LTG:Ngày mới rầm rộ vụ Nhã Thuyên (quãng tháng 6-7/2013), mình viết bài này, đã định công bố, nhưng rồi lại thôi. Nay thì vụ việc Nhã Thuyên đã dường như ngã ngũ (theo một cách nào đấy). Với một tâm trạng buồn rầu, xin chia sẻ cùng các bạn “phây” của mình nhé!
Thưa rằng, tôi là người có liên đới đến câu chuyện luận văn Thạc sĩ của Đỗ Thị Thoan (Nhã Thuyên) đang gây nóng trên văn đàn hiện nay. Nói là liên đới vì: thứ nhất, tôi là thành viên trong Hội đồng chấm luận văn này; thứ hai, tôi được/bị một vài bài viết của người này người khác nhắc đến trực tiếp, hoặc gián tiếp (khi quy trách nhiệm cho Hội đồng). Cho nên tôi thấy có trách nhiệm phải nói đôi lời.
1. Tất cả các ý kiến phê phán luận văn của Đỗ Thị Thoan hiện nay (như đang thấy trên một số tờ báo chính thống) đều là của những người hoạt động ngoài lĩnh vực học đường. Họ đọc luận văn này trong tâm thế của người ngoài cuộc. Nếu ai từng kinh qua hoạt động đào tạo ở nhà trường đều biết mỗi khi chấm khóa luận, luận văn, luận án của sinh viên/học viên/nghiên cứu sinh bao giờ cũng phải giải quyết hài hòa ba yêu cầu chủ yếu: (1) các phương pháp và thao tác nghiên cứu; (2) các kết quả nghiên cứu; và (3) triển vọng học thuật của người nghiên cứu được bộc lộ qua toàn bộ quá trình thực hiện đề tài. Với yêu cầu (1), các phương pháp và thao tác nghiên cứu nhằm trang bị cho người tập làm khoa học biết được với đối tượng ấy phải có phương pháp và thao tác nghiên cứu nào phù hợp và hiệu quả; mỗi phương pháp, thao tác ấy là gì và ứng dụng như thế nào. Với yêu cầu (2) chính là cách thức triển khai nội dung văn bản khoa học, logic của các chương tiết cùng những kết quả nghiên cứu đạt được. Còn yêu cầu (3) cũng hết sức quan trọng, nhằm đánh giá được năng lực tư duy, độ mẫn cảm khoa học, khả năng nghiên cứu độc lập hoặc hợp tác… của người nghiên cứu.
Như vậy, điểm số/thứ bậc của một bản luận văn/luận án không phải là sự chia đều của 3 yêu cầu đó, mà tùy từng trường hợp có sự phân lượng cần thiết. Làm thạc sĩ là bước đầu học cách nghiên cứu (làm xong tiến sĩ cũng mới chỉ được xét nhận là người có khả năng nghiên cứu độc lập). Nên không thể đòi hỏi những kết quả khoa học ở các luận văn của họ luôn luôn đúng. Nó cho phép độ dung sai nhất định, với điều kiện cái sai đó cho thấy nỗ lực tư duy của người làm khoa học. Đó là những cái sai lương thiện, có khả năng thúc đẩy tư duy để hướng tới cái đúng, cái khác. Nó ngược lại với những cái đúng nhạt nhẽo và vô ích. Ở đời không thiếu gì những cái đúng vô ích. Có thể trong luận văn của Đỗ Thị Thoan có những chỗ chưa kín kẽ, chưa thỏa đáng, nhưng đã thấy rõ một nội lực tư duy khoa học văn học đầy triển vọng.
2. Đỗ Thị Thoan là một người trẻ. Khi bảo vệ luận văn, cô ấy mới 24 tuổi. Cô ấy có một tài sản vô giá là tuổi trẻ mà chúng ta (gồm cả tôi và những người đang lên tiếng phê phán cô ấy) đã hết thời rồi. “Khi người ta trẻ” (tên một truyện ngắn của Phan Thị Vàng Anh) mà! Một người trẻ có cái say mê, háo hức, có cái khao khát khẳng định cá tính, bản ngã của mình. Đỗ Thị Thoan trong khi làm thạc sĩ, cô ấy đã/đang là người viết - người viết trẻ. Người viết nào cũng có cái khao khát mạnh mẽ và chính đáng khẳng định tiếng nói riêng của mình. Huống chi đây lại là người viết trẻ. Vì thế cái nhiệt tâm khẳng định tiếng nói của một chủ thể ý thức, chủ thể viết là một nhu cầu chính đáng và cần được tôn trọng.
Tôi thích tinh thần trẻ trong lao động khoa học, trong lao động viết. Họ đọc, học, viết với một tinh thần say mê vô tư, không vụ lợi, nhằm truy cầu học vấn và tri thức, nỗ lực xác lập tư cách trí thức của mình. Thế thôi. Nó ngược lại với không ít người trẻ (nhất là trong cơ quan công quyền) hiện nay: xa rời chuyên môn, lười đọc sách, không có khát vọng tri thức, chuyên tìm cách lấy lòng cấp trên hòng kiếm chác chức tước, địa vị, mau chóng biến thành một thứ công chức nô bộc hoặc thư lại. Thử hỏi, liệu xã hội có thể trông chờ được gì vào những người trẻ như vậy.
Đỗ Thị Thoan là một người có khao khát tri thức, dấn thân vào con đường chữ nghĩa, từ bé đến lớn chỉ biết có việc học và học, ngoài ra không biết làm gì khác. Một người như vậy bị quy cho cái tội phản động, chống đối chế độ. Hỡi ôi, làm kẻ phản động chống đối chế độ chả lẽ lại dễ đến thế được sao!?
Khích lệ những người trẻ tuổi lao động, học tập và sáng tạo mới khó, chứ quy kết họ thiết tưởng không khó lắm, nhất là trong bối cảnh hiện nay.
3. Khi viết những dòng này, ngay từ đầu tôi tự dặn mình không để bị rơi vào những tranh cãi (dù là học thuật hay ý thức hệ) đang bị gây nhiễu. Tôi cứ nghĩ đến một luận bàn triết học của nhà triết học F. Jullien về Mạnh Tử, trong đó ông có phân tích một chiêm nghiệm của Mạnh Tử như sau: [“Người ta ai cũng có lòng thương xót, lòng chẳng nỡ đối với việc này hoặc việc khác”, từ đó Mạnh tử suy ra: đem tấm lòng chẳng nỡ ấy (đối với người khác) phổ cập đến những điều mình còn nỡ (còn đang tâm đối với người khác), đó là “nhân” vậy] (Xác lập cơ sở cho đạo đức của F. Jullien, Hoàng Ngọc Hiến dịch và giới thiệu, NXB Đà Nẵng, 2000, tr12).
“Lòng chẳng nỡ” (ngược lại với “đang tâm”) không phải là một khái niệm triết học, mà là một kinh nghiệm tồn tại. Hay nói cách khác, nó là một ý niệm thuộc về minh triết. Mà minh triết sinh ra không để cãi lý. Nó để cảm thấu. Và một khi đã cảm thấu được, nó có khả năng “sàng lọc các lý lẽ” (F. Jullien).
Đến đây, tôi thấy mình nên dừng lại.
Ngày 16.7.2013
Văn Giá
Theo FB Văn Giá
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét