Quân đội Nhật Bản diễu hành |
Việc kiến tạo một tổ chức đa quốc gia về an ninh quốc phòng, giống như mô hình NATO, có thể sẽ là một giải pháp để duy trì và bảo vệ nền hòa bình, ổn định, an ninh và thịnh vượng chung cho châu Á-Thái Bình Dương.
Ngày 4 tháng 4 năm 1949, Tổ chức Minh ước Liên phòng Bắc Đại Tây Dương ra đời, một phần hình thành để ngăn chặn sự bành trướng của Liên Xô cũ và thiết lập sự hiện diện của Hoa Kỳ ở châu Âu, phần nữa là để liên kết châu Âu hậu Đệ Nhị thế chiến tái thiết, đồng thời ngăn chặn làn sóng trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc cực đoan.
Mặc dù người ta có thể tranh luận không ngừng về tầm quan trọng của NATO trong thế giới ngày nay, tuy nhiên ở những nơi khác, thí dụ như ở châu Á-Thái Bình Dương, một liên minh như vậy có thể được chứng minh là rất cần thiết. Các quốc gia tham dự và cách thiết lập có thể sẽ khác, nhưng những thách thức vẫn y nguyên như cũ.
Quyết đoán và quan ngại sâu sắc
Sự trỗi dậy quyết liệt và quyết đoán ngày càng gia tăng của Trung Quốc đã hơn là những nỗi lo lắng hàng ngày, nếu không muốn nói là quá quan trọng đối với một số quốc gia trong khu vực. Việc hồi cuối tháng 11 năm 2013, Bắc Kinh đã đơn phương thiết lập “Khu vực nhận dạng phòng không” (ADIZ) ) trong khu vực Biển Hoa Đông, bao trùm các quần đảo tranh chấp ở Senkaku/Điếu Ngư với Nhật Bản, chỉ là một thí dụ điển hình.
Mới đây, bất chấp phản đối của Hoa Kỳ, Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 01/02/2014 đã ra tuyên bố cho biết là một vùng nhận dạng phòng không trên Biển Đông tuy chưa cần thiết, song Bắc Kinh cho rằng, họ có toàn quyền thiết lập khu vực này để « bảo vệ chủ quyền lãnh thổ » của Trung Quốc.
Làm sao có thể thương lượng tay đôi với Trung Quốc, khi họ được cho là quá lớn so với các nước láng giềng quá nhỏ, thí dụ như mối quan hệ Việt – Trung."
|
Philippines, quốc gia có sự đụng độ với Trung Quốc về vấn đề tranh chấp chủ quyền trong khu vực bãi đá Scarborough/Hoàng Nham vào năm 2012, đã đưa Bắc Kinh năm 2013 ra Tòa án Trọng tài Thường trực quốc tế ở The Hague, Hà Lan thụ lý theo Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển, mặc dù Trung Quốc vẫn tiếp tục từ chối tham gia và đã khuyến cáo Việt Nam không nên tham gia vào vụ kiện.
Những nỗ lực để giải quyết các tranh chấp lãnh hải và lãnh thổ cho đến nay hình như vô hiệu.
Ngoài các biện pháp pháp lý như đã được thực hiện bởi Philippines, các diễn đàn khu vực như Diễn đàn An ninh Khu vực ASEAN, thường được gọi tắt là ARF và Đối thoại Shangri-La, mặc dù cung cấp một cơ hội cho các quốc gia thành viên để chia sẻ mối quan tâm của họ, đã thất bại trong việc giảm căng thẳng.
Trung Quốc chưa hề có dấu hiệu “xuống thang” mà ngược lại họ còn đang ráo riết chuẩn bị cho một sự việc đã rồi, chẳng hạn như tăng cường các hoạt động quân sự nhằm củng cố chủ quyền tại các khu vực tranh chấp với Philippines và Việt Nam.
|
Thay vì dậm chân tại chỗ, biết đâu đây cũng có thể là thời gian tốt để những nước có liên quan thử đi tìm một giải pháp khác.
Tổ chức Minh ước Liên phòng Á châu-Thái Bình Dương
Thực ra không phải tất cả các nước thành viên của NATO là hoàn toàn giống nhau và có thể trong thực tế còn có những lợi ích đối nghịch, nhưng tất cả họ vẫn có cùng cam kết với các mục tiêu chung của NATO.
Tương tự như vậy, không phải tất cả các quốc gia Đông Nam Á và Đông Bắc Á là không có tranh chấp với nhau, tuy nhiên, họ ít nhất có cùng một điểm đồng thuận đó là tự do hàng hải, điều duy nhất có tầm quan trọng sống còn đối với tất cả họ. Xung đột về tranh chấp hàng hải và lãnh thổ sẽ chỉ gây tổn hại cho tất cả các nước trong khu vực, ngoài việc tạo cơ sở cho việc phát triển chủ nghĩa dân tộc cực đoan nguy hại, nó còn dẫn đến kết quả bạo lực và bất ổn định.
Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN (ADMM) hàng năm và Hội nghị ADMM mở rộng (ADMM +) là một địa điểm cho bộ trưởng quốc phòng các nước thành viên đến để thảo luận về các vấn đề quốc phòng và an ninh có ảnh hưởng tới khu vực.
Tuy nhiên, trong khuôn khổ này, một tổ chức như vậy cũng chẳng mang lại một hiệu quả gì, vì đơn giản ở đó người ta chỉ nói nhưng không làm!
Đây là một ván cờ chiến lược với Trung Quốc và chỉ có những nhà lãnh đạo Washington có tầm nhìn chiến lược mới có khả năng tham chiến thành công. "
|
Dẫn đầu là Hoa Kỳ, vì họ là quốc gia duy nhất có thể kết nối các quốc gia thành viên với nhau, tổ chức này sẽ bao gồm các cường quốc trụ cột trong khu vực như Nhật Bản, Hàn Quốc và Australia, và cả các cường quốc mới nổi như Indonesia, Malaysia và Singapore.
Lợi ích là điều hiển nhiên vì ngoài việc phục vụ như một liên minh quân sự đa quốc gia, tổ chức này có thể giúp kết nối các quốc gia Thái Bình Dương cả về chính trị lẫn kinh tế, và tiêu chuẩn hóa các trang thiết bị quân sự và đào tạo trong các quốc gia thành viên. Vun đắp các mối quan hệ chặt chẽ hơn giữa các nước thành viên và tăng cường khả năng tương tác giữa các quân đội có thể làm tăng tính minh bạch và giảm thiểu tối đa sự hiểu lầm giữa các quốc gia.
Tuy nhiên, cũng cần lưu ý đến các hậu quả không lường trước được của việc tạo ra một tổ chức như vậy. Giả dụ như trường hợp của Liên Xô cũ bị đứng ngoài NATO đã tạo động lực đẩy sự ra đời của khối Hiệp ước Warsaw.
Dù có dùng bất kỳ ngôn ngữ để mô tả liên minh này cũng không tránh khỏi sự nghi ngờ cần thiết của Trung Quốc; Bắc Kinh chắc chắn sẽ thấy tổ chức này như một phản ứng với các hoạt động của Trung Quốc trong khu vực. Lịch sử rất có thể lặp lại nếu Trung Quốc quyết định họ cần phải lập một liên minh quân sự riêng để chống lại bất kỳ tổ chức nào do Mỹ dẫn đầu. Và đây chính là điều mà Washington cũng đang cân nhắc.
Liệu sự hình thành của một liên minh như vậy có thực sự mang lại một bước tiến mới trong việc đảm bảo hòa bình, ổn định, an ninh và thịnh vượng trong khu vực hay vô hình trung chỉ làm tăng thêm sự thù địch và đẩy nhanh tiến trình chạy đua vũ trang?
Dù vậy, những thách thức phải đối mặt với bất kỳ tổ chức quốc phòng đa quốc gia nào sẽ không nhất thiết phải đến từ bên ngoài nhưng từ bên trong.
Sự tồn tại và thành công của một liên minh như vậy trong dài hạn phụ thuộc đa phần vào nghệ thuật lãnh đạo và sự cam kết của Hoa Kỳ. Với vai trò trung tâm này, Washington sẽ thất bại nếu họ cũng hời hợt như họ đã từng làm trong quá khứ với SEATO (Hiệp ước Liên phòng Đông Nam Á) cũng như trong chiến tranh Việt Nam.
Đây là một ván cờ chiến lược với Trung Quốc và chỉ có những nhà lãnh đạo Washington có tầm nhìn chiến lược mới có khả năng tham chiến thành công. Chuyến công du của Tổng thống Obama vào tháng 4 này sẽ quyết định thế trận cho những năm sắp tới.
|
Không giống như NATO, các nước thành viên sẽ được yêu cầu đóng góp chia sẻ công bằng cho liên minh, bao gồm nhưng không giới hạn nguồn tài nguyên, chính trị, tài chính và quân sự. Do hạn chế về tài chính rất thực tế phải đối mặt bởi Washington hiện nay, và những ảnh hưởng của hạn chế về đầu tư quốc phòng trong hiện tại và tương lai ở Mỹ, mỗi quốc gia thành viên được yêu cầu phải làm một phần trách nhiệm liên đới của họ và không thể nhìn vào Mỹ như là nhà cung cấp quốc phòng duy nhất.
Tư tưởng chỉ đạo của “hợp tác quốc phòng Xuyên-Thái Bình Dương” ở đầu thế kỷ 21 sẽ là “quyền lợi tương đồng, trách nhiệm tương sẻ”.
Dĩ nhiên, tất cả các điều trên chỉ là giả định thậm chí còn phải xét lại liệu Hoa Kỳ có ý định thực sự thành lập một liên minh quân sự như thế ở châu Á-Thái Bình Dương với tất cả trách nhiệm và thách thức đi kèm với một tổ chức như vậy.
Dù tất cả đó chỉ là giả định, nhưng khi Hoa Kỳ tuyên bố “chiến lược tái cân bằng ở châu Á-Thái Bình Dương” và đang điều chỉnh ngân sách, chúng ta có quyền tin rằng Tòa Bạch Ốc sẽ không bỏ qua bất kỳ giải pháp khả thi nào.
Bài viết phản ánh văn phong và quan điểm riêng của tác giả, một luật sư sống tại Canada.
Luật sư Vũ Đức Khanh
(BBC)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét