Vladimir Putin: Từ tình báo KGB đến tổng thống độc tài kiểu Sô Viết - Tiến Bộ

Breaking

Home Top Ad

Post Top Ad

Thứ Hai, 31 tháng 3, 2014

Vladimir Putin: Từ tình báo KGB đến tổng thống độc tài kiểu Sô Viết


Qua những diễn biến gần đây tại Ukraine với sự cưỡng bức sáp nhập bán đảo Crimea vào Liên Bang Nga do ông Putin tổng thống nước Nga đạo diễn, người ta tự hỏi: Ông Putin đang áp dụng một chính sách gì đây trong một thế giới hậu chiến tranh lạnh cách đây đã hơn 20 năm, nền trật tự thế giới được đặt trên căn bản luật pháp quốc tế, tinh thần dân chủ tự do, sự thương lượng và hợp tác đa phương nhằm phát triển kinh tế, tạo cuộc sống hòa bình, hạnh phúc ấm no cho mọi dân tộc trên toàn thế giới.

Ai cũng biết ông Putin từng là nhân viên tình báo mật vụ KGB của Liên Bang Sô Viết (1) trong 17 năm (1975-1991). Ông từng tuyên bố từ bỏ KGB năm 1991 để trở thành nhà hoạt động chính trị ít ai biết tiếng, nhưng lại thành công trên con đường chính trị nhanh nhất thế giới.

Trong bài này, chúng ta tìm hiểu lý do gia nhập KGB của ông, những hoạt động trong thời gian là nhân viên tình báo, lý do từ bỏ KGB, lý do sự thành công quá nhanh trên chính trường, và tại sao ông lại có những bước đi nguy hiểm có thể gây ra cuộc đại chiến thế giới như hiện nay.

Là một nhà tình báo, cuộc đời của ông đầy bí ẩn. Tuy nhiên sau này người ta biết được nhiều chi tiết tiểu sử của ông do ông hoặc các cựu nhân viên KGB kể lại.

SƠ LƯỢC TIỂU SỬ

Vladimir Vladimirovich Putin (phát âm Pu Chin) sinh ngày 7 tháng 10 năm 1952 tại Leningrad (2). Cha ông từng đi lính hải quân của Hồng Quân Liên Sô, mẹ làm việc trong một hãng chế tạo.

Thuở niên thiếu, ông có ước mơ trở thành nhân viên tình báo KGB do ảnh hưởng phim ảnh tuyên truyền về những hoạt động gián điệp, về những anh hùng KGB do các diễn viên nổi tiếng đóng vai chính.

Lúc 16 tuổi, ông từng đến văn phòng KGB ở Leningrad xin gia nhập nhưng bị khước từ, lại còn bị nhạo báng. Người ta cho biết muốn được thu nhận vào KGB ít nhất phải tốt nghiệp đại học, đại học tốt nhất là luật khoa. (3)

Trái lại, cha mẹ và thầy dạy Judo của Putin muốn ông vào học đại học kỹ thuật. Họ nghĩ rằng ông sẽ có tương lai tốt hơn. Ngoài ra, người thầy Judo còn có sự quen biết với trường đại học này, Putin có thể được nhận mà không phải trải qua kỳ thi tuyển khó khăn, nhưng ông vẫn nhất quyết theo học ngành luật chỉ vì muốn có cơ hội gia nhập KGB, cho dù biết rõ nếu thi rớt sẽ phải đi lính.

Cuối cùng, Putin đã đậu vào trường luật thuộc Đại Học Tổng Hợp Leningrad (trước đây có tên Đại Học Saint Petersburg rất nổi tiếng tại Âu Châu, được thành lập năm 1819). Đại học này có nhiều phân khoa như khoa học nhân văn, y học, kỹ thuật… Dĩ nhiên ở đây người ta dạy luật theo kiểu Sô Viết, luật xã hội chủ nghĩa, Mác xít, Lê nin…

GIA NHẬP KGB

Vào một ngày năm thứ tư trong lịch trình 5 năm đại học luật, nhà trường gọi Putin lên phòng riêng gặp một người lạ mặt, một nhân viên tuyển dụng KGB. Người này báo Putin có thể được nhận vào KGB. Họ đã theo dõi hồ sơ lý lịch của ông rất kỹ do nhà trường cung cấp từ lâu. Ở các nước cộng sản mỗi đại học đều có nhân viên tình báo núp dưới nhiều danh nghĩa, theo dõi hành tung của sinh viên, hoặc tìm kết nạp những sinh viên đủ điều kiện. Sau buổi gặp gỡ đầu tiên, ông ta biến mất, cậu sinh viên Putin nghĩ rằng họ đã quên mình. Nhưng một năm sau, năm cuối cùng của trường luật, người này lại xuất hiện làm thủ tục nạp đơn xin gia nhập KGB. Nếu không có cuộc gặp gỡ này có lẽ Putin đã chọn nghề luật sư. Ông kể lại như vậy sau này.

Năm 1975, tốt nghiệp đại học luật khoa ngành Bang Giao Quốc Tế, Putin được nhận vào cơ quan tình báo KGB, được huấn luyện tại Okhta, thành phố Leningrad để trở thành nhân viên tình báo chuyên nghiệp. Dĩ nhiên, Putin đã là đảng viên Cộng Sản từ khi còn là sinh viên.

Sau khi thụ huấn, Putin được cử làm sĩ quan phản tình báo ở Leningrad trong 4 năm, nhiệm vụ theo dõi, giám sát những người ngoại quốc bị KGB tình nghi như các nhà ngoại giao, các du khách, thương gia… kể cả những công dân Sô Viết bất đồng chính kiến.

Sau thời gian ngắn, Putin nhận ra rằng cơ quan tình báo Liên Sô đã quá già nua, lỗi thời, do tình hình thoái hóa của xã hội, với lối suy nghĩ cứng nhắc, chậm chạp, nhân viên làm việc cho qua chuyện, không có sáng kiến… Lúc đầu ông phàn nàn, sau phải chấp nhận vì ông ta đã là đảng viên trung thành với nhà nước Liên Sô, với chủ nghĩa cộng sản, rất tích cực với công việc trong suốt cuộc đời của ông ta. Bị chất vấn khi ra tranh cử tổng thống, ông trả lời: “Tất nhiên tôi phải làm những việc khó coi như vậy, đây là thực tế, thật đáng tiếc”. (4)

Năm 1984, Putin được huấn luyện tại trường tình báo cao cấp Hồng Kỳ Andropov ở Moscow đặc biệt về tình báo quốc ngoại, khu nói tiếng Đức, chuẩn bị hoạt động trong môi trường các nước Đông Đức, Áo, Thụy Sĩ (5). Vì thế Putin nói tiếng Đức trôi chảy.

NHỮNG NĂM CÔNG TÁC TẠI ĐÔNG ĐỨC

Năm 1985, Putin được cử làm việc tại thành phố Dresden, Đông Đức với vai trò mặt nổi “Chủ Nhiệm Nhà Hữu Nghị Sô – Đức” nhưng bên trong ông giữ nhiệm vụ hết sức quan trọng, phối hợp giữa KGB với cơ quan tình báo Stasi của Đông Đức. Nguồn tin khác còn cho rằng ông có nhiệm vụ giám sát quân đội Sô Viết tại Đông Đức. Trụ sở làm việc của Putin là tòa nhà đồ sộ màu xám ở số 4 Angelikastrasse, thành phố Dresden sát bên cạnh tổng hành dinh cơ quan tình báo Stasi.

Đông Đức là vị trí quan trọng vào thời điểm chiến tranh lạnh, là nơi đối đầu giữa Đông và Tây, nơi trú đóng của 380,000 quân đội Hồng Quân với các dàn hỏa tiễn tầm trung của Liên Sô, hàng chục ngàn nhân viên tình báo KGB hiện diện và tình báo quân sự Sô Viết, là trụ sở của cơ quan tình báo khổng lồ Stasi của Đông Đức thường xuyên theo dõi hàng trăm ngàn công dân Đông Đức với hàng triệu hồ sơ mật…

Mục tiêu hàng đầu của Putin là NATO (Tổ Chức Liên Phòng Bắc Đại Tây Dương), nhằm đánh cắp tin tức, tài liệu, nhất là tài liệu kỹ thuật của Tây Phương. Trình độ kỹ thuật của khối Sô Viết lúc đó thua xa Tây Phương. Đối tượng của ông là những thành phần được mệnh danh “legends” (người huyền thoại) bao gồm giáo sư, chuyên viên, sinh viên, được kết nạp và gửi đến các nước Tây Phương làm gián điệp, đặc biệt các sinh viên đang theo học tại các trường kỹ thuật chuẩn bị xâm nhập môi trường Hoa Kỳ để hoạt động.

Tình báo Stasi làm hồ sơ căn cước giả cho các những “người bạn” (friends). Hàng chục ngàn người được “ghi nhận” là “bạn” có thể trở thành gián điệp được gửi đến các nước trên thế giới. Chính Putin sau này thú nhận ông từng dùng những người có “lý lịch tốt” như giáo sư cử đi tham dự các khóa hội thảo quốc tế. Những tin tức loại này được gửi về tổng hành dinh ở Moscow.

Dĩ nhiên, hành tung của KGB cũng như các cơ quan tình báo đều kín đáo tuyệt đối. Phương pháp của Putin thường dùng là kết nạp người địa phương, các viên chức địa phương làm việc cho KGB. (6). Putin dùng hình thức mỹ nhân kế được gọi là “chim én” mua chuộc, gài bẫy các đối tượng để khai thác tin tức hoặc ép làm việc cho KGB. Putin đã xử dụng rất nhiều “chim én” xinh đẹp hoạt động tại các khách sạn loại sang ở Dresden, Đông Đức và nhiều thành phố khác.

Cơ quan tình báo nước Đức thống nhất hiện nay đang lo âu về mạng tình báo mà Putin thành lập trước kia khi ông ta còn làm việc ở Đông Đức mang tên chiến dịch “Mặt Trời Mọc” rất tinh vi. Người ta nghi ngờ mạng này hiện còn đang hoạt động mặc dù nước Đức đã thống nhất trên 2 thập niên qua. Chính quyền Đức đã điều tra các cựu mật vụ Đông Đức, tất cả đều khai không biết gì. Dĩ nhiên, dù có biết họ cũng không thể nói. Đó là nghề nghiệp của họ (7).

Nhiều tài liệu cho thấy 6 năm hoạt tại Đông Đức, Putin được đánh giá đạt nhiều thành quả cao, nhận được nhiều huy chương.

Thời gian tại Đông Đức [theo lời kể của ông sau này], ông đã nhận ra sự yếu kém của nền kinh tế chỉ huy của Đông Đức, có những dấu hiệu sẽ đưa đến sụp đổ. Trong khi ở chính quốc Liên Sô, ông Gorbachev đã phải thực hiện cải cách nhằm cứu vãn tình thế thì tại Đông Đức nhà độc tài Honecker vẫn áp dụng chính sách cực kỳ tàn ác.

Có nguồn tin cho rằng khi Gorbachev thực hiện chính sách cải cách, Putin có nhiệm vụ tìm kiếm những nhân vật Đông Đức có tinh thần cải cách nhằm thay thế nhà độc tài Honecker sau này.

Năm 1990, Đông Đức sụp đổ, dân chúng biểu tình chống chính quyền cộng sản khắp nơi, đuổi quân Liên Sô về nước, KGB cũng phải cuốn gói. Trước khi rời Đông Đức, Putin ra lệnh phá hủy tất cả hồ sơ bí mật của KGB trong đó có hồ sơ của ông. Có lẽ vì thế rất nhiều tin tức bí mật của Putin đã được chôn vùi.

TRỞ VỀ THÀNH PHỐ NHÀ LENINGRAD

Năm 1989, bức tường Bá Linh sụp đổ kéo theo sự tan rã của Đông Đức năm 1990. Putin về nước làm việc tại Đại học Quốc gia Leningrad phụ trách Quan hệ quốc tế. Thật ra, nhiệm vụ bí mật của Putin vẫn là nhiệm vụ của KGB theo dõi sinh viên, tuyển chọn người làm việc KGB.

Vào thời gian này, Putin không muốn thăng cấp vì không thể di chuyển gia đình vợ hai con và cha mẹ già 80 tuổi về Moscow. Putin gặp lại vị giáo sư dạy luật trước đây là Anatoly Sobchak (8), người có đầu óc dân chủ, tinh thần cởi mở cải cách cùng với Tổng Thống Gorbachev, hiện đang giữ chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân thành phố Leningrad. Sobchak mời Putin làm phụ tá đặc trách đối ngoại tại Ủy Ban.

Tháng 6 năm 1991, giáo sư Sobchak được bầu làm thị trưởng St Petersburg (được đổi tên từ Leningrad trong cuộc bầu cử này), một chức vụ dân bầu đầu tiên của thành phố sau gần 80 năm dưới ách cai trị của CS. Putin được vị giáo sư cử làm việc trong Ủy ban quốc ngoại tại văn phòng thị trưởng, với trách nhiệm tăng cường quan hệ quốc tế và đầu tư nước ngoài.

Ngày 19/8/1991, cuộc đảo chính có sự tham dự của cơ quan KGB chống lại Tổng thống Mikhail Gorbachev cuối cùng thất bại, Putin chính thức từ bỏ KGB vào ngày hôm sau 20 tháng 8 năm 1991. Cấp bậc cuối cùng trong KGB là Trung Tá. Putin kể lại sau này: “Ngay khi cuộc đảo chánh bắt đầu, tôi đã phải quyết định đứng về phía nào, dù rằng tôi đã bỏ cả cuộc đời cho tổ chức (KGB) này”.

Trong cuộc đảo chánh 19-8-1991, giáo sư Sobchak xuýt nữa bị quân đảo chánh bắt giữ. Nhờ có Putin dùng uy thế KGB đã giúp ông giáo sư an toàn, cuối cùng cuộc đảo chánh thất bại.

Có nhiều câu hỏi đặt ra cho ông Putin: ông có thật tình từ bỏ KGB hay không, hay đây chỉ là một sự biến hình theo thời thế của những nhà tình báo chuyên nghiệp. Trước tình thế thay đổi nhanh chóng, Putin kịp thời biết KGB không còn là môi trường tiến thân, nên ông ta đã nắm bắt thời cơ nhảy qua môi trường chính trị mà ông ta không hề có kinh nghiệm.

CON ĐƯỜNG CHÍNH TRỊ NHƯ DIỀU GẶP GIÓ

Putin hoàn toàn không có chút vốn liếng về chính trị. Nghề nghiệp chính của ông ta là tình báo. Tuy nhiên, vì là học trò cũ của giáo sư Sobchak, được ông Sobchak cất nhắc vào chính quyền thành phố St Petersburg, Putin hoàn toàn gặp may mắn, được đưa đẩy vào tình thế thuận lợi trong môi trường mới như diều gặp gió.

Năm 1996, giáo sư Sobchak thất cử thị trưởng Saint Petersburg, Putin không còn chỗ đứng đã phải di chuyển lên Moscow làm việc trong ban tham mưu của TT Yeltsin tại điện Kremlin. Năm 1998, Putin giữ chức Giám Đốc Cơ Quan An Ninh Quốc Gia, sau kiêm nhiệm chủ tịch Hội Đồng An Ninh tại Kremlin.

Năm 1999 Putin được TT Yeltsin đề cử giữ thủ tướng liên bang Nga thay thế thủ tướng Sergei Stepashin vì sự khác biệt của ông này về vấn đề Cheschnya. Mọi người hết sức ngạc nhiên sự xuất hiện nhân vật Putin mà cho đến nay không ai biết. Chẳng những vậy, tổng thống già yếu Yeltsin lại còn tuyên bố Putin sẽ là kế nghiệp tổng thống của ông.

Trong buổi điều trần tại quốc hội Duma ngày 16/8/1999 để nhận chức vụ thủ tướng Nga, chẳng ai biết Putin là ai, ngay cả TT Yeltsin khi giới thiệu cũng nhầm tên với ông thủ tướng cũ. Trong bài diễn văn, Putin nói rõ sự suy nghĩ của ông là phải phục hồi Liên Bang Sô Viết, nhưng chẳng ai muốn nghe ông nói. (9)

Tháng 12, 1999 bất ngờ ông Yeltsin từ chức tổng thống Nga với nhiều lý do: sức khỏe, tình trạng có thể bị truy tố vì những sai phạm trong việc điều hành… Theo hiến pháp, thủ tướng tạm thời thay thế, Putin đương nhiên trở thành tổng thống Liên Bang Nga mà không tốn một ngày tranh cử, tạo cơ hội thuận lợi cho việc ứng cử tổng thống nước Nga năm 2000.

Giáo sư Sobchak, thầy học cũ của Putin tại trường luật, đã hết lòng hỗ trợ Putin trong cuộc tranh cử tháng 3/2000, chẳng may ông qua đời ngay khi Putin vừa đắc cử. Putin cử ông Dmitry Anatolyevich Medvedev làm thủ tướng, là người từng công tác dưới quyền ông tại thành phố St Petersburg. Hai người thay phiên nhau kẻ tung người hứng nắm giữ quyền hành tổng thống và thủ tướng Liên Bang Nga.

Với sự sắp xếp với Medvedev, Putin quay lại làm thủ tướng sau hai nhiệm kỳ tổng thống, rồi trở lại nắm giữ tổng thống thêm hai nhiệm kỳ nữa. Quốc hội dưới ảnh hưởng của Putin đã thông qua nhiệm kỳ tổng thống là 6 năm. (10).

CHÙ TRƯƠNG CỦA PUTIN

Putin luôn luôn hoài tưởng chế độ Liên Sô, phục hồi những hình thức của Liên Sô, cho phép những biểu tượng Liên Sô tái xuất hiện: Cờ Đỏ của Hồng Quân, ngôi sao Sô Viết, Quốc Ca Liên Sô (sửa lời đôi chút)… Điều này cho thấy bài diễn văn của ông lúc nhận thủ tướng đã ứng nghiệm.

Putin dùng thủ đoạn nắm giữ quyền lực tuyệt đối xuyên qua hình thức dân chủ (có bầu cử, có đối lập, nhưng khống chế bằng thủ đoạn), Putin nắm giữ hai viện quốc hội, kiểm soát toàn bộ hành pháp và tư pháp, kiểm soát các cơ quan truyền thông, tập trung vào điện Kremlin, đánh bóng lãnh tụ, triệt hạ đối lập, khống chế tòa án, quốc hội, quân đội, cơ quan tình báo..

Với vây cánh cũ trong KGB, cộng với vốn liếng luật pháp học được tại trường luật, cùng với thủ thuật chính trị từ giáo sư Sobchak, Putin dễ dàng nắm giữ trọn quyền lực quốc gia trong tay, loại trừ những phần tử đối lập.

Lợi dụng biến có 11 tháng 9 tại Hoa Kỳ, Putin rất tàn bạo giải quyết vụ Chestnya, tạo được uy thế trong nước. Putin lôi kéo các nước thuộc Liên Sô cũ trở thành liên minh của Nga, tạo vòng đai bảo vệ Nga, dùng lá bài năng lượng (khí đốt) để bắt chẹt các nước láng giềng, các nước Liên Âu. Putin luôn luôn chống lại liên minh NATO mà ông cho là đang bao vây nước Nga. Chiến lược ngoại giao của ông tóm tắt vào câu: “Rào chặt tường rào, bảo vệ sân sau” (11).

CÁI GAI UKRAINE

Nước Ukraine độc lập tách khỏi Liên Bang Nga, đi gần với Âu Châu, là cái gai cần phải nhổ, ý định của Putin sáp nhập Ukraine vào Liên Bang Nga không sớm thì muộn.

Ukraine từng bị lệ thuộc Nga trên 300 năm. Bán đảo Crimea được chính quyền Liên Sô lúc đó là do Kruchev lãnh đạo cho sáp nhập vào Ukraine năm 1954, lúc đó Ukraine là một cộng hòa của Liên Sô.

Năm 1991: Ukraine tuyên bố độc lập thoát khỏi Liên Bang Nga sau khi Liên Sô tan rã.

Năm 2004, cách mạng Cam bùng nổ ở Ukraine lật đổ lãnh tụ thân Nga Viktor Yanukovych thắng cử tổng thống trong cuộc bầu cử bị tố cáo là gian lận. Ông Viktor Yushchenko, lãnh tụ đối lập đã dẫn đầu cuộc biểu tình vĩ đại.Tòa án tối cao hủy bỏ kết quả bầu cử, ra lệnh phải bầu lại. Cuối cùng Yanukovych chấp nhận thua, Yushchendo đắc cử tổng thống.

Năm 2010, Viktor Yanukovych (thân Nga) lại đắc cử tổng thống khi ứng cử viên đối nghịch là bà thủ tướng Yulia Tymoshenko bị bắt vì tội lạm dụng quyền lực, bị kết án tù tháng 10, 2011, mới được thả năm 2014 sau cuộc chính biến.

Người dân Ukraine không muốn lệ thuộc vào Nga, tìm cách gia nhập Liên Âu. Putin không chấp nhận, dùng mưu mẹo hứa sẽ viện trợ 15 tỉ mỹ kim cho Ukraine. Tổng thống thân Nga Viktor Yanukovych bất ngờ hủy bỏ ký kết gia nhập Liên Âu tháng 11, 2013 dẫn đến cuộc chính biến lật đổ ông này.

Thấy mọi kế hoạch không theo ý mình, Putin đã động binh xâm chiếm bán đảo Crimea, bất chấp hiến pháp của Ukraine, luật pháp quốc tế, và sự phản đối của thế giới. Hội Đồng Bảo An LHQ lên án việc sáp nhập này với 11 phiếu thuận, Nga bỏ phiếu chống, Trung Cộng bỏ phiếu trắng.

Với lý do bảo vệ kiều dân Nga, Putin đưa quân vào chiếm bán đảo Crimea, rồi “thể theo ý nguyện của người dân gốc Nga” tại Crimea Putin tuyên bố Crimea là lãnh thổ không thể tách rời của Nga (ngày 18-3-2014).

Các nước Tây Phương hụt hẫng không ngờ Putin lại hành động như một thế giới thời Trung Cổ, xem thường luật pháp quốc tế, bất kể hậu quả chính trị và kinh tế. G8 nay biến thành G7, Nga bị loại ngay ở thượng tầng thế giới, một sự nhục nhã. Kinh tế Nga bắt đầu suy sụp khi bộ máy kinh tế tài chánh toàn cầu bao vây cấm vận Nga, các chuyên viên kinh tế tài chánh Nga đã báo động. Ngày 27 tháng 3, 2014, Đại Hội Đồng Liên Hiệp bỏ phiếu chấp nhận một nghị quyết do Ukraine đệ trình lên án việc Nga sáp nhập Crimea vào Liên Bang Nga là bất hợp pháp với 100 phiếu thuận, 11 phiếu chống, 58 phiếu trắng cho thấy Nga đang ở thế hạ phong. (12)

Putin muốn đưa thế giới trở về chiến tranh lạnh (?), hoặc một thế chiến thứ ba (?). Trước đây Liên Sô ở thế mạnh với sự hậu thuẫn của khối Đông Âu, Trung Cộng.. Toàn khối Cộng sản chiếm phân nửa toàn cầu, trong lúc thế giới tự do còn nhiều yếu kém.

Putin tin rằng sở dĩ Liên Sô sụp đổ vì sự bao vây của Tây Phương, nên nếu cải tổ đúng cách có thể phục hồi Liên Bang Nga kiểu Sô Viết. Ông có nghĩ rằng chính chủ nghĩa cộng sản đã tự hủy hoại, bộ máy cai trị độc tài toàn trị khiến người dân chống lại cuối cùng lật đổ chế độ.

Nay thì bàn cờ đã thay đổi. Nga không còn một đồng minh nào dám sống chết, kinh tế suy yếu, chẳng có quốc gia nào muốn làm bạn với một nước ở thế yếu cả về chính trị lẫn kinh tế, bị cô lập toàn diện, trong một thế giới đang siết chặt tay nhau xây dựng hòa bình, thúc đẩy dân chủ, tự do, tạo phúc lợi cho người dân đang trên đà dâng cao.

Ván cờ mà Putin bày ra sẽ ngã ngũ. Putin dùng thủ thuật KGB để đạt đỉnh cao danh vọng chính trị, nhưng ông ta không ngờ bàn cờ chính trị quốc tế không phải là địa bàn nước Nga, không còn lệ thuộc vào thủ thuật của KGB mà ông là một biểu tượng gương mẫu. Putin không lừa dối được ai, tham vọng và tài năng của Putin chưa đủ tầm vóc như Lê Nin, Staline, Hitler hoặc Mao Trạch Đông là những nhà độc tài khét tiếng, có thể khuynh đảo và biến thế giới thành địa ngục trần gian.

Rồi đây nước Nga của Putin sẽ phải trả giá rất đắt.

BS Đỗ Văn Hội
Ngày 29 Tháng 3, 2014
Hiệu đính ngày 30-3-2014.


Tác giả gửi trực tiếp đến VANGANH.INFO

SÁCH BÁO THAM KHẢO:

1- Putin - sự trỗi dậy của một người – NXB Tự Điển Bách Khoa – Hà Nội – Tác giả Trương Dự, Hồng Phượng dịch – 2008.

2- Putin: Russia’s Choice – Richard Sakwa – NXB Routledge, NY, 2008 2nd Edition

3- Vladimir Putin: Wikipedia, the free encyclopedia http://en.wikipedia.org/wiki/Vladimir_Putin

4- Putin’s Career Rooted in Russia’s KGB – David Hoffman – Washington Post Jan 30, 2000:

5- Beyond Ukraine – Russia’s Imperial Mess, by Spiegel Staff – March 10, 2014

Chú thích:

(1) Viết tắt của chữ Komitet gosudarstvennoy bezopasnosti, là cơ quan tình báo của Liên Sô, thành lập năm 1954, giải tán năm 1991, là tiếp nối của các cơ quan tình báo Cheka, NKGB, and MGB của Liên Sô.

(2) Trước đây có tên là St. Petersburg, đổi thành St Petersburg sau khi Liên Sô sụp đổ.

(3) Putin: sự trỗi dậy của một con người (Sách tham khảo 1, tr 19)

(4) Sđd (3) tr. 39

(5) sđd (3) tr. 40

(6) Sđd (3) tr. 44

(7) Sđd (3) tr. 46.

(8) Theo Wikipedia: “Giáo sư luật khoa Anatoly Sobchak (1937-2000), một nhà hoạt động chính trị, đồng tác giả của Hiến pháp 1993 của Liên bang Nga, là thị trưởng do dân cử đầu tiên của thành phố Saint Petersburg, thành viên của Hội đồng Tổng thống Yeltsin, là cố vấn và thầy dạy của Vladimir Putin và Dmitry Medvedev.”

(9): Vladimir Putin: The rebuilding of “Soviet” Russia – Oliver Bullough - BBC Magazine, March 27, 2014.

(10) Nếu giáo sư Sobchak không qua đời sớm, cuộc đời và sự nghiệp của Putin có lẽ khác với hiện nay. Ông Sobchak có ý định biến Putin thành một người có tinh thần dân chủ. Ông hết lòng giúp Putin tranh cử tổng thống Nga năm 2000, chẳng may ông đã qua đời khi ông Putin vừa đắc cử Tổng Thống. Cái chết của vị giáo sư đã nêu nhiều nghi vấn có thể bị ám sát. Theo:

(11) Chiến Lược ngoại giao của PUTIN

Khi Liên Sô sụp đổ ngày 25/12/1991, Nga mất đi nhiều quốc gia chư hầu từng làm lá chắn bảo vệ Nga. Đó là những nước nằm trong Cộng Hòa Xã Hội Hội Liên Bang Nga năm 1922 do Lê nin thành lập, sau này được đổi thành Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Liên Bang Sô Viết, tăng cường thêm vào thế chiến thứ hai.

Khởi đầu Liên Sô bao gồm các nước được gọi là các Công Hòa XHCN:

Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Sô viết Liên bang Nga, Azerbaijan, ArmeniaGruzia;

Năm 1940 – thêm Moldavia, Latvia, Litva (lithuania) và Estonia.

Trong thời kỳ 1940 – 1954 Karelia-Phần Lan, về sau là Tự trị Karelia, nằm trong Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Sô viết Liên bang Nga.

Sau khi Sô Viết sụp đổ, Liên Bang Nga chỉ còn lại 15 nước được gọi là Cộng Hòa Độc Lập, trong đó Liên Bang Nga là lớn nhất:

Loại 1: Cộng đồng các Quốc Gia độc lập bao gồm các quốc gia trước đây nằm trong Liên Sô, nay trở thành độc lập nhưng vẫn giữ quan hệ chặt chẽ với Nga được thành lập ngày 11/10/2000

Nga dùng khối này thay thế cho khối Liên Sô trước kia nhằm đối trọng với Tây Phương, làm lá chắn cho Nga. 1, Armenia – 3, Belarus – 6, Kazakhstan – 7, Kergyzstan – 12, Tajikistan.

Loại 2: Lừng khừng, muốn tách khỏi Nga hoặc chống Nga và theo Tây Phương: (GAM): 2, Azerbaijan - 5, Gruzia - 10, Moldova – 14, Ukraine.

(12) Xem nguồn New York Times:  Vote by U.N. General Assembly Isolates Russia

Xem bản đồ. (G​hi chú: đl = độc lập)

Các quốc gia từng thuộc Liên Xô theo thứ tự bảng chữ cái Latinh #1 Armenia #2 Azerbaijan #3 Belarus #4 Estonia #5 Gruzia #6 Kazakhstan #7 Kyrgyzstan #8 Latvia #9 Litva #10 Moldova #11 Nga #12 Tajikistan #13 Turkmenistan #14 Ukraina #15 Uzbekistan
Bản đố các quốc gia từng lệ thuộc Liên Sô theo thứ tự bảng chữ cái Latinh:

#1 Armenia; #2 Azerbaijan; #3 Belarus; #4 Estonia; #5 Gruzia; #6 Kazakhstan; #7 Kyrgyzstan; #8 Latvia;

#9 Litva (Lithuania); #10 Moldova; #11 Nga; #12 Tajikistan; #13 Turkmenistan; #14 Ukraine; #15 Uzbekistan.

(Nguồn bản đồ: Các Quốc Gia Hậu Sô Viết, Wikipedia)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad