|
Kì này, mời bạn đọc đến thăm “Vườn hoa phố Thường vụ” nằm ngay Khu Trung tâm Thương mại (TTTM) thành phố Bến Tre của hàng chục “quan tri phủ” hầu hết là Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bến Tre. Nhiều năm nay người dân địa phương và cán bộ lão thành, cán bộ nghỉ hưu ở đây bức xúc về quá nhiều dinh thự của “Tập đoàn quan tỉnh” tại khu vực chợ TTTM của thành phố chiếm đất, làm nhà lầu mặt tiền thông thoáng làm của riêng rồi cho thuê hoặc đem bán giá cao thu lợi lớn. Đi đầu “phong trào” này là ông Huỳnh Văn Be (Ba Phương Hùng), cựu Ủy viên Trung ương Đảng, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre. Gia đình ông đã có “dinh thự” tọa lạc trong khu đất vườn rộng hàng chục nghìn mét vuông nằm cạnh con sông gió lộng tứ bề. Hằng ngày, ông tự lái xe hơi đi ăn sáng, uống cà-phê, dạo mát. Con trai ông, lúc mới là Trung úy Quân đội cũng được cấp hàng nghìn mét vuông đất mặt tiền đường Nguyễn Thị Định, phường Phú Khương, thành phố Bến Tre để xây dinh thự riêng. Khu đất này có nguồn gốc của một gia đình 11 nhà giáo nghèo, từng quyên góp tiền của, nuôi giấu cán bộ cách mạng trong kháng chiến chống Mỹ (Báo Người cao tuổi đăng loạt bài “Chuyện về những ngôi mộ đầy nước mắt” phản ánh về khu đất này). Theo quy định của pháp luật thì khu đất đó phải trả lại cho chủ cũ, nhưng ông Huỳnh Văn Be kiên quyết không trả, thu vén cho riêng mình. Trên khu đất này, ông Trần Văn Truyền cũng được cấp 300m2 đất mặt tiền. Sau khi Ủy ban Kiểm tra Trung ương yêu cầu ông Truyền trả lại thì ông đòi lại tiền đổ đất san lấp mặt bằng quá lớn nên tỉnh không đáp ứng. Hiện nay, con trai ông Truyền đang mở doanh nghiệp: Nhà phân phối độc quyền bia Sài Gòn mang tên DNTN Trần Anh Dũng. Ông Be còn chiếm dụng một căn nhà lầu mặt tiền đường Nguyễn Trãi, phường 2, thành phố Bến Tre và hợp thức hóa bằng sự “mua bán nhà theo Nghị định 61/CP”. Căn nhà này gia đình ông Huỳnh Văn Bé không sử dụng mà cho hiệu sách Minh Châu thuê. Vợ ông Be chỉ làm nội trợ cũng được chồng thu xếp cho đi gần 30 chuyến bay vi vu nhiều nước trên thế giới, phần lớn là các doanh nghiệp “mời”. Nhiều cán bộ lão thành ở Bến Tre rất bức xúc về chuyện ông Huỳnh Văn Be được phong tặng danh hiệu “Anh hùng LLVT nhân dân” mà ngay cả nhiều thành viên trong Hội đồng Thi đua – Khen thưởng của tỉnh cũng không biết về thành tích của ông?
|
Ông Trần Công Ngữ (Bảy Hoàng), cựu Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre đã có nhà và đất ở rộng rãi, nhưng cũng được “bán rẻ” một căn nhà lầu hai mặt tiền nằm ngay ngã tư đường Chi Lăng – Nguyễn Du thuộc phường 2, kế bên TTTM. Do không có nhu cầu ở nên ông Hoàng đã bán thu lợi 7 tỉ đồng. Các trường hợp còn lại như ông Trần Văn Cồn, cựu Phó Bí thư Tỉnh ủy; ông Phan Văn Láng, cựu Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy; ông Nguyễn Thái Xây (Chín Tâm), cựu Chủ tịch UBND tỉnh; ông Lê Văn Sang (Tư Sang), cựu Giám đốc Công an tỉnh; ông Nguyễn Văn Tuấn, hiện là Phó Chủ tịch UBND tỉnh; ông Hồ Quốc Việt, Giám đốc Công an tỉnh đều là những thành viên được làm giàu theo gương ông Huỳnh Văn Be. Hàng chục căn nhà lầu nằm ở vị trí đắc địa mặt tiền đường, xoay quanh khu TTTM thành phố Bến Tre được “bán rẻ” cho “Tập đoàn quan tỉnh” này mà tất cả họ đã có nhiều nhà lầu, xe hơi. Vì không có nhu cầu sử dụng nên các quan đem cho thuê hoặc bán. Ai thắc mắc được giải thích rằng, nhà của các ông Thường vụ Tỉnh ủy được bán hóa giá có giấy tờ rõ ràng. Song Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh Bến Tre chủ trương đưa số nhà nằm ở vị trí sinh lợi này ra bán đấu giá nhưng vô hiệu. Còn Nghị định 61/CP chỉ cho phép bán hóa giá nhà do Nhà nước quản lí với những hộ đang trực tiếp thuê và sử dụng mà không có nhà ở. Vậy mà Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bến Tre thì bán hóa giá theo kiểu lật ngược Nghị định 61/CP của Chính phủ. Trường hợp của ông Trần Công Ngữ (Bảy Hoàng) được bán hóa giá 180 triệu đồng ông đem bán được 7 tỉ đồng. Rõ ràng là kinh doanh kiểu “Thường vụ” là một vốn bốn nghìn lời?
Người dân địa phương bức xúc hàng chục năm nay, họ dùng những cụm từ tục tĩu mà Báo Người cao tuổi không thể đưa lên mặt báo về trường hợp ông Hồ Quốc Việt (Tám Quốc Việt), Giám đốc Công an tỉnh, tuy đã được bán hóa giá nhà tại khu vực TTTM nhưng khi thấy 47 suất đất nằm cạnh Dự án xây dựng Trụ sở Công an tỉnh, theo chủ trương của tỉnh, số nền nhà này dành cho những cán bộ, chiến sĩ chưa có nhà ở đang công tác trong ngành Công an. Vậy mà ông Việt đề xuất chủ trương bán giá cao. Số cán bộ nghèo không có tiền mua bó tay, ông Hồ Quốc Việt mượn tên nhiều người trong ngành mua 6 suất với diện tích hơn 1.000m2 nằm ở vị trí đắc địa ba mặt tiền. Căn biệt thự hoành tráng của ông Việt mọc lên, hiện giữ ngôi “Á hậu” (đứng sau biệt dinh của ông Trần Văn Truyền). Trong quá trình xây dựng ông còn lấn chiếm luôn con đường thoát hiểm của dân. Theo “Bản tường thuật” ngày 19/12/2013 gửi Ban Nội chính Trung ương của bà Lê Thị Kim Nuống, thường trú tại 196C, đường Phan Đình Phùng, phường Phú Khương, thành phố Bến Tre (công tác tại Sở Tài chính) cho thấy, khi gia đình ông Việt rao bán căn nhà trong “Vườn phố Thường vụ” với giá 3,5 tỉ đồng. Bà Nuống đồng ý mua và đã trả trước cho bà Phạm Thị Hồng (Nhiển) 300 chỉ vàng SJC (bà Hồng là vợ ông Việt). Số vàng này bà Nuống và bà Hồng cùng đến Chi nhánh Ngân hàng Sacombank gửi và để bà Hồng đứng tên chủ tài khoản. Đến 2010 thì phát sinh thêm lãi 3 chỉ vàng SJC. Ngoài ra, bà Hồng còn mượn bà Nuống 5 hạt xoàn. Trong đó có 4 hạt, mỗi hạt 4 li 5 và một hạt 5 li 4. Đầu năm 2011, ông Việt trở mặt là không bán nhà cho bà Nuống nữa mà chủ yếu để hợp thức hóa số tiền khổng lồ xây biệt thự mới là do nguồn bán căn nhà ở trung tâm thành phố cho bà Nuống. Kể từ đó, rất nhiều lần bà Nuống đòi vợ chồng ông Việt trả lại 303 chỉ vàng SJC và 05 hạt xoàn nhưng đến nay vợ chồng ông Hồ Quốc Việt, Giám đốc Công an tỉnh Bến Tre vẫn không chịu trả. Theo thư gửi lãnh đạo cấp trên của một vị từng là Phó Giám đốc Công an tỉnh cho biết, có một cán bộ xin vợ chồng ông Việt đăng kí biển 3 số xe đẹp phải nộp cho vợ ông 90 triệu đồng. Năm 2013, Báo Người cao tuổi đăng nhiều vụ giết người, nhưng bọn tội phạm không bị khởi tố. Ông Hồ Quốc Việt còn kí công văn gửi Tổng Biên tập Báo Người cao tuổi và các cơ quan ở Trung ương có nội dung bao che, dung túng cho những kẻ phạm tội nghiêm trọng ở tỉnh Bến Tre.
Theo các vị cán bộ lão thành, cán bộ về hưu và nhân dân địa phương thì việc “hiến kế” tạo nên “Vườn phố Thường vụ” gây băng hoại phẩm chất đạo đức một bộ phận cán bộ cao cấp ở tỉnh Bến Tre, làm giảm sút ý chí đối với tầng lớp cán bộ hiện nay, gây mất niềm tin nghiêm trọng trong nhân dân đối với uy tín, danh dự và sự lãnh đạo của Đảng bộ địa phương, tạo nên bất công xã hội. Tuy vậy đã hai lần Ủy ban Kiểm tra Trung ương cử hai ông Trần Hồng Thám và Lê Hồng Liêm vào kiểm tra tại tỉnh Bến Tre, theo đơn thư, song kết quả “Vườn phố Thường vụ” không những không giải quyết được gì mà ngày càng được sum suê và mở rộng thêm, hoành tráng thêm. Các vị Thường vụ dành bổng lộc đã về hưu và cả đương nhiệm ở Bến Tre vẫn vênh vang, tự mãn, kiêu hãnh với khối tài sản khổng lồ của mình.
Bài và ảnh Trường Sơn – Đức Hoàng
Theo báo Người Cao Tuổi
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét