Vinalines: Án tử hình rồi sao nữa? - Tiến Bộ

Breaking

Home Top Ad

Post Top Ad

Chủ Nhật, 29 tháng 12, 2013

Vinalines: Án tử hình rồi sao nữa?


Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc bị tuyên án tử hình. Tiếng nức nở của vài gia đình lạc lõng trong tiếng hoan hô của muôn vạn người khác!

Đây là lần đầu tiên Việt Nam có án tử hình tham nhũng kể từ năm 1950.

Dẫu sao cũng mạng người. Trước hết tôi xin chia sẻ nỗi đau thương với người thân hai tử tội.

Mạng người hết sức quý giá. Nhưng kỷ cương của đất nước, sự nghiêm minh của pháp luật, lẽ công bằng của Trời Đất còn quý hơn nhiều.

Nghĩ đến người dân quanh năm suốt tháng làm lụng đầu tắt mặt tối, đổ mồ hôi, sôi nước mắt, chắt bóp cả đời cũng không bằng được một mẩu móng tay mà Dương Chí Dũng và đồng bọn sung sướng hưởng thụ ai mà không sôi máu?

Nghĩ đến vùng sâu trăm ngàn thiếu thốn, dân nghèo cơm chưa đủ ăn, người bệnh nặng không tiền mua thuốc, công nhân viên chức giật gấu vá vai, đồng bào thiên tai thiếu tiền cứu trợ còn họ tiêu hoang hàng trăm tỷ ai mà chẳng ứa gan?

Thế nên bản án phán ra biết bao người vui lòng hả dạ.

Tin được không?

Ông Nguyễn Bá Thanh đã đích thân đến theo dõi phiên tòa xử Dương Chí Dũng
Có một thực tế là án tử hình ở Việt Nam năm nào cũng có nhưng tử hình vì tham nhũng thì phải đến sau 63 năm mới có!

Mà đâu phải Việt Nam là xứ sở thanh liêm gì cho cam mà 'nhung nhúc một bầy sâu', 'ăn không chừa cái gì của dân' như lời các vị lãnh đạo đã thừa nhận.

Dễ hiểu vì sao không ít người cho rằng sẽ có 'phúc thẩm, giảm án', sẽ được 'ngồi tù, ân xá', rồi sẽ sớm 'về nhà, hưởng thụ'.

Có người còn nói ngày nào còn Dương Chí Dũng thì họ còn chưa tin có chuyện tử hình.

Cá nhân tôi tin rằng Đảng đang thật sự có quyết tâm chống tham nhũng, ít nhất cũng vì sự tồn vong của Đảng vào lúc này.

Tham nhũng tràn lan - lòng dân phẫn nộ thế nào chắc chính quyền hiểu rõ, cho nên hai mạng người vào lúc này quả rất đúng lúc để xoa dịu lòng dân đang sục sôi.

Có người cho rằng chính quyền đang dùng kế 'Tào Tháo mượn đầu Vương Hậu'. Tôi thì không nghĩ như vậy.

Đây là chuyển biến lớn từ sau khi công cuộc chống tham nhũng của Đảng đi vào quy củ: Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng tái cơ cấu, Ban Nội chính tái lập, Nguyễn Bá Thanh ra Ba Đình.

Tám 'đại án' đã được khoanh vùng. Vinalines mới chỉ là mở màn. Sẽ còn nhiều màn nữa. Sẽ có nhân vật từng là ủy viên Trung ương Đảng như ông Trần Xuân Giá ra công đường. Hứa hẹn sẽ có nhiều gay cấn để mọi người theo dõi.

Trong bối cảnh đó, ông Nguyễn Bá Thanh đi Trung Quốc tiếp xúc với Ban kỷ luật và Ban Chính pháp của nước này trong lúc họ đang có chiến dịch đánh cả 'ruồi và hổ' - nghe phong thanh đụng đến cả cựu ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị.

'Phiên tòa của Đảng'

Đến nay cái ụ nổi này được cho là đã làm tiêu tan của Nhà nước trên 500 tỷ đồng
Rõ ràng Đảng đang hành động. Tôi cho rằng đây là nỗ lực đáng hoan nghênh và khích lệ.

Xét hệ thống ở Việt Nam 'tam quyền như một', quyền nào cũng là quyền của Đảng, thì chắc chắn trong vụ án to như Vinalines không tránh khỏi bàn tay chỉ đạo của Đảng.

Ông Nguyễn Bá Thanh đã đến dự Tòa. Chứng tỏ Đảng giám sát rất sát sao. Đảng đã quan tâm sát sao mà không chìa tay vào mới lạ.

Cho nên bản án không hoàn toàn khách quan mà ít nhiều thể hiện ý chí của Đảng. Tòa chỉ xử những gì Đảng muốn xử và dân chỉ biết những gì Đảng muốn cho dân biết.

Có những điều tôi muốn biết rõ hơn nhưng theo dõi phiên tòa tôi cảm thấy tù mù hơn.

Đầu dây mối nhợ của tất cả mọi việc 'tham ô' và 'làm trái' là cái ụ nổi 83M.

Nhưng căn nguyên của ụ nổi này là Dự án Nhà máy sửa chữa tàu biển phía Nam. Phải có dự án này thì mới được nhập về ụ nổi dùng trong việc sửa chữa tàu thuyền.

Dự án này từ đâu mà có? Các cấp có thẩm quyền có biết, có phê duyệt hay không?

Có hai điểm cần lưu ý trong lời khai của Dương Chí Dũng về dự án này.

Dương Chí Dũng cho là mình đã bị cấp dưới 'qua mặt' trong thương vụ ụ nổi 83M
Trong lời nói cuối cùng trước Tòa được báo Tuổi Trẻ dẫn lại, Dương Chí Dũng nói: "do nhận thức của Hội đồng quản trị Vinalines hiểu về dự án đầu tư nhà máy sửa chửa tàu biển Phía Nam đã được Chính phủ và Bộ Giao thông vận tải đồng ý".

Bị cáo Dũng và toàn thể hội đồng quản trị đều hiểu là dự án đã được đồng ý. Vậy thì có căn cứ gì để họ 'tưởng là' như thế? Vấn đề này Tòa chưa làm rõ.

Thứ hai, trong một lời khai của bị cáo Dũng trong phiên xử đầu tiên được báo chí trong nước dẫn lại rộng rãi, ông nói 'có sai nhưng nay mới biết'.

Cái 'sai' mà bị cáo nói ở đây là mua ụ nổi khi dự án nhà máy 'vẫn chưa được phê duyệt'.

Lẽ nào một công chức cao cấp như ông Dũng cùng toàn thể Hội đồng quản trị lúc đó lại không thấy cái 'sai' này - cái 'sai' mà các điều tra viên đều biết?

Ông Dũng cũng được Tuổi Trẻ dẫn lời nói là đã 'báo cáo về dự án nhà máy sửa tàu với Chính phủ và Bộ Giao thông vận tải'. Đã báo cáo nhưng phản hồi thế nào? Nếu cấp trên không gật đầu với dự án thì Hội đồng Quản trị Vinalines có dám xúc tiến mua ụ nổi không?

Cho 'có sai nhưng nay mới biết' là một câu nói đầy ẩn ý của Dương Chí Dũng khiến người khác không khỏi nghi ngờ.

Ụ nổi và mớ rau

Ông Dương Chí Dũng được đưa lên ghế cục trưởng khi Vinalines bắt đầu bị thanh tra.
Một điểm khác cũng khiến tôi nghi ngờ là tại sao Tòa lại tranh cãi quyết liệt về chuyện cái 83M ấy là ụ nổi hay tàu biển.

Ở đây cần nhắc lại là Thủ tướng Chính phủ từng có nghị định không cho phép nhập về tàu biển quá 15 tuổi. Nếu 83M là tàu biển thì rõ ràng ban lãnh đạo Vinalines cùng toàn bộ đăng kiểm và hải quan đã làm trái lệnh thủ tướng.

Theo tường thuật của báo chí trong nước thì việc định nghĩa 83M thế nào là một điểm tranh luận gay gắt nhất tại tòa mà cả hai bên xử và bên bị xử không ai nhượng bộ.

Tôi không hiểu về chuyên môn hàng hải nên không dám có ý kiến, nhưng tôi thấy lạ là những người nắm rõ nhất về vấn đề này là những chuyên gia trong lĩnh vực hàng hải, đăng kiểm, hải quan mà vẫn không cãi lại quan Tòa!

Tôi không có mặt tại tòa nên không biết được Tòa định nghĩa 83M là tàu biển thì có dẫn ra các yếu tố kỹ thuật gì để giải thích hay không chứ không thể nói một cách chắc nịch nhưng hồ đồ là 'ụ nổi 83 M không phải là tàu biển thì là mớ rau à?'.

Về phía đăng kiểm và hải quan, tôi hồ nghi là họ gây án vì động cơ gì? Cáo trạng không hề nhắc đến việc họ có nhận được cắc bạc nào không. Họ thừa biết nhập ụ nổi đó về sẽ gây thiệt hại lớn cho tài sản quốc gia mà vẫn cho qua không vì tư lợi gì cả thì thật khó hiểu!

Một điểm nghi vấn nữa là giải thích như thế nào về dáng vẻ bình thản, ung dung tự tại của Dương Chí Dũng trong suốt phiên tòa?

Rõ ràng khi bị nghị án và tuyên án tử hình thì ông ta vẫn dửng dưng như không, không hề mảy may xúc động. Ông ta là người sắt đá chăng?

Tử hình thì không sợ, vậy tại sao chỉ mới nghe sẽ bị truy tố và bị bắt thì đã 'lo sợ, hoảng loạn' rồi bỏ chạy như lời ông ta khai trước Tòa?

Nhân vật bí ẩn

Dương Tự Trọng sắp ra tòa vị tội tổ chức cho anh trai trốn ra nước ngoài
Một vấn đề quan trọng nhưng tiếc là chỉ được đề cập thoáng qua là 'ai là người mật báo tin cho Dương Chí Dũng bỏ trốn?'

Bị cáo Dũng quyết không khai nhưng nói là đã khai với cơ quan điều tra rồi. 'Đã khai rồi' nhưng đến giờ này khi chuẩn bị xét xử vụ 'tổ chức cho Dương Chí Dũng bỏ trốn' mà vẫn chưa chính thức truy tố ai về tội 'tiết lộ bí mật' thì hơi lạ.

Dù không biết người mật báo cho ông Dũng là ai, nhưng tôi tin rằng người bí ẩn này phải là người có chức trách cao nên mới nắm được thông tin mật như thế. Hơn nữa người này biết rõ Dương Chí Dũng phạm tội và muốn ông ta bỏ trốn.

Rõ ràng khi báo tin này người báo tin đang mạo hiểm phạm một tội lớn. Nếu ai đó nghĩ rằng ông Dũng vô tội thì họ sẽ không mạo hiểm như vậy.

Nhưng có thể bạn bè thân hữu hoặc ai đó chịu ơn nhà họ Dương 'vì nghĩa diệt thân' chăng? Nhưng một lần nữa, để báo tin này thì người đó phải biết ông Dũng có tội, tức là phải rất gần gũi với ông ta. Người gần gũi với bị cáo thì có thể tiếp cận thông tin điều tra hay không?

Việc bị cáo bỏ trốn khác nào đã thừa nhận tội trạng, nhất là một người có trình độ tiến sỹ như ông Dũng sao lại không hiểu điều đó?

Dù bị cáo Dũng có kêu oan như thế nào đi nữa thì tôi vẫn tin rằng ông ta có tội. Không phải vì quá trình xét xử của Tòa mà những chứng cứ rõ ràng trước mắt.

Cái ụ nổi hay tàu biển gì đó còn sờ sờ ra đó và vẫn tiếp tục 'bốc mùi hôi thối', hai căn hộ cao cấp trị giá 10 tỷ bị cáo Dũng mua cho bồ nhí bằng tiền mà vợ ông nhận là của mình mà khó có thể tin được có người vợ tốt đến mức đã không ghen lại còn bỏ số tiền lớn như vậy để mua cho vợ bé của chồng không những một mà hai căn hộ.

Các bị cáo Trần Hải Sơn và Trần Hữu Chiều cũng đã bán tài sản đền cho Nhà nước. Nếu không tham ô thì họ có bỏ tiền túi ra đền không? Bị cáo Chiều chỉ có vai trò nhỏ trong thương vụ 83M còn được chia thì các ông Dũng, Phúc có phần không?

Không hợp vai?

Dương Chí Dũng từng là một trong những đại biểu đi dự Đại hội Đảng lần thứ XI
Rõ ràng, trong vụ án Vinalines, thông qua Tòa án, Đảng đang đóng vai Bao Công bảo vệ sự nghiêm minh của pháp luật.

Thế nhưng, xét kỹ ra thì vị 'Bao Công' này không thể vô can mà đứng ra đảm bảo công bình cho được.

Đảng không thể xét xử một sai lầm mà chính Đảng cũng góp phần tạo ra sai lầm đó. Đảng xử tội Dương Chí Dũng thì ai xét lỗi của Đảng đây?

Ở đây tôi muốn nhắc lại câu nói mà Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng từng trả lời trước Quốc hội khi được hỏi về việc từ chức: "Nhiệm vụ là do Đảng giao phó".

Vậy khi Dương Chí Dũng bị xử tội, ông ấy cũng có thể nói là 'do Đảng giao' được vậy?




Trách Dương Chí Dũng tham thì cũng phải trách cái cơ chế đã tạo điều kiện cho cái tham đó hoành hành thì mới công bằng"
Trước hết, phải khẳng định rằng Dương Chí Dũng phạm tội thì trước hết là do chính bản thân ông ấy. Ông chỉ có thể tự trách mình tham lam mà thôi.

Tuy nhiên, một người sinh ra và lớn lên trong hệ thống của Đảng, được Đảng đào tạo, đề bạt, cất nhắc và còn đại diện đảng viên dự Đại hội Đảng lại phạm sai lầm nghiêm trọng thì Đảng không tránh khỏi trách nhiệm.

Dương Chí Dũng có thật sự tham ô hay không hay chỉ là 'không biết, không quan tâm, không can thiệp' trong vụ ụ nổi như lời ông ta kêu oan trước tòa thì cũng vẫn đáng thương cho tài sản của nhân dân: hoặc là bị bu vào xâu xé hoặc là bị mặc kệ chẳng ai ngó ngàng!

Ở đây tôi muốn đặt hai dấu hỏi lớn.

Mai Văn Phúc nói ông ăn chia gì trong vụ mua ụ nổi 83M
Nếu như ông Dũng không là chủ tịch doanh nghiệp Nhà nước mà là một công ty tư nhân hay cổ phần thì ông ta có sẵn sàng trả 9 triệu để mua món hàng 5 triệu hay không trong khi số tiền đó hoặc là của ông ta hoặc là của các cổ đông khác?

Nếu như không phải Dương Chí Dũng mà là một ai khác trong trường hợp ông ta thì của cải để như thế, lấy bỏ vào túi dễ như thế trong khi đồng lương công chức đời nào sắm được nhà đẹp xe sang thì có tham ô hay không?

Cái đó còn tùy vào mỗi người. Nhưng vụ hôi bia ở Biên Hòa cho thấy lòng tham là bản năng trong mỗi con người. Nó trỗi dậy trước khi chúng ta dùng lý trí để kiềm chế.

Mà của cải của Nhà nước, đồng tiền xương máu của nhân dân không thể đặt vào yếu tố may rủi - trông chờ vào liêm sỉ của người được giao giữ của được mà đến 99% là rủi.

Cho nên trách Dương Chí Dũng tham thì cũng phải trách cái cơ chế đã tạo điều kiện cho cái tham đó hoành hành thì mới công bằng.

Lỗ hổng nghiêm trọng




Tôi thì nghĩ cha ông hy sinh gây dựng chính quyền không có nghĩa con cháu được quyền dựa vào chính quyền đó mà hưởng thụ chứ đừng nói là ăn tàn phá hại."
Nhưng nếu nói 'Đảng không hợp vai' để xử Dương Chí Dũng thì chả lẽ ở các nước khác quan chức tham ô thì chính quyền cũng không thể đứng ra xử được sao?

Hệ thống tư pháp của người ta độc lập không có sự can thiệp của chính quyền. Bản thân Đảng cầm quyền mà cán bộ họ có lỗi nặng như vậy thì tất sẽ không yên với đảng đối lập ở Quốc hội và cũng sẽ không yên với người dân trong lần bầu cử sau.

Cứ nhìn vào các câu trả lời của đại diện các bộ chúng ta sẽ thấy hệ thống doanh nghiệp Nhà nước của chính quyền có lỗ hổng nghiêm trọng đến mức nào.

Khi Tòa hỏi Bộ Tài chính có kiểm tra hoạt động của Vinalines không thì đại diện bộ này được dẫn lời nói là 'không nắm được, không phát hiện và cũng không nhận được báo cáo'.

Thật không còn có câu trả lời nào có trách nhiệm hơn!

Bộ Giao thông-Vận tải cũng chẳng thua kém khi đại diện của họ nói 'họ không có quyền giám sát trực tiếp' mà phải là Thanh tra Chính phủ. Huề vốn!

Vinalines từng được trông đợi là trụ cột trong chiến lược kinh tế biển của Việt Nam
Vậy thì cơ quan nào có trách nhiệm quản lý số tiền hàng ngàn tỷ của dân đây? Tiếc là Thanh tra Chính phủ không có mặt tại Tòa để coi câu trả lời của họ đi đến đâu.

Mà nếu thật sự như Bộ Giao thông nói, một cơ quan quản lý ngành dọc của Vinalines mà không có trách nhiệm giám sát họ khó tránh khỏi các lãnh đạo Vinalines có thể thò tay lấy tài sản của Nhà nước dễ như lấy đồ vật trong túi!

Nhưng lỗ hổng lớn không chỉ có một.

Trong lời nói cuối trước Tòa, bị cáo nào cũng kể gia đình có công hay nhân thân tốt. Riêng Dương Chí Dũng thì 'gia đình nội ngoại hai bên đều là cách mạng'.

Tôi không rõ là khi những bị cáo này đem sự hy sinh của ông cha ra hòng gỡ gạc chút ít tội lỗi thì họ có xấu hổ không?

Tôi thì nghĩ cha ông hy sinh gây dựng chính quyền không có nghĩa con cháu được quyền dựa vào chính quyền đó mà hưởng thụ chứ đừng nói là ăn tàn phá hại.

Các bị cáo Vinalines đều có gốc gác. Các doanh nghiệp Nhà nước cũng đầy những người có gốc gác như thế. Mà đây là thành phần dễ sinh hư hỏng vì đa phần sẵn có tâm lý ỷ lại vào công lao tiền nhân.

Bổ nhiệm ra sao?

Các lãnh đạo ở Vinalines được tuyển chọn như thế nào?
Dựa vào thành tích gì mà Dương Chí Dũng lên làm người lãnh đạo cao nhất tại Vinalines, nắm số vốn mấy ngàn tỉ, nhân lực mấy ngàn người cùng mấy chục công ty?

Ông ta có dày dạn thương trường không? Có đề ra được chiến lược kinh doanh trước khi lên nắm quyền không? Có cạnh tranh với ứng viên khác không?

Các tập đoàn lớn trên thế giới đều tuyển dụng giám đốc điều hành (CEO) một cách công khai, minh bạch và cạnh tranh để chọn được người giỏi nhất, thậm chí cả người nước ngoài, để yên tâm trao gửi tài sản. Người được chọn phải làm việc với tinh thần trách nhiệm cao nhất vì nếu anh làm không xong sẽ bị sa thải.

Còn lãnh đạo các tập đoàn, các tổng công ty ở Việt Nam hiện nay có bao nhiêu người xuất thân từ quan chức bàn giấy? Quá trình bổ nhiệm họ dựa vào tiêu chuẩn và quy trình thế nào có ai biết không? Trong khi những vị trí đấy đều béo bở không ít người thèm thuồng.




Hoặc là Đảng bất lực trước nạn tham nhũng tràn lan để ảnh hưởng đến sự tồn vong của chế độ, hoặc là Đảng phải xử lý nặng tay với nhiều án tử hình cho cán bộ của mình. Đằng nào Đảng cũng đau đớn cả!"
Nói tóm lại nếu không có cơ chế giám sát chặt chẽ, không có cơ chế tuyển chọn người công bằng thì các doanh nghiệp nhà nước không khác nào những cái ổ đầy tiền giao vào tay con ông cháu cha tha hồ kiếm chác.

Cứ cách dùng người như thế thì ngoài kia còn bao nhiêu Dương Chí Dũng nữa trong hệ thống? Cứ ăn tiền dễ như thế thì bao nhiêu tiền của dân đã bị ăn hết rồi?

Đất nước còn nghèo muốn chi tiêu thêm cái gì cũng khó trong khi các doanh nghiệp nhà nước đã sai từa lưa lại còn phá nát tiền của dân mà Đảng không những không bỏ mà còn cho giữ vai trò chủ đạo và còn nói là dân muốn thế thì thật sự tôi không thể nào hiểu nổi.

Nếu còn duy trì hệ thống như hiện nay thì chắc chắn sẽ còn nhiều Dương Chí Dũng nữa. Hoặc là Đảng bất lực trước nạn tham nhũng tràn lan để ảnh hưởng đến sự tồn vong của chế độ, hoặc là Đảng phải xử lý nặng tay với nhiều án tử hình cho cán bộ của mình. Đằng nào Đảng cũng đau đớn cả!

Nguyễn Lễ
Theo BBC

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad