Cuộc đấu tranh cho tự do ngôn luận của các nhà báo Việt Nam tại Sài Gòn bốn chục năm về trước - Tiến Bộ

Breaking

Home Top Ad

Post Top Ad

Chủ Nhật, 30 tháng 3, 2014

Cuộc đấu tranh cho tự do ngôn luận của các nhà báo Việt Nam tại Sài Gòn bốn chục năm về trước


Nhà văn Vũ Thư Hiên: Để giới thiệu với các bạn, nhất là các nhà báo, một đoạn trích trong bài tường thuật về cuộc đấu tranh cho tự do ngôn luận của các nhà báo VN tại Sài Gòn bốn chục năm về trước.

... Báo Chính Luận số ra chiều Thứ Sáu 20-9 đề ngày Thứ Bảy 21-9-74 đã tả lại những giây phút căng thẳng đó và khung cảnh của chiều Thứ Năm 19-9 trong một bài viết dài ghi lại hoạt động của tòa soạn Sóng Thần cũng như của cả làng báo dưới tựa đề “Sóng Thần nổi lửa chống đàn áp tự do ngôn luận”:


“Mười ngàn số báo Sóng Thần ngùn ngụt bốc cháy trước những khuôn mặt suy tư, cay đắng của toàn ban biên tập Sóng Thần. Nhà báo Sóng Thần đã chọn thái độ của những người thế yếu, tay trắng trước sức mạnh của cảnh sát, thái độ tự hủy.

Hà Thế Ruyệt đã châm ngọn lửa hoả thiêu tim óc của chính mình, bạn bè mình, hỏa thiêu những lời nói can trường nhất trong cái quyết tâm tự đặt mình trên con đường đã chọn, con đường tranh đấu cho tự do báo chí và chống tham nhũng.

Chuyện xẩy ra vào đúng lúc trẻ em bán báo đang chờ giờ phát hành. Cảnh sát Quận 3 đưa tới một lịnh tịch thu. Tổng Thư Ký Uyên Thao không chịu vì báo chưa phát hành, chưa được bán ra thì vấn đề hốt báo phải được xét lại. Nhật báo Sóng Thần không cho cảnh sát tịch thu nhưng cảnh sát cũng không để báo Sóng Thần phát hành.

Đúng lúc đó, cuộc họp báo tại bệnh viện Vì Dân để thanh minh về việc làm của Phu Nhân Thổng Thống Thiệu trong bệnh viện này đang tiếp diễn. Phái viên Sóng Thần Lê Thiệp nhận được tin từ tòa soạn đã bước lên micro xin phép Chủ Tọa Đoàn loan một tin riêng của làng báo. Và, trước sự ngỡ ngàng của Chủ Tọa Đoàn, phái viên Lê Thiệp nói với các ký giả đang dự cuộc họp báo: “Tôi xin gửi tới quí vị một tin liên quan tới tờ Sóng Thần. Giờ này Cảnh Sát đang phong tỏa nhà in của chúng tôi để tịch thu số báo sẽ ra chiều nay. Toà soạn Sóng Thần đã quyết định tử thủ nhà in và hỏa thiêu tất cả những số báo đã in. Tôi phải trở về góp mặt với tòa soạn nên xin được rời khỏi cuộc họp báo trước”.

Toàn thể ký giả lập tức tẩy chay họp báo để về với Sóng Thần, sau khi dành một phút mặc niệm Tự Do Báo Chí vừa bị bóp chết thêm một lần nữa với hành động tịch thu Sóng Thần.

Toàn bộ tòa soạn báo Điện Tín kéo tới. Các hãng thông tấn quốc tế AP, UPI. Reuter, NHK, NBC, ABC… cùng các nhật báo Đông Phương, Chính Luận… đều có mặt. Anh em ký giả tần ngần nhìn nhau. Tự do báo chí là điều mơ ước, tường trình đầy đủ sự thật là lý tưởng, nhưng cảnh sát vẫn bọc kín, ngăn chặn không cho lọt ra ngoài một tờ báo nào. Sóng Thần mời thừa phát lại tới lập vi bằng về việc thiêu hủy các số báo đã được in ra.

Hà Thế Ruyệt châm ngọn lửa đốt tim óc anh em mình…

Ngọn lửa lan dần trên trang báo. Ngọn lửa tự hủy cứ thế bốc lên soi vào mặt ký giả. Báo chí kéo tới mỗi lúc một đông. Tịch thu à? Vâng, tịch thu vì Sóng Thần đăng một bài đối chiếu lời hứa trước quốc dân với những việc làm của Tổng Thống Thiệu. “Mai các anh có ra?” – “Vâng”, Uyên Thao trả lời. “Mai chúng tôi vẫn ra. Chúng tôi sẽ thông báo sự kiện này tới các hội đoàn báo chí quốc nội, liên đoàn báo chí quốc tế”.

Dân chúng tụ lại trước nhà in. Một hàng xe cây và xe Jeep cảnh sát í ới những tiếng trong máy liên lạc vô tuyến. Việc gì vậy? Những người làm báo chọn đường tự hủy vì không chấp nhận tịch thu báo….. Mười ngàn số báo xếp ngay ngắn thành hàng bốc lửa ngùn ngụt. Cảnh sát vẫn bọc một vòng phía ngoài chờ ra tay. Đống tro của mười ngàn tờ báo như một vết nhơ trong lịch sử chế độ. Và, Lý Đại Nguyên đã phủ lên trên một tấm giấy viết “Thà đốt, không chịu bị đàn áp – Chỉ có Cộng Sản mới sợ hãi tự do báo chí”. Tờ giấy trắng phủ đống tro như một nấm mộ và cạnh đó là một tấm carton viết: “Tự Do hay là Chết”. Một cuộc họp báo tại chỗ và dân biểu Nguyễn Trọng Nho, ủy viên trong ban hành động chống tịch thu báo, thành viên Ủy Ban Tranh Đấu Đòi Tựï Do Báo Chí và Xuất Bản, người đã có mặt tích cực với tòa soạn Sóng Thần từ lúc đầu, tuyên bố: “Chỉ có những kẻ độc tài mới sợ sự thật, không muốn nghe lòng dân mới sợ hãi báo chí, bóp nghẹt báo chí.”.

Nghị viên Hà Thế Ruyệt, phụ tá chủ nhiệm Sóng Thần phát biểu:“Sóng Thần đã chọn đường lối chống tham nhũng và Sóng Thần sẽ đi đến cùng. Ngày mai vẫn có Sóng Thần dù sau đó là cái chết. Toà soạn Sóng Thần sẵn sàng vào tù và nếu Sóng Thần có chết, ký giả Sóng Thần có vào tù thì đã chết, đã vào tù trên tư thế chiến đấu diệt tham nhũng để đất nước này có thể chống Cộng mà tồn tại”.

Tại tòa soạn Sóng Thần, điện thoại reo không ngừng. Các hội đoàn, các hãng thông tấn quốc tế liên lạc tới tấp đòi nghe kể nội vụ. NBC, AP, rồi Trung Tâm Văn Bút, Hội Bảo Vệ Nhân Quyền … Đại diện tòa soạn chỉ đủ thời gian để trả lời “Ngày mai chúng tôi vẫn có mặt và vẫn đăng đủ các bài dự định. Tất nhiên có cả nguyên văn bản Cáo trạng 6 điểm”. Đáp lại là một an ủi “xin thông báo ngay cho chúng tôi những tai nạn có thể xảy ra cho Sóng Thần. Chúng tôi sẵn sàng chia xẻ mọi chuyện với anh em”.

Việc Sóng Thần nổi lửa chống tịch thu trở thành đề tài lớn của toàn thể báo chí. Báo Điện Tín trong số 964 đề ngày 21-9, viết:

“Ngọn lửa lên cao nung nấu lòng kiên trì và quyết tâm đấu tranh cho tự do báo chí khi mười mấy ngàn số báo Sóng Thần đã được châm lửa cháy để thà hỏa thiêu chứ không chấp nhận tịch thu bên cạnh những biểu ngữ đòi tự do viết còn ướt mực… Bộ DVCH chiều qua đã hạ con dao đồ tể trên đầu nhật báo Sóng Thần, nạn nhân bị tịch thu đầu tiên từ khi có phong trào đòi tự do báo chí đến nay. Với nhiều chiếc xe cây và gần 50 cảnh sát chìm nổi bao vây nhà in, đại diện Bộ Chỉ Huy Cảnh Sát quận 3 đưa lệnh tịch thu cho nghị viên Hà Thế Ruyệt, phụ tá Chủ Nhiệm nhật báo Sóng Thần. Nghị viên Ruyệt đã phản kháng và không cho cảnh sát tịch thu bởi lẽ lệnh tịch thu xuất trình là một lệnh “không đóng dấu và không có chữ ký”. Một thừa phát lại ngay sau đó đã lập vi bằng công chứng về sự lạm pháp của Nhà Nước mà đại diện là Ty Cảnh Sát quận 3.

Anh Uyên Thao trong nhóm đầu não báo Sóng Thần ngồi trên đống báo với mồ hôi nước mắt của anh em nói: “Họ làm bất hợp pháp, chúng ta có quyền cho báo ra ngay. Nhưng làm sao xô được hàng rào cảnh sát?”

Trước tin nhật báo Sóng Thần bị tịch thu, rất nhiều ký giả và thông tín viên báo chí đã bỏ ngang cuộc họp báo của bịnh viện Vì Dân để chạy về ủng hộ tinh thần cho nhật báo nạn nhân. Ngoài số lượng đông đảo giới báo chí trong và ngoài nước, người ta nhận thấy ngay từ phút đầu có sự hiện diện của ông Hồng Sơn Đông, chủ nhiệm báo Điện Tín, dân biểu Nguyễn Trọng Nho trong Ủy Ban Chống Đàn Áp và Tịch Thu Báo Chí… và nhiều dân biểu khác.

Sau một hồi cãi vã dằng dai, ông Hà Thế Ruyệt, phụ tá chủ nhiệm báo Sóng Thần cương quyết không cho cảnh sát tịch thu báo Sóng Thần và đã ra lệnh đốt báo… Nghị viên Hà Thế Ruyệt cũng cho biết con đường mà ông và báo Sóng Thần đi có hai lối, một là tự do, hai là chết. Ông cho biết sẽ tiếp tục con đường mình đi để tranh đấu cho tự do bị đàn áp, dù bị chết hay dù cả tòa soạn Sóng Thần bị nhà nước bỏ tù”.

Báo Trắng Đen số 2226 đề ngày 21-9-74 chạy slogan 8 cột trên đầu trang 1 “Phản đối Nhà Nước Tịch Thu Báo Sóng Thần” và tuyên dương hành động nổi lửa của Sóng Thần như một sự biểu dương hào hùng của báo giới VN trong bài xã luận mang tựa đề: Ngọn lửa Sóng Thần mở cửa tự do ngôn luận. Bài viết có những đoạn sau:

“… Ngày 19-9 nhật báo Sóng Thần bị tịch thu… Anh em Sóng Thần đã giữ báo lại, đồng thời cấp báo cho Ủy Ban cùng các tòa soạn các nhật báo, các hãng thông tấn cùng với nhóm dân biểu trẻ, sau đó đã phản kháng cơ quan an ninh tới tịch thu không cho tịch thu, đem 10.000 số báo đã in ra trước sân nhà in nổi lửa đốt...

Ngọn lửa tự thiêu hóa Sóng Thần cũng là ngọn lửa đã làm sáng thêm niềm tin và lòng quả cảm của làng báo VN trong công cuộc tranh đấu đòi quyền tự do báo chí. Ngọn lửa đó cũng đã đốt cháy luôn những danh từ, để lộ ra những chữ tự do dân chủ đích thực nạm vàng.

Báo chí VN phải được tự do ngôn luận thực sự, đã tới lúc mọi sự giả trá bịp bợm phải được triệt tiêu. Cuộc đấu tranh đòi quyền tự do báo chí đang tới lúc cam go, làng báo đứng lại một bước là bị đẩy lui vào chỗ chết. Làng báoVN không thể chết, do đó phải sát cánh để tiến lên. Ngọn lửa tự thiêu hóa Sóng Thần, ngọn đuốc mở đường tiến cho làng báo VN vượt qua bóng đêm tăm tối đã trùm phủ khung trời báo chí VN từ 2 năm nay.”

Nhật báo Đông Phương số 812 đề ngày 21-9-74 viết:

“Số báo phát hành chiều qua, đồng nghiệp Sóng Thần đã bị tịch thu.
Báo động đỏ được ấn nút, cả làng báo xôn xao. Chuông điện thoại của các tòa soạn đồng loạt reo vang, anh em ký giả đổ xô đến tòa soạn báo Sóng Thần… Đồng nghiệp Sóng Thần chỉ chấp thuận cho tịch thu vài chục tờ để lập biên bản, còn thì đem ra đốt ngay trước cửa tòa soạn… Đốt như Ủy Ban Tranh Đấu đốt sắc luật 007, ngọn lửa bùng lên trên nét mặt của làng báo hiện diện, mọi người đều đanh lại…

Đã đến lúc nhà cầm quyền không thể thao túng luật pháp vì toàn dân đều muốn có một luật pháp được áp dụng bằng tinh thần đại chúng trong một thể chế được mệnh danh là dân chủ, chứ không phải là luật pháp trong tinh thần độc tài, độc tôn, không ngoài mục đích phục vụ cá nhân, suy tôn cá nhân, bảo vệ uy quyền cá nhân hầu đạt tới mục đích bảo vệ quyền lợi một thiểu số, rồi mệnh danh đó là Quốc Gia Dân Tộc và Hiến Pháp”.

Việc báo Sóng Thần nổi lửa tự thiêu vì bị tịch thu thực sự gây xúc động cho các giới và nhiều nhân vật đã lên tiếng bày tỏ thái độ, qua ghi nhận của các báo, các hãng thông tấn như Linh Mục Thanh Lãng, Chủ tịch Trung Tâm Văn Bút VN, nhà văn Nhật Tiến, Phó Chủ tịch TTVBVN, dân biểu Nguyễn Phúc Liên Bảo, nghị sĩ Hoàng Xuân Hào, Chủ tịch Ủy Ban Tư Pháp Định Chế Thượng Viện, ký giả Thái Dương, Chủ tịch Nghiệp Đoàn Ký Gỉa VN, ký giả Trần Tấn Quốc, linh mục Trần Hữu Thanh…

Riêng Hòa thượng Thích Trí Thủ, Viện trưởng Viện Hóa Đạo, Giáo Hội Phật Giáo VN Thống Nhất sau 60 phút báo Sóng Thần bị tịch thu đã lắc đầu tỏ vẻ chán ngán. Vị Hoà thượng Già Lam không phát biểu ý kiến, chỉ cho biết trong vài ngày tới, Ngài sẽ có phản ứng chính thức và đó là phản ứng của tập thể Phật Giáo Việt Nam.

Hành động phản đối nạn tịch thu báo của Sóng Thần cũng được loan đi khắp thế giới như nỗ lực đấu tranh cho tự do báo chí và quyền đòi hỏi biết rõ sự thật của nhân dân Miền Nam VN. Ngay lúc 20 giờ tối 19-9, hãng thông tấn AP đã loan tin liên tục 3 lần việc ký giả báo Sóng Thần tự đốt báo để phản đối. Đài VOA, đài BBC, các hãng thông tấn UPI, Reuter đều loan tin về việc báo Sóng Thần chống lệnh tịch thu bằng những lời lẽ khích lệ. Đặc biệt, đài VOA trong khi đang phát thanh lúc 22 giờ đã ngưng lại nêu lý do kỹ thuật chỉ phát thanh nhạc băng. Đến 23 giờ, đài này trở lại chương trình với tin đầu tiên là vụ báo Sóng Thần bị tịch thu. Đây là lần đầu tiên đài này đề cập đến cao trào báo chí đòi tự do tại miền Nam VN.

Sau đây là nội dung một trong 3 bản tin của hãng thông tấn AP về vụ Sóng Thần:

“Các ký giả đã đốt 10 ngàn số của một nhật báo đối lập vào chiều thứ năm không cho cảnh sát tịch thu số báo này. Đây là một hành động khác trong một loạt đụng độ giữa chính phủ của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu và báo chí VN. Báo chí đã lên án chính phủ áp bức báo chí.

Các giới chức của nhật báo Sóng Thần cho biết cảnh sát đã tới nhà in của báo này để tịch thu số báo đề ngày 20-9 vì báo này đăng một bài xã luận chỉ trích Tổng Thống Thiệu trong thời gian 7 năm tại chức. Tờ báo trên cũng loan báo số tới sẽ đăng nguyên văn bản Cáo Trạng Số 1 của Phong Trào ChốngTham Nhũng tố cáo Tổng Thống Thiệu và những cá nhân tham nhũng, trong đó có vấn đề bất động sản và ma túy.

Cảnh sát đã đến tận nhà in tiïch thu số báo trên sau khi Sóng Thần gửi bản vỗ tới bộ DVCH theo thể lệ hiện hành. Ký giả của Sóng Thần và của các báo khác có cảm tình với Sóng Thần đã thiêu hủy số báo trên. Bài xã luận của báo này chỉ trích Tổng Thống Thiệu đã không mang lại hòa bình cho VN sau 7 năm tại chức. Giới chức của báo Sóng Thần cho biết cảnh sát nói với họ rằng cảnh sát được lệnh tới tịch thu báo này vì vi phạm an ninh quốc gia bằng cách chỉ trích Tổng Thống Thiệu. Các giới chức trên cho biết sẽ tiếp tục kế hoạch và cho đăng Cáo Trạng Số 1 vào tờ báo ra chiều Thứ Sáu”.

Riêng báo Sóng Thần đã cấp tốc gửi một khẩn báo đề ngày 19-9-1974 tới Hội Bảo Vệ Nhân Quyền và Dân Quyền VN, Ủy Ban Tranh Đấu Đòi Tự Do Báo Chí, Trung Tâm Văn Bút VN, Nghiệp Đoàn Ký Giả VN, Hội Chủ Báo VN kêu gọi các hội đoàn này “vận dụng mọi khả năng và uy tín sẵn có để đòi nhà cầm quyền chấm dứt tức khắc các hành động đàn áp đối với báo chí VN nói chung và nhật báo Sóng Thần nói riêng”.

Đêm Thứ Năm 19-9, trong lúc tin tức về vụ Sóng Thần nổi lửa chống tịch thu tiếp tục loan truyền tại các thủ đô trên thế giới, Ủy Ban Tranh Đấu Đòi Tự Do Báo Chí và Xuất Bản tại Sài Gòn đã họp khẩn từ 20 giờ tới 22 giờ, quyết định mở rộng cho tất cả đại diện hội đoàn Công Giáo, Phật Giáo, văn hóa, nhân quyền, các nghiệp đoàn ký giả cùng đại diện phế binh…tham gia Ủy Ban, đồng thời tuyên cáo tích cực yểm trợ Sóng Thần đấu tranh đòi tự do báo chí và xuất bản ... 5 tờ báo đáp ứng lời kêu gọi ngay tại buổi họp là Hòa Bình, Đông Phương, Dân Luận, Đại Dân Tộc và Điện Tín.

Rồi thời gian bước qua ngày Thứ Sáu 20-9, ngày thử thách do Sóng Thần chọn lựa.

9 giờ sáng, tòa soạn Sóng Thần được tin chỉ còn lại 2 tờ báo đứng chung với Sóng Thần. Bạn đồng hành tuy ít nhưng vẫn là một khích lệ. Và, Sóng Thần tuyên bố tự đặt dưới sự che chở của Hiến Pháp để nắm tay Điện Tín, Đại Dân Tộc cùng bước lên.

Sóng Thần số 980 ra chiều Thứ Sáu 20-9 (đề ngày Thứ Bảy 21-9) công bố lời khẩn báo đưa ra đêm 19-9. Số báo này cũng đăng nguyên văn bản Cáo Trạng Số 1 của PTNDCTN và một bản tuyên bố minh định thái độ của nhật báo Sóng Thần là “Sóng Thần tự đặt dưới sự che chở của Hiến Pháp”:

“Theo giáo sư Lipton, đặc tính của dân chủ là sự bình đẳng giữa cá nhân công dân và chính quyền. Trong khi đó, Hiến Pháp VNCH qui định rằng: Tự do ngôn luận là quyền tự do căn bản. Về nghề nghiệp, sứ mạng báo chí là diễn đạt và phổ biến trung thực mọi suy tư, mọi sự việc để thông đạt tin tức cho quần chúng. Đó là những căn bản chỉ đạo của Sóng Thần.

Đó cũng là lý do Sóng Thần lên tiếng bày tỏ trong số báo hôm qua các nhận định về công tác lãnh đạo quốc gia của Tổng Thống Thiệu và cho phổ biến trong số báo này bản Cáo Trạng 6 điểm của Phong Trào Nhân Dân Chống Tham Nhũng.

Số báo hôm qua đã bị tịch thu. Dù vậy, chúng tôi không dừng lại. Chúng tôi chỉ thấy cần thiết phải xác định rằng chưa bao giờ chúng tôi hành động như kẻ tử thù của chế độ. Tất cả việc làm đã qua và sẽ tới của chúng tôi chỉ là giữ không cho hơi thở tự do cáo chung, tức là không để cho chế độ Dân Chủ cáo chung. Nếu việc làm của chúng tôi bị cản lại vì bất cứ lý do nào thì kẻ chủ mưu cản trở là kẻ thù của tự do, kẻ thù của chế độ.

Với tinh thần trách nhiệm công dân đó và với ý thức sáng suốt về một giai đoạn tế nhị của quốc gia, chúng tôi long trọng tuyên bố tự đặt nhật báo Sóng Thần dưới sự che chở của Hiến Pháp. Đàn áp Sóng Thần cũng đồng nghĩa với hành vi xóa bỏ Hiến Pháp”.

Ngày 20-9 trở thành một ngày lớn của báo chí VN và diễn biến từ xế trưa cho tới chiều của ngày này đã được báo Công Luận diễn tả như sau trong số báo 1853 đề ngày 24-9-74:

“14g45: Lực lượng của Ủy Ban Chống Tịch Thu Báo được báo động. Áp dụng chiến thuật mới, cảnh sát tung an ninh chìm với hàng trăm nhân viên “hộ pháp” dàn hàng ngang trước nhà in Dân Nguyện của báo Đại Dân Tộc, nhà in Long Giang của báo Điện Tín và nhà in Tân Minh của báo Sóng Thần.

“16giờ: Lệnh tịch thu được cảnh sát đưa ra, nhân viên cảnh sát sắc phục định kéo vào nhà in hốt báo. Các vị linh mục xông lên ngăn cản. Các dân biểu không cho cảnh sát tịch thu, mang báo chất giữa đường nổi lửa đốt hừng hực và phát cho đồng bào. Nhân viên an ninh chìm nhào tới giựt xé. Đồng bào nhảy vào. Hai bên giằng co dữ dội trên đường phố. Tiếng đả đảo nổi dậy từng chập. Máy vô tuyến của cảnh sát gọi nhau nheo nhéo…

“17giờ: Lực lượng an ninh đang vây nhà in Tân Minh rạt ra. Tiếng còi lệnh, tiếng gọi máy, tiếng ra lệnh, hô hoán, chưởi bới nổi lên từ hàng ngũ cảnh sát…. Đồng bào từ khu Vườn Chuối tủa ra chặn xe lại… Anh em Sóng Thần mở cửa nhà in đón tiếp. Lực lượng cảnh sát ùa vào, mấy sĩ quan cảnh sát cũng “lâm chiến” nhảy xổ vào giành giật báo với dân chúng…

Sau khi bảo vệ không cho báo Sóng Thần bị tịch thu, dân biểu Nguyễn Văn Binh cho biết Ủy Ban sẽ tranh đấu đến cùng để đòi hỏi tự do báo chí, để người dân được biết sự thật, để tiếng nói dân tôïc “không bị chận họng như từ trước đến nay”….Vượt phong tỏa của nhân viên công lực, một số dân biểu, nghị sĩ đã dùng quyền bất khả xâm phạm chạy xe vào cở sở ấn loát Tân Minh chất hàng chồng báo lên xe riêng của mình và vọt khỏi hàng rào kiểm soát…”

Trong một ký sự dài đăng trên Sóng Thần số ra chiều 21-9 đề ngày 22-9-74, nhóm phóng viên Sóng Thần đã ghi lại hoạt cảnh diễn ra từ 6g30 sáng tới buổi tối Thứ Sáu 20-9 từ phía trong tòa soạn Sóng Thần tới ngoài đường phố như sau:

“- Đốt rồi!

Tổng thư ký Uyên Thao ngã người xuống ghế lặng đi. Khuôn mặt anh như già hẳn sau nhiều giờ đồng hồ căng thẳng vì chờ đợi. Niềm tin tưởng của anh thật vô bờ.

Nhà văn Vũ Thư Hiên
Theo FB Vũ Thư Hiên

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad