Luân chuyển cán bộ: Cơ hội, thách thức - Tiến Bộ

Breaking

Home Top Ad

Post Top Ad

Chủ Nhật, 23 tháng 3, 2014

Luân chuyển cán bộ: Cơ hội, thách thức


ĐCSVN  đang chuẩn bị cho lớp lãnh đạo kế cận
Quyết định điều động, luân chuyển cán bộ của Bộ Chính trị, Ban Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam là cơ hội nhưng cũng là thách thức cho những người được chọn.

Theo Quyết định điều động, luân chuyển đợt 1 năm 2014, 44 người được đưa về địa phương, gồm 25 người giữ chức Phó Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy, và 19 người giữ chức Phó Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố.

Trong số cán bộ luân chuyển đợt này có hai người đang là ủy viên Trung ương Đảng, 19 thứ trưởng và tương đương, 25 cục trưởng, vụ trưởng và tương đương.

Ban Tổ chức Trung ương, cơ quan phụ trách việc điều động, luân chuyển cán bộ của Đảng, nói rõ trong số này có 22 người được quy hoạch chức danh ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng nhiệm kỳ 2016-2021 và các nhiệm kỳ tiếp theo.

Viết trên báo trong nước nhân dịp này, ông Nguyễn Đình Hương, cựu Phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương, nhớ lại từ năm 1976, khi Việt Nam thống nhất, công tác luân chuyển cán bộ trở thành “một trong những kênh quan trọng để tạo nguồn cho cán bộ cấp chiến lược”.

Ông Hương cho rằng đây là chủ trương đúng, “tạo điều kiện giúp cho cán bộ có sự hiểu biết toàn diện và tiếp cận với thực tiễn một cách chân thực và nhạy bén”.

Tuy vậy, ông cảnh báo việc "chạy" để lọt vào danh sách cán bộ luân chuyển.

“Không loại trừ trong đó có thành phần ‘4C’ không đủ tiêu chuẩn. Các cơ quan giúp cấp ủy tuyển chọn cán bộ luân chuyển phải thật khách quan vô tư,” ông Hương kêu gọi.

Như vậy, việc luân chuyển là dịp để Đảng thử thách nhân sự và cũng là cơ hội sự nghiệp cho những người được chọn.

Tài liệu chính thức của Đảng Cộng sản cho biết sau các đợt luân chuyển cán bộ trong hai nhiệm kỳ Đại hội IX và X, nhiều người đã được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương khoá X, khoá XI.

Nhiều người được bầu làm bí thư tỉnh ủy hoặc giữ cương vị chủ chốt ở các ban, bộ, ngành Trung ương và cơ quan của Quốc hội Việt Nam.

‘Lo lắng, phiền toái’

Ông Nguyễn Thanh Nghị, con trai Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, được quy hoạch cho vị trí lãnh đạo trong tương lai

Nhưng trên thực tế, công tác luân chuyển cán bộ cũng có thể trở thành gánh nặng cho cả người được chọn và cơ quan.

Một nghiên cứu của ThS. Trương Thị Bạch Yến, Học viện Chính trị, đăng ở Tạp chí Xây dựng Đảng năm 2012, cho biết việc này có thể trở thành “lo lắng” của cấp ủy, “ám ảnh” của cán bộ diện quy hoạch và “phiền toái” của đơn vị có cán bộ luân chuyển đi và đến.

Dựa trên phỏng vấn các đối tượng liên quan, nghiên cứu này cho biết 100% những người luân chuyển đều muốn có vị trí cao hơn.

Nhưng cũng trong số này, “37% cán bộ diện quy hoạch không muốn hoặc chưa sẵn sàng luân chuyển; 12% cán bộ địa phương không muốn có cán bộ luân chuyển đến vì cho rằng sẽ ảnh hưởng đến sự ổn định tổ chức, 47% không muốn cán bộ nơi khác đến lại giữ chức danh chủ chốt vì nghĩ đó phải là người tại chỗ; 78% cán bộ đang luân chuyển muốn về trước thời hạn.”

Tác giả kể: “Có người mới luân chuyển mấy tháng, một năm đã ‘về’, coi như cán bộ hoàn thành nghĩa vụ và tổ chức hoàn thành chỉ tiêu. Có người đi mất luôn ‘ghế’, đến hạn rồi tổ chức không sắp xếp được để rút về vì hết chỗ bố trí “ghế” tương đương.”




Nếu chỉ giữ vị trí cấp phó ở nơi công việc chung chung thì quả thực khó có khả năng đánh giá đã làm được việc gì giúp địa phương, để lại dấu ấn gì trong nhân dân sau thời gian luân chuyển."

Nguyễn Đình Hương
Một trong những đề xuất của tác giả là “chỉ luân chuyển cán bộ về nắm chức danh cấp trưởng”.

“Bởi nếu là cấp phó sẽ khó chủ động trong công tác, đồng thời dễ bị “vô hiệu hóa” khi cấp trưởng là người tại chỗ không ủng hộ.”

Điều này được ông Nguyễn Đình Hương chia sẻ khi viết về đợt luân chuyển 44 cán bộ lần này.

“Nếu phân công nhân sự đó giữ trách nhiệm chủ trì thì sau 3 năm luân chuyển dễ thấy được hiệu quả công việc hơn.”

“Nếu chỉ giữ vị trí cấp phó ở nơi công việc chung chung thì quả thực khó có khả năng đánh giá đã làm được việc gì giúp địa phương, để lại dấu ấn gì trong nhân dân sau thời gian luân chuyển.”

44 người được đưa về địa phương trong đợt 1 này đều nắm các chức phó: Phó Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy, hoặc Phó Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố.

Vì thế, chưa chắc chắn tất cả trong số này rồi đây sẽ được lên các chức vụ cao hơn sau Đại hội Đảng XII năm 2016.

Đào tạo, thử thách

Cần lưu ý trong hệ thống tổ chức của Đảng Cộng sản, điều động là hình thức thử thách cán bộ, trong khi luân chuyển nhấn mạnh việc đào tạo. Những người được Bộ Chính trị điều động, phân công có cơ hội chắc chắn hơn những ai trong diện luân chuyển.

Theo thông báo của Văn phòng Trung ương Đảng Cộng sản, trong đợt 1 này, có hai người thuộc diện điều động: ông Sơn Minh Thắng, ủy viên Trung ương Đảng, và ông Nguyễn Thanh Nghị, ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng.

Trong số người thuộc diện luân chuyển, những ai được chỉ định giữ chức phó bí thư các tỉnh, thành sẽ có nhiều cơ hội hơn để được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Với những người được giới thiệu làm phó chủ tịch UBND tỉnh, thành, đích ngắm chủ yếu của họ là chức thứ trưởng, hoặc chủ tịch tỉnh, thành phố. Chỉ một số được xem là xuất sắc, mới có thể được giới thiệu để bầu vào Ban Chấp hành Trung ương khóa sau.




Chúng tôi khẳng định tất cả cán bộ luân chuyển đợt này đều có đầy đủ tiêu chí, tiêu chuẩn theo quy định, đã nằm trong quy hoạch; được tập thể đánh giá, suy tôn và thực hiện đúng quy trình."

Trần Lưu Hải, Phó ban tổ chức trung ương
Trong bối cảnh Đảng Cộng sản đang chuẩn bị cho Đại hội kế tiếp năm 2016, đợt luân chuyển lần 1 đã gây ra dư luận về tính minh bạch trong tuyển chọn.

Như để trấn an dư luận,ông Trần Lưu Hải, phó trưởng Ban thường trực Ban Tổ chức trung ương, nói với báo Tuổi Trẻ rằng quá trình đã trải qua nhiều vòng với sự tham vấn của nhiều cơ quan như đảng bộ Chính phủ, Ủy ban Kiểm tra trung ương của Đảng, Đảng ủy Khối các cơ quan trung ương và Khối Doanh nghiệp trung ương và đảng ủy các tỉnh thành sẽ nhận các bộ luân chuyển.

“Từng trường hợp sẽ được các cơ quan đơn vị địa phương, tập thể Ban tổ chức Trung ương bàn bạc thống nhất để báo cáo lên Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét, quyết định,” ông Hải được dẫn lời nói.

Ông cho rằng để được lựa chọn đi luân chuyển, các cán bộ đều phải trải qua vòng được cấp trên đánh giá và được lấy phiếu thăm dò tín nhiệm trong đơn vị công tác, chi bộ đảng nơi công tác và nơi cư trú.

Về các trường hợp được con cháu lãnh đạo cao cấp, ông Hải nói khẳng định rằng ‘không có định hướng, ưu ái nào’.

“Con em các đồng chí lãnh đạo thì cũng đều do tập thể ghi nhận, giới thiệu từ cấp ủy, cơ quan, đơn vị,” ông nói.

“Chúng tôi khẳng định tất cả cán bộ luân chuyển đợt này đều có đầy đủ tiêu chí, tiêu chuẩn theo quy định, đã nằm trong quy hoạch; được tập thể đánh giá, suy tôn và thực hiện đúng quy trình.”

Bình luận về việc quy hoạch cán bộ ở Việt Nam, một độc giả có tên Michael Lê viết trên trang Facebook của BBC Việt ngữ: “Thế hệ lãnh đạo thứ hai được học tập đầy đủ ở trong môi trường tốt hơn thế hệ cha ông, hy vọng sẽ làm tốt hơn thế hệ cha ông họ.”

Tuy nhiên, một người khác là Hồng Anh Nguyễn viết: "Những 'hạt giống đỏ' đấy chẳng có thực tài gì và cũng chẳng làm nên cái việc gì cho dân ghi nhận. Họ chỉ có một lợi thế là có ông bố bà mẹ làm to. Cá nhân tôi không bao giờ ghi nhận những con người như vậy làm lãnh đạo.”

Theo BBC

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad