Người dân cũng có loáng thoáng nghe các Nhà Dân chủ nói rằng “Muốn tự do bình đẳng thì phải có nhà nước pháp quyền, chế độ chính trị đa nguyên”. Những khái niệm đó đối với họ còn mơ hồ, lại chưa thấy mặt mũi đâu, vậy nên giải pháp trước mắt vẫn là cứ năng đi chùa chiền. Không hiếm người, mồng một hay ngày rằm đều khoác áo nâu sồng mà trở thành con nhang đệ tử. Họ thắp nhang ở chùa, rồi tại gia, dù biết rằng làm vậy cũng chỉ để chạy trốn hiện thực mà thôi, còn bất công đau khổ thì vẫn cứ đeo đuổi như hình với bóng.
o0o
Thế rồi nổi khổ của người dân Việt cũng theo làn khói mà bay thấu tới thiên đình.
Bữa nọ Ngọc Hoàng vừa thiết triều vừa che miệng ho sù sụ, ngài lo lắng mà phán rằng:
- Không hiểu hạ dưới có chuyện gì mà họ hun khói lên đây nhiều thế? Cứ thế này thì ta lại bị bệnh viêm phổi và suy hô hấp mãn tính mất thôi.
Nam Tào sợ hãi quỳ xuống tâu:
- Khải bẩm Ngọc Hoàng. Theo chỗ thần được biết, thì đó là do người dân Việt Nam họ thắp nhang (hương) để mà thỉnh cầu người đó ạ.
Ngọc Hoàng dằn cơn ho:
- Họ thỉnh cầu... gì ta vậy?
Nam Tào cầm cái phất trần đón làn khói để ngửi, kế đó bấm đốt ngón tay nhẩm tính, rồi tâu:
- Dạ bẩm. Theo như làn khói này cho biết, thì dân Việt Nam muốn Ngọc Hoàng thấu cho nổi khổ của họ. Về nỗi Nhà nước hà hiếp và bóc lột người dân thậm tệ, bất công chồng chất. Tự do, dân chủ, nhân quyền đều không có, khiến cho họ không sống nổi. Làn khói còn nói rằng, dân Việt cầu cứu Ngọc Hoàng đưa thiên binh để mà thảo phạt nhà nước Cộng Sản ạ!
Tả hữu xì xầm bàn tán. Ai cũng ngạc nhiên vì hằng năm đảng Cộng sản vẫn đều đặn báo cáo lên thiên đình rằng: xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Báo cáo đi đường công văn chính thức hẳn hoi, có đâu theo kiểu thắp nhang khấn vái như người dân? Nhưng dù sao lòng dân cũng đã động tới thiên đình, khiến cho Ngọc Hoàng mắc bệnh viêm phổi mãn tính mà ho sù sụ thế kia. Chắc là có uẩn khúc chi đây?
Lúc này Ngọc Hoàng cũng đương bối rối:
- Các khanh có cách lý giải nào khả dĩ không? Bây giờ biết làm thế nào? Hãy nhớ là phải giải quyết thật thoả đáng để người dân Việt không thắp nhang khấn vái nữa, có thế thì bệnh ho của ta mới khỏi được.
Thiên Lôi vốn nóng tính, lúc này không còn nhịn được nữa, tay lăm lăm đôi búa sấm sét mà trợn trừng đôi mắt:
- Khải bẩm Ngọc Hoàng. Xin ngài cứ cho con xuống hạ dưới, giết hết bọn quan tham làm khổ dân, như thế là yên chuyện. Kính mong Ngọc Hoàng chuẩn tấu để thần chuẩn bị lên đường cho sớm ạ.
Nam Tào cũng quỳ xuống tâu:
- Theo ý thần thì Ngọc Hoàng nên chuẩn tấu cho Thiên Lôi. Giống Cộng Sản chuyên làm việc ác, nhưng lại khéo giả dối che đậy. Hằng năm chúng vẫn báo cáo lên Thiên Đình là nhân dân ấm no hạnh phúc, 99% đảng bộ trong sạch vững mạnh. Lừa dối Thiên Đình là một trọng tội, xem ra cái giống ngoan cố này nếu không sử dụng vũ lực sấm sét trừng phạt thì chúng không sợ đâu.
Sau lúc ngẫm nghĩ, vuốt chòm râu bạc phơ rồi Ngọc Hoàng phán:
- Thôi được. Ta cử Thiên Lôi xuống hạ dưới để mà thảo phạt đảng Cộng Sản vì cái tội bóc lột, đàn áp dân chúng. Nhưng nhớ là phải điều tra thực hư thật kỹ rồi mới ra tay, không được manh động nghe chưa.
Thiên Lôi mừng rỡ quỳ xuống tâu:
- Xin Ngọc Hoàng cứ yên tâm. Với đôi búa của thần thì bè đảng Cộng sản sẽ tan tành trong phút chốc. Người dân Việt Nam sẽ được giải cứu ngay thôi. Ngọc Hoàng hãy gối cao đầu mà chờ tin thắng trận của thần.
Vốn nóng nảy, nói rồi Thiên Lôi cắp đôi búa đi ngay. Ngọc Hoàng hốt hoảng dặn với theo:
- Bớ Thiên Lôi. Trận này chỉ được thắng, không được thua. Người dân Việt Nam có hết khổ thì Trẫm mới khỏi được bệnh ho nghe chưa...
o0o
Lại nói chuyện Thiên Lôi tuân lệnh Ngọc Hoàng mà cân đẩu vân ra đi. Lúc gần xuống đến hạ dưới thì trời đã tối. Từ trên cao nhìn xuống, chàng nhìn thấy quầng sáng rực rỡ một vùng. Xuống thấp hơn chút nữa để nhìn cho rõ, thì té ra là một cung điện, chung quanh đèn điện chiếu sáng trưng. Mặt trước cung điện có đề mấy chữ “Hội Trường Ba Đình”. Các cửa ngõ ra vào đều có lính gác đứng ken dày, khó mà lọt qua được, xe to xe nhỏ đậu kín cả một bãi mênh mông. Sau phút bối rối, chàng Thiên Lôi liền đáp xuống đất, rồi giả khách bộ hành mà tìm một ngôi nhà nghỉ bình dân gần đó để qua đêm. Buổi tối hôm đó, chàng hỏi chủ nhà trọ thì được cho biết rằng:
- Vậy chứ ông ở quê ra hay sao mà không biết? Đó là hội trường Ba Đình đấy, là nơi để trung ương nghị sự quốc gia và họp Quốc Hội. Mấy bữa nay đang diễn ra Đại hội Đảng đó. Chắc là quê ông chưa có điện, chứ cái hội trường này được quay lên ti vi nhiều lắm.
Rồi tối đó Thiên Lôi nằm nghĩ cách để mà ngày mai hành sự. Chàng dự định rằng, nếu điều tra rõ thực hư, nắm được tội trạng rồi, thì việc đầu tiên là đập ngay cái cái hội trường này tan thành tro bụi. Chỉ cần làm vậy thì lũ lâu la ở các tỉnh thành cũng sẽ tự tan rã thôi. Điều làm chàng băn khoăn nhất là làm sao có thể lọt vào đó mà điều tra? Mình có thể biến thành người đi dự họp, nhưng lại không biết cách xưng hô. Vì chàng xem ti vi, thấy Cộng sản toàn xưng hô với nhau nào là “đồng chí”, nào là “xây dựng nông thôn mới”, “học tập nghị quyết”, “học tập tấm gương”, “gia đình văn hoá”, “nếp sống văn hoá khu dân cư”...; nhiêu khê quá, ai mà nhớ hêt cho nổi. Rồi chàng chợt nghĩ ra một cách thông minh nhất, ấy là biến thành một phóng viên truyền hình. Như vậy là nhất cử lưỡng tiện, vừa dễ lọt vào bên trong vừa có chứng cứ bằng hình ảnh hẳn hoi để mà tấu trình với Ngọc Hoàng sau này. Nghĩ đến đó, chàng mới yên tâm mà thiu thiu chợp mắt.
Sáng hôm sau, sau khi ăn sáng và chào hỏi chủ nhà trọ, chàng Thiên Lôi liền lên đường làm nhiệm vụ cao cả của mình. Từ nhà trọ đến hội trường chưa đầy một cây số, cho nên chàng đi bộ qua đó. Gần đến nơi, chàng nấp vào chỗ kín mà biến hoá thành một phóng viên truyền hình VTV với đầy đủ phương tiện tác nghiệp trên tay.
Theo chân đoàn phóng viên, chàng vào đến hội trường. Tại đây họ đang tập trung để chuẩn bị cho buổi đại hội đảng. Thiên Lôi bắt đầu quan sát chung quanh, phía trên cung điện có treo tấm biển lớn “ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM QUANG VINH MUÔN NĂM”, bên cạnh là bức hình của ba người đàn ông râu ria rậm rạp mà chàng chưa hề biết và gặp mặt bao giờ cả. Những người dự họp thì ai cũng ăn mặc đẹp và béo tốt phương phi, đàn ông đàn bà đều như thế cả. Cung điện được trang hoàng lộng lẫy, các đại biểu ngồi trên những chiếc ghế bọc nhung và nỉ đỏ chót. Rồi buổi họp bắt đầu. Họ đứng dậy, mặt lạnh như tiền mà nghe hát quốc ca và quốc tế ca, kế đó lại lục đục ngồi xuống. Vị chủ toạ bắt đầu đọc diễn văn khai mạc, chàng nghe loáng thoáng họ gọi nhau là “đồng chí” (một danh từ nghe rất lạ tai), tuy nhiên chàng phải ghi nhớ để lúc phỏng vấn còn biết cách xưng hô.
Giờ giải lao là thời gian giành cho phóng viên, chàng cũng chớp lấy thời cơ này để mà tìm hiểu điều mình muốn biết. Cánh phóng viên ồn ào vây quanh phỏng vấn vị chủ tịch có tác phong oai vệ và quan trọng nhất. Bắt chước họ, chàng cũng làm theo như vậy. Khi đến phiên Thiên Lôi, chàng đặt câu hỏi cho vị chủ tịch nọ:
- Thưa đồng chí. Đồng chí có thể cho biết mối liên hệ giữa đảng Cộng sản với nhân dân. Dưới sự lãnh đạo của đảng thì hiện giờ cuộc sống của người dân Việt Nam ra sao?
Vị chủ tịch trịnh trọng trả lời:
- Chúng tôi là những người đầy tớ trung thành của nhân dân. Nhà nước này là nhà nước của dân, do dân vì dân, tất cả quyền lực thuộc về nhân dân. Đảng với nhân dân gắn bó máu thịt, ý đảng lòng dân chan hoà. Đảng yêu dân như con, vì thế mà nhân dân một lòng đi theo và bảo vệ đảng, không bao giờ nhạt phai. Dưới sự lãnh đạo của đảng, đời sống người dân luôn được ấm no hạnh phúc. Nhân dân một lòng tin tưởng vào đảng, vì vậy mà họ luôn “sống vui, sống khoẻ, sống có ích cho xã hội” để mà xây dựng chủ nghĩa Cộng sản. Hiện nay, dưới sự lãnh đạo của đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh, đất nước chúng tôi đang tiến hành sự nghiệp “công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước”, và đang thu được những thắng lợi vượt bậc. Tất cả những thành tựu vẻ vang đó sẽ làm tiền đề cho thời kỳ quá độ tiến lên chủ nghĩa xã hội. Mặc dù không ai nói ra, nhưng người dân luôn biết ơn sự lãnh đạo thiên tài và công lao trời biển của đảng Cộng Sản Việt Nam...
Vị chủ tịch nọ còn nói nhiều nữa nhưng Thiên Lôi chẳng thể nhớ hết được, với chàng như thế đã là quá đủ. Lúc này những tình cảm trái ngược đang đánh nhau trong tâm trí chàng. Vậy là sự thực đã rõ, ý nghĩ trừng phạt của chàng đã tan biến đi đâu mất cả, sự tức giận lúc này lại chuyển sang những người dân. Thì ra đám dân gian Việt Nam đã tấu sớ láo, phen này ta sẽ về nói rõ sự tình với Ngọc Hoàng để rồi trừng phạt chúng sau.
o0o
Chủ và Đầy Tớ |
- Ái khanh của ta trở về rồi. Khanh đã trừng phạt đám tội đồ dưới đó để mà chữa khỏi bệnh cho trẫm rồi chứ?
Thiên Lôi vội quỳ xuống, ngẹn ngào tâu:
- Khải bẩm Ngọc Hoàng, xin người hãy trị tội thần vì đã không hoàn thành trách nhiệm.
Cả Thiên Đình ai nấy đều ngạc nhiên, xưa nay Thiên Lôi bách chiến bách thắng, nay lại có kẻ ba đầu sáu tay còn giỏi hơn Tề Thiên Đại Thánh năm xưa? Thiên Lôi đã gặp phải đối thủ chăng?
Đợi cho tiếng bàn tán của các quan lắng xuống, Ngọc Hoàng mới hỏi tiếp:
- Chẳng lẽ đám tội nhân đó thần thông quảng đại, biến hoá khôn lường khiến cho khanh không thắng nổi?
Thiên Lôi là người nghĩa dũng cương cường, xưa nay chỉ thấy chàng nổi giận mà chưa ai thấy chàng khóc cả. Nhưng lần này thì người ta đã thấy nước mắt chàng rơi. Thiên Lôi mắt lệ chứa chan:
- Dạ bẩm Ngọc Hoàng, thần xúc động... xúc động lắm ạ!...
Ngọc Hoàng quá đổi ngạc nhiên, thực là sự lạ, ngài ôn tồn:
- Khanh cứ từ tốn mà kể mọi sự cho trẫm nghe xem nào.
Thiên Lôi nước mắt vẫn ròng ròng:
- Dạ bẩm. Thần đã điều tra kỹ lưỡng, dưới đó người Việt sống hạnh phúc ấm no lắm. Thần đã tận mắt chứng kiến những người khổ nhất, họ là đầy tớ của dân. Những người đầy tớ này ai cũng ăn sung mặc sướng, họp hành nơi cung điện xa hoa, ăn uống thì toàn cao lương mỹ vị, không thiếu thức gì. Dạ, đầy tớ mà như vậy thì chủ của họ (tức là người dân) chắc còn phải sướng gấp vạn lần như thế. Từ đó mà suy, thì người dân Việt Nam đã nói dối để mà lừa gạt Thiên Đình ta, tội đó đáng muôn chết ạ!...
Thứ tư, ngày 01 tháng một năm 2014
© Minh Văn
Minh Văn blog
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét