|
Quyết định đặc xá do Chủ tịch nước Trương Tấn Sang ký ngày 10/3 được Tòa án Đak Nông giao cho ông Đinh Đăng Định, người bị tuyên án 6 năm tù về tội danh ‘tuyên truyền chống nhà nước’ hồi tháng 8/2012 sau các bài viết kêu gọi đa đảng-dân chủ và phản đối dự án khai thác bauxite ở Tây Nguyên do Trung Quốc trúng thầu.
Con gái ông Định, cô Đinh Phương Thảo, xác nhận tin này với VOA Việt ngữ:
“Sáng nay lúc 9 giờ, họ đến đọc lệnh đặc xá của Chủ tịch nước cho bố em.”
Không khoan hồng, không chút nhân đạo gì. Những người quan tâm, xin hãy quan tâm đến phương diện chung, đó là cuộc đấu tranh chống độc tài của chế độ cộng sản. Còn cá nhân tôi thì cũng không còn gì để quan tâm nữa..
Đinh Đăng Định
|
Gia đình ông Định cho biết tình hình sức khỏe của ông hết sức kiệt quệ, không còn hy vọng kéo dài sự sống. Ông được đưa về quê hôm 16/03 theo nguyện vọng được nhắm mắt trong vòng tay người thân.
∇ Nghe tường trình
|
“Cảm tưởng của tôi, tôi thấy với cá nhân tôi được hoàn toàn tự do. Còn về ý nghĩa thực, cái lệnh này cũng không mang lại giá trị gì nữa cả bởi vì tôi cũng đã sắp sửa kiệt hết sức rồi.”
Nhà đấu tranh dân chủ Đinh Đăng Định nhất mực phản đối bản án mà ông gọi là bất công. Nói chuyện với VOA Việt ngữ sau khi rời trạm giam hôm 17/2, ông khẳng định tội của ông, nếu có, là ‘tội với chế độ độc tài, với chế độ cộng sản cực đoan’ và rằng việc phóng thích ông không phải là ‘nhân đạo’ hay ‘khoan hồng’ như nhà nước Việt Nam tuyên bố.
Với quyết định trả tự do hôm nay, ông Định một lần nữa lặp lại quan điểm này. Ông nói nếu còn chút hy vọng sống sót, chắc chắn ông sẽ không bao giờ nhận được lệnh đặc xá của Chủ tịch nước:
“Không khoan hồng, không chút nhân đạo gì. Những người quan tâm, xin hãy quan tâm đến phương diện chung đó là cuộc đấu tranh chống độc tài của chế độ cộng sản. Còn cá nhân tôi thì cũng không còn gì để quan tâm nữa.”
Trong cuộc trao đổi trước với chúng tôi, ông Định cho biết phát hiện bệnh ung thư rất sớm vào tháng 3/2013, nhưng trại kiên quyết không cho đi khám chữa cho tới nửa năm sau khi ung thư bước qua giai đoạn 3.
Qua buổi tiếp xúc hôm 17/2, ông Định kêu gọi quốc tế và các cơ quan giám sát nhân quyền Liên hiệp quốc đến thăm các trại tù Việt Nam để đánh giá thực trạng hồ sơ nhân quyền của Hà Nội, thành viên của Công ước Chống tra tấn Liên hiệp quốc và Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc.
Chính phủ Việt Nam chưa lên tiếng bình luận chính thức về trường hợp của ông Định và những quan ngại từ quốc tế liên quan đến vụ việc của nhà giáo bất đồng chính kiến này, nhưng Hà Nội lâu nay khẳng định không giam cầm tù nhân lương tâm.
Trà Mi
Theo VOA
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét