Qua sự việc Nhã Thuyên nghĩ về tự do học thuật - Tiến Bộ

Breaking

Home Top Ad

Post Top Ad

Chủ Nhật, 30 tháng 3, 2014

Qua sự việc Nhã Thuyên nghĩ về tự do học thuật


Mấy hôm nay tôi theo dõi vụ Nhã Thuyên với sự quan tâm đặc biệt. Thật ra, phải nói là từ năm ngoái tôi đã chú ý đến vụ này và có dịp đề cập xa gần đến chuyện tự do học thuật (academic freedom) trong một bài phỏng vấn trên Sinh viên Việt Nam (1). Đúng vậy, vấn đề đặt ra ở đây là tự do học thuật bị thách thức và đe doạ bởi những người có quyền thế.


Các tin liên quan


Toàn văn luận văn của Nhã Thuyên có thể tải xuống từ đường link này...
Nhã Thuyên - Không chấp nhận quyết định thu hồi bằng và quyết định huỷ luận văn thạc sĩ
Nhã Thuyên - Hồ sơ bảo vệ luận văn năm 2010
Luận văn, phê bình luận văn và…
Hận cá, chém thớt (về luận văn của Nhã Thuyên – Đỗ Thị Thoan)
Về hội đồng bí mật chấm lại luận văn thạc sĩ Nhã Thuyên
Tám câu hỏi về vụ luận văn thạc sĩ của Nhã Thuyên
Chính trị hóa Khoa Học & Văn Học để "đánh" luận án thạc sĩ của Nhã Thuyên là việc làm không chính danh...
Cuộc phê phán luận văn của Đỗ Thị Thoan hay là sự xung đột về khung tri thức và thế hệ?
Mỗi tác phẩm là một sự vong thân…?
“Giải thiêng”, thuật ngữ của sự phá hoại?
Việc rút lại bằng cấp của Nhã Thuyên là một việc làm bất bình thường. Một luận văn đã được duyệt xét bởi một hội đồng chuyên môn và được cho điểm tuyệt đối 10/10 ba năm trước. Cả hội đồng gồm những chuyên gia có kinh nghiệm mà cho điểm tuyệt đối thì đó có lẽ là tác phẩm đáng chú ý và ứng viên phải là người có tài. Vậy mà đùng một cái người ta rút lại bằng cấp! Do đó, việc rút lại bằng cấp của Nhã Thuyên là một việc làm bất bình thường trong thế giới đại học. Trong thế giới đại học, bằng cấp chỉ bị rút lại khi luận văn đó có dữ liệu được nguỵ tạo hay tác phẩm không phải của ứng viên (như đạo văn). Nhưng ở đây, lí do rút bằng cấp chẳng liên quan gì đến đạo văn hay nguỵ tạo dữ liệu, mà liên quan đến ý thức hệ và một nhóm văn học có thể nói là “bên lề” sinh hoạt văn học “chính thống”. Toàn bộ sự việc một lần nữa nói lên rằng tự do học thuật, đặc biệt trong khoa học xã hội và nhân văn, ở VN vẫn còn là cái gì đó thuộc vào loại xa xỉ.

Khái niệm tự do học thuật chẳng phải là mới. Thời thập niên 1950 bên Mỹ xuất hiện phong trào McCarthy chống cộng sản cực đoan (2). Những người theo phong trào này gieo rắc kinh hoàng và khủng bố các giáo sư đại học khi họ giảng và nghiên cứu về chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản. Do đó, giới giáo sư đại học đề xướng khái niệm tự do học thuật như là một thành trì của đại học và khoa học. Khái niệm này cho đến nay vẫn còn tranh cãi về định nghĩa, nhưng ai cũng đồng ý về nguyên tắc, tự do học thuật là tự do nghiên cứu và giảng dạy những chủ đề mà giảng viên và sinh viên quan tâm và không chịu sự chi phối của các thế lực chính trị. Do đó, đối với giảng viên, tự do học thuật có nghĩa là giảng viên có quyền nghiên cứu bất cứ chủ đề nào mà họ quan tâm, có quyền trình bày những kết quả đó cho sinh viên và đồng nghiệp mà không chịu sự đàn áp hay kiểm duyệt của bất kì thế lực nào. Đối với sinh viên, tự do học thuật có nghĩa là tự do học các chủ đề mà họ quan tâm và có quyền đi đến kết luận, có quyền phát biểu ý kiến cá nhân của họ liên quan đến chủ đề học.

Qui chiếu tinh thần tự do học thuật trên với luận án của Nhã Thuyên, tôi thấy việc chị ấy và PGS Nguyễn Thị Bình chọn đề tài nhóm Mở Miệng là chuyện hết sức bình thường. Nếu những đề tài mang tính xã hội như vụ hôi bia ở Biên Hoà, vụ Bà Tưng, vụ biển đảo, v.v. được “đi” vào đề thi trung học phổ thông, thì một phong trào văn học nghiêm chỉnh do nhóm Mở Miệng khởi xướng trở thành đối tượng nghiên cứu cũng chẳng có gì là lạ. Tôi không đọc hết những tác phẩm của nhóm Mở Miệng, nhưng có đọc vài bài luận về văn học của họ và những cuốn sách họ phát hành, thì thấy rất ấn tượng với sự nghiêm cẩn của họ. Không hẳn là tôi đồng ý với cách nhìn của họ, nhưng tôi thấy họ có cái gì đó mới và thách thức suy nghĩ của mình. Thành ra, theo tôi thấy là cần nên khuyến khích những đề tài nghiên cứu như thế để cho nền văn học thoát ra khỏi tình trạng đơn điệu như hiện nay (và tình trạng “vô ra cũng thằng cha khi nãy”), và trở nên phong phú hơn.

Ấy thế mà đề tài văn học của Nhã Thuyên … lâm nạn. Theo Nhà phê bình Trần Mạnh Hảo thì giữa năm 2013 hai nhà phê bình văn học Chu Giang và Phong Lê tố cáo rằng luận án của Nhã Thuyên là “phản động chống đảng, muốn lật đổ chủ nghĩa xã hội và đảng cộng sản, rằng Khoa Văn trường Đại học Sư phạm Hà Nội là một ổ phản động” (3). Nếu đúng thế thì kinh khủng thật! Tuy nhiên, tôi đọc bài đầu của ông Chu Giang (4) thì không thấy ông dùng ngôn từ đó. Có thể tôi đọc chưa hết. Riêng ông Phong Lê thì có giải thích về vị trí và vai trò của ông trong việc tấn công Nhã Thuyên:

“Sự thật là thế này: điều ấy tôi biết được qua thành viên chủ trì cuộc họp đó đó là anh Chu Giang. Anh này khảo rất sâu về luận văn đó và anh sâu ngược lên về nhiều chuyện khác nữa và anh viết trên tờ Văn nghệ thành phố Hồ Chí Minh anh đặt vấn đề phải kiềm tra lại Khoa Văn Đại học Sư phạm vì sao lại đào tạo ra cái luận văn như thế. Tôi chưa được đọc trong nội dung ấy tức nhiên là phức tạp, mỗi người một cách đánh giá nhưng tôi nói rằng nếu như nội dung ấy đúng như anh nói thì nó phạm phải một điều mà tôi cho là không thể giải thiêng được và xúc phạm đến Hồ Chí Minh, xúc phạm nhiều chân lý, nhiều điều đáng lẽ phải tôn trọng. Đối với tôi việc giải thiêng Hồ Chí Minh thì tôi không chấp nhận đựơc và tôi nói nếu sự thực như thế thì hội nhà văn nên kiến nghị với Bộ Giáo dục về việc phải xem lại cái nội dung của luận văn đó chứ tôi không bao giờ nói công an cả.”

Thì ra ông chưa đọc luận án của Nhã Thuyên! Điều khó hiểu là ông chưa đọc nhưng ông đã hăng hái viết bài đả kích Nhã Thuyên, thì có vấn đề academic honesty ở đây. (Nó chẳng khác gì tôi chưa đọc bài báo khoa học của BS Nguyễn Văn A, nhưng tôi nghe nói BS A viết thế, và tôi phê bình ông A. Nó chẳng mang tính học thuật chút nào). Nghe thật là vô lí, nhưng đó lại là sự thật. Càng ngạc nhiên hơn khi ông Phong Lê là một giáo sư! Thật ra, đoạn trả lời trên còn nói lên nhiều khía cạnh khác rất đáng nói về tinh thần khoa học và học thuật. Chẳng hạn như ông không chịu nổi “việc giải thiêng Hồ Chí Minh” và thế là tấn công người ta. Tôi nghĩ có thể thông cảm cho ông về cảm tình cá nhân và thần tượng một người nào đó, nhưng đem tình cảm cá nhân của mình áp đặt lên suy nghĩ và tâm tình của người khác thì tôi e rằng không công bằng. Nên tập tinh thần cởi mở và nghe ý kiến trái chiều chứ.

Hình như Voltaire (?) từng nói rằng “Tôi không đồng ý với những gì anh nói, nhưng tôi sẽ bảo vệ đến chết quyền anh được nói điều đó” (I do not agree with what you have to say, but I will defend to death your right to say it). Tôi có thể không đồng ý với những nhận định về nhóm Mở Miệng trong luận án của Nhã Thuyên, nhưng tôi ủng hộ quyền Nhã Thuyên được phát biểu. Tôi thiết nghĩ đó là một tinh thần tự do học thuật, vốn được xem như là một đền thiêng trong các đại học. Trong khi các đại học VN có ước vọng trở thành “đẳng cấp quốc tế” và trong khi nền khoa học xã hội và nhân văn VN còn trong tình trạng “èo uột” mà tự do học thuật bị xâm phạm thô bạo (qua vụ Nhã Thuyên) thì làm sao nói chuyện đẳng cấp quốc tế được?

Thật sự, tôi nghĩ VN cần một thế hệ nhà khoa học mới như Nhã Thuyên. Chị ấy xứng đáng được khen. Không có lí do gì, học thuật hay nhân danh thần tượng, để “ném đá” chị ấy theo phong cách thời Nhân văn Giai phẩm. Những người hăng hái “đánh” đồng nghiệp vào thời Nhân văn Giai phẩm đã sám hối, và nạn nhân đã được phục hồi danh dự. Sẽ rất ngạc nhiên nếu các vị đang tấn công Nhã Thuyên không học được bài học lịch sử, và quan trọng hơn là tinh thần tự do học thuật.

Nguyễn Văn Tuấn
Theo Bauxite Việt Nam



(1) “Tinh thần đại học”, Nguyễn văn Tuấn's blog

(2) Joseph McCarthy (14/11/1908 – 2/5/1957) là một thượng nghị sĩ của Mĩ. Ông sinh ra ở vùng Trung Tây (Wisconsin) trong một gia đình gồm 9 người anh em theo đạo Công giáo. Có lẽ do nóng lòng gây ấn tượng trong chính trường, nên ông tìm cho mình một “ngọn cờ”, và đó là chống cộng, chống phe tả. Ngày 9/2/1950, ông tuyên bố rằng ông có trong tay 205 quan chức trong Bộ Ngoại giao là đảng viên Đảng Cộng sản Mĩ, gây náo động công chúng một thời gian. Ông này còn tố cáo rất nhiều người khác, kể cả giới giáo sư đại học, là cộng sản hay “thân cộng”. Đến năm 1953 thì ông đụng độ với giới quân đội khi ông điều tra sự “xâm nhập” của cộng sản vào quân đội Mĩ, và thế là giới quân đội phản công với những bài viết và thông tin về những hành động phi chính thống – nếu không muốn nói là dơ bẩn – của McCarthy trong mấy năm qua. Tổng thống Eisenhower lúc đó nghĩ “enough is enough” và tìm cách tống khứ McCarthy ra khỏi chính trường. Nhưng trong vòng vài năm mà McCarthy đã gây tác hại không biết cho bao nhiều người oan ức.

(3) Chính trị hóa khoa học và văn học để ‘đánh’ Nhã Thuyên là không chính danh - Trần Mạnh Hảo

(4) Bài của ông Chu Giang có ở đây: Tiểu luận của Nhã Thuyên - Chu Giang, Tuần báo Văn Nghệ blog

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad