Chuẩn bị thùng phiếu tại một điểm bỏ phiếu ở Kiev, Ukraina hôm 24/5/2014. |
Khó đoán ai thắng ai bại
Nếu những cuộc thăm dò được các trường đại học và những cơ sở truyền truyền thông Ukraine thực hiện hồi đầu tuần là đúng, tối mai người dân quốc gia Đông Âu này sẽ có tân tổng thống. Người được chọn là ông Petro Poroshenko, một chính trị gia quen thuộc của chính trường quốc gia, từng giữ nhiều vi trí quan trọng như ngoại trưởng, điều khiển bộ thương mại, giữ vị trí chủ tịch hội đồng ngân hàng quốc gia, đồng thời cũng là một trong những nhà kinh doanh thành công -ông làm chủ cơ xưởng sản xuất bành kẹo lớn nhất nước, mang biệt danh “ông vua chocolat (Chocolat King)-, và nhiều người còn đặt tên cho ông là “ông ngọt ngào” (Mr. Sweet).
Nhưng cũng nếu những cuộc thăm dò vừa được thực hiện ít giờ đồng hồ trước đây là đúng, cuộc bầu cử diễn ra vào ngày Chủ Nhật tới đây ở Ukarine sẽ kết thúc mà không có ứng viên nào có được trên 50% tổng số phiếu của cử tri để trở thành người lãnh đạo quốc gia. Chiều thứ Sáu, thông cáo của nhóm Nghiên Cứu Bầu Cử Quốc Gia Ukraine cho biết số phiếu cử tri dành cho ông Poroshenko hiện chỉ còn 43.4%, về nhì là bà Cựu Thủ Tướng Yulia Tymoshenko với 13.9%, đứng thứ 3 là ông Serhyi Tihipko, người từng bỏ nhiều năm trời chỉ để vận động cho ghế tổng thống và chưa hề có cơ hội thành công. Ông này từng ra tranh cử tổng thống hồi 2010, trước đó cũng giữ những chức vụ quan trọng như phó thủ tướng đặc trách xã hội, làm thống đốc ngân hàng quốc gia và điều khiển bộ kinh tế.
Tổng cộng có 21 ứng cử viên ghi danh dự cuộc tranh cử lần này, con số “không ít nhưng cũng chẳng phải là nhiều”, theo nhà báo Katya Gorchinskaya chuyên viết tin chính trị cho tờ KyivPost. Nhà báo nổi tiếng này cho biết Ukraine là một quốc gia có rất nhiều đảng phái, thành thử “mỗi kỳ tranh cử là mỗi lần các đảng phái chính trị nắm bắt cơ hội để giới thiệu với cử tri”, vì thế điểm đặc biệt của cuộc tranh cử tổng thống 2014 “không phải là chuyện có nhiều ứng cử viên” mà “nên chú ý trong 21 người ghi danh, có tới 10 người ra tranh cử với tư cách độc lập hoặc tự đề cử”, tức không lệ thuộc vào bất kỳ một đảng phái chính trị nào của quốc gia. Điều đó cũng có nghĩa là đảng phái không phải là yếu tố dẫn đến thắng bại, vì người dân Ukarine đang chú ý đến “cá nhân của từng ứng cử viên”.
“Với tôi, chuyện thắng ai bại vẫn là điều thật khó đoán”, cô Oleksandra, nhân viên của một ngân hàng ở trung tâm thủ đô Kiev đưa ra nhận xét của mình. “Có 21 ứng cử viên, nhưng chỉ có vài ba người được chú ý đến thôi. Chuyện đảng phái hay tranh cử với tư cách cá nhân, độc lập, chẳng phải là chuyện quan trọng, điều chúng tôi đang cần là một nhà lãnh đạo biết cách đưa quốc gia ra khỏi sóng gió, biết trách nhiệm, biết cách vượt qua thử thách”. Những đòi hỏi nặng nề này “khiến tôi từng có lúc nói với bạn bè rằng chẳng hiểu vì sao vẫn có người muốn ra tranh cử, được thì chẳng thấy được gì cả, chỉ thấy toàn những chuyện nhức đầu cần phải giải quyết thôi”.
|
Không chỉ trong sạch không thôi, “nhà lãnh đạo mới của Ukraine phải là người của quốc gia, không thể là người có lập trường thân Nga được”, cô sinh viên Alina vừa đi học vừa đi làm full-time nhấn mạnh ở câu chữ “không được thân Nga” trước khi đưa ra quan điểm cá nhân về người có triển vọng nhất ở cuộc bầu cử vào ngày Chủ Nhật tới đây. “Tôi nói chuyện với bạn bè, ai ai cũng tin ông Poroshenko sẽ thắng cử, nhưng không biết lập trường của ông ta như thế nào”. Lý do cô đưa ra: “ông ta là một nhà tỷ phú, ông ta có liên hệ làm ăn chặt chẽ với Nga, có rất nhiều cơ xưởng, công ty ở Crimea, đó cũng là điều khiến tôi phải cân nhắc”. “Cho đến bây giờ”, cô sinh viên này nói vẫn chưa quyết định bỏ phiếu cho ai cả, có lẽ cuối cùng cô sẽ chọn một người “mà tôi nghĩ là ít tệ nhất”, vì trong số những người ra tranh cử lần này “chưa có ai thật sự xứng đáng để nhận lá phiếu của tôi”, cho dù “chắc chắn tôi sẽ đi bầu” dù chỉ để “chọn người ít tệ nhất” trong số những người được cô xem là “quá tệ”.
Vấn đề Crimea
Crimea cũng là một trong những vấn đề được cử tri Ukraine cân nhắc đắn đo trước khi đi bầu. Tất cả các ứng cử viên đều nói vẫn còn cơ hội để lấy Crimea về lại cho Ukraine, nhưng cũng theo lời những người đang dốc hết sức lực vận động kiếm phiếu cua cứ tri, điều quan trọng nhất phải làm ngay là “tạo dựng đoàn kết, xây dựng một quốc gia thật vững mạnh trước khi tính đến chuyện lấy lại phần đất đã mất về tay Nga”. Trong những cuộc thảo luận dân chủ diễn ra trên đường phố của thủ đô Kiev, những cử tri Ukraine tham gia đưa ra những ý kiến khác nhau, có người cho rằng “một quốc gia Ukraine giầu có sẽ là cái mồi để câu Crimea trở về với mình”, một vài người khác tin rằng chuyện sẽ xày ra “nếu Ukraine có đời sống sung túc hơn Crimea”, và cũng có người tự tin hơn, nói “sớm muộn gì cũng sẽ có lại Crimea” nhưng với điều kiện “ông Putin không còn làm Tổng Thống Nga”.
Một chuyện bên lề khá thú vị liên quan đến cảm tình người dân Ukraine dành cho bà Cựu Thủ Tướng Yulia Tymoshenko. Trên chuyến bay đến Kiev và sau 2 ngày có mặt tại thành phố này, cánh nhà báo ngoại quốc đến đây đưa tin về bầu cử có dịp tiếp xúc với rất nhiều người người để hỏi câu liệu bà có hy vọng trở thành tổng thống hay không. Ít nhất 90% những người được hỏi đều nói “bà ta đã có cơ hội điều khiển chính phủ và không làm được điều gì hay ho cả”, số người nói bà Cựu Thủ Tướng của họ “xinh đẹp, mái tóc thắt bím đã trở thành biểu tượng đặc biệt của quốc gia” nhưng “bà ta có cái đẹp của một tài tử xi-nê, chứ không có cái thông minh và tài ba của một nhà lãnh đạo”.
Một chuyện thú vị khác: báo chí Nga và Ukraine đều đưa tin nói những cư dân miền Tây Ukraine là lực lượng chủ động, quyết định kết quả cuộc bầu cử tổng thống, nhưng cả ông Petro Poroshenko lẫn bà Yulia Tymoshenko đều là người sinh trưởng ở miền Đông Nam, nơi một số đông dân cư chủ trương thân Nga. Đã thế, theo những nhà báo ở Kiev, cả ông Petro lẫn bà Yulia đều sử dụng tiếng Nga ở nhà cũng như khi nói chuyện với người thân, chỉ nói tiếng Ukraine khi tiếp xúc với cử tri để kiếm phiếu hay khi thảo luận trước công chúng về những vấn đề mang tính chính trị của quốc gia.
Về chuyện ngôn ngữ, hỏi thăm các đồng nghiệp Ukraine mới biết tất cả 21 ứng cử viên đều ủng hộ chuyện tiếng Ukraine “bắt buộc” phải là tiếng nói chính thức của quốc gia, nhưng ở những khu vực có đông người gốc Nga cư ngụ, tiếng Nga sẽ được dùng “như một ngôn ngữ” trên giấy tờ giao dịch ở các công sở. Nhưng nghe đâu ngày mai khi các phòng phiếu mở cửa, lá phiếu cử tri cầm trong tay chỉ được in bằng tiếng Ukarine chứ không có tiếng Nga.
Nguyễn Khanh
Theo RFA
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét