|
Theo báo Tuổi Trẻ, đoàn Đại biểu Quốc hội đơn vị Thành phố Đà Nẵng nhận được hàng loạt phản ánh của cử tri về “tham nhũng, bức xúc về thực trạng đội ngũ cán bộ, công chức ngày một phì to ra nhưng hiện có một bộ phận không nhỏ cán bộ công chức đến cơ quan chỉ để ngồi chơi xơi nước.”
“Đông đảo cử tri cũng mong muốn, cơ quan tố tụng cần sớm đưa các vụ án tham nhũng lớn ra xét xử để lấy lại lòng tin của nhân dân.
“Sắp tới đây sẽ đưa ra xét xử thêm các vụ án tham nhũng nữa. Cụ thể ngày 12-12 sẽ đưa ra xét xử vụ án Dương Chí Dũng (nguyên cục trưởng Cục hàng hải Việt Nam), còn vụ án Bầu Kiên cũng đưa ra xét xử trước tết âm lịch,” ông Nguyễn Bá Thanh được Tuổi Trẻ dẫn lời.
Hồi tháng Chín Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang yêu cầu sớm kết thúc điều tra vụ tham ô tại Vinalines và sớm đưa ra xét xử trong năm nay.
Báo chí Việt Nam cũng nói về những "đại án" mà nhà chức trách thấy có nhu cầu cần phải xét xử sử sớm.
Trước đó, Viện kiểm sát nhân dân tối cao nói đã có kết luận điều tra, hoàn tất cáo trạng sáu "đại án" để đem ra xử trong năm 2013.
Vào ngày 27/11, hai cựu lãnh đạo công ty Vifon bị phạt 30 năm và 22 năm tù, khép lại một vụ án tham ô kéo dài nhiều năm.
'Chìm xuồng'
|
Mới đây cựu lãnh đạo Vinalines Dương Chí Dũng và chín người khác bị truy tố sau khi cơ quan tố tụng đã xác định được điều họ gọi là "hành vi cụ thể của từng bị can”.
Ông Dũng bị truy tố hai tội danh Tham ô tài sản và Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Cáo trạng xác định Dương Chí Dũng đã tham ô 10 tỉ đồng và các bị can phải liên đới bồi thường khoản tiền thiệt hại gần 339 tỉ đồng trong đó có thương vụ nhập khẩu thiết bị để sửa chữa tàu thủy được biết đến với tên gọi ụ nổi 83M mà ông Dũng và những người khác bị cáo buộc đã "thổi giá" lên gần 20 triệu USD.
“Bộ Giao thông Vận tải đã không cập nhật, kiểm tra, giám sát để Vinalines xảy ra nhiều sai phạm, gây hậu quả thiệt hại rất lớn nên phải kiểm điểm, có biện pháp xử lý nghiêm đối với những cán bộ có liên quan,” cáo trạng cho hay.
Gần đây một đại biểu quốc hội Việt Nam cũng đã đặt câu hỏi về quyết định của Bộ trưởng Giao Thông Vận Tải Đinh La Thăng đưa ông Dũng về ghế Cục trưởng Cục Hàng hải mặc dù biết có việc thanh tra Vinalines vào thời điểm ông còn là lãnh đạo tập đoàn có nhiều bê bối này.
|
Vụ Bầu Kiên được dư luận trong ngoài nước quan tâm theo dõi bởi một số nhà quan sát cho rằng đây là hệ lụy của cuộc tranh giành quyền lực và đấu đá nội bộ trong giới lãnh đạo cấp cao của Việt Nam.
Khi xảy ra vụ bắt doanh nhân Nguyễn Đức Kiên vào hồi tháng 8/2012, nhà quan sát Việt Nam có tiếng Carl Thayer từ Học Viện Quốc phòng Úc, giải thích về điều ông gọi là "Rõ ràng là ông Kiên đã bị đánh úp."
"Không ai ở Việt Nam có được tài sản lớn mà không có quan hệ mật thiết với các thành viên quyền lực của Đảng Cộng sản Việt Nam. Không ai tầm cỡ như ông Kiên có thể bị bắt mà không có chuẩn thuận chính trị từ các cấp cao nhất," giáo sư Carl Thayer bình luận.
Còn luật sư Lê Quốc Quân, hiện đang bị bắt về tội "trốn thuế", nói rằng 'Vỡ quẻ Bầu Kiên' chỉ là cuộc chiến mini trong bài viết gửi BBC.
Theo BBC
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét