CIA theo dõi sát trận Hoàng Sa 1974 - Tiến Bộ

Breaking

Home Top Ad

Post Top Ad

Thứ Hai, 30 tháng 12, 2013

CIA theo dõi sát trận Hoàng Sa 1974


Bốn mươi năm trước, Trung Quốc tấn công Hoàng Sa, đánh bật lực lượng hải quân Việt Nam Cộng Hòa đồn trú tại đó và chiếm đóng quần đảo này từ đó.

Trận hải chiến kéo dài chưa tới hai ngày dẫn đến việc Trung Quốc chiếm trọn quyền kiểm soát quần đảo này.

Điện tín của CIA cũng theo dõi phản ứng từ Bắc Việt khi đó

Bị ràng buộc bởi Hiệp định Paris, Hạm đội 7 Mỹ nằm ngoài khơi Thái Bình Dương không can thiệp một chút gì vào cuộc chiến này cả, nhưng điều đó không có nghĩa là Hoa Kỳ không quan tâm: Hồ sơ bạch hóa của CIA cho thấy họ theo dõi trận chiến và tường trình lên tổng thống Mỹ mỗi ngày.

Không phải tới năm 1973 Mỹ mới theo dõi tình hình Hoàng Sa.

Hầu hết những động thái trước đó của Trung Quốc liên quan đến quần đảo này đều được CIA ghi nhận, kể cả lời tuyên bố đường lưỡi bò 12 hải lý năm 1958.

Những thông tin này được tóm tắt trong bản Central Intelligence Bulletin (“CIB”), một bản tin tình báo hàng ngày của CIA nộp cho Tổng thống và các viên chức cao cấp.

Gia tăng hoạt động

Ngày 16 tháng 6 năm 1971, một bản CIB báo tin Bắc Kinh gia tăng hoạt động trong vùng quần đảo Hoàng Sa:

“Những đoàn công voa hải quân từ Yu-lin (Du Lâm) trên đảo Hải Nam hiện tới Hoàng Sa thường xuyên, nhất là Woody Island (đảo Phú Lâm), một trong những đảo lớn nhất trong nhóm. Bảo vệ đoàn tàu chủ yếu là tàu khu trục, là tàu chiến lớn nhất trong hạm đội Nam Hải của Trung Quốc.”

Bản CIB này cho biết Trung Quốc “đang xây một bến đậu, vét một con kênh, xây một cây cầu, và dựng nhiều tòa nhà mới trên đảo.”

Bản CIB cũng khuyến cáo là trong tình trạng nhiều nước cùng tranh chủ quyền Hoàng Sa, những hoạt động xây cất này củng cố thêm đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc.

Hồ sơ CIA cũng nhận xét rằng Trung Quốc từ nhiều năm đã giữ một đài truyền thông và quan sát trên đảo Phú Lâm và ngư dân Trung Quốc dùng Hoàng Sa làm nơi trú ẩn và lấy tổ yến.

Tới tháng 1/1974, giao tranh xảy ra giữa Trung Quốc và Việt Nam Cộng Hòa tại Hoàng Sa.

Bản tin CIB đề ngày 18/1 (giờ Washington, tức 17/1 giờ Việt Nam) báo động là “Trung Quốc và Nam Việt Nam có thể đã giao tranh hôm 16/1 vì Trung Quốc chiếm đảo Robert Island (đảo Hữu Nhật).

Sài Gòn (ý nói CIA tại Sài Gòn) báo cáo là binh sĩ Nam Việt Nam bắn vào phía Trung Quốc khi những người này dựng lều và cắm cờ trên đảo. Phía Nam Việt Nam cũng cho rằng quân Trung Quốc đã đổ bộ xuống hai đảo nữa trong nhóm đảo Lưỡi Liềm (còn gọi là Nguyệt Thiềm).”

Chiến hạm Nhật Tảo của VNCH đã tham gia bảo vệ Hoàng Sa
Bản tin CIB nhận xét rằng trước trận giao tranh này, vụ đụng độ duy nhất trước đó là năm 1959 khi phía VNCH bắt một số ngư dân Trung Quốc trong nhóm đảo Lưỡi Liềm và vài ngày sau thả họ ra.

Đến hôm sau, bản tin CIB ngày 19/1 báo tin “lực lượng Trung Quốc và Nam Việt Nam giao tranh trên một hòn đảo của Hoàng Sa, đươc cho biết là Duncan Island (đảo Quang Hòa). Bản tin này, với nhiều đoạn còn chưa được bạch hóa, đưa tin rằng có 74 thủy quân lục chiến Việt Nam đổ bộ lên đảo và “bị khoảng hai đại đội Trung Quốc bao vây.”

“Phía Nam Việt Nam báo tin có 3 thủy quân lục chiến bị giết và 2 bị thương, và hiện đã rút lực lượng ra khỏi đảo.”

Bản tin ngày 21/1, tóm tắt trận hải chiến, ghi nhận “quân đội Trung Quốc và Nam Việt Nam giao tranh hôm qua (tính ra là ngày 19/1) trong ngày thứ nhì, với phía Trung Quốc chiếm trọn phần kiểm soát quần đảo Hoàng Sa.”

Bản tin này, đi kèm một trang bản đồ Hoàng Sa, trích lời “phát ngôn viên Nam Việt Nam” cho biết:




Một bức điện tín khác đề ngày 21/1 cho rằng Bắc Việt Nam 'lúng túng' trước trận chiến Hoàng Sa"
“Phía Trung Quốc sau khi không kích vào sáng hôm qua thì tiếp theo với cuộc đổ bộ vào các đảo Pattle, MOney, và Robert (Hoàng Sa, Quảng Ảnh, Hữu Nhật). Các lực lượng hải và không quân của Sài Gòn đã được lệnh rút ra khỏi vùng này, và phía Nam Việt Nam đã bỏ lại quân đội trên đảo. Trong số người bị bỏ lại là một sĩ quan liên lạc người Mỹ, thuộc văn phòng tùy viên quốc phòng (DAO).”

Một số tài liệu khác cho thấy viên sĩ quan này khi đó đã giải ngũ, và trở thành một nhân viên dân sự của DAO tên là Gerald Kosh, sau đó có viết báo cáo chi tiết về trận chiến nộp cho Bộ binh Hoa Kỳ.

“Cho tới gần đây,” bản tin viết tiếp, “phía Nam Việt Nam chỉ duy trì sự hiện diện trên đảo Hoàng Sa. Sự xuất hiện của binh sĩ Sài Gòn trên các đảo lân cận có thể đã kích thích cho hoạt động quân sự của Bắc Kinh.”

Tới ngày 29/1, bản tin CIB cho biết Trung Quốc bắt đầu trả tù binh, khởi đầu với Gerald Kosh và năm quân nhân VNCH bị thương, sẽ được chuyển cho Hồng thập tự tại biên giới Hong Kong ngày 31/1.

CIA cũng quan tâm đến một chi tiết do một sĩ quan Việt Nam nói với phóng viên Washington Post, cho rằng vài ngày trước trận hải chiến, VNCH quan sát tàu chiến Liên Xô đi qua vùng biển này.

Bài báo này khiến CIA phải kiểm chứng lại, và trả lời trong một bức điện gửi từ trung tâm điều hành Operation Center của CIA đến phòng Situation Room của Nhà Trắng.

Bức điện tín đề ngày 23/1 bác bỏ chi tiết này và viết, “Không một chiếc tàu chiến Xô-viết nào đến gần quần đảo Hoàng Sa từ sau tháng 11 năm ngoái, dù có một tàu tuần dương, một tàu khu trục, và ba tàu ngầm đi băng qua biển Nam Hải (biển Đông) trên đường đến Ấn Độ Dương.

Liên Xô lo Trung Quốc

Hải quân Xô-viết tỏ ra đặc biệt không quan tâm đến vụ Hoàng Sa: Tàu Xô Viết neo ở biển Nam Hải để thu thập tình báo vẫn theo dõi căn cứ hải quân Hoa Kỳ ở Subic Bay, Philippines, thay vì sự việc ở Hoàng Sa.”

Bản đồ Hoàng Sa của Hoa Kỳ ghi nhận hoạt động xây cất từ phía TQ

Trong khi CIA tường thuật là cả Việt Nam Cộng Hòa lẫn Trung Quốc đều khẳng định chủ quyền tại Hoàng Sa, thì một bức điện tín khác đề ngày 21/1 cho rằng Bắc Việt Nam “lúng túng” trước trận chiến này.

Bức điện tín trích báo chí Pháp cho hay “nguồn tin được phép nói” (authorized sources) của Hà Nội phát biểu rằng giữ gìn chủ quyền lãnh thổ là một “nghĩa vụ thiêng liêng” của mọi quốc gia, nhưng ngược lại cũng cho rằng “những tranh chấp nhiều khi phức tạp đối với lãnh thổ và ranh giới giữa hai nước láng giềng cần được xem xét kỹ lưỡng và thận trọng.”

Liên Xô, ngược lại, không ngại ngần dùng trận chiến này để bêu xấu Trung Quốc.

Bản tin CIB ngày 21/3/1974 cho rằng: “Bộ máy tuyên truyền của Moscow đã dùng sự kiện Hoàng Sa và việc Trung Quốc ủng hộ phiến quân ở Miến Điện để lợi dụng sự nghi ngại truyền thống của Nam và Đông Nam Á đối với Trung Quốc.”

Bản tin này cũng cho rằng “Moscow có thể cũng lo ngại rằng việc Trung Quốc chiếm Hoàng Sa là bằng chứng của một sự hiểu ngầm giữa Bắc Kinh và Washington về khu vực.”

Bài viết thể hiện quan điểm riêng của nhà báo Vũ Quý Hạo Nhiên ở California, Hoa Kỳ. BBC sẽ tiếp tục đăng tải các bài về chủ đề hải chiến Trường Sa và tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông.

Xem thêm: 'Thái độ của Mỹ sau trận Hoàng Sa 1974', và 'Hà Nội im lặng nhưng không đồng tình'

Vũ Quí Hạo Nhiên
Theo BBC

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad