Vì sao ta chán?. |
Chúng ta chán khi bắt đầu hoài nghi về năng lực của chính bản thân mình.
Chúng ta đã làm đúng theo những gì đã được dạy: học hết phổ thông, thi lên đại học, trong lớp cô đọc thì chép, về nhà mẹ bảo thì vâng, ra đường đội mũ bảo hiểm. Vậy tại sao những lá đơn xin việc của chúng ta vẫn không được hồi đáp? Tại sao chúng ta đi làm với mức lương tối thiểu không đủ cho cơm rau ba bữa? Tại sao con chúng ta vẫn không được học ở trường tốt?
Chúng ta chán vì chúng ta bị phụ thuộc.
Khi đi học bố mẹ xin trường xin lớp. Khi đi làm bố mẹ chúng ta mua chỗ cơ quan. Lấy vợ lấy chồng bố mẹ cũng cho tiền làm nhà mua đất. Chúng ta đang sống theo kiểu cuốn chiếu: thế hệ này sống cho thế hệ đi trước. Chúng ta sống cuộc sống bố mẹ chúng ta muốn, theo đuổi giấc mơ bố mẹ chúng ta có, cũng như cách bố mẹ chúng ta đã sống cuộc sống của ông bà ta vậy.
Chúng ta chán vì chúng ta thất vọng.
Khi còn nhỏ, chúng ta được dạy rằng chúng ta có rừng vàng biển bạc. Lớn lên rồi chúng ta mới biết rừng bị chặt phá, biển bị ô nhiễm. Động thực vật quý hiếm của chúng ta dần dần biến mất. Tài nguyên thiên nhiên bị bán dần bán mòn. Lần đầu tiên ra nước ngoài, chúng ta bàng hoàng nhận ra rằng nước chúng ta chưa giàu, cũng chưa văn minh lắm. Hộ chiếu của chúng ta bị một số nhân viên hải quan nhiều nước nhìn với ánh mắt kì lạ.
Chúng ta chán vì tài năng của chúng ta không được công nhận.
Chúng ta dù có giỏi đến đâu vẫn không thể nào có được vị trí xứng đáng với mình chỉ vì vị trí đó đã được ưu ái dành riêng cho cô cháu cưng của vị giám đốc. Chúng ta có tự mày mò chế tạo được máy bay thì tự nhiên có một ngày người ở trên đi xuống cấm chúng ta không được phát huy tài năng của mình nữa. Chúng ta có đơn thương độc mã viết ra được một trò chơi nổi tiếng cả thế giới cũng chẳng có ai đến học hỏi kinh nghiệm, mà chỉ chăm chăm xăm soi ta kiếm được bao nhiêu, đóng thuế bao nhiêu.
Chúng ta chán vì chúng ta mất phương hướng, không có tấm gương để noi theo.
Chúng ta biết học từ ai khi mà không ít thầy giáo trở thành côn đồ, bạo lực học đường thành nỗi ám ảnh của không ít bạn, khi mà những người nổi tiếng lại gắn liền với “sốc", “sex", “lộ hàng" thậm chí là nude 100%?
Cái chán tuổi 20 là cái chán rất đẹp”. Khác tuổi 40
Vậy nhưng, ‘một ông anh’ đi trước đã nói với mình: “Cái chán của tuổi 20 các em rất khác với cái chán lứa tuổi 40 bọn anh.
Nếu cái chán tuổi 40 là cái chán khiến người ta mệt mỏi, tuyệt vọng thì cái chán tuổi 20 lại cho người ta năng lượng để làm cái gì đó cho hết chán: học một kỹ năng mới, cùng bạn thực hiện một dự án kinh doanh, đi đây đi đó, …
Tuổi 20 chúng ta có một bộ não trẻ trung không ngừng nghỉ, đói cảm xúc, khát cảm hứng, luôn luôn tìm kiếm những cái mới. Chúng ta dễ dàng chán khi chúng ra nhận ra mọi thứ xung quanh đều cũ và tẻ nhạt. Chúng ta phải làm gì để mọi thứ không còn cũ và tẻ nhạt nữa? Cái chán tuổi 20 thôi thúc chúng ta thay đổi.
Câu hỏi đặt ra bây giờ là: Liệu chúng ta có sẵn lòng thay đổi hay không? Chúng ta có đủ tự trọng để từ bỏ quyền lợi con ông cháu cha của chính chúng ta khi gia đình sắp xếp cho chỗ làm tốt? Chúng ta có đủ đam mê để sống cuộc sống của chính chúng ta thay vì theo đuổi một con đường bố mẹ đã vạch sẵn? Chúng ta có đủ dũng cảm để lấy giấy phạt thay vì đưa tiền nhanh cho cảnh sát giao thông? Chúng ta có đủ tỉnh táo để nhìn vào những thói hư tật xấu của thế hệ đi trước và tự hứa với mình rằng mình sẽ không lặp lại?
CHÁN nhưng không NẢN
Tuổi 20, chúng ta chán nhưng chúng ta không nản. 10 năm, 20 nữa chúng ta sẽ là những người thầy, phụ huynh, lãnh đạo của đất nước. Có thể chúng ta không quyết định được điều gì khiến chúng ta chán, chúng ta vẫn có thể lựa chọn cách chúng ta sẽ chán như thế nào.
(Từ “chúng ta” được tác giả sử dụng trong bài này với mục đích duy nhất để tác giả tự an ủi rằng mình không đơn độc, chứ không có ý định đại diện cho bất kỳ một thế hệ nào.)
Huyền Chip
Theo Tấm Gương
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét