Phải chăng Đảng CSVN đã thất bại trong việc bảo vệ chủ quyền? Hay là nền ngoại giao Câu Tiễn? - Tiến Bộ

Breaking

Home Top Ad

Post Top Ad

Thứ Hai, 30 tháng 12, 2013

Phải chăng Đảng CSVN đã thất bại trong việc bảo vệ chủ quyền? Hay là nền ngoại giao Câu Tiễn?



Xin thưa với các tiến sĩ, giáo sư của báo Nhân Dân, Quân đội Nhân Dân. Đây chỉ là câu hỏi giả thiết. Quý vị đừng nhảy cẫng lên chụp mũ chống Đảng, chống băng nhóm gì cả. Câu chuyện có nguyên nhân của nó.

Chả là chúng tôi, những người biểu tình phản đối quân Trung Quốc xâm lược. Khi bị bắt vào trại Lộc Hà, bị cơ quan an ninh xét hỏi. Trong quá trình bị xét hỏi kèm với việc giải thích, tuyên truyền đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước về bảo vệ chủ quyền. Các cán bộ an ninh đưa ra một lý lẽ rằng.

"Giờ chúng ta muốn bảo vệ đất nước, phải giữ ổn định chính trị. Vì sao, vì giữ ổn định chính trị mới phát triển được kinh tế. Có kinh tế mạnh thì chúng ta mới có vũ khí, có phương tiện để bảo vệ chủ quyền..."

Cá nhân tôi đồng ý với lý lẽ của cán bộ an ninh, mặc dù tôi biết lịch sử khi thành lập nhà nước này, kinh tế gần như con số không. Nhưng nhờ ngoại giao được với các cường quốc cộng sản anh em, Việt Nam có được pháo 105 ly, xe tăng, tên lửa... để chiến đấu. Mặc dù nền kinh tế Việt Nam lúc đó đến cái xe đạp cũng không sản xuất được ra hồn.

Cuộc biểu tình đầu tiên chống quân Trung Quốc xâm lược nổ ra năm 2007, đến năm 2009 tôi bị bắt vì tội in áo Hoàng Sa- Trường Sa- Việt Nam... rồi đến năm 2011, năm 2012 cuộc biểu tình như thế lại nổ ra. Tôi lại bị bắt vì tội biểu tình Hoàng Sa - Trường Sa. Phải nói một điều đôi khi trước lúc bắt người biểu tình, chính quyền đã dùng loa trên xe ô tô công an để thuyết phục rằng hành động biểu tình của chúng tôi là gây rối trật tự công cộng, có đánh giá tinh thần yêu nước, nhưng chuyện bảo vệ chủ quyền nhà nước có đường lối bảo vệ.

Trong ngần ấy năm bức xúc vì chuyện chủ quyền tôi vẫn nghe lập luận quen thuộc và rất có lý của cơ quan an ninh.

- Kinh tế phải mạnh mới bảo vệ chủ quyền, giờ phải khéo léo giữ hòa bình để tranh thủ phát triển kinh tế mạnh lên, có tiền mua tàu, tên lửa, khí tài, nuôi quân đội... giờ Đảng và Nhà Nước đang phải lo lắng như thế, các anh đừng nóng vội làm mất trật tự xã hội, khiến cho tình hình bất ổn hơn.

Giờ nhìn lại đã mấy năm trôi qua, nền kinh tế của Việt Nam phát triển hay là lụi bại?

Nếu nền kinh tế của chúng ta không phát triển, thậm chí lụi bại, đời sống cán bộ, nhân dân, chiến sĩ khó khăn hơn. Mọi thứ tăng giá nhiều hơn, thu phí nhiều hơn thì rõ ràng nền kinh tế không phát triển mạnh mà đang vào chỗ suy yếu. Phải suy yếu thì nợ công mới đầm đìa, mới phải tái cơ cấu, mới phải bán cổ phần của các tập đoàn, doanh nghiệp lớn. Mới phải tìm cách huy động vàng trong dân để làm vốn nhà nước. Hàng loạt doanh nghiệp phá sản, giải thể....

Và nói gì thì nói, thực tế một điều là nền kinh tế chúng ta đi xuống.

Nếu vậy, phải chăng chiến lược phát triển kinh tế để đảm bảo chủ quyền đã thất bại? Rõ ràng theo lập luận các anh đưa ra, phát triển kinh tế để bảo vệ chủ quyền. Thì mệnh đề phát triển kinh tế đã không thành, vậy mệnh đề bảo vệ chủ quyền suy ra cũng thất bại theo?

Ngoài một điểm sáng là phát biểu của bộ trưởng quốc phòng Phùng Quang Thanh mới đây tại hội nghị quân chính toàn quân, ông Thanh khẳng định kiên quyết giữ vững chủ quyền biển đảo. Và tàu ngầm Kilo về tới Việt Nam. Tàu ngầm là một chương trình có từ lâu, còn mục tiêu quân đội của ông Thanh lẽ ra phải nhắc thêm trong trách của quân đội rất nặng nề nữa là bảo vệ Đảng, bảo vệ CNXH, sẵn sàng dập tắt biểu tình, bạo động... Những điểm này sáng nhưng chưa tỏ, vì chẳng mới mẻ gì và cũng chẳng hơn gì so với trước. Và nó cũng chẳng đủ để chứng minh luận thuyết kinh tế phát triển mạnh để bảo vê chủ quyền.

Giá như khi tàu ngầm Kilo về tới Việt Nam, giá cả viễn thông, xăng dầu... không tăng vọt. Giá như cả chính phủ phải nhẫy cẫng lên mừng như bắt được vàng vì ngân sách thu hoàn thành kế hoạch. Giá như người công nhân không phải nhận gạch, nước mắm thay tiền thưởng Tết...

Có lẽ Đảng đã thành công trong việc phát triển kinh tế để bảo vệ chủ quyền.

Nền ngoại giao Câu Tiễn

Ngoại giao khéo léo là một trong những biện pháp mà ĐCSVN ca ngợi trong việc bảo vệ chủ quyền. Đó là tăng cường hiểu biết hai nước, tăng cường quan hệ toàn diện từ văn hóa, kinh tế, quân sự, chính trị...

Một ông đại sứ ở Trung Quốc hàm tương đương thứ trưởng mà phải nói

“Chính sách nhất quán của Việt Nam là coi trọng phát triển quan hệ hữu nghị, tăng cường hợp tác toàn diện với Trung Quốc. Chúng ta không có hai lòng. Thúc đẩy quan hệ hữu nghị, hợp tác toàn diện với Trung Quốc cũng góp phần vào hòa bình, ổn định trong khu vực và thế giới”.

Xưa nay chuyện ăn ở một hay hai lòng, chỉ dành cho kẻ đầy tớ, bầy tôi. Lẽ nào ở cấp hàm tương đương thứ trưởng ngoại giao, một ông đại sứ không biết về câu cú, chữ nghĩa lại đi sử dụng từ "hai lòng" trong một mối quan hệ tưởng là phải bình đẳng giữa hai nước? Người ta nói một lòng thờ bố, một lòng thờ chủ, một lòng thờ vua... có ai nói một lòng thờ bạn đâu. Với bạn bè chỉ cần chí tình, chí nghĩa là đủ. Trong quan hệ vợ chồng có sử dụng từ một lòng, hai lòng. Nhưng đó dành cho người vợ, vì vai trò người đàn ông trong lịch sử như vai trò của một ông chủ. Người ta khen vợ ăn ở một lòng, không hai lòng hai mặt với chồng là vậy.

Ở quan hệ ngoại giao hai nước có lịch sử văn hóa truyền thống phong kiến, đều biết rõ về sự một lòng, hai lòng là chỉ quan hệ cấp bậc phân chia thế nào. Vậy ông đại sứ Thơ địa diện cho VN nói câu vậy, thì ông định xếp vai vế Việt Nam với Trung Quốc là gì?

Một ông Vũ Xuân Hồng, chức danh là Chủ tịch các hội liên hiệp hữu nghĩ Viêt Trung trả lời báo Tuần Vietnamnet rất chi tiết về ơn nghĩa, công lao của Trung Quốc đối với Việt Nam, ông Hồng kể rõ tên từng địa danh, công trình mà Trung Quốc giúp Việt Nam từ đời nảo đời nào.

"Chúng ta vẫn còn đó bao công trình lớn của Trung Quốc xây dựng trong quá trình xây dựng xã hội chủ nghĩa: nhà máy thép Thái Nguyên, sợi Nam Định, phân đạm Hà Bắc... các công ty Trung Quốc vào Việt Nam làm ăn. Biên giới mở cửa để hai nước giao thương buôn bán, hòa bình hữu nghị. Đó là nền tảng lâu dài cho nhân dân cả hai bên. Dứt khoát không nên dấy lên điều gì có thể dẫn đến xung đột."

Thế nhưng chủ quyền của đất nước ông đấy, đang có vấn đề gì, ở đâu, quân Trung Quốc đóng chỗ nào, khoanh vùng chỗ nào, bắn ngư dân Việt lúc nào, thời điểm nào. Ông Vũ Xuân Hồng không nhớ, trái lại ông lại mập mờ nói:

"Biển Đông là một trong những câu chuyện nhạy cảm, phức tạp; nhưng đừng để ảnh hưởng đến đại cục. Chúng ta còn có bao nhiêu lĩnh vực cần cùng nhau phát triển: kinh tế, xã hội, chia sẻ kinh nghiệm, hợp tác phát triển..."

Chủ quyền rõ ràng, sao lại là câu chuyện nhạy cảm, phức tạp. Cách mà ông Hồng nói khiến người ta cảm giác câu chuyện chủ quyền là một câu chuyện có lỗi, vấn đề chủ quyền là vấn đề không hay, không nên nhắc đến làm gì. Tại sao ông không kể rõ chi tiết địa danh, thời điểm của vấn đề biển đảo rành rọt như ông kể tên các công trình Trung Quốc giúp Việt Nam?

Lịch sử có nền ngoại giao nín nhịn của Câu Tiễn của nước Việt. Nhưng Câu Tiễn nằm gai, nếm mật, Hàng đêm ngửa cổ nhắc với trời đất mối thù bị mất đất.

Câu Tiễn không nhịn nhục để sắm biệt thự, để mua nhà cho bồ nhí, để mua những món ngon vật lạ trong thiên hạ. Câu Tiễn cũng chẳng vun vén cho con cái nắm những vị trí hái ra tiền. Toàn quân, toàn dân nước Việt của Câu Tiễn ngày đêm cày cấy, tăng gia phát triển kinh tế để nước giàu, quân mạnh. Vua quan nước Việt của Câu Tiễn cùng mặc áo vải gai, cùng dệt vải, cày cấy với dân. Câu Tiễn cũng không gửi con sang Hoa Kỳ với số vốn chuyển theo đề lo chỗ mới làm ăn.

Và đương nhiên chấp nhận nền ngoại giao nhịn nhục để phục quốc, Câu Tiễn ngày ăn cơm rau dưa không quá hai món, sẽ không béo múp ngón tay như Vũ Xuân Hồng...


Câu Tiễn mặc áo gai, làm sao bóng bảy, tóc tai mượt mà, mày râu nhẵn nhụi như đại sứ Nguyễn Văn Thơ.


Vậy thì nền ngoại giao khéo léo của Việt Nam với Trung Quốc là gì? Tất nhiên với những gì chúng ta thấy, nó chẳng phải là nền ngoại giao nhịn nhục để mưu đồ quật khởi như Câu Tiễn.

Một nền ngoại giao sáng tạo.

Đơn giản tên gọi của nó là thế thôi.

Tái bút: Đây chỉ là những suy nghĩ cá nhân, phiến diện, chủ quan và thiếu dẫn chứng. Bài viết mang cảm tính hơn là biện chứng khoa học. Bởi người viết trình độ hạn hẹp, chỉ nói vấn đề theo góc nhìn hạn chế của mình. Không phải là quan điểm của những nhà đấu tranh dân chủ, đấu tranh cho tiến bộ xã hội, đất nước. Những nhà đấu tranh đó ở một tầm cỡ lớn hơn nhiều người viết bài này. Vài lưu ý cho bạn đọc khỏi đánh giá lẫn lộn vàng thau.

Người Buôn Gió
Theo blog Người Buôn Gió

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad