Ông Dương Trung Quốc: ‘Cần sớm có luật trưng cầu dân ý’ - Tiến Bộ

Breaking

Home Top Ad

Post Top Ad

Thứ Tư, 4 tháng 12, 2013

Ông Dương Trung Quốc: ‘Cần sớm có luật trưng cầu dân ý’


Ðại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc
Đại biểu quốc hội Việt Nam đã nêu ý kiến như vậy sau khi có các thông tin trái chiều về việc quốc hội Việt Nam tuần trước đã bỏ phiếu thông qua bản hiến pháp sửa đổi. Ông Quốc cho rằng cần phải thực tiễn hóa một trong các nội dung đã đề ra trong bản hiến pháp đầu tiên năm 1946 để người dân có thể thể hiện quan điểm của mình. Trước hết, ông Dương Trung Quốc giải thích lý do vì sao ông lại không biểu quyết thông qua dự thảo hiến pháp sửa đổi:

Ông Dương Trung Quốc: Tôi thì tôi nghĩ một cách hết sức đơn giản thôi. Tôi chưa cảm thấy thỏa mãn và tôi thấy lẽ ra có thể làm tốt hơn, nhất là với một văn kiện mà có ý nghĩa hệ trọng như thế đối với một quốc gia.

Trong đó, cái mà tôi chưa thỏa mãn lắm ở góc độ người làm sử, như tôi đã phát biểu với nhiều người, rằng không hiểu vì sao đây là lần đầu tiên một văn bản hiến pháp của một quốc gia lại nói thẳng nguyên lý thể chế hóa cương lĩnh của đảng, ở đây là đảng cầm quyền thôi. Vì vậy, tôi không nghĩ đây là một sự tiến bộ.

VOA: Thưa ông, nếu mà có một sự lựa chọn, thì ông mong muốn thay đổi nhất trong bản hiến pháp mới này là gì?

Ông Dương Trung Quốc: Trong quá trình thảo luận, rất nhiều vấn đề được đặt ra, nói một cách hình tượng là được nâng lên, đặt xuống.

Thí dụ như vấn đề đổi tên nước chẳng hạn. Lấy lại tên dân chủ cộng hòa hay là chúng ta duy trì tên gọi cộng hòa xã hội chủ nghĩa. Chúng tôi nghĩ rằng là cái lý tưởng xã hội chủ nghĩa có thể là tốt đẹp nhưng nó còn quá xa vời. Tại sao chúng ta không trở lại những giá trị nó đã từng phổ quát thế giới mà đã dẫn dắt dân tộc Việt Nam đi cả một chặng đường rất dài, ít nhất là cho đến năm 1976? Đấy là một trong các ý kiến thôi.

Thứ hai nữa là, còn không ít vấn đề còn đang dang dở. Cuộc trao đổi tôi cảm thấy còn chưa yên ổn, nhất là các vấn đề cụ thể, liên quan tới việc triển khai hiến pháp này, thí dụ như vấn đề chính quyền địa phương, vấn đề hội đồng nhân dân rồi kể cả các vấn đề liên quan đến vai trò của kinh tế nhà nước, sở hữu toàn dân…

Giá mà có một thời gian tốt hơn để mà làm cho đến nơi đến chốn thì chắc chắn giá trị của bản hiến pháp này nó sẽ có một đời sống lâu dài hơn, nhất là trong bối cảnh năm nay những thay đổi đang diễn ra hết sức mạnh mẽ.

VOA: Ngoài những điều ông cảm thấy chưa hài lòng, theo ông, có điểm nào đáng chú ý trong bản hiến pháp không, thưa ông?

Ông Dương Trung Quốc: Thực sự ra mà nói, nếu mà đi sâu vào, phải nói có rất nhiều thay đổi chứ. Ban đầu chỉ là vấn đề sửa đổi thôi, cũng như một lần sửa đổi hiến pháp 1992. Phải nói lần này là một nỗ lực không nhỏ.

Trong quá trình tôi theo dõi và trực tiếp tham gia một phần nào đó vào công việc này, phải nói rằng rất nhiều người nỗ lực muốn làm một cái gì đó để phù hợp với quá trình thay đổi hiện nay. Nếu đọc kỹ bản hiến pháp hiện nay có thể thấy rất nhiều thay đổi chứ.

Thế nhưng mà tôi vẫn cảm thấy rằng các thay đổi ấy nếu nhận thức như là một bước chuyển cho sự phát triển của đất nước thì nó vẫn chưa đạt tới.

VOA: Theo ông, vì sao lại có nhiều người lên tiếng không đồng tình với việc tuyệt đại đa số đại biểu quốc hội bỏ phiếu tán thành hiến pháp sửa đổi?

Ông Dương Trung Quốc: Rất khó để có thể đánh giá nhiều người không đồng tình. Anh căn cứ vào đâu? Còn nêu dư luận xã hội, nhất là trên các phương tiện thông tin đại chúng, thì rất khó định lượng.

Chính vì thế, tôi rất mong muốn, và điều này tôi đã nói ở quốc hội là nên sớm thực tiễn hóa một trong các nội dung đã được đề ra từ bản hiến pháp đầu tiên năm 1946, tức là sớm có luật trưng cầu dân ý để mà người dân có thể thể hiện quan điểm của mình và người ta định lượng được.

Chứ bây giờ bên này thì nói rằng là toàn thể nhân dân nhất trí nhưng bên kia thì bảo rằng là số đông dân nhân không tán thành. Cái điều đó tôi không bình luận.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad