Của công còn nhiều tham nhũng còn lắm - Tiến Bộ

Breaking

Home Top Ad

Post Top Ad

Thứ Ba, 25 tháng 2, 2014

Của công còn nhiều tham nhũng còn lắm


Tham nhũng là vấn nạn của Việt Nam nhưng chúng ta đang chỉ chữa cái triệu chứng mà không chữa cái gốc rễ. Tưởng rằng tham nhũng là do suy thoái đạo đức, là sự lỏng lẻo của thể chế, nhưng thực ra là hậu quả của tư tưởng mà chúng ta đang lựa chọn.

Ảnh: càng nhiều của công càng nhiều tham nhũng (nguồn: internet)

Các chiến lược được thực hiện gần đây tập trung nhiều vào rèn luyện đạo đức của người cán bộ đảng viên. Tuy nhiên, con người thường hành động ích kỷ, vì lợi ích riêng của mình. Chính vì vậy, nếu hành vi của họ không bị kiểm soát thì họ sẽ tham nhũng. Từ đó, ngoài việc rèn luyện đạo đức và liêm chính của người cán bộ, chúng ta xây dựng thể chế để người có chức có quyền khó tham nhũng, nếu có tham nhũng thì dễ bị phát hiện, và bị trừng phạt để răn đe. Hiệu quả của các biện pháp này là rất ít, thể hiện ở việc tham nhũng ngày càng tràn lan, với mức độ nghiêm trọng ngày càng lớn. Chính vì vậy, chúng ta phải đào sâu hơn nguyên nhân gốc rễ của tham nhũng.

Ở Việt Nam tham nhũng và hậu quả của tham nhũng trở nên đặc biệt nghiêm trọng hơn do sự mập mờ trong sở hữu tài sản. Hiểu đơn giản, tham nhũng là quá trình chuyển tài sản từ sở hữu công sang sở hữu tư một cách bất chính. Tài sản công còn nhiều thì nguy cơ tham nhũng còn lớn vì không ai tham nhũng tài sản của chính mình cả (còn lấy của cá nhân khác thì là trộm cắp, cướp giật). Điều này càng nghiêm trọng khi văn hóa tham nhũng đã lan tràn, pháp luật phòng chống tham nhũng còn lỏng lẻo và thể chế kiểm soát yếu kém như Việt Nam.

Hai tài sản có nguy cơ bị tham nhũng cao đó là đất đai và nguồn lực trong các doanh nghiệp sở hữu bởi nhà nước. Về đất đai, hình thức sở hữu hiện tại là “toàn dân” và nhà nước đại diện đứng ra quản lý. Chính vì vậy, nhà nước, cụ thể là người đại diện cho nhà nước có quyền thu hồi đất đai (có đền bù) từ người sử dụng này (nông dân) và chuyển cho người sử dụng khác (doanh nghiệp). Trên thực tế, quá trình chuyển quyền sở hữu thường kèm theo kiện cáo vì người mất đất cho rằng mình bị đền bù không thỏa đáng, có những khuất tất trong việc quy hoạch hoặc áp giá, đặc biệt khi chứng kiến giá đất được tăng lên hàng chục lần sau khi chuyển đổi. Nếu là sở hữu tư nhân, việc thỏa thuận giữa các thực thể kinh tế sẽ được thực thi theo nguyên tắc thị trường, khi đó sẽ không có sự can thiệp của nhà nước và tham nhũng khó xảy ra trong các giao dịch đất đai.

Với các doanh nghiệp nhà nước, qua một số vụ tham nhũng điển hình như Vinalines, Vinashines hay quan chức có biệt thự khủng hàng chục tỉ đồng, chúng ta có thể thấy khối tài sản công đang được “chuyển đổi” theo nhiều cách khác nhau bất chấp các cuộc học tập, noi gương và rèn luyện đạo đức. Điều này nghiêm trọng hơn khi chính phủ vẫn bảo hộ các doanh nghiệp nhà nước, không để họ cạnh tranh bình đẳng với các doanh nghiệp tư nhân và nước ngoài. Khi đó, dù họ rút ruột doanh nghiệp có hệ thống nhưng doanh nghiệp không thể phá sản vì doanh nghiệp được hỗ trợ vốn, hoặc cho tăng giá sản phẩm ngay lập tức vì thế độc quyền. Chính môi trường “bao bọc” này là điều kiện thuận lợi cho tham nhũng phát triển.

Rõ ràng dù có học tập và noi gương ai, dù có xây dựng luật pháp phòng chống tham nhũng đến đâu, nếu các vấn đề cốt yếu như quyền sở hữu tư nhân, thị trường cạnh tranh bình đẳng, và vai trò can thiệp tối thiểu của nhà nước không được thực thi thì Việt Nam không bao giờ phòng chống thành công tham nhũng. Để giải quyết, Việt Nam nên cổ phần hóa và tư nhân hóa nhanh chóng các doanh nghiệp nhà nước, công nhận quyền sở hữu tư nhân về đất đai, thúc đẩy thị trường tự do, và tạo điều kiện cho các tổ chức xã hội dân sự phát triển để xã hội tự giám sát và điều chỉnh. Đây không những là cốt lõi của việc phòng chống tham nhũng, mà còn là cơ sở để phát triển một nền kinh tế cạnh tranh, một xã hội dân chủ và nhân văn.

Bình Lê
Theo Diễn Ngôn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad