nước chủ nhà chuẩn bị 12 sân vận động lớn để phục vụ cho Cúp thế giới 2014. Đây là mối lo lắng chính của Liên đoàn bóng đá thế giới, vì FIFA đã ấn định đến ngày 31/12 tới toàn bộ các sân vận động trên phải được bàn giao, để các nhà tổ chức có 6 tháng chạy thử thiết bị.
Thế nhưng, sau vụ tai nạn sập cần cẩu làm hai người chết trên công trường cải tạo sân vận động Sao Paulo hôm 27/11 thì chắc chắn tiến độ bàn giao của sân bóng đón trận khai mạc này sẽ bị chậm lại có thể tới 2 tháng. Đặc biệt khi xảy ra tai nạn các cơ quan chức năng của Brazil còn phát hiện ra dự án này có nhiều dấu hiệu không « bình thường », chẳng hạn như số chỗ ngồi trên sân đã bị giảm từ 51542 ghế xuống còn 46116 ghế.
Việc xây dựng một số sân vận động vẫn tiếp tục gây tranh cãi như ở Manaus thủ phủ của bang Amazonas (miền bắc). Nơi đây không có được một câu lạc bộ hạng nhất, nhưng 19 nghìn công nhân vẫn miệt mài từ nhiều năm qua để xây dựng sân Arena da Amazonia có sức chứa 44 nghìn khán giả và chỉ để đón có 4 trận đấu của Cúp thế giới, sau đó chắc chắn sẽ bỏ hoang.
Công trình này ngốn 211 triệu euros ngân sách nhà nước đã khiến người dân địa phương không khỏi bất bình. Một người dân trong vùng nói với hãng tin AFP rằng : « Người ta chi hàng triệu đô la trong khi mà người dân thì thiếu mọi thứ, họ đang còn bị đói, bị chết ngay trước cửa bệnh viện ».
Theo chính phủ Brazil, giá thành xây dựng sân vận động tính theo mỗi ghế của tổng số 12 sân vận động lớn gấp hai lần so với Cúp thế giới 2010 tại Nam Phi. Đó là chưa kể đến tham nhũng, nhất là từ khi Brazil cho thông qua luật không bắt buộc phải đấu thầu để khỏi tốn thời gian.
Đến lúc này mới có 6 sân vận động đã hoàn tất, còn lại 6 sân khác vẫn đang trong quá trình xây dựng với đánh giá khối lượng công việc hoàn thành khoảng trên dưới 90%.
Giá cả tăng vọt và giao thông quá tải
Nếu như năm 2007 khi được trao quyền đăng cai Cúp bóng đá thế giới người dân Brazil phấn khởi thì từ đó đến nay họ bắt đầu thay đổi thái độ. Niềm hân hoan trong những năm tháng dưới thời Lula đã nhanh chóng đi qua và cường quốc mới trỗi dậy ở Nam nam Mỹ bắt đầu phải đối mặt với những phẫn nộ xã hội chưa từng có khi Cúp bóng đá thế giới tới gần.
Đến lúc này, người ta lo ngại là phong trào xã hội chống đối hồi tháng 7 vừa qua chỉ là một cuộc tập dượt để sẵn sàng bùng phát giữa ngày hội bóng đá trước sự chứng kiến của hàng tỷ khán giả truyền hình trên hành tinh.
Đây sẽ là kịch bản tại hại nhất cho liên đoàn FIFA, bởi sự kiện bóng đá lớn nhất hành tinh này là con gà đẻ trứng vàng cho định chế quản lý bóng đá thế giới. Trong khi đó người dân thì sẽ phải hứng chịu hậu quả của việc giá cả tăng vọt.
Ở một đất nước mà đồng lương tối thiểu khoảng 230 euro thì với lạm phát đạt 6% như hồi tháng Sáu vừa qua đã khiến người dân không thể chịu đựng thêm được nữa. Từ năm 2008 đến nay, giá thuê nhà đã tăng 118%.
Tại Rio de Janeiro, giá khách sạn lúc này đã tăng 80%. Trung bình một phòng khách phải trả gần 250 đô la. Ngoài ra giá giao thông vận tải cũng tăng lên chóng mặt. Ở một đất nước rộng lớn như Brazil thì hàng không chiếm ưu thế gần như tuyệt đối.
Thế nhưng, ngay từ bây giờ các hãng hàng không nội địa đã tận dụng cơ hội để tăng giá vé mặc cho cơ sở hạ tầng của giao thông hàng không ở Brazil vẫn thuộc vào hàng chậm tiến. Vé máy bay từ Sao Paulo đi Rio đã tăng 30%. Trong một tháng diễn ra Cúp thế giới, nước chủ nhà hy vọng sẽ đón khoảng 600 nghìn người hâm mộ bóng đá đến từ các nước, cộng thêm vào đó 3 triệu fan Brazil, vì thế nhu cầu di chuyển trong thời gian này là rất lớn.
Cũng cần phải nói thêm là trong kỳ tổ chức Cúp bóng đá liên lục địa hồi mùa hè năm nay, một hình thức thử nghiệm cho Cúp bóng đá thế giới, với số lượng khách tham dự mới chỉ bằng 1/3 của Cúp thế giới thôi nhưng hệ thống giao thông của Brazil đã bị quá tải.
Mặc dù giờ đây, chính phủ Brazil đang cố gắng thương lượng với các hãng hàng không nội địa tăng chuyến bay và hạ giá vé trong thời gian diễn ra Cúp thế giới nhưng chắc chắn vấn đề giao thông vẫn là một thách thức lớn của nước chủ nhà từ nay đến khi ngày hội bóng đá khai mạc.
Quan hệ giữa FIFA và Brazil ngày càng xấu đi
Năm 2007, khi vừa được trao quyền đăng cai Cúp thế giới, chính phủ đã hứa sự kiện này sẽ lấy nguồn tài chính 100% từ tư nhân. Thế nhưng, trước sự hờ hững của các nhà đầu tư tư nhân, chính phủ đã phải nhiều lần xem lại kế hoạch và cuối cùng phải rút hầu bao chi phí xây dựng các sân vận động.
Trục trặc trong khâu huy động nguồn lực tài chính đã dẫn đến tình trạng tiến độ chuẩn bị trở nên chậm trễ và khiến cho quan hệ giữa FIFA và nước chủ nhà bị xấu đi nhanh chóng. Đỉnh điểm là năm 2011, Tổng thư ký của định chế bóng đá lớn nhất thế giới, ông Jérôme Valcke vì lo ngại trước tiến độ của các công trình chuẩn bị cho Cúp thế giới quá chậm chạp đã có những phát biểu chỉ trích chính phủ Brazil một cách không đúng mực khiến cho dư luận Brazil sôi lên sùng sục chống lại FIFA.
Mới đây danh thủ Brazil, Romario, nhà vô địch thế giới của năm 1994 đã viết trên một diễn đàn tranh luận của báo Le Monde rằng : « Tôi không nghĩ là Cúp bóng đá thế giới giải quyết được hết vấn đề của chúng tôi mà thậm chí sự kiện siêu lớn này có thể lại làm trầm trọng thêm những vấn đề đó ».
Danh thủ này giải thích thêm : « Chế độ của Lula đề nghị tổ chức một Cúp thế giới dựa trên sự tham gia chủ yếu của các tổ chức tư nhân và chi tiêu công phải minh bạch. Thế nhưng, mọi việc diễn ra hoàn toàn ngược lại ». Và Romario kết luận : « Đến lúc này, duy nhất chỉ có FIFA là vơ vét được lợi nhuận và cũng chính vì thế mà dân chúng xuống đường phản đối ».
Anh Vũ
Theo RFI
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét